Mô hình nghiên cứu ý định khởi nghiệp của sinh viên đại học dựa trên nền tảng thương mại điện tử

Đề tài Mô hình nghiên cứu ý định khởi nghiệp của sinh viên đại học dựa trên nền tảng thương mại điện tử do NCS. Đỗ Thu Hương -PGS. TS. Trương Đức Thao - Nguyễn Hữu Quân - Vương Ngọc Linh - Đinh Thị Phương - Lê Hồng Hải (Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được tiến hành dựa trên việc tổng hợp và phân tích 36 công trình nghiên cứu trước đây về thương mại điện tử (TMĐT) và ý định khởi nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có nhiều nghiên cứu xem xét tác động trực tiếp của các nhân tố đến ý định khởi nghiệp của sinh viên mà trong đó “Cảm nhận về tính khả thi khởi nghiệp” là một trong các nhân tố đó, số ít nghiên cứu xem xét tác động của các nhân tố này đến “Cảm nhận về tính khả thi khởi nghiệp”. Do đó, nghiên cứu này đã đề xuất mô hình nghiên cứu xem xét cùng lúc mối quan hệ của 6 nhân tố (1) Đặc điểm tính cách sinh viên; (2) Thái độ với hành vi khởi nghiệp; (3) Nhận thức kiểm soát hành vi; (4) Chuẩn chủ quan; (5) Môi trường giáo dục; và (6) Nguồn vốn, tới ý định khởi nghiệp của sinh viên dựa trên nền tảng TMĐT thông qua hai cơ chế là tác động trực tiếp và tác động gián tiếp qua biến trung gian là “Cảm nhận về tính khả thi khởi nghiệp”.

Từ khóa: thương mại điện tử, khởi nghiệp, ý định khởi nghiệp, khởi nghiệp sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, TMĐT đã trở thành một trong các vấn đề được ưu tiên số một của các doanh nghiệp trên thế giới (I. O. Adam, Alhassan, & Afriyie, 2020) cũng như ở Việt Nam. TMĐT có 3 mức độ: thông tin; giao dịch; và hợp tác (Nguyen & Ta, 2019). Ở mức độ sự trao đổi thông tin, đàm phán hợp đồng giữa người mua và người bán chủ yếu thông qua email và các diễn đàn… Theo đó, người mua có thể thực hiện mua hàng trực tuyến, nhưng phương thức thanh toán vẫn theo kiểu truyền thống. Ở mức độ giao dịch, thanh toán điện tử bắt đầu hình thành, các hoạt động kinh doanh được xây dựng dựa trên cơ sở mạng nội bộ chủ yếu để chia sẻ dữ liệu và sự áp dụng phần mềm quản trị. Mức độ thứ ba là mức độ cao nhất của sự phát triển, yêu cầu phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình hoạt động từ đầu vào của quá trình sản xuất tới phân phối sản phẩm đầu ra (Nguyen & Ta, 2019).

Như vậy, có thể nói TMĐT là việc sử dụng mạng internet để mua và bán sản phẩm và dịch vụ, dịch vụ đi kèm và hỗ trợ sau bán (I. O. Adam et al., 2020), đây cũng chính là khái niệm về TMĐT mà tác giả sẽ sử dụng trong nghiên cứu này. Mặc dù giao dịch TMĐT đang tăng dần nhưng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng TMĐT còn khá khiêm tốn (Bộ Công Thương, 2022). Bởi vì, việc khởi nghiệp dựa trên ứng dụng TMĐT cũng đối mặt với mức độ cạnh tranh cao bởi sự tham gia từ rất sớm của những tên tuổi lớn như, Shopee, Lazada, Amazon hay Tiki… Ngoài ra là những trở ngại đến từ hệ thống thanh toán kém phát triển, hạ tầng lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, thủ tục hải quan, sự thiếu niềm tin của một bộ phận người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến (Bộ Công Thương, 2022)… Những điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp dựa trên ứng dụng TMĐT của các startup nói chung và của sinh viên nói riêng.

