Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh

Nghiên cứu "Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh" do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trương Thị Thùy Trang, Hà Đức An (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện để xác định các nhân tố tác động tới ý định hồi hương làm việc của sinh viên các khóa tại khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu khảo sát được đánh giá dựa trên 302 phiếu khảo sát hợp lệ thu được từ sinh viên thuộc khoa Kế toán - Kiểm toán. Kết quả cho thấy, có 3 nhân tố ảnh hưởng tích cực tới ý định hồi hương làm việc của sinh viên theo mức độ giảm dần, gồm: Điều kiện và chính sách ưu đãi, Kỳ vọng về cơ hội việc làm, Hỗ trợ và định hướng từ gia đình, người thân quen. Từ đó, nhóm tác giả đã có những khuyến nghị đến sinh viên, nhà trường và địa phương có những chính sách hỗ trợ, cách thức thu hút phù hợp để giải quyết định các vấn đề việc làm thích hợp và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Từ khóa: ý định hồi hương, phân tích nhân tố, nơi làm việc.

1. Đặt vấn đề

Mỗi năm, thị trường lao động đón một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học ở rất nhiều ngành nghề. Nhằm thu hút nhân lực có trình độ cao, các địa phương luôn có những chính sách kêu gọi sinh viên sau khi ra trường về địa phương làm việc. Tuy nhiên, các bạn sinh viên quyết định về quê làm việc rất ít. Xuất phát từ thực tiễn trên, nhóm tác giả đã tiến hành phân tích và xác định được các nhân tố có ảnh hưởng đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP.  Hồ Chí Minh, từ đó đưa ra những khuyến nghị giúp cho địa phương có những chính sách cụ thể để đáp ứng đúng nguyện vọng của người lao động và thu hút được nguồn nhân lực .

2. Cơ sở lý thuyết:

2.1. Lý thuyết hành động có kế hoạch

Lý thuyết hành động có kế hoạch (Theory of planned behavior) được mở rộng dựa trên cơ sở lý thuyết hành vi hợp lý (Theory of reasoned action). Lý thuyết khẳng định hành vi của cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi ý định thực hiện hành vi ấy. Ngoài ra, cá nhân còn bị ảnh hưởng bởi thái độ đối với hành vi và chuẩn mực chủ quan. Lý thuyết này còn bổ sung thêm yếu tố kiểm soát nhận thức.

Mô hình lý thuyết hành động có kế hoạch của Ajzen (1991) gồm 3 yếu tố tác động tới ý định thực hiện để dẫn tới hành vi, gồm: Thái độ, Chuẩn mực chủ quan, Kiểm soát nhận thức. Các tác giả như Morathop và cộng sự (2010), Nguyễn Thị Hiền (2019),… cho rằng thuyết hành động có kế hoạch giải thích được ý định hồi hương làm việc của sinh viên sau tốt nghiệp.

2.2. Lý thuyết tiếp thị địa phương

Theo lý thuyết tiếp thị địa phương của Kotler (1993), những địa phương quê hương của sinh viên sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút họ trở về làm việc. Ngoài tình cảm có sẵn thì sự hấp dẫn của địa phương thể hiện qua hình ảnh, chính sách, cơ hội phát triển và điều kiện sống của dân cư. Vận dụng lý thuyết tiếp thị địa phương, nhóm nghiên cứu đánh giá các yếu tố liên quan tới địa phương quê hương của sinh viên bao gồm tình cảm quê hương, hỗ trợ của người thân, môi trường sống và điều kiện, chính sách ưu đãi là các yếu tố ảnh hưởng đến việc hồi hương của sinh viên.

2.3. Lý thuyết di cư Todaro

Michael Todaro đề xuất lý thuyết phát triển vào năm 1970 giải thích sự di cư từ nông thôn sang thành thị là một quá trình mang tính chủ quan của một cá nhân. Từ giả thuyết rằng việc di cư là một hiện tượng kinh tế bất chấp tỷ lệ thất nghiệp tại các khu vực phát triển ở mức cao. Lý thuyết chỉ rathu nhập ước tính đạt được nếu lớn hơn thu nhập bình quân tại vùng nông thôn thì cá nhân sẽ di cư sang vùng thành thị. Tác giả cho rằng việc di cư của một cá nhân bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về thu nhập hơn là số tiền mà cá nhân ấy giữ lại sau khi đã trừ đi tất cả các chi phí liên quan. Tác giả chia sự di cư làm 2 dạng, đó là di cư ngắn hạn và di cư dài hạn.

