TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu về Fintech (financial technology - công nghệ tài chính), bắt đầu sử dụng ngay từ những năm của thập kỷ 90 do Tập đoàn Citigroup của Mỹ khởi sướng với việc thành lập “Hiệp hội Công nghệ Dịch vụ Tài chính”, mục đích tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác về công nghệ. Fintech là lĩnh vực kinh tế mới đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Những thay đổi này đã tạo nên tác động to lớn, mạnh mẽ đến tất cả các hoạt động của các tổ chức tài chính, thị trường tài chính, các hoạt động cung cấp các dịch vụ tài chính và cả cơ quan quản lý nhà nước.

 Từ khóa: cơ hội, thách thức, phát triển, Fintech, công nghệ tài chính.

1. Tổng quan phát triển Fintech tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Fintech vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển ở dưới mức tiềm năng do hệ sinh thái chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể, như: Chính phủ, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp Fintech, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính - viễn thông,... Tuy nhiên, hoạt động Fintech tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh vượt bậc.

Số lượng các công ty Fintech đã tăng gấp gần 4 lần trong những năm gần đây. Nếu như tại thời điểm cuối năm 2016, trong cả nước mới có khoảng 40 công ty Finteh, thì đến cuối năm 2021, con số này đã tăng lên trên 150 công ty. Các công ty Fintech Việt Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có 37 doanh nghiệp trung gian thanh toán và ví điện tử, chiếm 24%; 25 công ty P2P Lending - Cho vay ngang hàng, chiếm 16%; 22 công ty mảng chuỗi khối, tiền số và chuyển tiền (Blockchain, Crypto & Remittance), chiếm 14%. Các doanh nghiệp còn lại được phân lẻ sang nhiều lĩnh vực khác: công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư, mà đa số là các công ty khởi nghiệp. Trong số các Fintech tại Việt Nam hiện nay có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp. Tính chung, tổng cộng có 48% công ty tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số, như: 2C2P, VTPay, OnePay, VTCPay, BankPlus, VinaPay, VNPay, Senpay, NganLuong, ZingPay, BaoKim, 123Pay,…

2. Phát triển Fintech trong lĩnh vực ngân hàng

Bên cạnh những doanh nghiệp nói trên, các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam cũng tập trung nguồn lực để nghiên cứu, đầu tư và phát triển các công nghệ mới ứng dụng vào dịch vụ của mình như mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chíp tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless), thanh toán trên thiết bị di động (Mobile Payment), QR và eKYC,… Tính đến đầu tháng 11/2021, cả nước có 16 NHTM Việt Nam đang triển khai eKYC, với hơn 900.000 tài khoản hoạt động, đạt 3,2 triệu giao dịch, với doanh số hơn 92.100 tỷ đồng. Đây là kết quả triển khai bước đầu cho thấy việc mở tài khoản thanh toán eKYC đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng eKYC cũng là một bước tiến mới về công nghệ trong phát triển dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hoạt động TTKDTM. Trong cả nước, chỉ từ tháng 3/2021 đến giữa tháng 11/2021 đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC tại các NHTM, trong tổng số hơn 100 triệu tài khoản của khách hàng thanh toán đang hoạt động tại các NHTM ở Việt Nam. [4]

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng giao dịch và 139,8% về giá trị tiền sử dụng trong thanh toán. [3]

Để góp phần thúc đẩy Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, thu hút khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, trong 2 năm qua (2020 - 2021), các NHTM Việt Nam đã có những chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân, giảm bớt khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Cụ thể, các NHTM đã giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giảm từ 70% đến 100% phí chuyển mạch bù trừ điện tử, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công. Chỉ tính riêng trong năm 2021, tổng số tiền phí các NHTM đã giảm cho người dân khoảng 1.557 tỉ đồng. Nếu tính cả số phí thanh toán đã giảm trong năm 2020 thì tổng số tiền các NHTM đã giảm cho người dân đến nay đã lên tới hơn 2.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 80% giá trị giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí. [3]

Tính đến nay, trong cả nước, có gần 95% tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam đã có, đang xây dựng, hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hiện nay cũng có khoảng 80 NHTM triển khai dịch vụ Internetbanking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90.000 điểm thanh toán QR, gần 298.000 POS. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu 2021 so với cùng kỳ 2020, thanh toán qua Mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; Thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị. [3]

3. Tiềm năng phát triển của Fintech tại Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ ở mức cao, khả năng nắm bắt xu thế nhanh, lại rất được các nhà đầu tư quốc tế quốc tế quan tâm, trong khi đó Fintech lại là hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này tạo cơ hội rất lớn cho Fintech trong nước có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Thực tế là trong những năm gần đây, các lĩnh vực hoạt động của ngành Công nghệ tài chính đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.