2. Cơ sở lý thuyết của nghiên cứu

2.1. Ý định khởi nghiệp

Các nghiên cứu về ý định và hành vi khởi nghiệp trên thế giới cũng đã có khá nhiều và thường sử dụng lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) của (I. Ajzen, 1991). Lý thuyết hành vi hợp lý (TRA) cho rằng, hành vi của con người được xuất phát từ thái độ của họ phản ứng với hành vi đó, được thể hiện bằng sự tán thành của con người với hành vi. Nếu có thái độ tích cực ủng hộ một hành vi nào đó, con người sẽ xem xét đến những yếu tố như áp lực của xã hội, của người thân, xem họ ủng hộ hay không ủng hộ hành vi đó và được đặt tên là chuẩn chủ quan. Dưới tác động của thái độ và chuẩn chủ quan sẽ tạo nên ý định thực hiện hành vi, và được biểu hiện bằng kế hoạch hay khả năng một người nào đó, trong một bối cảnh nhất định nào đó, sẽ thực hiện hành vi (Fishbein & Ajzen, 1975).

Ý định khởi nghiệp chịu tác động của 3 yếu tố là (1) Thái độ đối với một hành vi được hiểu là mức độ mà một người có đánh giá thuận lợi hay không có lợi về việc khởi nghiệp; (2) Chuẩn mực chủ quan, đề cập đến áp lực xã hội để thực hiện hay không thực hiện hành vi, nó không những ảnh hưởng bởi nền văn hóa kinh doanh, mà còn là thái độ của các cá nhân, đặc biệt như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,… (3) Kiểm soát hành vi liên quan đến mức độ mà các cá nhân cảm thấy có khả năng thực hiện hành vi, được dựa trên việc cá nhân cảm nhận những vấn đề có thể xảy ra để thực hiện hành vi. Dựa trên lý thuyết này, đã có rất nhiều các nghiên cứu về ý định khởi nghiệp được tiến hành bởi nhiều tác giả trong và ngoài nước như: Nghiên cứu của Marco và cộng sự (2013) cho thấy, ý định khởi nghiệp là quá trình nhận dạng, đánh giá và khai thác các cơ hội kinh doanh (Mariani, Curcuruto, & Gaetani, 2013). Souitaris và cộng sự (2007) định nghĩa, ý định khởi nghiệp là sự liên quan về ý định của một cá nhân để bắt đầu một doanh nghiệp (Souitaris, Zerbinati, & Al-Laham, 2007).

Bên cạnh đó cũng có những tác giả đưa ra khái niệm tương đồng là khởi sự kinh doanh. Theo tác giả Austin (2006), khởi sự kinh doanh là việc tận dụng các cơ hội kinh doanh để làm giàu bằng cách khởi xướng các phương thức hoạt động sáng tạo trong điều kiện môi trường ràng buộc bởi nguồn lực có hạn (Austin, Stevenson, & Wei-Skillern, 2006).

Từ những quan niệm trên, nhóm tác giả cho rằng, ý định khởi nghiệp là trạng thái mà một cá nhân hướng đến tạo dựng một sự nghiệp kinh doaanh mới cho riêng mình; họ chưa kinh doanh nhưng có niềm tin là sẽ tạo ra một doanh nghiệp thành công của riêng mình.

