Xu hướng du lịch thực tế ảo tại Việt Nam

Đề tài Xu hướng du lịch thực tế ảo tại Việt Nam do ThS. Phạm Thị Thùy Linh (Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thời gian giãn cách và sự thu hẹp chi tiêu của người dân. Trong bối cảnh đó,  du lịch thực tế ảo (VR) đã mang đến giải pháp cho ngành Du lịch. Các báo cáo và nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hoạt động tăng cường trong du lịch VR. Bài viết đưa ra xu hướng phát triển của hình thức du lịch này trên thế giới và tại Việt Nam và các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của hình thức du lịch mới này.

Từ khóa: du lịch, du lịch thực tế ảo, du khách, Việt Nam.

1. Tổng quan nghiên cứu về du lịch thực tế ảo trên thế giới

Du lịch thực tế ảo (VR) (M. J. Kim và cộng sự, 2020), còn được gọi là “du lịch VR”, là phương thức du lịch dựa trên công nghệ, cung cấp cho khách du lịch trải nghiệm ảo thông qua môi trường ba chiều được tạo bằng công nghệ máy tính (Guttentag, 2010). Du lịch VR cho phép khách du lịch trải nghiệm một điểm đến hầu như không cần phải di chuyển đến địa điểm đó. Đồng thời, nó mang đến sự tham gia cảm giác chân thực, thực tế và chân thực cho khách du lịch (Gibson & O'Rawe, Cites, 2018; Mura và cộng sự, 2017). VR dựa trên môi trường mô phỏng và tương tác được thúc đẩy bởi sự tham gia tích cực của khách du lịch (Lee và cộng sự, 2021). Nó sử dụng công nghệ ba chiều (3D) bao gồm hình ảnh, động học và âm thanh để cung cấp cho khách du lịch trải nghiệm về một vật thể thực (Williams & Hobson, 1995). Các tài liệu trước đây đã thảo luận chi tiết về du lịch VR, đi sâu vào những trải nghiệm mà VR mang lại để phân biệt giữa VR hoàn toàn, bán chìm và không nhập vai, như Beck và cộng sự đã lưu ý (2019). Những trải nghiệm VR này được cung cấp thông qua các ứng dụng và được xem qua các thiết bị phần cứng, chẳng hạn như Google Cardboard, Oculus của Facebook hoặc PlayStation của Sony. Một số trải nghiệm du lịch có thể được cung cấp thông qua VR bao gồm các chuyến đi liên hành tinh, các chuyến đi vào thế giới giả tưởng, tham quan công viên giải trí và các sự kiện thể thao (Dewailly, 1999).

Trải nghiệm dùng thử VR đã được sử dụng như một công cụ để tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến du lịch (Bogicevic và cộng sự, 2019; Wei và cộng sự, 2019; Yung & Khoo-Lattimore, 2019). Gần đây, việc áp dụng và sử dụng du lịch VR trong lĩnh vực du lịch và khách sạn đã tăng lên, với nhiều thương hiệu quốc tế, bao gồm Airbnb, Carlson và Hilton, sử dụng nó như một công cụ tiếp thị (Ting, 2016). Mặc dù du lịch VR đã được sử dụng thành công như một công cụ tiếp thị, nhưng mức độ liên quan và hữu ích của nó còn tăng hơn nữa do đại dịch Covid-19 (Chinazzi và cộng sự, 2020). Các biện pháp kiểm soát vệ sinh do các chính phủ trên khắp thế giới đưa ra đã hạn chế việc đi lại và du lịch, khiến các cá nhân phải theo đuổi trải nghiệm du lịch thông qua công nghệ VR (Rogers, Citation 2020). Các học giả dự đoán du lịch VR dưới một góc nhìn mới, cho thấy, yêu cầu giãn cách xã hội để bảo vệ bản thân khỏi bị lây nhiễm đã ảnh hưởng tích cực đến mong muốn du lịch không chạm kể từ khi đại dịch bắt đầu (Serra & Leong, 2020). Buglar (2020) nhận thấy, số lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng cho “các chuyến tham quan thực tế ảo” đã tăng đáng kể từ 775 lượt tìm kiếm vào tháng 2/2020 lên 4.561 lượt tìm kiếm vào tháng 3/2020 - mức tăng đáng kinh ngạc là 488%. Vương quốc Anh (UK) chứng kiến lượng tìm kiếm tăng gấp 3 lần từ tháng 2 đến tháng 3/2020 trong khi Mỹ chứng kiến mức tăng gần 4 lần trong cùng thời gian. Một số tập đoàn lớn tại Mỹ đã ứng dụng công nghệ này như tập đoàn khách sạn Marriott Karen Olivares triển khai thí điểm dịch vụ du lịch ảo sử dụng kính Oculus Rift ở một số khách sạn Mỹ nhằm thu hút một lượng lớn khách du lịch yêu thích khám phá những trải nghiệm mới lạ. Và đây cũng là một trong những bước đi tiếp cận với thế hệ khách du lịch mới của tập đoàn này. Hay gần đây nhất là Thomas Cook, Qantas Airways và Destination BC (Anh) đã quyết định chung tay đầu tư xây dựng một ứng dụng du lịch thế giới cho người đam mê cả thực tế ảo và du lịch. Dịch vụ này đã nhanh chóng trở thành cơn sốt và đem lại doanh thu lớn cho các công ty này.

