Ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 tới ngành Xi măng Việt Nam

ThS. MAI THANH HẰNG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của bài viết nhằm phân tích và đánh giá ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới ngành Xi măng Việt Nam. Đại dịch đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề, sản xuất - kinh doanh trong nước, trong đó có ngành Xi măng. Bài viết phân tích tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành Xi măng Việt Nam, từ đó cho thấy việc tiêu thụ sản lượng xi măng có thể giảm trong giai đoạn tới.

Từ khóa: Covid -19, xi măng, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Xi măng là vật liệu xây dựng cơ bản được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và tới nay vẫn chưa có sản phẩm thay thế. Với vai trò là nguyên vật liệu đầu vào chính cho các ngành kinh tế lớn khác như xây dựng, bất động sản, đầu tư công, ngành Xi măng được coi là ngành công nghiệp trụ cột, góp phần công nghiệp hóa, thúc đẩy quá trình đô thị hóa của một quốc gia.

Ngành Xi măng gồm tất cả các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và xuất nhập khẩu nhằm mục tiêu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nhận biết được tầm quan trọng của xi măng nền hầu hết các quốc gia đã có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển ngành. Việt Nam coi sản xuất xi măng là ngành công nghiệp trọng điểm của nền kinh tế, đáp ứng tối đa nhu cầu về xi măng và tăng cường xuất khẩu.

Đại dịch Covid -19 đã đặt ra thách thức lớn đối với ngành Xi măng Việt Nam. Không chỉ là sự kiện làm gián đoạn tới các hoạt động của ngành trong một tháng hay quý, dịch Covid - 19 còn tác động trực tiếp đến quá trình thoái trào về nhu cầu tiêu thụ xi măng đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây. Điều này đồng nghĩa với việc, tiêu thụ xi măng trên các thị trường hiện tại có thể giảm sâu trong năm 2022, đặt áp lực lên khả năng cạnh tranh và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp xi măng Việt Nam trong thời gian tới.

2. Ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 tới ngành Xi măng Việt Nam

2.1. Tổng quan ngành Xi măng Việt Nam hiện nay

 Xi măng là một trong những ngành công nghiệp được hình thành sớm nhất ở nước ta, cùng với các ngành công nghiệp khác như than, dệt, đường sắt. Trong những năm qua, ngành Xi măng đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trung bình từ 10% - 12% GDP. Hiện nay, sản phẩm xi măng trên thị trường có nhiều loại, tuy nhiên thông dụng với thị trường Việt Nam có 2 sản phẩm chính, đó là xi măng Portland chỉ gồm thành phần chính là clinker và phụ gia thạch cao, ví dụ: PC 30, PC 40, PC 50 và xi măng Portland hỗn hợp với 2 thành phần chính là clinker và thạch cao và một số thành phần phụ gia khác như đá puzolan, xỉ lò, ví dụ như PCB 30, PCB 40.

Trong những năm gần đây, một số nhà máy sản xuất xi măng lớn tập trung nhiều vào thị trường trong nước do thị trường này đang tăng trưởng mạnh mẽ. Ngành Công nghiệp Xi măng Việt Nam hiện nay đã có khoảng 14 nhà máy xi măng lò quay với tổng công suất thiết kế là 21,5 triệu tấn/năm, 55 cơ sở xi măng lò đứng, lò quay chuyển đổi tổng công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm, khoảng 18 triệu tấn xi măng được sản xuất từ nguồn clinker trong nước (ứng với 14,41 triệu tấn clinker). Hầu hết các nhà máy sản xuất xi măng sử dụng phương pháp kỹ thuật khô, ngoại trừ những nhà máy có lò trộn xi măng đứng với thiết bị lạc hậu, thì những nhà máy còn lại có năng suất trộn xi măng từ 1,4 triệu đến 2,3 triệu tấn mỗi năm với thiết bị và trình độ kỹ thuật tương đương những nhà máy khác ở Đông Nam Á.

Việt Nam đang có khoảng 31 dự án xi măng lò quay với tổng công suất thiết kế là 39 triệu tấn được phân bổ ở nhiều vùng trên cả nước. Các nhà máy phân bố không đồng đều giữa các khu vực. Hầu hết tập trung nhiều ở phía Bắc nơi có nguyên liệu đầu vào lớn, trong khi đó ở phía Nam rất hạn chế. Do đó, nguồn cung ở phía Bắc thì dư thừa, trong khi miền Nam lại thiếu hụt.

