Áp dụng khung pháp lý thử nghiệm sandbox dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - kinh nghiệm từ Singapore

TRẦN THỊ NHẬT ANH (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung phân tích những điểm đáng lưu ý trong mô hình khung pháp lý thử nghiệm dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng (regulatory sandbox) tại Singapore. Từ đó, đề xuất các khuyến nghị dành cho xây dựng hệ thống các quy định pháp luật về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Từ khóa: khung pháp lý thử nghiệm, sandbox, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

1. Khái quát về khung pháp pháp lý

1.1. Khái niệm

Sandbox trong tiếng Anh được hiểu là hộp cát, đây chính là địa điểm vui chơi rất được yêu thích của trẻ em, vừa an toàn lại thúc đẩy sự sáng tạo. Thuật ngữ này sau đó được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống với các ý nghĩa khác nhau. Trong lĩnh vực pháp lý, sandbox được sử dụng với tên gọi đầy đủ là regulatory sandbox - thuật ngữ này được hiểu là khung chính sách pháp lý riêng (nằm ngoài hoặc vượt khung pháp lý hiện tại) để tiến hành thử nghiệm những khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới[1]. Đây là sáng kiến lập pháp xuất hiện lần đầu tại Anh và sau đó được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng và áp dụng, trong đó có cả các nước Đông Nam Á. Sandbox thể hiện sự phù hợp và cần thiết đối với các ý tưởng của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đối tượng các startup trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng. Chính sự bùng nổ và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra những sự thay đổi và thách thức đối với hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều đáng lưu ý là, khung pháp lý sandbox hiện nay được áp dụng đa số trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng, là một lĩnh vực rất cần được ưu tiên áp dụng trong chiến lược số hóa nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, áp dụng khung pháp lý như thế nào cho hiệu quả, việc tiếp thu kinh nghiệm từ các nước đi trước sẽ vô cùng quan trọng giúp chúng ta có nhiều bài học quý báu để xây dựng một mô hình sandbox phù hợp. Để hiểu đúng và đầy đủ về khung pháp lý sandbox, cần tìm hiểu các đặc điểm của nó.

1.2. Đặc điểm khung pháp lý

Khung pháp lý sandbox dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng nói riêng có những đặc điểm sau:

          Một là, khung pháp lý thí điểm sandbox là một mô hình có tính linh hoạt và có cách tiếp cận mới. Với đặc điểm này, các quy định của sandbox là những quy định hoàn toàn mới, không nằm trong khung pháp lý hiện hành của nước sở tại. Đây là đặc điểm rất quan trọng, nhằm đáp ứng sự phát triển và nhu cầu đổi mới sáng tạo của các startup, khi các quy định pháp luật chưa kịp phát triển để điều chỉnh các ý tưởng kinh doanh.

Hai là, khung pháp lý regulatory sandbox sẽ giới hạn phạm vi đối tượng áp dụng, cũng như thời gian áp dụng. Đây là đặc điểm rất cần thiết, vì hiệu quả của mô hình đổi mới sáng tạo có thể được kiểm chứng sau một khoảng thời gian nhất định. Việc đặt ra giới hạn về đối tượng áp dụng (đáp ứng các tiêu chí, điều kiện cụ thể), cũng như về mặt thời gian là rất cần thiết, nhằm bảo đảm sự công bằng với các chủ thể khác thuộc đối tượng điều chỉnh và phạm điều chỉnh của sandbox.

        Ba là, mô hình thử nghiệm sandbox sử dụng các công cụ bảo vệ phù hợp, giúp xử lý các hệ quả pháp lý có thể xảy ra nếu các mô hình thí điểm không thành công như mong đợi, nhằm ngặn chặn những yếu tố tiêu cực của hệ quả có thể ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật của quốc gia.

2. Kinh nghiệm lập pháp của Singapore dành cho sandbox để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

        Singapore là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á đã áp dụng rất thành công regulatory sandbox. Những kinh nghiệm quý báu của quốc gia này trong việc kiến tạo khung pháp lý thí điểm dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ là những gợi ý rất quan trọng cho chúng ta.