2. Ứng dụng công nghệ ảo trong du lịch tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, du lịch thực tế ảo tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng. Nhờ vào sự lan truyền của internet và công nghệ di động, sự phổ biến của các thiết bị VR như kính VR và bộ điều khiển chuyển động đã đưa VR trở nên dễ tiếp cận hơn và thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách. Nhiều doanh nghiệp du lịch và công ty công nghệ đã đầu tư vào việc phát triển các trung tâm trải nghiệm VR tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang.

Ví dụ tại Hà Nội, đã có 27 điểm đến trên địa bàn thành phố triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh. Các điểm đến như di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Hoàng thành Thăng Long… hiện nay đều đã áp dụng hệ thống QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý du khách… Qua đó nâng cao năng lực quản trị của đơn vị hoặc ứng dụng các công nghệ mới như VR 360, 3D, Flycam, Mapping… để gia tăng lượng khách du lịch ảo. Fanpage Không gian văn hóa Quốc Tử Giám xưa đã được thiết lập với nhiều hình ảnh sinh động giới thiệu về lịch sử thi cử, khoa bảng ngày xưa, cũng như những hiện vật đang trưng bày. Đây là hoạt động mới để tương tác với nhiều người dùng trên mạng xã hội của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR Code (mã vạch hai chiều) cho hơn 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR Code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại những thông tin cơ bản về hiện vật đó. Cũng áp dụng công nghệ vào hoạt động, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức triển lãm, trưng bày trực tuyến tại trang web: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn và giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước. Theo đánh giá chung của cơ quản lý điểm di tích này, phương thức trên bước đầu được khá nhiều du khách quan tâm, truy cập vào trang trưng bày trực tuyến để tìm hiểu các cuộc trưng bày, tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long trong thời gian qua. Hay như tại Làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), việc ứng dụng công nghệ VR 3D đã giúp du khách tham quan làng nghề và hòa mình vào lễ hội làng với đầy đủ các phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua trải nghiệm không gian ảo 3D,… Đây cũng là làng nghề đầu tiên tại Hà Nội ứng dụng công nghệ VR 3D.

Không chỉ tại những thành phố lớn, các điểm du lịch Việt Nam đã áp dụng công nghệ VR để mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng. Ví dụ như khu du lịch Hạ Long Wonder Park tại Quảng Ninh đã mở một phòng trò chơi VR, cho phép du khách khám phá vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long và các địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Tại khu du lịch Sun World Ba Na Hills ở Đà Nẵng, du khách có thể trải nghiệm một loạt các trò chơi và hoạt động thực tế ảo như trượt tuyết, phiêu lưu trên dãy núi Himalaya, đi trên tàu thần kỳ, đua xe trên đỉnh núi và tham gia các hoạt động khám phá thế giới ảo. Hay tại Công viên Giải trí Phú Quốc, du khách có thể tham gia trò chơi thực tế ảo với nhiều trải nghiệm thú vị như đua xe trên đảo, phiêu lưu trên hành tinh khác và tham quan các địa danh nổi tiếng trên thế giới. Tại Vinpearl Land Nam Hội An, du khách có thể tham gia trải nghiệm thực tế ảo với một loạt các hoạt động như trượt tuyết, chinh phục đỉnh Everest, tham gia cuộc phiêu lưu của Iron Man và khám phá rừng nhiệt đới. 

Đồng thời một số khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng cung cấp dịch vụ thực tế ảo cho khách hàng của mình. Ví dụ như khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay có một phòng thực tế ảo được trang bị công nghệ tiên tiến để khách hàng có thể khám phá thế giới ảo và trải nghiệm những điều mà họ không thể tìm thấy trong thế giới thực. 

Ngoài ra, VR cũng được sử dụng trong các triển lãm. Cụ thể trong triển lãm "Việt Nam House" tại Tokyo (Nhật Bản), các sự kiện sử dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu các địa danh và di sản văn hóa của Việt Nam. Các khách tham quan được trải nghiệm những di tích lịch sử, đồng thời được giới thiệu đến các sản phẩm nông sản và thực phẩm của Việt Nam thông qua một mô hình thực tế ảo. Hay trong triển lãm Vietnam International Travel Mart (VITM) năm 2020, các đơn vị du lịch đã giới thiệu các tour du lịch sử dụng công nghệ thực tế ảo như tour đến các di sản văn hóa của Việt Nam và các tour đi bộ dọc theo các con đường phố cổ Hội An với trải nghiệm thực tế ảo. 

