Bộ Công Thương: Yêu cầu các nhà máy nhiệt điện tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Không chỉ đẩy mạnh các giải pháp quản lý chất thải, bảo đảm vấn đề môi trường, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các nhà máy nhiệt điện toàn quốc tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin cập nhật, chính xác, đầy đủ và minh bạch về vấn đề này trong toàn xã hội.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, do nhu cầu sử dụng điện cho các hoạt động kinh tế tăng mạnh, nguồn cung cấp điện ngày càng hạn chế, vì vậy, các nhà máy nhiệt điện được huy động vận hành với công suất cao, đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

Để đảm bảo an toàn, tin cậy trong quá trình sản xuất cũng như công tác bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản số 515/BCT-ATMT ngày 21 tháng 01 năm 2020 gửi các nhà máy nhiệt điện.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các nhà máy nhiệt điện tổ chức thực hiện hai nội dung lớn liên quan đến bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải nói riêng.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường kết hợp truyền thông minh bạch

Văn bản số 515/BCT-ATMT nêu rõ, yêu cầu các nhà máy nhiệt điện tiếp tục thực hiện nghiêm các yêu cầu của Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương.
Đồng thời, thực hiện đúng quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và các giấy phép môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt, yêu cầu tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin cập nhật, chính xác, đầy đủ về công nghệ sản xuất, phương án bảo đảm an toàn, công tác bảo vệ môi trường cho chính quyền, người dân địa phương, các cơ quan truyền thông (có thể thông qua bảng điện tử hiển thị kết quả chất lượng môi trường đặt tại cổng nhà máy, trên trang thông tin điện tử của các công ty, hoạt động tham quan thực tế nhà máy của cộng đồng dân cư…).

Quản lý triệt để chất thải các loại

Đối với nước thải, Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy nhiệt điện thực hiện các giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng triệt để nước thải sau xử lý cho các công đoạn sản xuất, hoạt động của nhà máy và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước làm mát đầu ra theo đúng các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường, đặc biệt là các thông số về nhiệt độ và hàm lượng clo dư.

Đối với khí thải, yêu cầu các nhà máy nhiệt điện kiểm soát chặt chẽ chất lượng khí thải đầu ra đáp ứng đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường, cũng như nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào hoạt động ngay từ đầu của quá trình khởi động, thay thế sử dụng dầu đốt kèm từ FO sang DO, hoàn thành việc lắp đặt và truyền số liệu quan trắc khí thải tự động đến các cơ quan môi trường địa phương.

Đối với chất thải rắn, yêu cầu các nhà máy lập, phê duyệt và thực hiện đúng, đầy đủ nội dung Đề án tiêu thụ, xử lý tro, xỉ, thạch cao theo quy định, đồng thời tăng cường các biện pháp giảm thiểu bụi từ kho than, khu vực cảng than, việc vận chuyển, lưu giữ tro, xỉ tại bãi xỉ.

Thy Thảo