Các kịch bản tăng trưởng công nghiệp tỉnh Nghệ An dưới ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2020

ThS. Nguyễn Thế Lân (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Vinh)

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp là nhiệm vụ cốt lõi trong phát triển kinh tế tỉnh Nghệ An. Trong bối cảnh xuất hiện những diễn biến mới của đại dịch Covid-19, bài viết đi sâu vào phân tích các kịch bản tăng trưởng công nghiệp dưới ảnh hưởng của đại dịch của tỉnh. Từ đó, tác giả đưa ra các giải pháp nhằm đạt được các kế hoạch tăng trưởng công nghiệp đã được đề ra ở Nghệ An.

Từ khóa: Tăng trưởng công nghiệp, ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Nghệ An.

1. Tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất công nghiệp các tháng đầu năm 2020 ở Nghệ An

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc các nước thực hiện các biện pháp để ngăn chặn và ứng phó với đại dịch như phong tỏa, hạn chế đi lại đã làm giảm khả năng hợp tác phát triển kinh tế, làm đứt gãy hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào và đầu ra của sản xuất kinh doanh, thay đổi thói quen chi tiêu, đi lại của người tiêu dùng,… dẫn đến sản xuất công nghiệp đình trệ.

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Thấy rõ nhất là trong thời gian cả nước thực hiện các biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều nước trên thế giới thực hiện lệnh phong tỏa dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Đa số nhiều ngành sản xuất còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc và Đông Bắc Á làm cho nguồn cung bị gián đoạn; hoạt động xuất khẩu sản phẩm đình trệ, không có đơn hàng, đơn hàng bị chậm hoặc bị hủy từ đối tác.

Một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc thực hiện nghỉ luân phiên để đảm bảo yêu cầu cách ly xã hội. Một số doanh nghiệp FDI có lãnh đạo chủ chốt, đội ngũ chuyên gia là người ở các vùng dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc về nghỉ tết chưa thể nhập cảnh trở lại làm việc,… Những yếu tố nêu trên đã làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2020 giảm 5,53% so với tháng 4/2019.

Tuy vậy, các cấp quản lý và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An đã có nhiều nỗ lực vừa duy trì sản xuất vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Sở Công Thương Nghệ An - Cơ quan thường trực Tổ công tác chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp đã thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp trao đổi thông tin để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc nhằm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời để có các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Mặc dù 4 tháng đầu năm 2020 hầu như không có các dự án mới đi vào sản xuất nhưng chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp bằng 100,09% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 6,64%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,38% do một số nhà máy đầu năm ký kết được các đơn hàng mới. Các lĩnh vực sản xuất hàng thiết yếu và vật liệu xây dựng vẫn tăng do thị trường chủ yếu là nội địa và nhu cầu tăng cao hơn để phục vụ công tác phòng, chống dịch như: Sữa chua tăng 12,97%, Sữa tươi tăng 5,84%, Nước đóng chai tăng 15,2%, Quần áo không dệt kim tăng 31,65%, Xi măng tăng 16,03%, Clinker tăng 6,83%, Loa điện thoại tăng 6,47%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, và điều hòa không khí giảm 30,4% so với cùng kỳ, chủ yếu do lưu lượng nước dự trữ trong các hồ chứa thủy điện xuống thấp nên không đảm bảo điều kiện để vận hành.

- Lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản: Khai thác đá xây dựng có tăng so với cùng kỳ do nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng và giao thông trên địa bàn tăng, các doanh nghiệp vẫn được phép hoạt động bình thường theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg: Đá xây dựng khác ước đạt 789,66 nghìn m3, tăng 3,55%. Đối với hoạt động của các nhà máy chế biến bột đá, 3 tháng đầu năm vẫn duy trì hoạt động bình thường. Tuy nhiên, từ tháng 4, đơn hàng giảm 90%, do thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đang tạm dừng và chưa xác định thời gian mở cửa trở lại. Vì vậy, đa số các đơn vị sản xuất đều cắt giảm ít nhất 50% sản lượng, bố trí ca sản xuất nghỉ luân phiên để duy trì và đảm bảo các biện pháp phòng dịch. 

- Lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp do ngành Nông nghiệp gặp một số khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào, song nhìn chung các nhà máy vẫn hoạt động ổn định nhờ nhu cầu thị trường trong nước tăng cao do các mặt hàng cạnh tranh từ thị trường nhập khẩu đang bị tạm dừng, nhu cầu bổ sung nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, người tiêu dùng có tâm lý mua sắm dự phòng nhiều hơn.

- Lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may, da giày trên địa bàn hiện có 20 doanh nghiệp đang hoạt động, một số đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện gia công theo đơn hàng hàng của đối tác. Tuy nhiên, do nguồn cung nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu nên đầu vào chậm cung cấp, đối tác cũng tạm dừng các đơn hàng nhập khẩu sản phẩm. Trong thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội, các doanh nghiệp chỉ bố trí phương án sản xuất 50% để đảm bảo các quy định phòng dịch của Chính phủ, do đó sản xuất giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Một số doanh nghiệp chuyển hướng gia công khẩu trang cho các tập đoàn, doanh nghiệp theo chỉ định của Bộ Y tế nhằm duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động như: Công ty CP May Minh Anh, Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, Công ty CP May Nam Thuận, Nhà máy May Vinatex Hoàng Mai, Công ty TNHH Thương mại Phú Linh (Diễn Châu), Công ty TNHH MTV May Đức Phát.

- Lĩnh vực sản xuất cơ kim khí, điện tử: Nhà máy Hoa Sen Đông Hồi và Nam Cấm hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa vẫn diễn ra bình thường, nguồn nguyên liệu vẫn đủ khả năng cho dây chuyền hoạt động đến tháng 5/2020. Sản lượng sản xuất hàng tháng đạt gần 38.000 - 40.000 tấn, đầu tháng 4/2020 đã xuất khẩu lô hàng 10.000 tấn đi thị trường Mexico. Đối với các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử như Em-Tech, BSE, do không nhập khẩu được nguyên liệu nên phải sử dụng lại nguyên liệu tái chế để phục vụ sản xuất.

- Lĩnh vực sản xuất VLXD: Sản xuất xi măng của các nhà máy trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, sản lượng 4 tháng ước đạt 2,19 triệu tấn, tăng 16,03% so với cùng kỳ; Gạch, ngói granite đạt 943.000 m2, tăng 12,6%. Trong đó, dự án Nhà máy Xi măng Tân Thắng đã hoàn thành đầu tư và bắt đầu cho ra thương phẩm cuối tháng 3/2020.

- Lĩnh vực sản xuất bia chịu tác động kép của đại dịch Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ nên sản lượng bia đóng chai 4 tháng/2020 giảm 61,75%; bia lon giảm 35,76%. Trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội, các khách sạn, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đóng cửa nên cả 3 Nhà máy bia trên địa bàn tỉnh đều tạm ngừng sản xuất.

- Lĩnh vực sản xuất điện những tháng đầu năm giảm do lượng mưa ít, lưu lượng nước các hồ đập xuống thấp nên các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh không phát huy hết công suất phát điện, điều này đã kéo chỉ số công nghiệp 4 tháng đầu năm xuống thấp. Sản lượng điện sản xuất ước đạt 470,3 triệu KWh, giảm 39,54% so với cùng kỳ.

Đối với các dự án công nghiệp đang triển khai đầu tư dở dang như: Dây chuyền sản xuất đường lỏng Glucose của Công ty CP Á Châu Hoa Sơn, Nhà máy Sản xuất viên nén sinh khối DKC, Nhà máy May TAAD công suất 11 triệu SP/năm, Nhà máy May Nghi Lâm 3 triệu SP/năm, Dự án Sản xuất linh kiện điện tử Luxshare-ICT công suất 62,5 triệu SP/năm,… tiến độ chậm so với kế hoạch do chưa thể nhập khẩu máy móc, thiết bị về, một số chuyên gia kỹ thuật nước ngoài chưa được phép nhập cảnh vào Việt Nam để hỗ trợ công tác lắp đặt và vận hành hệ thống dây chuyền; Nhà máy Dày da Đỉnh Vàng (Vân Diên, Nam Đàn) vừa đi vào hoạt động cũng phải tạm dừng sản xuất. Vì vậy, đã ảnh hưởng đến khả năng đóng góp vào giá trị sản xuất mới trong năm 2020.