Tại triển lãm Vietbuild 2020 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, một số công ty đã giới thiệu các sản phẩm thực tế ảo dành cho ngành Du lịch như tour du lịch thực tế ảo đến các địa danh nổi tiếng và các trải nghiệm tương tác 3D để khách hàng có thể tìm hiểu về các sản phẩm du lịch của công ty.

Như vậy, sự phát triển của du lịch thực tế ảo đã góp phần làm thay đổi cách thức du khách tìm kiếm thông tin và lựa chọn địa điểm du lịch. Trước khi đến một địa điểm mới, du khách thường sẽ tìm kiếm thông tin trên internet và xem các video, hình ảnh 360 độ về địa điểm đó để biết trước về môi trường và các hoạt động du lịch tại đó. Nhờ vào du lịch thực tế ảo, họ có thể trải nghiệm địa điểm đó một cách chân thực hơn trước khi quyết định đặt vé và đến tham quan. Điều này giúp du khách tiết kiệm thời gian và tiền bạc, đồng thời tăng cường niềm tin vào chất lượng của chuyến du lịch. Tuy nhiên, hình thức du lịch này cũng phải đối mặt với yêu cầu phải có thiết bị hỗ trợ như tai nghe VR hoặc kính VR với chi phí khá đắt đỏ. Ngoài ra, khi khách tham gia du lịch thực tế ảo sẽ có cơ hội tương tác với cộng đồng địa phương, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và con người của địa phương. Điều này có thể làm mất đi một phần của trải nghiệm du lịch.

3. Giải pháp đẩy mạnh sự phát triển của du lịch thực tế ảo

Tính đến thời điểm hiện tại, du lịch thực tế ảo tại Việt Nam đang được đánh giá là một trong những xu hướng phát triển tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích cho ngành Du lịch cũng như khách du lịch. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và mang lại sự hài lòng cho khách hàng, các đơn vị kinh doanh cần đầu tư thêm vào chất lượng nội dung và dịch vụ, tạo ra những trải nghiệm du lịch thực tế ảo độc đáo và ấn tượng hơn nữa. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa các đơn vị kinh doanh, cơ quan chức năng và các chuyên gia trong ngành Du lịch để tạo ra một hệ sinh thái phát triển du lịch thực tế ảo hoàn chỉnh và hiệu quả.

Về những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của VR là tình trạng phụ thuộc vào bộ kính VR và phần cứng khác. Để công nghệ này dễ tiếp cận hơn, các nhà phát triển cần nỗ lực tích hợp tính năng VR vào các ứng dụng di động bằng cách khai thác phần cứng phức tạp của thiết bị thông minh. Sẽ cần thời gian để ứng dụng di động đạt đến mức độ hoàn toàn sống động nhưng các nhà thiết kế sẽ tiếp tục phát triển những trải nghiệm thực tế kết hợp tân tiến nhằm thu hút đối tượng đông đảo hơn quan tâm đến VR.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho du lịch thực tế ảo phát triển. Đồng thời ban hành chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư và các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nhân và cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững; thiết lập các điều kiện tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch tiếp thu công nghệ mới, kỹ năng số và tiếp cận tài chính. Ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch; phát triển du lịch cộng đồng; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bogicevic, V., Seo, S., Kandampully, J. A., Liu, S. Q., & Rudd, N. A. (2019). Virtual reality presence as a preamble of tourism experience: The role of mental imagery. Tourism Management, 74, 55–64.
  2. Gibson, A., & O’Rawe, M. (2018). Virtual reality as a travel promotional tool: Insights from a consumer travel fair. In T. Jung & M. tom Dieck (Eds.), Augmented reality and virtual reality (pp. 93-107). 
  3. Guttentag, D. A. (2010). Virtual reality: Applications and implications for tourism. Tourism Management, 31(5), 637-651.
  4. Kim, M. J., Lee, C. K., & Jung, T. (2020). Exploring consumer behavior in virtual reality tourism using an extended stimulus-organism-response model. Journal of Travel Research, 59(1), 69–89.
  5. Lee, S. A., Lee, M., & Jeong, M. (2021). The role of virtual reality on information sharing and seeking behaviors. Journal of Hospitality and Tourism Management, 46, 215-223.
  6. Williams, P., & Hobson, J. P. (1995). Virtual reality and tourism: Fact or fantasy? Tourism Management, 16(6), 423-427.
  7. Wei, W., Qi, R., & Zhang, L. (2019). Effects of virtual reality on theme park visitors' experience and behaviors: A presence perspective. Tourism Management, 71, 282-293.

The development of virtual reality tourism in Vietnam

Master. Pham Thi Thuy Linh

Faculty of Tourism and Hospitality, University of Economic and Technical Industries

Abstract:

After the COVID-19 pandemic, the tourism industry in the world in general and in Vietnam in particular was heavily affected by the travel restriction measures and the spending restraint of tourists. In that context, virtual reality (VR) tourism has become a solution for the tourism industry. This paper presented the development of VR tourism in the world and in Vietnam, and proposed solutions to promote the development of this new tourism type.

Keywords: travel, virtual reality travel, tourists, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 3 năm 2024]

Tạp chí Công Thương