Hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp

TRẦN SỸ NGUYÊN (Trường Đại học Đại Nam)

TÓM TẮT:

Mô hình đại học - doanh nghiệp (tồn tại trường đại học trong doanh nghiệp và doanh nghiệp trong trường đại học) và mô hình hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp đã phát triển rất phổ biết trên thế giới. Sự hợp tác này tác động tích cực tới hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong đại học và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên. Từ việc đánh giá một số các mô hình hợp tác giữa đại họcdoanh nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam, nghiên cứu đã chỉ ra những mặt tồn tại gây cản trở việc hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đề xuất phương hướng nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp trong điều kiện Việt Nam hiện nay, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Từ khóa: Hợp tác đại học, đại học, doanh nghiệp.

1. Mô hình hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp trên thế giới

Mô hình đào tạo liên kết giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp được đề xướng bởi nhà triết học Đức Willhelm Humboldt. Theo ông, trường đại học ngoài chức năng đào tạo phải có chức năng nghiên cứu và hợp tác với các ngành công nghiệp. Nghiên cứu khoa học trong các trường hiện đại thể hiện chức năng của mình trong thúc đẩy đổi mới tri thức xã hộiHợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp được hiểu như sự tương tác trực tiếp hay gián tiếp, giao dịch cá nhân hay không mang tính cá nhân giữa cơ sở giáo dục với các doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho các bên. Bao gồm: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, trao đổi nhân sự (học giả, sinh viên và chuyên gia), thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triểnxây dựng và phổ biến chương trình đào tạo, học tập suốt đời, phát triển doanh nghiệp và quản trị.

Do vậy, các hợp tác này còn được coi là sự hợp tác giữa hai mảng học thuật và sản xuất - kinh doanh. Để cụ thể hóa điều này, năm 1810, Willhelm Humboldt đã thành lập Trường Đại học Berlin với điểm khác biệt so với các trường đại học khác thời bấy giờ là chuyển trọng tâm sang nghiên cứu giúp cho hoạt động đào tạo, đặc biệt là phát triển các lĩnh vực công nghệ phục vụ mục đích quân sự và dân sự. Trường đại học của ông đã góp phần đưa nước Đức trở nên hùng mạnh.

Ở các quốc gia phát triển, hầu hết những cải tiến công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế đều liên quan tới các trường thông qua các hoạt động chia sẻ tri thức, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, vai trò của các trường đối với doanh nghiệp tiếp tục được đề cao. Chính phủ luôn đóng vai trò quan trọng trong tạo dựng môi trường pháp luật và các chính sách, hình thành liên kết 3 bên: chính phủ - nhà trường - doanh nghiệp. Trên thế giới, hợp tác đại học - doanh nghiệp được thể hiện ở nhiều hình thức và ở mức độ. Các mức độ hợp tác phổ biến là: tiếp nhận sinh viên đến thực tập, tham quan thực tếhỗ trợ chi phí và thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập. Các mức cao hơn là: trao đổi chuyên gia, chia sẻ tri thức, công nghệ; đầu tư cho nghiên cứu, triển khai để cùng sở hữu và chuyển giao công nghệ; cùng đầu tư phát triển doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho xã hội.

Các kết quả nghiên cứu và thực tế cho thấy có những khó khăn, rào cản đến từ các bên: hạn chế về nhận thức, thông tin, sự hiểu biết và niềm tin; hạn chế về nguồn lực triển khai, đặc biệt là vốn đầu tư ban đầu cho các hợp tác; cơ chế và quy trình trong phối hợp của các bên. Ngoài ra, các rào cản còn do khung pháp lý và các chính sách liên quan của chính phủ thiếu đồng bộ, chưa khuyến khích các hoạt động hợp tác. Chính vì thế, cần thiết phải chỉ rõ vai trò của các bên: Chính phủ, Nhà trường, và Doanh nghiệp trong mối quan hệ hợp tác này.

Vai trò của chính phủ trong mối quan hệ hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp: Từ những năm 1990, Chính phủ Anh đã bắt đầu có những bước đi thiết thực nhằm khuyến khích sự hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp bằng việc thành lập cơ quan chuyên trách về sáng tạo, đại học và phát triển, các tổ chức như quỹ đổi mới giáo dục đại học và các hội đồng về nghiên cứu để hỗ trợ về vốn và cơ chế cho các hoạt động này. Chính phủ Singapore đã chủ động đưa ra các chính sách, cơ chế quản lý thiết thực từ việc xây dựng văn hóa tương tác giữa đại học - doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp trong trường đại học bắt đầu từ những năm 1990 và từ hai trường đại học đứng đầu châu Á là Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Kỹ thuật Na Yang. Ở Nhật Bản, Toyota đã thành lập Học viện Toyota từ những năm 1938 để đào tạo lao động cho chính tập đoàn và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ở Thụy Sỹ, ngay từ năm 1956, phòng thí nghiệm Zurich đã được thành lập, trực tiếp tổ chức và tham gia vào rất nhiều dự án hợp tác với các trường đại học trong toàn châu Âu. Năm 2011, IBM cùng Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ đã thành lập Trung tâm “Binnig and Rohrer Nanotechnology” với mục tiêu nghiên cứu về cấu trúc Nano để phát triển công nghệ năng lượng và công nghệ thông tin. Ngoài ra, một số quốc gia ở châu Âu được xem như là những quốc gia đi đầu trong việc tạo ra cơ chế, môi trường thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học để đào tạo sinh viên. Trong mối quan hệ hợp tác đại học với doanh nghiệp, các chính phủ đóng vai trò là người tạo ra “luật chơi”, tạo ra môi trường thúc đẩy hoặc kìm hãm sự hợp tác này.

Vai trò của doanh nghiệp trong mối quan hệ hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có vai trò quyết định trong tạo lập các liên kết và đưa các hoạt động hợp tác cụ thể từ liên kết đó vào thực tiễn hoạt động. Doanh nghiệp là nơi tạo ra điều kiện để người học có thể thực hiện “học đi đôi với hành”, đó là môi trường lý tưởng để sinh viên đại học có thể làm quen với công việc và áp dụng những kiến thức đã học khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong xây dựng các chính sách, tiến hành các biện pháp thích hợp trong triển khai các mục tiêu của các liên kết. Ngoài ra, trong một số tình huống, doanh nghiệp có thể làm thay đổi chính sách, chương trình, phương pháp đào tạo của nhà trường do những thay đổi của nhu cầu thị trường lao động.

Vai trò của trường đại học trong mối quan hệ hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp: Sự thay đổi nhanh chóng của nhu cầu thị trường lao động đã gây sức ép buộc các trường đại học phải thay đổi từ nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo đến các thức quản trị đại học. Các cách thức dạy học truyền thống đang thay đổi mạnh mẽ để đào tạo sinh viên đáp ứng đúng nhu cầu xã hội. Ngoài mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thì một lĩnh vực khác vô cùng quan trọng của trường đại học là nghiên cứu khoa học, tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học của trường cần phải được thương mại hóa để ứng dụng ra xã hội. Khi đó, vai trò của các đại học ngày càng trở nên quan trọng trong việc kết nối với doanh nghiệp hoặc thậm chí, họ sẽ thành lập các doanh nghiệp thuộc trường để cụ thể hóa các mục tiêu này. Ngoài ra, trường đại học còn tham gia tư vấn chiến lược, tư vấn quản lý, xây dựng chính sách,… để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và hiệu quả của sự hợp tác đại học - doanh nghiệp.

Như vậy, mô hình hợp tác đại học với doanh nghiệp đã phát triển từ rất sớm ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là châu Âu, Nhật Bản, Singapore,… Để thúc đẩy mối quan hệ này thì vai trò nòng cốt thuộc về chính các trường đại học và các doanh nghiệp, tuy nhiên, vai trò của Nhà nước lại giống như “bà đỡ”, tạo ra “luật chơi” để nuôi dưỡng và phát triển sự hợp tác lâu dài của đại học và doanh nghiệp.

2. Thực tiễn hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng khóa XI khẳng định, các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội (chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020); coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, so với thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Âu và Mỹ thì đổi mới về vấn đề này ở Việt Nam rất chậm, đặc biệt các chính sách, cơ chế và giải pháp thực thi trong thực tiễn còn thiếu đồng bộ. Các nội dung hợp tác ở các cấp theo xu hướng hội nhập và chia sẻ nguồn lực cùng phát triển trong hợp tác với doanh nghiệp còn hạn chế. Chính vì vậy, mô hình hợp tác để đưa các chính sách của Nhà nước, nhu cầu và nguồn lực của trường, cơ sở nghiên cứu, nhu cầu và nguồn lực của doanh nghiệp gần lại với nhau là một vấn đề cần nghiên cứu và triển khai.

Liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của cả 2phía. Các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là những nhà cung cấp thông tin để các cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động. Vì lợi ích của chính mình, hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo luôn hướng tới nhu cầu xã hội, trong đó có nhu cầu doanh nghiệp. Như vậy, các cơ sở đào tạo luôn có nhu cầu phải được gắn kết với doanh nghiệp. Mặt khác, nếu cơ sở đào tạo đảm bảo cung cấp những lao động đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp, thì đối với doanh nghiệp đó là điều lý tưởng nhất. Được hợp tác với một cơ sở đào tạo cũng là nhu cầu thiết thực của chính doanh nghiệp. Do đó, mối liên kết này vừa mang tính tất yếu, vừa mang tính khả thi cao trong việc đáp ứng lao động cho doanh nghiệp. Nhưng điều cần phải nhấn mạnh ở đây là mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp không mang tính hỗ trợ từ phía này đối với phía kia, mà là một sự cần thiết khách quan về sự tồn tại và phát triển bền vững chung, bởi tiến trình này đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, nhà trường và người học.

Dự án “POHE - Giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng” cho thấy, hoạt động hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam chưa thực sự phổ biến. Hiện nay, một số trường đại học của nước ta đang mạnh nhất trong việc hợp tác với doanh nghiệp là Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh với mạng lưới 120 đối tác doanh nghiệp; một số các trường đại học khác, như: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế có từ 20 đến 40 doanh nghiệp đối tác; còn lại hầu hết là rất ít, ví dụ Đại học Vinh chỉ có 4 doanh nghiệp đối tác. Cũng theo kết quả của dự án này, có 72,8% cựu sinh viên tham gia học tập theo chương trình POHE đáp ứng được các nhu cầu của nhà tuyển dụng; 75,5% cho rằng “công việc thực tập thật sự có ích cho công việc đang làm”. Điều này cho thấy sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp giúp sinh viên tự tin, năng động và tìm kiếm được việc làm đúng với sở trường và ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp.

Thực tế hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở một số trường đại học Việt Nam trong những năm qua đã đạt được một số kết quả như sau:

Đại học Quốc gia Hà Nội đã đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp bằng hai cấp độ, (1) hợp tác liên kết giữa trường với các viện và các đơn vị thành viên thuộc trường và doanh nghiệp bên ngoài; (2) hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với các doanh nghiệp và địa phương để thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị thành viên và nhà khoa học với các doanh nghiệp. Kết quả là, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện hợp tác toàn diện với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn như VinGroup, Viettel, Dầu khí,… bình quân mỗi năm đã có gần 1.500 lượt cán bộ và trên 1.200 lượt sinh viên được trao đổi với nước ngoài, hàng nghìn sinh viên bậc đại học được trao học bổng từ các doanh nghiệp với tổng giá trị 5 tỷ đồng/năm; các nhà khoa học và các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai hàng chục đề tài/chương trình/dự án lớn phục vụ cộng đồng và theo đặt hàng của các doanh nghiệp. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã quan tâm hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thông qua việc thành lập Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề và Quan hệ doanh nghiệp và các Trung tâm, doanh nghiệp. Đây là các đơn vị đầu mối tiếp nhận, triển khai các hoạt động phát triển hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và đánh giá kỹ năng nghề nhằm khép kín chu trình đào tạo, nâng cao chất lượng và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao theo chương trình hợp tác với các doanh nghiệp.

Đối với khối đào tạo đại học ngoài công lập, điển hình cho sự hợp tác đại học với doanh nghiệp phải kể đến là Trường đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH), tính đến năm 2019, HUTECH đã thực hiện kết nối 825 doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực (gồm 243 doanh nghiệp do đơn vị chủ động kết nối và 609 doanh nghiệp do Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp kết nối), ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 72 doanh nghiệp. Mạng lưới hợp tác, kết nối doanh nghiệp chặt chẽ đã tạo điều kiện thuận lợi để HUTECH phát triển mô hình Đại học - Doanh nghiệp, đưa sinh viên đến học tập và trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp ngay trong chương trình đào tạo chính thức, tổ chức các ngày hội tuyển dụng - việc làm,… Với định hướng “đào tạo để làm việc ngay”, điểm nổi bật của mô hình Đại học - Doanh nghiệp là chú trọng trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức mà cả nghiệp vụ chuyên môn.

Đáp ứng yêu cầu này, chương trình đào tạo của HUTECH được thiết kế tinh giản, cô đọng; kết hợp nhiều hình thức học tập đa dạng như thuyết trình - phản biện, xử lý tình huống, thực hiện đồ án, mô phỏng doanh nghiệp, thực hành,... nhằm tạo khả năng “thích nghi” cho sinh viên. Đại học Duy Tân đã kiên định chiến lược hợp tác với các đại học, các doanh nghiệp danh tiếng ở trong và ngoài nước để thúc đẩy công tác đào tạo, nghiên cứu và tạo việc làm cho sinh viên. Những mối quan hệ rất bền vững và hiệu quả với các doanh nghiệp đến từ Việt Nam, Mỹ, Anh Quốc, Singapore, Canada,… với phương châm hoạt động “Tất cả vì quyền lợi học tập và việc làm của sinh viên”, nhà trường đã hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để mang đến cho sinh viên cơ hội thực tế, kiến tập, thực tập và làm việc lý tưởng. Trong đó nhiều đơn vị như: Tập đoàn LogiGear Hoa Kỳ, Microsoft Việt Nam, Công ty TNHH Phần mềm FPT, Ngân hàng VPBank, Hội Kế toán Công chứng Australia (CPA Australia), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), The Nam Hải Resort, Tập đoàn InterContinental, Tập đoàn Phúc lợi xã hội Seirei (Nhật Bản) , … đã đánh giá cao sinh viên Duy Tân và đến trường tuyển chọn nhân lực giỏi ngay khi sinh viên đang còn chưa tốt nghiệp.

Trường Đại học Đại Nam tuy được thành lập muộn so với các trường đại học ngoài công lập khác trong cả nước, nhưng Nhà trường luôn chú trọng đến việc hợp tác với doanh nghiệp để tạo môi trường học tập thực tế cho sinh viên ngày từ khi còn trên ghế nhà trường. Điển hình cho sự hợp tác này của Đại Nam là Khoa Du lịch trong việc đào tạo sinh viên ngành Du lịch, Khoa Du lịch đã có 4 cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên là Khách sạn thực hành Lotus Legend Hotel, Khách sạn thực hành Hưng Long Hotel, Khách sạn Rosamia Hotel - Số 282 Võ Nguyên Giáp - TP. Đà Nẵng, Trung tâm thực hành lữ hành; và 12 doanh nghiệp tham gia hợp tác, phối hợp đào tạo là Công ty Lữ hành Lexury trave, Hệ thống khách sạn A25, Cát Bà Island spa and resort, Khách sạn The Q, Khách sạn Cosiana, Khách sạn DragonSea, Hệ thống Nhà hàng Vietdeli, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Sunrise Việt Nhật, Khách sạn Daewoo, Khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc. Sự hợp tác này đã tạo ra môi trường học tập có tính thực tế cao cho sinh viên, sinh viên có thể vừa đi học vừa đi làm và có thu nhập ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Như vậy, mô hình đại học - doanh nghiệp đã và đang được áp dụng khá rộng rãi ở Việt Nam và ở cả hệ thống đại học công và đại học tư. Mô hình hợp tác này đã mang đến nhiều lợi ích cho cả trường đại học và doanh nghiệp và đặc biệt là sinh viên, tuy nhiên, sự hợp tác này còn tồn tại một số vấn đề sau:

Một là, hợp tác đại học - doanh nghiệp ở Việt Nam thời gian vừa qua còn mang tính ngắn hạn, hoặc gắn với tư tưởng nhiệm kỳ, nếu không muốn nói là thời vụ, chưa cam kết đảm bảo duy trì nguồn nhân lực và chất lượng đào tạo đồng đều ở các sinh viên. Chưa có các hợp tác đạt được thành công mang tính dài hạn giữa các bên. Các đại học và các doanh nghiệp chưa coi các hợp tác giữa hai bên là phương tiện, giải pháp đóng góp vào sự phát triển để thực hiện chiến lược của mỗi bên.

Hai là, về phương thức, các đại học chủ yếu thực hiện hình thức nhận tài trợ từ doanh nghiệp. Số lượng các ký kết hợp tác và số lượng các đối tác, các đại học có xu hướng tăng nhanh về mặt số lượng nhưng các đối tác doanh nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng thấp.

Ba là, về nội dung, hợp tác thời gian qua của các đại học chủ yếu là ở hoạt động đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ còn hạn chế và chưa theo kịp xu thế của thế giới.

Bốn là, vai trò hỗ trợ đào tạo của doanh nghiệp đối với đào tạo sinh viên còn mờ nhạt, rất ít các cuộc trao đổi của chủ các doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý,… được thực hiện cho sinh viên trên lớp học do những ràng buộc về mặt bằng cấp của người đứng trên bục giảng.

Năm là, vai trò thúc đẩy hợp tác lớn nhất vẫn là lãnh đạo hai bên, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp và cựu sinh viên, chưa được xây dựng trên cơ sở những cam kết có tính chất lâu dài và bền vững giữa các bên.

Sáu là, vai trò của Nhà nước chưa rõ rệt và chưa thể hiện được vị trí của người tạo ra “luật chơi”, “sân chơi” cho việc phát triển mô hình đại học - doanh nghiệp.

3. Một số đề xuất thúc đẩy sự hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam

3.1. Đối với Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan

Cần tạo ra môi trường thúc đẩy hợp tác đại học với doanh nghiệp bằng việc ban hành các chính sách điều chỉnh hoạt động hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp theo hướng: đẩy mạnh tự chủ đại học công lập; khuyến khích xã hội hóa giáo dục đại học; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ với trường đại học; tạo ra “Cơ chế đặc thù” phổ biến cho các ngành đào tạo có đặc thù cao để nâng cao vai trò của doanh nghiệp đối với việc đào tạo sinh viên khi hợp tác với trường đại học.

3.2. Đối với các trường đại học

Cần xây dựng các chính sách, các quy định rõ ràng về hình thức, nội dung, cơ chế hợp tác với doanh nghiệp.

Tạo điều kiện và khuyến khích các nhà khoa học tham gia và tích cực trong hợp tác với doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu xã hội.

Thiết kế lại các chương trình đào tạo để dành một tỉ lệ nhất định thời gian dành cho việc mời các nhà quản lý, nhà khoa học giỏi từ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu của nhà trường, đồng thời quan tâm lựa chọn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên có tinh thần doanh nhân tham gia vào hoạt động hợp tác với doanh nghiệp.

3.3. Đối với các doanh nghiệp

Trước hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức được về tầm quan trọng của việc tuyển mộ, tuyển chọn nhân lực phù hợp là điều hết sức quan trọng với doanh nghiệp trong tương lai. Khi đó, họ sẽ nhìn nhận việc hợp tác, liên kết với đại học mang tính chiến lược, mở ra cơ hội kinh doanh và đổi mới, sáng tạo, phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài của chính doanh nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp cần, tạo lập các chính sách nội bộ doanh nghiệp để thúc đẩy và xây dựng nền văn hóa sáng tạo trong doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động R&D tại doanh nghiệp; Có cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích đội ngũ nhà khoa học ở các trường đại học tham gia vào các dự án và chia sẻ học thuật với doanh nghiệp,…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Phương Anh (2020), “Quan điểm của các doanh nghiệp trong hợp tác với trường đại học”, http://www.tc-consulting.com.vn/vi/thu-vien/bai-viet-chuyen-gia/, truy cập ngày 16/6/2020.
  2. Hà Văn Hoàng (2011), “Hợp tác phát triển khoa học và công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế, tại Trường Đại học Ngoại thương, ngày15/11/2011, Hà Nội.
  3. Hà Văn Hội (2011), “Hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu: nhu cầu, lợi ích và biện pháp thực hiện”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế, tại Trường Đại học Ngoại thương, ngày15/11/2011, Hà Nội.
  4. Minh Long (2020), “Sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp”, http://www.tinmoi.vn/Su-hop-tac-giua-truong-dai-hoc-va-doanh-nghiep-0118224.html, truy cập ngày 16/6/2020.
  5. Trần Anh Tài, Trần Văn Tùng (2009), Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Đoàn Văn Tình (2015), “Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và liên hệ với Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 13, trang 46-48.
  7. Đinh Văn Toàn (2016), “Hợp tác đại học - doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 32; Số 4.
  8. Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và công nghệ (2020), “Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và liên hệ với Việt Nam”, http://nistpass.gov.vn:81/tin-chien-luoc-chinh-sach/1241-lien-ket-giua-truong-dai-hoc-va-doanh-nghiep-kinh-nghiem-quoc-te-va-lien-he-voi-viet-nam.html, truy cập ngày 14/6/2020.
  9. Science-to-Business Marketing Research Centre. (2011). The State of European University-Business Cooperation: Final Report - Study on the cooperation between Higher Education Institutions and public and private organisations in Europe. European Commission.
  10. Science Business Innovation Board AISBL (2012), Making industry-university partnership work - Lessons from successful collaborations.
  11. Wilson, DL. (2012). A Review of Business - University Collaboration. Government Response to the Wilson Review, pp. 18 - 19.
  12. Rohrberck R., Arnold H.M. (2006), Making university-industry collaboration work - a case study on the Deutsche Telekom Laboratories contrasted with finding in literature, Proceedings of ISPIM Annual Conference of “Networks for Innovation” (pp. 1 - 11), Athens, Greece. Retrieved from http://mpra.ub.uni-muenchen.de/5470/1/MPRA,_Paper_5470.pdf.
  13. https://www.hutech.edu.vn/homepage/tin-tuc/tin-hutech/14577813-hon-800-doanh-nghiep-ket-noi-chat-che-cung-hutech-ve-dao-tao-tuyen-dung-nam-hoc-2018-2019
  14. https://duytan.edu.vn/hop-tac
  15. http://dainam.edu.vn/vi/tin-tuc/chien-luoc-phat-trien-truong-dai-hoc-dai-nam-den-nam-2025-tam-nhin-2030.

The university-enterprise collaboration models in the world

and in Vietnam: Some issues and solutions

Tran Sy Nguyen

Dai Nam University

ABSTRACT:

The model of university-enterprise model (higher education enterprise and enterprise under university) and the collaboration model between universities and enterprises have become popular in the world. These models have improved the quality of teaching and training, and scientific researches in universities. By assessing a number of university-enterprise collaboration models in the world and in Vietnam, this study points out shortcomings that hinder the collaboration between universities and businesses in Vietnam. Based on the study’s findings, a recommendation is proposed to promote the collaboration between universities and enterprises in the context of Vietnam’s current conditions, contributing to creating high quality human resources for the society.

Keywords: University collaboration, university, enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]