Đối với sinh viên, khi quyết định lựa chọn nơi làm việc thì việc về quê sẽ là điều đáng được chú ý tới. Theo Nguyễn Quang Thái (2017), chi phí sinh hoạt là yếu tố chính làm giảm đi khoản tiền mà sinh viên tích lũy khi đi làm. Lý thuyết di cư Todaro cho rằng thu nhập, kỳ vọng về cơ hội việc làm và môi trường sống là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định di cư của 1 cá nhân.

3. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu

3.1. Giả thuyết nghiên cứu

Kỳ vọng về cơ hội việc làm

Đối với sinh viên, tìm được việc làm là mối quan tâm lớn nhất. Khi mới ra trường, sinh viên sẽ ưu tiên vấn đề kiếm được việc làm phù hợp với các tiêu chí của mình hơn so với công việc đem lại mức lương cao. Bởi khi đó sinh viên sẽ có khả năng tiếp thu, học hỏi thêm những gì mà mình thích.

Lê Trần Thiên Ý và cộng sự (2013) đã chỉ ra cơ hội việc làm là yếu tố quan trọng nhất tác động đến việc trở về quê làm việc của sinh viên. Han và cộng sự (2015) đã đưa ra giả thuyết yếu tố kỳ vọng về khả năng phát triển nghề nghiệp tương lai sẽ tác động đến việc hồi hương của 1 sinh viên khi tốt nghiệp đại học. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu như sau:

H1: Yếu tố Kỳ vọng về cơ hội việc làm có ảnh hưởng thuận chiều đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Thu nhập kỳ vọng

Ngoài việc tìm được công việc phù hợp với nguyện vọng của bản thân, yếu tố quan trọng tiếp theo tác động đến việc hồi hương đó là mức thu nhập kỳ vọng của sinh viên về công việc mà mình chọn.

Theo Phạm Thị Phương Dung (2015), khi cá nhân quyết định chọn nơi làm việc, chắc chắn họ sẽ so sánh mức thu nhập của người lao động ở quê so với những nơi khác rồi mới đưa ra quyết định có nên hồi hương hay không. Jinyun và cộng sự (2020) đặt giả thuyết yếu tố thu nhập kỳ vọng sẽ tác động đến việc hồi lương làm việc của người lao động.

Từ đó nhóm tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu như sau:

H2: Yếu tố Thu nhập kỳ vọng có ảnh hưởng thuận chiều đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Tình cảm quê hương

Do tình cảm và những suy nghĩ dành cho quê hương, ngoài ra còn có sự tự hào, khát khao muốn được cống hiến cho đất mẹ nơi mình sinh ra. Do đó, tình cảm quê hương là một yếu tố tác động tới ý định hồi hương của sinh viên.

Đối với sinh viên, tình cảm quê hương sẽ tác động đến ý định hồi hương làm việc. Sun và cộng sự (2022) sử dụng yếu tố tình cảm nghiên cứu để nghiên cứu mô hình tác động tới việc hồi hương của người lao động Trung Quốc. Từ đó nhóm tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu như sau:

H3: Yếu tố Tình cảm quê hương có ảnh hưởng thuận chiều đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Hỗ trợ và định hướng từ gia đình, người thân quen

Những tác động từ gia đình không chỉ bao gồm tình cảm của riêng sinh viên đối với gia đình, mà còn theo hướng ngược lại, gia đình có thể giúp đỡ sinh viên trong việc xây dựng sự nghiệp của mình.

Albrecht và cộng sự (2022) đưa ra giả thuyết ảnh hưởng từ gia đình, người thân sẽ ảnh hưởng tới việc hồi hương của sinh viên. Liu và cộng sự (2011) đã thực hiện khảo sát nguyên nhân trở về lại quê hương để tìm việc. Kết quả cho thấy, yếu tố công ty của gia đình đang thiếu việc làm là nguyên nhân lớn thứ hai sau yếu tố cơ hội việc làm tác động đến việc hồi hương của sinh viên. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu như sau:

H4: Yếu tố Hỗ trợ và định hướng từ gia đình, người thân quen có ảnh hưởng thuận chiều đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Môi trường sống

Khi những yếu tố xung quanh như chất lượng không khí, thời tiết, bệnh viện, trường học được đảm bảo thì chi phí cần bỏ ra để phục vụ cho những đề đó sẽ không đáng kể đối với sinh viên. Do đó, sinh viên sẽ ưu tiên về vấn đề môi trường sống trong ý định hồi hương tìm việc làm của mình.

Cromartie và cộng sự (2015) đã đưa giả thuyết yếu tố môi trường sống sẽ ảnh hưởng đến việc hồi hương của người lao động. Từ đó nhóm tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu như sau:

H5: Yếu tố Môi trường sống có ảnh hưởng thuận chiều đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Điều kiện và chính sách ưu đãi

Những điều kiện khác gặp thuận lợi nhưng việc làm của sinh viên không được chú trọng và hưởng nhiều ưu đãi sẽ khiến sinh viên không đánh giá cao nơi đó. Sinh viên sẽ có xu hướng chọn những nơi mà giá trị bỏ ra của bản thân sẽ nhận được sự đãi ngộ tương xứng từ chính quyền địa phương.

Theo Morathop và cộng sự (2010), điều kiện và chính sách ưu đãi của địa phương quê hương nơi người lao động có ý định trở về thuận lợi cho việc phát triển sự nghiệp. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu như sau:

H6: Yếu tố Điều kiện và chính sách ưu đãi có ảnh hưởng thuận chiều đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

3.2. Mô hình nghiên cứu

Từ cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính ban đầu như tại Hình 1.

Hồi hương

4. Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng 2 phương pháp nghiên cứu là định tính và định lượng.

Phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện bằng cách tổng hợp các tài liệu có liên quan đến vấn đề nghiên cứu và đề xuất ra mô hình nghiên cứu. Sau đó nhóm tác giả tiến hành phỏng vấn các chuyên gia về tính hợp lý của mô hình nghiên cứu được sử dụng. Từ kết quả phỏng vấn chuyên gia, nhóm tác giả tiến hành khảo sát sơ bộ trên mẫu 55 sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Phương pháp định lượng được thực hiện sau khi nhóm tác giả hoàn thành nghiên cứu định tính. Bảng khảo sát được gửi tới cho 320 sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Khi kiểm tra lại các thông tin, nhóm tác giả giữ lại 302 bảng khảo sát được điền đầy đủ thông tin phục vụ cho việc nhập dữ liệu và thực hiện phân tích dữ liệu.

5. Kết quả nghiên cứu

5.1. Phân tích độ tin cậy của thang đo

Kiểm định thang đo các nhân tố tác động đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên được thực hiện thông qua hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha. Kết quả thu được cho thấy, tất cả các nhân tố đều có hệ số Cronbach’s Alpha ở trên mức 0.6, phù hợp với yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, hệ số tương quan biến tổng - hệ số tương quan thành phần của các biến quan sát đều đạt từ 0.3 trở lên.

5.2. Phân tích nhân tố khám phá

Phân tích EFA được thực hiện với phương pháp trích hệ số là Component Analysis và phép xoay Varimax, kết quả phân tích có 34 biến quan sát của thang đo các biến độc lập đạt được kiểm định KMO = 0.896, kiểm định Bartlett's Test có Sig. = 0.000; số lượng các nhân tố trích được là 6, tương đương với mô hình lý thuyết ban đầu xây dựng, tổng phương sai trích đạt 63.769% (1 nhân tố giải thích 63.769% biến thiên của dữ liệu), trọng số các nhân tố đều lớn hơn 0.5. Như vậy, phân tích EFA thích hợp với các dữ liệu và các biến quan sát tương quan với nhau trong tổng thể, nên được sử dụng cho phân tích tiếp theo.

Thực hiện phân tích EFA của biến phụ thuộc “Ý định hồi hương”, thì hệ số KMO = 0,891 và kiểm định Bartlett’s Test có Sig. = 0,000 thích hợp với các dữ liệu, các biến có tương quan với nhau trong tổng thể. Hệ số tải nhân tố của các biến thang đo ý định hồi hương đều lớn hơn 0,5, giá trị Eigenvalues là 3.843 và phương sai trích 64,047%.

5.3. Kiểm định mô hình đo lường (Measurement model)

Kết quả kiểm định đo lường thông qua hệ số tải ngoài Outer Loadings, độ tin cậy CR (Composite Reliability), độ hội tụ Convergence và giá trị phân biệt HTMT. Sau khi thực hiện kiểm định, có 4 biến quan sát không đạt được hệ số tải ngoài Outer Loadings trên 0.7, nên sẽ bị loại khỏi thang đo. Kết quả thu được ở các biến còn lại thể hiện độ tin cậy của các nhân tố đều trên mức 0.7. Độ hội tụ được đo lường thông qua chỉ số phương sai trung bình AVE đều đạt được điều kiện trên 0.5 và chỉ số HTMT đều nằm dưới mức 0.85.