2. Dự kiến các kịch bản tăng trưởng của tỉnh Nghệ An năm 2020

2.1. Trường hợp dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát trong quý II/2020

4 tháng đầu năm, tất cả các lĩnh vực sản xuất, sản phẩm công nghiệp của tỉnh Nghệ An đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng ngang bằng với cùng kỳ năm 2019 nhờ một số mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống và lĩnh vực sản xuất VLXD tăng khá như: Sữa các loại, xi măng, sản phẩm may mặc, nước đóng chai, linh kiện điện tử,... để bù lại phần giảm sút từ các lĩnh vực khác, mặc dù chưa có sự đóng góp của các dự án mới đưa vào hoạt động. Trong năm 2020, qua rà soát và làm việc của Tổ công tác chỉ đạo công nghiệp, dự kiến có khoảng trên 10 dự án sản xuất công nghiệp có quy mô khá, hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất, cụ thể:

- Nhà máy Xi măng Tân Thắng, công suất 2 triệu tấn/năm, hiện đang chạy thử và dự kiến cho ra sản phẩm thương mại tháng 7/2020. Trong khoảng thời gian còn lại của năm, dự kiến nhà máy đóng góp thêm gần 1 triệu tấn xi măng thành phẩm, giá trị sản xuất khoảng 800 tỷ đồng;

- Dự án sản xuất viên nén sinh khối của Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam công suất 120.000 tấn SP/năm, hiện đã sản xuất thử nghiệm và chính thức cho ra thành phẩm vào đầu quý III/2020. Đóng góp vào giá trị sản xuất khoảng 250 tỷ đồng;

- Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Luxshare - ICT công suất 62.5 triệu SP/năm, dự kiến hoạt động đầu tháng 6/2020, đóng góp vào giá trị sản xuất trong năm 2020 từ 350 - 400 tỷ đồng.

- Dự án sản xuất viên nén sinh khối của Công ty Cổ phần Năng lượng DKC công suất 60.000 tấn SP/năm, dự kiến chính thức sản xuất đầu quý III/2020, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp từ 100 tỷ đồng;

- Có hai dự án sản xuất hàng may mặc đã bắt đầu sản xuất từ tháng 02/2020 gồm: Dự án Nhà máy May An Nam Matuoka công suất 900.000 SP/năm; Nhà máy May Nam Thuận công suất 3 triệu SP/năm. Cả 2 dự án này đóng góp vào giá trị sản xuất khoảng 300 tỷ đồng;

- Có 2 dự án may mặc đang trong quá trình hoàn thiện và một số dây chuyền đã bắt đầu sản xuất từ tháng 5/2020 gồm: Nhà máy May TAAD (Thanh Khê, Thanh Chương) công suất 11 triệu SP/năm và Nhà máy May Hanosimex Nghi Lâm (Nghi Lộc) công suất 3 triệu SP/năm. Dự kiến đóng góp vào giá trị sản xuất của 2 nhà máy đạt 250 tỷ đồng.

- Dây chuyền sản xuất đường lỏng Glucose của Công ty CP Á Châu Hoa Sơn, công suất 150 tấn/ngày, đã hoàn thành lắp đặt 75% hạng mục thiết bị, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chuyên gia nước ngoài chưa thể nhập cảnh để hỗ trợ doanh nghiệp lắp đặt. Dự kiến giữa quý III/2020 sẽ hoàn thành đi vào sản xuất, đóng góp vào giá trị sản xuất khoảng 100 tỷ đồng.