Ngành Công nghiệp Xi măng thường mang tính chu kỳ, mùa vụ ngành, phụ thuộc lớn vào tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa quốc gia và nhu cầu xây dựng theo từng chu kỳ kinh tế. Ngành Xi măng có cùng chu kỳ phát triển với các ngành Bất động sản và Sây dựng. Thời điểm mùa vụ của ngành thường tăng cao trong quý II và quý IV (sau Tết Nguyên Đán và mùa khô ở miền Nam), giảm mạnh lượng tiêu thụ thường vào thời điểm Tết Nguyên đán của Việt Nam.

2.2. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới ngành Xi măng Việt Nam

Dịch bệnh Covid-19 bắt đầu từ năm 2019, trong giai đoạn đầu hoạt động sản xuất xi măng chưa bị ảnh hưởng nhiều. Theo Công ty Chứng khoán FPT, trong quý I/2020 sản lượng xi măng sản xuất tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2019, hoạt động sản xuất tại các nhà máy được duy trì bình thường, kể cả trong thời gian Việt Nam đang áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Yếu tố đầu vào cho sản xuất được hỗ trợ khi các bộ, ban ngành đề xuất giảm một số chi phí như than, điện hay thuế khai thác tài nguyên để hỗ trợ kinh tế sau đại dịch.

Theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong 8 tháng năm 2021 ước tính tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 70,77 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 43,54 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Đối với sản lượng xuất khẩu ước đạt 27,23 triệu tấn, tăng tới 12% so với cùng kỳ.

Trong năm 2021, giá xi măng tăng nhẹ, chủ yếu đến từ áp lực giá nguyên liệu đầu vào năng lượng (than) tăng nặng từ đầu năm, gây áp lực tăng giá bán cho xi măng. Tuy nhiên, giá xi măng tại các miền có sự tăng khác biệt do nhu cầu xi măng tại miền Bắc và miền Nam suy giảm mạnh bởi giãn cách xã hội (các hoạt động xây dựng tạm ngừng hoặc chậm lại).

Trái ngược với việc tăng giá bán thì sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa giảm do những tác động của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh 19 tỉnh thành phố phía Nam, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thực hiện giãn cách, nhiều công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động. Đồng thời, tình hình dư thừa sản xuất gây áp lực dư cung do có thêm các nhà máy sản xuất mới đi vào hoạt động trong năm 2021.

Sản lượng xuất khẩu tăng 12% do nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Canada, Mỹ, Trung Quốc đã hoạt động bình thường, nhu cầu sử dụng sản phẩm xi măng tăng cao, giảm áp lực dư cung, tuy nhiên mặt hàng xuất khẩu chủ yếu lại là clinker, có giá bán và biên lợi nhuận gộp thấp.

Đánh giá thị trường trong năm 2022 theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank VBCS cho rằng ngành Xi măng đang phục hồi sau Covid-19, tuy nhiên bên cạnh các yếu tố thuận lợi, cũng có những rủi ro trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Do ảnh hưởng của Covid-19 mà tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng năm 2021 thấp. Việc mở cửa lại nền kinh tế trong quý IV/2021 đã thúc đẩy nhu cầu xi măng. Nhưng thị trường lại chịu thêm áp lực cạnh tranh khi các nhà máy mới đi vào hoạt động trong năm 2021-2022, tăng thêm 7,8 triệu tấn khiến cho tình trạng dư thừa công suất tiếp tục gia tăng làm tăng tình hình cạnh tranh giá bán (đặc biệt tại thị trường miền Bắc và miền Trung). Theo phân tích ngắn hạn của Công ty chứng khoán Vietcombank VBCS, giá bán sẽ chịu áp lực lớn trong quý IV/2021 do lượng hàng tồn kho lớn gây ra bởi sản lượng tiêu thụ giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, giá thành sản xuất vẫn duy trì mức cao khi giá than nhập khẩu 154 USD/tấn cao hơn 90% so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng từ thị trường năng lượng thế giới. Giá than trong nước thấp hơn so với thế giới khoảng 100 USD/tấn, dự kiến năm 2022 giá than có thể tăng do chi phí khai thác hầm lò cao gây thêm áp lực cho giá thành xi măng trong nước.