Việt Nam có tiềm năng phát triển Fintech rất lớn, cụ thể là các doanh nghiệp công nghệ lớn, như: FPT, Viettel, VNPT đang rất quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp về công nghệ tài chính. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo năm 2022, giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam tăng lên mức 10 - 11 tỷ USD và tăng mạnh hơn vào những năm sau.

4. Những thách thức của Fintech Việt Nam

Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có những Công ty Fintech quy mô lớn, chưa có các chính sách thuế ưu đãi đối với nhà đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm như một số trung tâm Fintech trên thế giới. Điều này tạo ra nhiều thách thức cho sự phát triển của ngành Đầu tư tài chính có cơ hội thu lợi nhuận cao.

Khuôn khổ pháp lý vẫn còn sơ khai, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán vẫn còn chưa đồng bộ. Tại Việt Nam, hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ; Mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của Công ty Fintech; Bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân.

Việt Nam hiện vẫn còn là quốc gia đang phát triển, mặc dù có nguồn lao động trẻ lại nhạy bén khi tiếp cận với lĩnh vực mới nhưng với nền kinh tế chưa thực sự phát triển nên cơ sở hạ tầng công nghệ vẫn yếu kém. Do đó, vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của nền tảng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ bảo mật. Thêm vào đó là người sử dụng hệ thống không có ý thức bảo mật thông tin cá nhân như: họ và tên, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số tài khoản,… 

5. Khuyến nghị giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam

Một là, cần hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về hoạt động Fintech.

Cần khẩn trương bổ sung và hoàn thiện thêm chức năng quản lý nhà nước Fintech của một số cơ quan quản lý đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng hiện nay, cụ thể: NHNN là cơ quan quản lý lĩnh vực ngân hàng và Bộ Tài chính (cụ thể hơn là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) là cơ quan quản lý lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm. Chính phủ cần quy định cụ thể về thể chế quản lý, cơ quan quản lý cũng như quy định rõ về quyền hạn và trách nhiệm để xử lý các vấn đề liên quan tới các lĩnh vực Fintech tại 2 Nghị định nêu trên.

Hai là, xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực Fintech.

 Thứ nhất, xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực Fintech đối với các dịch vụ, mô hình chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh.

Chính phủ cần có cơ chế quản lý cho hoạt động thử nghiệm của các công ty Fintech, qua đó cơ quan quản lý có thể quản lý, giám sát các hoạt động được giới hạn của công ty Fintech, hạn chế tối đa các hoạt động vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ được lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Thứ hai, rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các lĩnh vực/dịch vụ cụ thể của Fintech.

 Đối với hoạt động thanh toán: Việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Fintech trong lĩnh vực thanh toán (điển hình là dịch vụ trung gian thanh toán - TGTT) cần được tiếp tục rà soát và hoàn hiện. Hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT gắn liền với các kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Trong bối cảnh công nghệ mới ngày càng phát triển được ứng dụng vào các mô hình, nghiệp vụ mới (ngoài các dịch vụ thanh toán gắn với tài khoản hiện nay với một ví điện tử lưu trữ trên các phương tiện điện tử đem lại nhiều tiện lợi, đơn giản, thanh toán đa dạng các hàng hóa, dịch vụ,...) đòi hỏi các chính sách, giải pháp quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT cần phải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được vai trò quản lý nhà nước hiệu quả trong hoạt động này. 

- Đối với hoạt động huy động vốn và cho vay trên nền tảng công nghệ cao (P2P Lending): Hoạt động này chưa có quy định pháp luật quản lý chuyên ngành, nên cần tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật có liên quan (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng,...) và cần sự phối hợp, tham gia của nhiều bộ, ngành có liên quan.

- Đối với giải pháp dịch vụ liên quan e-KYC: Việc triển khai e-KYC trên cơ sở áp dụng công nghệ mới, hướng tới các giao dịch trực tuyến có nguồn cung cấp thông tin định danh khách hàng rất đa dạng, có thể dẫn tới việc mỗi đơn vị cung cấp sẽ có một quy trình thực hiện e-KYC khác nhau khiến gây lãng phí chi phí, không thống nhất. Do đó, đòi hỏi việc xây dựng quy trình e-KYC áp dụng chung cho các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Trong đó, cần quy định cụ thể về việc điều chỉnh, bổ sung quy định về chia sẻ, xác thực thông tin khách hàng giữa các tổ chức tín dụng với nhau; hoặc cho phép chia sẻ thông tin liên quan tới khách hàng cho một tổ chức cung cấp và xác minh thông tin định danh khách hàng điện tử để thiết lập một dữ liệu điện tử về nhận biết khách hàng.