- Nhà máy sản xuất kính cường lực của Công ty CP Thương mại Việt Đức công suất 200.000 m2/năm đã bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 01/2020, giá trị sản xuất đạt khoảng 65 tỷ đồng;

- Nhà máy sản xuất giày da của Công ty TNHH Đỉnh Vàng, công suất 2,5 triệu SP/năm, bắt đầu hoạt động trở lại trong Quý III/2020, dự kiến đóng góp vào giá trị sản xuất khoảng 300 tỷ đồng;

- Nhà máy sản xuất cần câu cá của Công ty Great Longview Việt Nam, công suất 720.000 SP/năm, có thể đi vào sản xuất đầu Quý III/2020. Dự kiến giá trị sản xuất nửa năm còn lại đạt khoảng 170 tỷ đồng.

Đóng góp của thành phần TTCN và làng nghề hàng năm phát triển ổn định, tăng trưởng bình quân 12 - 13%, dự báo đóng góp từ 1.600 - 1.700 tỷ đồng trong năm 2020;

Đến thời điểm này, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được khống chế, các biện pháp nới lỏng để quay về trạng thái bình thường mới đã bắt đầu, vì thế hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần trở lại bình thường. Trong số các dự án nói trên, chỉ có vài dự án tiến độ vẫn đang phụ thuộc vào khả năng kiểm soát của dịch Covid-19 trên thế giới để có thể sớm nhập thiết bị hoàn thiện đầu tư dự án và đưa các chuyên gia sang hỗ trợ công tác lắp đặt là: Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối DKC, Nhà máy sản xuất đường lỏng Glucose, Nhà máy sản xuất cá ngừ Fescol Tuna, Tổ hợp sản xuất VLXD công nghệ cao Nghi Văn của Công ty CP Trung Đô,…

Vì vậy, nếu dịch bệnh được kiểm soát, trong quý II/2020 và giả định các lĩnh vực, sản phẩm sản xuất bình thường trở lại như hiện nay thì dự ước kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt khoảng 79.000 tỷ đồng/KH giao: 80.000 tỷ đồng, tăng 16,09% so với năm 2019.

2.2. Trường hợp dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát muộn hơn

Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và khả năng kiểm soát muộn hơn, cần phải tiếp tục rà soát lại để có đánh giá sát hơn với tình hình thực tế. Tuy nhiên, dự kiến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn có sự tăng trưởng khá do các dự án mới đưa vào hoạt động trong năm nay chịu mức độ ảnh hưởng không lớn, cơ bản sắp hoàn thiện:

- Dịch bệnh trên thế giới đến quý III/2020 mới có thể kiểm soát, kịch bản giá trị sản xuất công nghiệp đạt được khoảng 78.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 15,36% so với năm 2019.

- Dịch bệnh quý IV/2020 mới được kiểm soát, các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng, nguyên liệu đầu vào thiếu, thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 chỉ đạt từ 76.200 tỷ đồng/KH giao: 80.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 11,98% so với năm 2019. (Bảng 1)

Bảng 1. Kịch bản tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp tỉnh Nghệ An năm 2020

TT

 

 Chỉ tiêu

Đơn vị
 tính

Thực hiện 2019

Năm 2020

Kế hoạch

Trong đó

Kịch bản cả năm

Tốc độ
tăng trưởng (%)

Kết quả
4 tháng

Kịch bản
6 tháng

Kịch bản
9 tháng

KH2020/
TH2019

 MT kịch bản /TH2019

 

                                                   1

2

3

4

5

6

7

8

9=4/3

 10 = 8/3

A

 DỊCH COVID KIỂM SOÁT TRONG QUÝ II

 

 

 

 

 

 

 

 

 

I

GTSX công nghiệp
(Giá SS 2010)

Tr.đồng

68,049

80,000

21,250

37,000

58,000

79,000

117.56

         116.09

II

Tốc độ tăng trưởng GTSX

 

17.06

18.00

 

 

 

 

 

                 -  

B

 DỊCH COVID KIỂM SOÁT TRONG QUÝ III

 

 

 

 

 

 

 

 

 

I

GTSX công nghiệp
(Giá SS 2010)