Nhiều doanh nghiệp xi măng Việt Nam đang gặp khó khăn để phục hồi vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới sức khỏe tài chính và hoạt động kinh doanh. Đi kèm với những dấu hiệu suy giảm rõ rệt về nhu cầu tiêu thụ xi măng sau đại dịch. Theo ghi nhận của tác giả, một số nhà máy như xi măng Phúc Sơn, xi măng Quảng Ninh, xi măng Công Thanh,… đang có vấn đề về khả năng thanh toán các chi phí hoạt động đến hạn do sản phẩm tiêu thụ chậm và tình hình tồn kho kéo dài.

Trong bối cảnh tình hình tài chính yếu kém như mức nợ vay cao, thâm hụt về nguồn ngân sách ngắn hạn hoặc các hoạt động kinh doanh thua lỗ, sự sụt giảm về tiêu thụ khiến cho tồn kho gia tăng, các doanh nghiệp đang xin các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ như hoãn nộp thuế, hoãn tiền thuê đất hoặc xin miễn giảm lãi vay, gia hạn nợ từ ngân hàng. Tuy nhiên thời gian phê duyệt các biện pháp hỗ trợ có thể kéo dài, cũng như thủ tục minh chứng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh rất phức tạp. Một số doanh nghiệp có thể không nhận được sự hỗ trợ kịp thời và phát sinh các rủi ro nghiêm trọng về tài chính. Sản lượng tiêu thụ xi măng trên thị trường nội địa dự báo sẽ tăng trưởng lại trong năm 2022.

Thị trường xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc vào 3 thị trường xuất khẩu xi măng chính gồm: Trung Quốc (49%), Philippines (15%) và Bangladesh (10%). Các thị trường này đều bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi các biện pháp của Chính phủ các quốc gia trong giai đoạn phong tỏa như: nghiêm cấm đi lại trừ các mục đích thiết yếu; tạm dừng hoạt động xây dựng, sản xuất; tăng cường rà soát y tế tại khu vực giao thương như cảng biển đã gây đình trệ với nhiều đơn hàng xuất khẩu. Dự kiến các thị trường xuất khẩu sẽ phục hồi chậm sau đại dịch.

3. Kết luận

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, tới nay đã lan rộng trên hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Nó đã gây ra tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, trong đó bao gồm hoạt động sản xuất và tiêu thụ xi măng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Theo các chuyên gia kinh tế, đón nhận những thông tin tích cực, kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và biện pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công, các nhóm ngành được dự báo có thể sớm phục hồi là xây dựng, bất động sản, xây dựng, xi măng. Tức là khi đầu tư xây dựng tăng, đầu tư công tăng thì lượng tiêu thụ xi măng sẽ tăng.

Trước áp lực ngày càng lớn, các DN xi măng đang tích cực ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất - kinh doanh, số hóa hóa chuỗi tiêu thụ và logistics, số hóa quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất -  kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đồng thời hướng đến phát triển xanh bền vững, bảo vệ môi trường.

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với đà phục hồi chung của nền kinh tế và các hoạt động đầu tư xây dựng sau quá trình bình thường mới, kế hoạch tiêu thụ xi măng tăng trưởng trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Trang, (2021), Ngành Xi măng: Phục hồi sau Covid-19 truy cập trang web: https://thitruongtaichinhtiente.vn/nganh-xi-mang-hoi-phuc-sau-covid-19-38484.html
  2. Thu Hằng (2021), Xuất khẩu xi măng trong 8 tháng tăng, tiêu thụ nội địa giảm truy cập trang web: https://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-ximang-trong-8-thang-tang-tieu-thu-noi-dia-giam/740930.vnp
  3. Hiệp hội Xi măng Việt Nam (2020), Báo cáo ngành Xi măng Việt Nam
  4. Hiệp hội Xi măng Việt Nam (2021), Báo cáo ngành Xi măng Việt Nam
  5. Một số trang web: gov.vn. vacpa.org.vn, nhandan.com.vn, cafeF.vn.

 Impacts of the COVID-19 pandemic on Vietnam’s cement industry

Master. Mai Thanh Hang

University of Economics - Technology for Industries

 Abstract:

This paper is to analyse and evaluate the impact of the COVID-19 pandemic on Vietnam’s cement industry. The COVID-19 pandemic has adversely impacted the global economy and all sectors including the cement industry. The paper finds out that the demand for cement may decrease in the coming time due to the COVID-19 pandemic’s impacts.

Keywords: COVID-19, cement, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]