 Đối với vấn đề Open API: Để triển khai Open-API cần sửa đổi các quy định, pháp lý hiện hành, như:

 + Sửa đổi quy định về thông tin bí mật Nhà nước trong ngành Ngân hàng; theo đó, loại bỏ một số thông tin khỏi danh mục bí mật nhà nước, các thông tin này cần được xác định là thông tin cá nhân và được điều chỉnh theo các quy định về bảo vệ bí mật thông tin cá nhân. Không nên bị ràng buộc phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình lưu trữ, cung cấp, sử dụng thông tin.
      + Sửa đổi quy định, cho phép bên thứ ba được phép truy xuất thông tin liên quan với sự đồng ý của khách hàng. Mở rộng phạm vi cung cấp thông tin là các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản của khách hàng.

- Đối với công nghệ Blockchain: Trong ngắn hạn, NHNN cần sớm cho phép một số NHTM thử nghiệm các ứng dụng công nghệ Blockchain trong một phạm vi cho phép tại các ngân hàng, để các ngân hàng vừa ứng dụng, vừa nghiên cứu, đúc kết ra những hiệu quả của công nghệ Blockchain với ngân hàng mình, từ đó từng bước ứng dụng rộng rãi hơn công nghệ này trong tương lai. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ nắm bắt được cụ thể hơn những khó khăn, vướng mắc của các NHTM khi triển khai công nghệ Blockchain để cùng tháo gỡ, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho tương lai.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng lưới hỗ trợ đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp startup nói chung và startup trong lĩnh vực Fintech nói riêng.

Trung tâm đổi mới sáng tạo Fintech (Fintech Innovation Hub) đóng vai trò quan trọng trong phát triển hệ sinh thái Fintech của bất kỳ quốc gia nào. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia có hệ sinh thái Fintech phát triển như Mỹ, Anh, Singapore, Đức,… đều thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp/Trung tâm đổi mới sáng tạo (Innovation Hub), trong đó có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và khu vực tư nhân (các tập đoàn, tổng công ty, các nhà đầu tư thiên thần,…), có thể kể đến như CyberPort - Fintech Hub của Hồng Kông; Fintech Innovation Lab “Looking Glass” của Singapore; Tech Quartier của Đức,…

Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, để phát triển hệ sinh thái Fintech cạnh tranh và bền vững trong dài hạn, hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp Fintech (bao gồm cả các công ty đang trong giai đoạn phát triển ban đầu - early stage và các công ty đã có giải pháp sẵn sàng cung ứng ra thị trường - mature stage), trên cơ sở nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia đã triển khai thành công, việc thành lập Fintech Innovation Hub tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, có thể đem lại những lợi ích thiết thực và hỗ trợ cho cộng đồng Fintech Startups.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

  1. BIDV (2020-2021). Báo cáo phân tích thị trường tài chính các tháng năm 2020-2021.
  2. Chính phủ (2018-2021). Cổng thông tin của Chính phủ: Truy cập tại: http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/cacchuongtrinhduan.
  3. SBV (2018-2021). Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Truy cập tại: https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu; mục các văn bản quy phạm pháp luật.
  4. VBNA (2020-2021). Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Truy cập tại: https://www.vbna.org.vn.
  5. Vietcombank (2015-2020). Thông tin hoạt động của Vietcombank tại Báo báo thường niên, báo cáo tổng kết hoạt động các năm 2015-2021.

 

FINTECH IN VIETNAM: OPPORTUNITIES AND CHALLENGES

Ph.D Do Quang Tri

Van Lang University

Abstract:

Financial technology or Fintech originated from the establishment of Financial Services Technology Consortium, a project initiated by Citigroup in the 90s. This project was to facilitate the technology cooperation in the financial sector. Fintech now is a rapidly growing economic field in the context of the Fourth Industrial Revolution. The Fourth Industrial Revolution has made strong impacts on all operations of financial institutions, financial markets, financial service providers and even state regulators.

Keywords: opportunity, challenge, development, Fintech, financial technology.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 27, tháng 12 năm 2021]