2.2. Một số nhân tố tác động tới ý định khởi nghiệp của sinh viên

2.2.1. Nhân tố Đặc điểm tính cách sinh viên

Đặc điểm tính cách của bản thân xuất phát từ ý tưởng mọi người đều có những hình dung về chính bản thân mình. Đặc điểm tính cách của bản thân là khác nhau giữa các nền văn hóa khác nhau (Markus & Wurf, 1987). Tính cách mạnh mẽ, hiện đại hay truyền thống, cầu toàn sẽ là những yếu tố chính quyết định hành vi tham gia khởi nghiệp của mỗi cá nhân (Arnould, Price, & Zinkhan, 2004). Có thể tồn tại cùng lúc nhiều đặc điểm tính cách ở trong mỗi người, và điều này sẽ ảnh hưởng tới hành vi của họ (Mai, Kwon, Lantz, & Loeb, 2003). Những người có xu hướng tính cách hiện đại thường sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng chấp nhận cái mới (Mai, Smith, & Cao, 2009). Có 5 đặc điểm tính cách cá nhân mà mỗi nhà khởi nghiệp cần có là, sự tự tin; sự năng động nhạy bén; có hoài bão; khuynh hướng tự chủ cao và sẵng sàng chấp nhận rủi ro (Wilbard, 2009). Đặc điểm tính cách cũng đã được khẳng định trong các nghiên cứu  có tác động đến ý định sinh viên khởi nghiệp (Ngô Thị Thanh Tiên & Việt, 2016). Đặc điểm tính cách ảnh hưởng đến nhu cầu mong muốn thành công, sự tự tin và khả năng của bản thân, thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro và tác động tích cực đến mong muốn và sự tự tin khởi nghiệp kinh doanh (Nguyễn Văn Định, Lê Thị Mai Hương, & Cao Thị Sen, 2021).

2.2.2. Nhân tố Thái độ với khởi nghiệp

Một hành vi trong tương lai của con người được dự báo bởi thái độ thể hiện trước đó của chủ thể, là xác suất chủ quan của một người mà họ sẽ thực hiện một số hành vi nào đó (Fishbein & Ajzen, 1975). Thái độ với việc khởi nghiệp được xem như là mức độ sẵn sàng khởi nghiệp khi cơ hội đến (Krueger, Reilly, & Carsrud, 2000). Thái độ có tác động thuận chiều với hành vi khởi nghiệp (Shook, Priem, & McGee, 2003). Khi sinh viên có thái độ tích cực với khởi nghiệp làm tăng quyết tâm tiến hành việc khởi nghiệp (Linan, Cohard, & Cantuche, 2011). Thái độ tích cực với ý định khởi nghiệp là những người có thái độ tích cực đối với rủi ro hoặc có tính cách độc lập (Kolvereid & Isaksen, 2006). Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp đã được khẳng định có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên (Phan Quan Việt & Hào, 2020; Trương Đức Thao & Nguyễn Trung Thùy Linh, 2019).

2.2.3. Nhân tố Nhận thức kiểm soát hành vi

Nhận thức kiểm soát hành vi đề cập đến nhận thức của cá nhân về mức độ dễ dàng hay khó khăn; có bị kiểm soát, hạn chế hay không khi thực hiện hành vi (Icek Ajzen, 1991). Nhận thức kiểm soát hành vi của bản thân là sự nhận thức về khả năng thực hiện một hoạt động nào đó thông qua khả năng thiết lập, duy trì, kiểm soát các cơ hội (Linan & Chen, 2009). Những cá nhân cảm nhận lạc quan về năng lực của mình sẽ tự tin hơn trong việc thực hiện hành vi (Krueger et al., 2000). Nhận thức kiểm soát hành vi được biểu hiện thành khả năng xử lý tình huống và nuôi dưỡng các ý tưởng kinh doanh trong tương lai (Brannback, Carsrud, Kickul, & Krueger, 2006). Một cá nhân có tiềm năng ý định khởi nghiệp phải có mong muốn và nhận thấy tính khả thi của việc ý định khởi nghiệp (Phan Quan Việt & Hào, 2020).

2.2.4. Nhân tố Chuẩn

Chuẩn chủ quan là niềm tin cá nhân có tính chất xã hội bị chi phối bởi những cá nhân xung quanh, được hiểu như niềm tin mà con người nghĩ những người xung quanh tin tưởng ở mình (Fishbein & Ajzen, 1975; