Giải pháp phục hồi nguồn nhân lực ngành Du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19

NGUYỄN THỊ THU (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Tác động của 4 đợt dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã khiến nền kinh tế nói chung bị ảnh hưởng, trong đó ngành Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều người làm việc trong lĩnh vực này đã bị thất nghiệp hoặc chuyển sang công việc khác. Nguy cơ thiếu nhân lực du lịch đã được cảnh báo khi bước vào giai đoạn phục hồi. Bài viết này nêu rõ thực trạng ngành Du lịch Việt Nam qua 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm để phục hồi nguồn nhân lực ngành Du lịch sau đại dịch.

Từ khóa: nguồn nhân lực, ngành Du lịch, đại dịch Covid-19, sau đại dịch Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã gây hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Năm 2020, nhiều kế hoạch của ngành du lịch Việt Nam đặt ra hầu như không thực hiện được, các chỉ tiêu đặt ra đều giảm mạnh. Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 78,7% so với năm 2019, trong đó, hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD),...

Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp ngành Du lịch Việt Nam chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19. Theo thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch giảm dẫn đến doanh thu từ du lịch lữ hành cũng giảm. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực về tài chính dẫn tới nhiều lao động trong ngành Du lịch đã phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc mới. 

Vấn đề thiếu nhân lực trong ngành du lịch, kể cả nhân lực có chất lượng cao là điều khó tránh khỏi khi Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi trở lại. Việc tuyển dụng lại và đào tạo mới nhân lực đang là bài toán cân đối về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sau 2 năm bị chịu ảnh hưởng từ dịch.

2. Thực trạng ngành Du lịch Việt Nam qua 2 năm đại dịch

Trong 2 năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã phải chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân lực lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hơn 300 doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa. Năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành Du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70 - 80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng. Nguồn nhân lực trong ngành Du lịch gặp vô vàn khó khăn. Nhiều người đã thất nghiệp, rời bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác. Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp, mà còn tác động rất lớn đến công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch, các ngành đào tạo dịch lịch - khách sạn - lữ hành khó tuyển sinh, đồng thời số sinh viên tốt nghiệp 2 năm gần đây ra trường không xin được việc làm đã chuyển sang làm trái ngành, càng gây ra sự thiếu hụt nhân lực cho ngành Du lịch sau khi phục hồi hậu Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp du lịch - khách sạn - lữ hành cho biết, mặc dù vẫn giữ nhiều nhân sự nòng cốt trong suốt giai đoạn dịch bệnh, nhưng lực lượng này không đủ đáp ứng nhu cầu du lịch đang tăng cao, cũng như để công ty có sự chuẩn bị tốt cho mùa cao điểm 30/4 và dịp hè. Theo thống kê của các doanh nghiệp, nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu thị trường, chưa kể xử lý các công việc phát sinh khi khách đi tour. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khá khó khăn vì thiếu nhân lực, nhiều nhân viên bán hàng hoặc điều hành trước đây đã ổn định với công việc mới như tư vấn bảo hiểm hay hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Ngành Du lịch cả nước đang chứng kiến cuộc “đại tuyển dụng” quy mô lớn bậc nhất từ trước đến nay, khi rất nhiều đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ráo riết tìm kiếm lao động.

Vì vậy, để chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành, việc phục hồi lại nguồn nhân lực là một trong những vấn đề vô cùng cấp thiết, nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cũng như dịch vụ du lịch. Đây là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương, rộng hơn là ngành Du lịch của cả quốc gia.

2. Giải pháp phục hồi nguồn nhân lực ngành Du lịch sau đại dịch

Để nguồn nhân lực ngành Du lịch từng bước phục hồi và sớm khởi sắc trở lại trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cần có nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ của các doanh nghiệp.

Thứ nhất, doanh nghiệp nên tinh giản bộ máy, sắp xếp lại vị trí việc làm, cố gắng giữ lại những nhân sự cốt cán bằng các chế độ ưu đãi để không mất nhiều thời gian tìm kiếm. Doanh nghiệp cần đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn tại doanh nghiệp, triển khai rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực mang tính chuyên sâu, tạo đầu ra là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Doanh nghiệp cần triển khai chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí cho lực lượng lao động du lịch. Đây là mô hình đào tạo thực chiến không chỉ cho nhân viên du lịch mà cả sinh viên; trong đó chú trọng tính an toàn khi tổ chức tour, với các hoạt động như khai báo y tế, đón nhận khách, xây dựng sản phẩm…

Thứ hai, doanh nghiệp cần chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.

Thứ ba, cần được Chính phủ hỗ trợ về tài chính, đồng thời có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, để họ không bỏ nghề. Chính phủ xem xét hỗ trợ doanh nghiệp gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không bị đứt gãy lao động trong ngành Du lịch. 

Thứ tư, về trung hạn và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn. Tiếp đến, cần tăng nhanh quy mô đào tạo các ngành Du lịch, khách sạn lữ hành, bởi năm 2021, tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 75 - 80% chỉ tiêu, đồng nghĩa nguồn cung không đáp ứng cho thị trường lao động. Song song với đó, cần chuyển đổi số, thay đổi phương thức đào tạo; đẩy mạnh hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp.

Thứ năm, Nhà trường và doanh nghiệp du lịch cần có liên kết chặt chẽ hơn nữa. Nhà trường mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, tham gia đào tạo, đến giảng dạy tại nhà trường. Doanh nghiệp cung cấp môi trường thực hành, thực tập cho sinh viên.

Với nhân lực ngành lữ hành thì sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều giải pháp khác nhau để cung cấp kiến thức cho sinh viên. Nhà trường cần mời doanh nghiệp về trao đổi với sinh viên nhiều hơn, tổ chức các chuyến đi thực tế đến các điểm du lịch. Sinh viên lữ hành không nhất thiết phải đến thực tập tại văn phòng công ty mà cần đi thực địa, tiếp xúc với khách du lịch.

Nhà trường cần tăng cường trang bị cho sinh viên ngành nhà hàng - khách sạn các kỹ năng về sử dụng các phần mềm ứng dụng trong quản lý khách sạn, nhà hàng. Sinh viên ngành hướng dẫn viên được tăng cường trang bị các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế tour, tìm kiếm các dữ liệu, thực hiện số hóa tài nguyên du lịch, quay, dựng các clip liên quan đến các hoạt động trải nghiệm thú vị của du khách trong chuyến đi, kỹ năng tổ chức sự kiện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực du lịch đạt chất lượng ngày càng cao.

Quan trọng hơn, nhà trường cần phải lắng nghe ý kiến của nhà tuyển dụng, doanh nghiệp và thẳng thắn nhìn nhận về chất lượng đào tạo, chất lượng sinh viên của mình. Khi có nhiều ý kiến góp ý thì phải nghiêm túc xem xét: khâu đào tạo đang gặp vấn đề ở đâu, khoảng trống là gì… sau đó rà soát, sửa đổi, bổ sung, cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu của xã hội. Những phản hồi của đơn vị sử dụng lao động đều có tính xây dựng rất cao và nhà trường cần phải tham khảo thường xuyên.

Tốc độ phát triển của ngành du lịch đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận thực tiễn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây cũng là một trong các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, đáp ứng nhu nhu cầu của ngành du lịch và xã hội.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, nguồn nhân lực du lịch phải đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Sinh viên cần được cung cấp cả hiểu biết, kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ thực tế, văn hóa giao tiếp, ngoại ngữ, công nghệ thông tin…Để làm được điều này, các cơ sở đào tạo phải kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt là đơn vị chất lượng cao như khách sạn 4-5 sao để vừa đào tạo đúng nhu cầu, vừa nâng cao chất lượng nhân lực.

Sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch đã được thực hiện tương đối tốt trong thời gian gần đây, thông qua việc doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện đào tạo.

3. Kết luận

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Việc giữ chân người lao động trở thành bài toán lớn đối với các doanh nghiệp du lịch. Mục tiêu chiến lược của du lịch Việt Nam là trở thành 1 trong 1 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch tại Đông Nam Á và trong 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Để đạt mục tiêu này, cần tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12-14% một năm.

Để giải quyết bài toán về phục hồi, ngành Du lịch Việt Nam cần có cái nhìn tổng thể, mang tính hệ thống. Trong bối cảnh toàn ngành du lịch đón nhiều tín hiệu tích cực từ quyết định mở cửa du lịch hoàn toàn thì nhiều vấn đề khó khăn cũng dần lộ diện. Trong đó, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch là vấn đề được các doanh nghiệp và cơ quản quản lý cùng quan tâm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Website Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022): https://bvhttdl.gov.vn/tong-cuc-du-lich-to-chuc-chuong-trinh-cong-bo-thong-mo-cua-lai-hoat-dong-du-lich-trong-dieu-kien-binh-thuong-moi-20220315185306506.htm.
  2. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (2021), Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” .
  3. Website Tổng cục Thống kê (2022): https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/03/du-lich-nhieu-dia-phuong-khoi-sac-trong-dip-tet-nham-dan/

Solutions to recover the human resources for Vietnam’s tourism industry after the COVID-19 pandemic

Nguyen Thi Thu

Faculty of Business Management

University of Economic and Technical Industries

Abstract:

Four waves of the COVID-19 pandemic over the past two years have affected the economy in general. The tourism industry is one of the hardest hit by the pandemic. Many people lose their jobs in the tourism sector and they have had to change their jobs. The tourism industry has been warned of the labour shortage issue after the COVID-19 pandemic. This paper points out the current situation of Vietnam’s tourism industry which has been severely affected by the COVID-19 pandemic over the past two years. The paper also proposes some solutions to encourage former tourism workers to return to the industry.

Keywords: human resources, tourism industry, Covid-19 pandemic, after the Covid-19 pandemic

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]