Thống kê mới nhất cho thấy, trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện đã vươn lên đứng thứ ba về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm năm 2020 chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong khu vực, tăng từ mức 5% của năm 2018. Cụ thể, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam đạt 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư đạt 56 thương vụ. Trong đó, có 34 thương vụ đầu tư được công bố giá trị. Các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư bao gồm: 12 thương vụ công nghệ tài chính tổng cộng 61,2 triệu USD; 8 thương vụ thương mại điện tử, tổng cộng 143,85 triệu USD; 6 thương vụ quản trị nguồn nhân lực tổng cộng 36,88 triệu USD. Thủ đô Hà Nội lọt vào top 200, tăng 33 bậc lên vị trí 196, trong khi  Thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí 225. Việt Nam dự kiến sẽ có ít nhất 10 "kỳ lân" vào năm 2030 và nếu mục tiêu này đạt được, Việt Nam có thể tăng nhanh thứ hạng[2]. Đây là những số liệu cực kì tích cực trong bức tranh tổng thể của một năm 2020 đầy khủng hoảng khi mà cả thế giới và cả khu vực Đông Nam Á phải trải qua sự ảnh hưởng khốc liệt của đại dịch Covid-19., Mặc dù tự hào đứng ở vị trí thứ ba khu vực Đông Nam Á trong thu hút đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nhưng tỉ trọng của Việt Nam so với 2 nước đứng đầu vẫn vẫn còn kém khá xa, lượng vốn đầu tư mạo hiểm năm 2020 của Việt Nam chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong khu vực, trong khi đó con số này của Singapore là 70% [3]. Đây  là “những con số biết nói”, phản ánh sự chênh lệch đáng kể trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho vấn đề này, một trong những lý do dễ nhận ra nhất chính là hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa hoàn thiện. Việc học tập các kinh nghiệm lập pháp của các mô hình thành công như Singapore sẽ là một gợi ý rất đáng lưu tâmDưới đây là các đặc điểm pháp lý của mô hình này.

Singapore chính thức áp dụng cơ chế thí điểm regulatory sandbox kể từ năm 2016 với mục đích tạo điều kiện thuận lợi để các công ty khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được phép thực hiện các mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh hệ thống pháp luật nước này vẫn chưa có các quy định rõ ràng để điều chỉnh vấn đề này. Các mô hình trên sẽ chịu giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore (MAS) đã ban hành Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành Tài chính[4], và văn bản này chính là nguồn điều chỉnh cho hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng (Fintech) theo cơ chế sandbox.

Thứ nhất, khung pháp lý thí điểm đặt ra những điều kiện tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo áp dụng. Theo đó, regulatory sandbox tại Singapore đặt ra các những điều kiện, tiêu chuẩn để các starup trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng cần đáp ứng để được tham gia cơ chế thử nghiệm. Cụ thể, một trong các tiêu chí quan trọng nhất ở đây đó chính là tính “mới” hoặc “sáng tạo”. Vì lẽ đó, những dịch vụ tài chính đã được cung cấp ở Singapore sẽ không được phép tham gia sandbox, trừ phi doanh nghiệp chứng minh được sự khác biệt, sự sáng tạo của công nghệ sử dụng/hoặc hỗ trợ dịch vụ so với các dịch vụ tương ứng đã có trên thị trường[5]. Đáng chú ý là, trong những trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng của Singapore có quyền đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn riêng để áp dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo dựa trên các đặc điểm riêng của startup.

Thứ hai, khung pháp lý thí điểm sandbox tại Singapore không áp dụng đại trà, mà chỉ dành cho một số ít các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng đủ các điều kiện mà sandbox đặt ra. Các doanh nghiệp này sẽ được áp dụng một trong hai mô hình thử nghiệm dành cho các startup trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng, đó là (i) sandbox thử nghiệm: đây là mô hình dành cho ý tưởng kinh doanh phức tạp, rủi ro cao; theo đó, các fintech startup phải thực một quy trình đăng kí tham gia được quy định rất chặt chẽ và chi tiết trước khi chờ đợi sự chấp thuận áp dụng từ cơ quan chức năng và (ii) sandbox express: đây là mô hình dành cho các ý tưởng kinh doanh đơn giản, rủi ro thấp hoặc doanh nghiệp đã xuất hiện trên thị trường, dựa trên những nguyên tắc đã được đặt ra. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể bắt đầu thử nghiệm trong môi trường được xác định trước của Sandbox Express trong vòng 21 ngày kể từ khi đăng ký với cơ quan chức năng. Sandbox Express sẽ có hiệu lực đối với các trường hơp cụ thểnhư: kinh doanh môi giới bảo hiểm; thành lập và vận hành một thị trường có tổ chức; giao dịch chuyển tiền.

Thứ ba, khung pháp lý regulatory sandbox luôn xác định trước cụ thể thời hạn mà các startup tham gia mà mô hình hình pháp lý thử nghiệm này. Nói cách khác, việc tham gia vào sandbox chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian này, các fintech startup triển khai mô hình kinh doanh của mình dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền và hết thời hạn được quy định trên, các startup sẽ thoát khỏi khung pháp lý và hoạt động dựa trên sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật hiện hành của Singpaore. Trong khoảng thời gian này, các công ty khởi nghiệp sẽ thực hiện mô hình kinh doanh của mình trong khoảng thời gian và không gian được xác định rõ ràng, với các biện pháp thích hợp để bảo vệ cho “hệ thống tài chính” của Singapore[6]. Điều quan trọng nữa là trong một số trường hợp đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền của Singapore có thể quyết định gia hạn về thời gian áp dụng sandbox để đáp ứng nhu cầu thử nghiệm chính đáng của startup.

3. Kiến nghị

        Từ những đặc điểm đã phân trích ở mô hình sandbox của Singapore, tác giả cho rằng, Việt Nam có thể học tập một số điểm từ mô hình của Đảo quốc Sư tử để áp dụng vào hệ thống pháp luật Việt Nam qua đó triển khai cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở nước ta. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, việc áp dụng một cách rập khuôn các đặc điểm của regulatory sandbox của Singapore vào Việt Nam là một vấn đề bất khả thi do các điều kiện về kinh tế, xã hội và khung pháp luật của hai nước tương đối khác nhau. Trên thực tế, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu vắng nhiều  quy định điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng nói riêng. Việc áp dụng mô hình sandbox ở hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay không phải là dễ dàng, và nhìn từ tính hai mặt của một vấn đề có thể thấy, mô hình sandbox cũng có những đặc điểm tích cực và cả những điểm tiêu cực của nó. Vậy, từ mô hình sandbox của Singapore chúng ta có thể học hỏi được những đặc điểm nào?

        Thứ nhất, cần định hình các tiêu chí và điều kiện một cách cụ thể và chi tiết để các startup công nghệ có thể đối chiếu so sánh, từ đó làm cơ sở lựa chọn các doanh nghiệp khởi nghiệp đủ chất lượng tham gia vào sandbox. Các điều kiện, tiêu chuẩn này có thể liên quan đến quy mô vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh, cách thức triển khai ý tưởng và mô hình kinh doanh...). Có thể cho phép cơ quan chức năng quyết định thêm các điều kiện, tiêu chuẩn trong một số trường hợp đặc biệt để đáp ứng các đặc điểm khác nhau của một startup.

        Thứ hai, sự thành công của mô hình sandbox còn đến từ sự kiểm tra, giám sát, theo dõi các startup trong thời gian tham gia vào khung pháp lý thử nghiệm. Quy trình này không chỉ được đảm bảo thực hiện ở khâu lựa chọn startup ban đầu, mà còn kéo dài cho đến khi startup đó chính thức thoát khỏi sandbox. Vì lẽ đó, tác giả cho rằng, với khung pháp lý sandbox, việc lựa chọn các chuyên gia tham gia vào quá trình giám sát, theo dõi việc triển khai thực hiện các dự án của các công ty khởi nghiệp rất quan trọng. Đây là công việc ảnh hưởng đến lợi ích không chỉ của riêng các startup ứng tuyển, mà còn là lợi ích chung của các doanh nghiệp khác không tham gia vào sandbox.

        Thứ ba, việc áp dụng khung pháp lý sandbox, chúng ta có thể học tập Singapore bằng cách quy định về một khoảng thời gian nhất định cho phép các công ty khởi nghiệp được phép thử nghiệm mô hình của mình trong khung pháp lý sandbox. Hết thời gian này, khung pháp lý sẽ nêu rõ các điều kiện, tiêu chuẩn để đánh giá hoạt động của startup. Đây là điều kiện vô cùng cần thiết, nhằm giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang áp dụng startup luôn đặt mình trong tình trạng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của sandbox, cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của chính startup với cộng đồng và xã hội.

4. Kết luận

Sẽ còn quá sớm để khẳng định việc áp dụng khung pháp lý thí điểm sandbox tại Việt Nam có khả thi hay không. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và tìm ra những điểm có thể áp dụng tại Việt Nam dựa trên mô hình regulatory sandbox của Singapore vẫn rất cần thiết, bởi lẽ sớm hay muộn, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn cần có các quy định chi tiết, cụ thể, phù hợp và đầy đủ để điều chỉnh hoạt động của các ý tưởng kinh doanh  mới, chưa có tiền lệ áp dụng trước đó để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội đang phát triển mạnh mẽ hiện nay. Với những gì đang diễn ra, vấn đề hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo đối với những mô hình mới, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng cần được đẩy nhanh hơn nữa để bắt kịp với xu thế phát triển không ngừng tại nước ta hiện nay.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1,6] Chu Thị Hoa (2019). Sandbox: Cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế - Kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 16 (391).

[2] Anh Tú (2021). Việt Nam sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á?. https://vneconomy.vn/viet-nam-se-tro-thanh-trung-tam-khoi-nghiep-hang-dau-dong-nam-a-646135.htm

[3]Thành Dương (2021). 8,2 tỷ USD đổ vào startup Đông Nam Á năm 2020. https://startup.vnexpress.net/tin-tuc/xu-huong/82-ty-usd-do-vao-startup-dong-nam-a-nam-2020-4255100.html

[4] Monetary Authority of Singapore (2016). FinTech Regulatory Sandbox Guilines.

[5] Singapore đã áp dụng cơ chế thí điểm sandbox như thế nào?. http://law.atim.com.vn/vn/singapore-da-ap-dung-co-che-thi-diem-sandbox-nhu-the-nao-.html.

 

 

APPLYING THE REGULATORY SANDBOX FOR FINTECH STARTUP: EXPERIENCE FROM SINGAPORE

TRAN THI NHAT ANH

University of Law, Hue University  

ABSTRACT:

This paper analyzes some remarkable points in regulatory sandbox for fintech startup in Singapore. The paper proposes some recommendations in order to reduce the barriers against startup development community in Vietnam.

Keywords: regulatory sandbox, sandbox, creative startup.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 12, tháng 5 năm 2021]