Tr.đồng

68,049

80,000

21,250

36,000

57,000

78,500

117.56

         115.36

II

Tốc độ tăng trưởng GTSX

 

17.06

18.00

 

 

 

 

 

                 -  

C

 DỊCH COVID KIỂM SOÁT TRONG QUÝ IV

 

 

 

 

 

 

 

 

 

I

GTSX công nghiệp
(Giá SS 2010)

Tr.đồng

68,049

80,000

21,250

33,500

52,500

76,200

117.56

         111.98

II

Tốc độ tăng trưởng GTSX

 

17.06

18.00

 

 

 

 

 

                 -  

Nguồn: Sở Công Thương - Tỉnh Nghệ An

3. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề xuất cho tỉnh Nghệ An trong 2 quý cuối năm

Đề kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động, trong điều kiện dự báo dịch bệnh còn kéo dài và diễn biến phức tạp, nhóm tác giả đề xuất Chính phủ và các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An khẩn trương tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

  • Nhanh chóng giải ngân các gói hỗ trợ đã phê duyệt, đồng thời xem xét việc cho phép sử dụng một phần các quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục chi trả lương cho công nhân. Vận động các ngân hàng thương mại triển khai ngay các phương án giảm lãi hoặc cho vay không lãi suất các khoản mà doanh nghiệp dùng trả lương cho công nhân trong các tháng tiếp theo cho đến khi hoạt động sản xuất, thương mại quay lại quỹ đạo bình thường.
  • Miễn tiền trích đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho doanh nghiệp và người lao động cho đến khi doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại. Miễn giảm tiền thuế và giãn thời gian nộp thuế, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất đến khi dịch Covid-19 chấm dứt để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020.
  • Đối với các dự án đang trong giai đoạn đầu tư: Đề xuất các ngân hàng xem xét giảm tối đa lãi suất tiền vay cho Nhà đầu tư đang triển khai thực hiện các dự án như: Dự án Viên nén sinh khối DKC, dự án sản xuất VLXD công nghệ cao Nghi Văn của Công ty CP Trung Đô,...
  • Đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động nước ngoài thuộc các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt, chuyên gia kỹ thuật của các doanh nghiệp sau khi thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh bảo đảm an toàn, được nhập cảnh vào Việt Nam để sớm trở lại làm việc hoặc hỗ trợ các dự án lắp đặt thiết bị để đảm bảo tiến độ đưa vào sản xuất.
  • Chỉ đạo các ngành liên quan tháo gỡ một số khó khăn cho doanh nghiệp, dự án trên địa bàn, cụ thể: Tạo điều kiện để xe vận chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu cho các nhà máy ra vào thuận lợi; nhanh chóng hoàn thành đoạn đường từ KCN Hoàng Mai II đi Nhà máy Xi măng Tân Thắng để Công ty thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc và Đông Bắc Á.
  • Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu. Thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu, mục tiêu kịp thời cho doanh nghiệp. Đề nghị UBND tỉnh bổ sung thêm nguồn kinh phí cho các Chương trình xúc tiến thương mại, Kinh phí khuyến công, Chương trình công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Báo cáo số 252/BC-SCT ngày 30/5/2020 của Sở Công Thương tỉnh Nghệ An
  2. Trần Văn Hào, Nguyễn Thế Lân (2019), Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Tạp chí Công Thương; số 14; Tr. 80 - 85

INDUSTRIAL GROWTH SCENARIOS OF NGHE AN PROVINCE UNDER THE IMPACTS OF THE COVID-19 PANDEMIC IN 2020

Master. Nguyen The Lan

Faculty of Economics, Vinh University

 Abstract:

Maintaining and promoting the industrial growth have been a core task for the economic development of Nge An Province – the central province of the North Central Vietnam in recent years. In the context of the on-going Covid-19 pandemic, this article deeply analyses different industrial growth scenarios of Nghe An Province under the impacts of the pandemic, thereby proposing solutions to help the province achieve its set industrial growth.

Keywords: Industrial growth, the impact of Covid-19 pandemic, Nghe An Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]