5.4. Kiểm định mô hình cấu trúc (Structural model)

Mô hình cấu trúc được sử dụng nhằm mục đích đánh giá lại mô hình cũng như xem xét các mối quan hệ có tác động như thế nào trong mô hình nhóm tác giả đã xây dựng. Quá trình kiểm định qua phân tích hệ số VIF, giá trị P value, chỉ số R bình phương hiệu chỉnh (R Square Adjusted) và chỉ số f bình phương (f square). Hệ số VIF được sử dụng để kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến có xảy ra giữa các biến tiềm ẩn hoặc biến quan sát hay không.

Trong bài nghiên cứu, các biến qua sát đều có hệ số VIF dưới 3.0, đồng nghĩa với việc không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra trong bài. Tiếp tục xét đến mối quan hệ tác động của biến độc lập lên biến phụ thuộc được hiển thị trong bảng Path coeffcients, có 3 nhân tố có hệ số P value phù hợp dưới mức 0.05, tức 3 nhân tố này sẽ có ý nghĩa thống kê trong bài. Cả 3 nhân tố này đều tác động cùng chiều đến biến phụ thuộc theo mức độ giảm dần, gồm: CV, DK và HT. Các nhân tố còn lại là TN, MT và TC không phù hợp để giải thích cho giả thuyết đã được nêu ra. Chỉ số R bình phương hiệu chỉnh đạt được là 0.459, đồng nghĩa với việc các biến độc lập giải thích được 45.9% sự thay đổi của biến phụ thuộc. Đối với chỉ số f bình phương, được dùng để đánh giá mức độ ảnh hưởng mạnh yếu của biến độc lập lên biến phụ thuộc chỉ ra rằng, biến độc lập DK có tác động lớn đến biến phụ thuộc YD, 2 biến CV và HT có tác động nhỏ và 3 biến TN, MT và TC tác động rất nhỏ đến biến phụ thuộc. (Bảng 1)

Bảng 1: Kết quả đánh giá mối quan hệ tác động của

biến độc lập lên biến phụ thuộc

Path coefficients

 

Original sample (O)

Sample mean (M)

Standard deviation (STDEV)

T statistics (|O/STDEV|)

P values

CV -> YD

0.193

0.194

0.06

3.201

0.001

DK -> YD

0.527

0.526

0.061

8.674

0.000

HT -> YD

0.124

0.121

0.057

2.182

0.029

MT -> YD

-0.047

-0.046

0.065

0.727

0.468

TC -> YD

0.066

0.067

0.063

1.047

0.295

TN -> YD

-0.064

-0.053

0.056

1.148

0.251

Nguồn: Kết quả được phân tích từ SmartPLS 4

6. Hàm ý chính sách

Dựa vào kết quả phân tích, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị theo các nhân tố có tác động đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Hỗ trợ và định hướng từ gia đình, người thân quen

Theo kết quả nghiên cứu, hỗ trợ và định hướng từ gia đình, người thân quen là yếu tố tác động lớn nhất đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Do đó, chính quyền, bộ ngành địa phương cần bày tỏ sự quan tâm đến gia đình đang có con em học tập xa quê hương bằng những việc như hỏi thăm gia đình đang có con học xa quê, hỗ trợ một phần học phí, đưa ra các ưu đãi về phúc lợi xã hội. Khi đó, gia đình của sinh viên sẽ có khả năng tạo điều kiện đón tiếp con em trở về nhà.

Kỳ vọng về cơ hội việc làm

Khi sinh viên mới tốt nghiệp thì việc tìm được việc làm là điều rất quan trọng. Đối với sinh viên, để tìm được một việc làm phù hợp cần nắm bắt những cơ hội dành cho bản thân. Ngoài việc phải luôn trau dồi kiến thức được học ở trên trường, sinh viên còn cần phải học tập thêm các kỹ năng mềm khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình,… Ngoài hỗ trợ cho công việc, khi học tập những kỹ năng này, sinh viên sẽ có khả năng tiếp thu các kiến thức mới nhanh hơn. Ngoài ra, các địa phương cần tạo thêm cơ hội cho sinh viên mới tốt nghiệp bằng cách khuyến khích các công ty sử dụng nguồn nhân lực trẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục đại học.

Điều kiện và chính sách ưu đãi

Để tận dụng nguồn lao động trẻ, địa phương nên đưa ra các chính sách để khuyến khích sinh viên trở về sau khi tốt nghiệp. Cụ thể là tạo cơ hội cho các sinh viên xin được việc làm phù hợp với ngành nghề của mình, trao thưởng cho các sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập,…

Ngoài ra, việc tuyên truyền các chính sách cũng rất quan trọng. Đây là cầu nối giữa chính sách với sinh viên. Khi việc tìm hiểu thông tin trở nên dễ dàng thì sinh viên sẽ càng có khả năng tìm ra được những điểm phù hợp. 

7. Kết luận

Nhóm tác giả đã nghiên cứu về những yếu tố tác động đến ý định hồi hương làm việc của sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy có 3 yếu tố:  Hỗ trợ và định hướng từ gia đình, người thân quen; Kỳ vọng về cơ hội việc làm; Điều kiện và chính sách ưu đãi tác động lên ý định hồi hương làm việc của sinh viên. Với kết quả nghiên cứu và các khuyến nghị, nhóm tác giả mong rằng các địa phương, cơ quan, bộ ngành sẽ có những chính sách và định hướng phù hợp để thu hút nhiều hơn sinh viên hồi hương làm việc sau khi tốt nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational behavior and human decision processes, 50(2), 179-211.
  2. Albrecht, J., & Scheiner, J. (2022). Leaving, Staying in and Returning to the Hometown: Couple's residential location choices at the time of family formation. Raumforschung und Raumordnung/Spatial Research and Planning, 80(4), 414-433.
  3. Cromartie, J., Von Reichert, C., & Arthun, R. (2015). Factors affecting former residents' returning to rural communities (No. 1477-2016-121105).
  4. Han, X., Stocking, G., Gebbie, M. A., & Appelbaum, R. P. (2015). Will they stay or will they go? International graduate students and their decisions to stay or leave the US upon graduation. PloS one, 10(3), e0118183.
  5. Nguyễn Thị Thu Huyền, Nghiêm Thị Kim Oanh, Lê Thị Ngọc Mai (2019), Những yếu tố ảnh hưởng đến ý định về quê làm việc của sinh viên năm cuối Trường Đại học công nghiệp Hà Nội. Tập san SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, số 9. Truy cập tại https://khcn.haui.edu.vn/media/30/uffile-upload-no-title30375.pdf
  6. Kotler, P. (2012). Kotler on marketing. Simon and Schuster.
  7. Liu, Z., & Zhu, F. (2011). China's returned migrant children: Experiences of separation and adaptation. The Asia Pacific Journal of Anthropology, 12(5), 445-461.
  8. Mẫn, T. V., & Dung, T. K. (2020). Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn nơi làm việc của sinh viên tốt nghiệp. Tạp chí phát triển kinh tế, 56-58.
  9. Morathop, N., Kanchanakitsakul, C., Prasartkul, P., & Satayavongthip, B. (2010). Intention to work in one’s hometown: seniors at Naresuan University, Phitsanulok province.
  10. Nguyen, K. G., Nguyen, Q. T., & Nguyen, T. T. (2017). Does Growth in Non‐profit Institutions Improve Government Transparency? A Case Study from Vietnam. Asia & the Pacific Policy Studies, 4(2), 286-295.
  11. Todaro, M. P. (1969). A model of labor migration and urban unemployment in less developed countries. The American economic review, 59(1), 138-148.

 Factors affecting the intention to work at the hometown of students studying at the Faculty of Accounting - Auditing, Ho Chi Minh City Open University

Nguyen Thi Ngoc Diep1

Truong Thi Thuy Trang1

Ha Duc An1

1Ho Chi Minh City Open University

Abstract:

This study is to determine the factors affecting the intention to work at the hometown of students studying at the Faculty of Accounting - Auditing, Ho Chi Minh City Open University. The study is conducted with  302 valid questionnaires obtained from students of the Faculty of Accounting - Auditing. The study finds out that there are three factors positively affecting the intention to work at the hometown of students. These factors, listed in the descending order of impacting level, are: Preferential conditions and policies, Expectations about job opportunities, and Support and career orientation from family and close friends of the student. Based on the study’s findings, some recommendations are made to students, the university and localities to have appropriate support policies and measures to solve employment problems.

Keywords: intention to repatriate, factor analysis, workplace.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương