Động lực từ chính sách đưa sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đi xa hơn

Việc thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thời gian qua đã góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác.

Chính sách là trợ lực quan trọng

Phát biểu tại Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” diễn ra sáng 18/11/2023, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh đất nước đổi mới và ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nói riêng, là những khu vực có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Có thể kể đến các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo; và đặc biệt là Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cũng như các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án, chương trình thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng Việt Nam, hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo,...

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”

Các chính sách này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.

Trong đó, không thể không kể đến Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 và tiếp nối là giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021. Chương trình được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Đây là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.

Liên tục kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tiềm năng

Bà Lê Việt Nga cho biết, việc thực hiện Chương trình trong những năm qua đã đem lại những kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong cả nước và phục vụ xuất khẩu.

Bộ Công Thương đã, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình triển khai rất nhiều các đề án, nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào các nội dung chính như: Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phục vụ phát triển thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phát triển thương mại và các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”

Trong đó, chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương như: Hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; tổ chức các Hội nghị, hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương tổ chức xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Đồng thời, tổ chức Hội nghị/Hội thảo giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm thế mạnh của địa phương vào các kênh phân phối hiện đại, bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh của địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu.

Tích cực quảng bá sản phẩm

Việc thực hiện Chương trình còn tạo được hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho phát triển hoạt động thương mại, đặc biệt là cho việc quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương phát triển thị trường cho sản phẩm hàng hóa đặc trưng, lợi thế của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên cả nước như xây dựng bộ tiêu chí xác định các mặt hàng có lợi thế phát triển của địa phương với 70 báo cáo chuyên đề đánh giá lợi thế và thực trạng các mặt hàng có lợi thế, hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm - ngành hàng; 35 bộ cẩm nang hồ sơ các mặt hàng có lợi thế; xây dựng 35 bộ cẩm nang các mặt hàng có lợi thế cho 35 tỉnh, xuất bản; phát hành ấn phẩm “Hàng hóa thương hiệu miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo Việt Nam”; xây dựng và duy trì trang thông tin http://sanphamvungmien.vn với 871 bài viết giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền cho các sản phẩm của vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, 3.528 các tin cập nhật về giá hàng hóa tại các chợ, siêu thị, 4.023 tin về chính sách, sản xuất, tiêu thụ, giao thương, doanh nghiệp, sự kiện…; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo, đài như Ban Truyền hình tiếng dân tộc (VTV5), Ban Thời sự (VOV1), Thông tấn xã Việt Nam, Truyền thông - Truyền hình Công Thương, Báo Công Thương…. xuất bản và phát hành trên 10 phim tài liệu, gần 100 phóng sự, và khoảng 3.000 các tin, bài cập nhật đầy đủ, thường xuyên các diễn biến, hoạt động thương mại diễn ra tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”

Hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin trên góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm được sản xuất trên địa bàn, hình thành hệ thống phân phối, mối liên kết bạn hàng giữa các vùng, miền để tạo thành một chuỗi cung ứng - tiêu thụ có tính liên tục góp phần giảm nghèo bền vững khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; nâng cao thu nhập của người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; củng cố an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia trên địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Lồng ghép trong các chương trình, đề án đa dạng

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã triển khai nhiều hoạt động lồng ghép vào các Chương trình và Đề án phát triển kinh tế xã hội, kết nối hàng hóa sản xuất trong nước, thúc đẩy để tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào vùng khó khăn này. Có thể kể đến như:

Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giai đoạn từ năm 2014-2020 và nay là giai đoạn 2021-2025, đã tổ chức được các sự kiện nhận diện hàng hóa trên quy mô toàn quốc đối với những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, trong đó có sản phẩm, hàng hóa của bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo;

Đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản, cũng tạo ra được những cơ sở hạ tầng để hỗ trợ đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tiêu thụ được sản phẩm hàng hóa của mình theo chuỗi cung ứng từ sản xuất, có doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ kinh doanh đỡ đầu, bao tiêu cũng như cam kết ổn định về giá để đưa vào các hệ thống phân phối lớn;

Và các Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, các Chương trình về khuyến công, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Chương trình đưa hàng hóa, thực phẩm an toàn vào các kênh phân phối,… và mới đây là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ký kết thỏa thuận kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
Ký kết thỏa thuận kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
Ký kết thỏa thuận kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có những chương trình xã hội hóa kết hợp với các hệ thống phân phối lớn ở trong nước như Central Retail, để hướng dẫn cho các địa phương, hướng đến đối tượng của đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn của hệ thống siêu thị và đưa vào trong hệ thống siêu thị đó tiêu thụ tại thị trường trong nước. Tháng 8/2023 vừa qua, đã diễn ra lễ hội hương vị Việt Nam do hệ thống Central Retail tổ chức tại Bangkok, tại đó sẽ giới thiệu những sản phẩm đặc sản, trong đó có sản phẩm đặc sản của bà con vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với cộng đồng người tiêu dùng của Bangkok nói riêng và của Thái Lan nói chung và các nhà phân phối nhập khẩu của Thái Lan để đưa những sản phẩm hàng hóa này sang thị trường tại khu vực và quốc tế.

Cùng với đó là nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ hơn nữa những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, và các định hướng để đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo biết được sản phẩm của mình cần phải là hàng hóa tuân thủ về pháp luật, tuân thủ tín hiệu của thị trường, như xây dựng ra được bộ tiêu chuẩn sản phẩm của mình, có đăng ký chất lượng, có truy xuất được nguồn gốc và có xây dựng được thương hiệu và được bảo hộ thương hiệu để tạo thuận lợi đưa vào thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xây dựng mô hình thí điểm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Đây là những bước tiến ban đầu của việc xây dựng cơ chế, chính sách và thực thi cơ chế, chính sách trong tình hình mới khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, có sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp nước ngoài nhưng vẫn dành những không gian lớn, rộng lớn và khác biệt, được hỗ trợ một cách trọng tâm, trọng điểm cho hàng hóa của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo ngày càng phát triển.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai nhiều giải pháp mà Bộ Công Thương vừa ban hành kịp thời trong thời gian qua.

Một là, hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức những hoạt động gắn giữa văn hóa, du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, vừa phát triển và bán được sản phẩm hàng hóa của bà con.

Hai là, nhóm giải pháp thông qua lồng ghép các Chương trình và Đề án kể trên cùng với việc truyền thông trong triển khai các giải pháp này.

Ba là, thông qua các Đề án, Chương trình Bộ Công Thương xây dựng những mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng, miền, đặc biệt là mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Bốn là, đào tạo được nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, và cả các doanh nghiệp hoạt động tại vùng đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để hỗ trợ cho việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn.

Năm là, đẩy mạnh các Chương trình, Đề án đã có những tác động tích cực cho tiêu thụ sản phẩm đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là nhiệm vụ cần phải được tăng cường trong thời gian tới.

Đặc biệt là những nhóm mà giải pháp như tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước và quảng bá qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài.

Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ rà soát lại những văn bản của Bộ Công Thương đang triển khai những nhóm nhiệm vụ mà được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để xem là cần phải cập nhật gì trong tình hình mới này để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

My Thảo