PV: Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về bức tranh công nghiệp 2019 của Việt Nam?
Cục trưởng Trương Thanh Hoài: Năm 2019 có thể nói là 1 năm mà nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng rất chậm, đồng thời tăng trưởng thương mại của toàn cầu chỉ tăng 1.2% so với 3.6% năm 2018 và nền kinh tế Việt Nam hiện rất mở. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta cũng đạt hơn 200% GDP và trong bối cảnh đó thì các sản phẩm ngành công nghiệp chiếm lĩnh 80% trong kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như nền công nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng của thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, mặc dù có rất nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng công nghiệp của chúng ta trong năm vừa qua vẫn duy trì được bước tăng trưởng đáng ghi nhận, tăng trưởng trong toàn ngành công nghiệp trong 11 tháng đầu năm dự kiến khoảng 9.3% và trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn giữ được điểm sáng về động lực chủ chốt cho tăng trưởng của công nghiệp Việt Nam ở mức khoảng 10,6% đối với 11 tháng đầu năm.
PV: Và đặc biệt là có sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước phải không ạ?
Cục trưởng Trương Thanh Hoài: Năm nay, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đặc biệt, đáng ghi nhận, năm nay là năm đầu tiên ngành công nghiệp chế biến chế tạo có xuất siêu, mặc dù số xuất siêu là không lớn, khoảng 100 triệu USD. Ở đây thể hiện những chính sách, giải pháp của Chính phủ trong thời gian vừa qua nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, và các chính sách phát triển công nghiệp cũng như công nghiệp hỗ trợ bước đầu đã phát huy tác dụng.
Các sản phẩm công nghiệp Việt Nam có giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao hơn và ít phụ thuộc, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu, và có thể nói đây là một hướng phát triển rất là tốt, mang tính chất bền vững để nền kinh tế Việt Nam tránh tụt hậu và tránh sa vào bẫy thu nhập trung bình.
PV: Vậy đâu là những nỗ lực mà chúng ta cần hướng tới trong năm 2020?
Cục trưởng Trương Thanh Hoài: Chúng tôi đánh giá rằng năm 2020 thì nền kinh tế thế giới có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2019. Hy vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi, chúng tôi nghĩ ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong bối cảnh đó có nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do chúng ta vừa ký kết sẽ mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
PV: Trong bối cảnh đó, làm thế nào để có thể nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp chế tạo trong thời gian tới thưa ông?
Cục trưởng Trương Thanh Hoài: Bên cạnh việc tạo các điều kiện và môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội vào công nghiệp thì chúng ta cũng cần tiếp tục có các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo phát triển, đặc biệt là theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước.
Rõ ràng, trong thời gian qua chúng ta cũng đã triển khai một số giải pháp, nhưng tôi nghĩ vẫn chưa đủ và hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục kiến nghị Chính phủ một số giải pháp về thuế, tài chính và đặc biệt là các giải pháp về tài chính.
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn lực rất hạn chế trong việc đổi mới, sáng tạo, nên các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là các nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các đối tượng vừa và nhỏ vay để thực hiện các việc đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất rất là quan trọng.
Đồng thời, ở đây, chúng tôi cũng đánh giá là trong thời gian vừa qua sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc xây dựng và triển khai các chính sách phát triển công nghiệp còn rất hạn chế, nếu cả 1 hệ thống chính trị của chúng ta không vào cuộc thì rõ ràng ngành công nghiệp chế biến chế tạo khó đạt được như kỳ vọng của chúng ta, tức là tạo ra giá trị gia tăng cao và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nước ta.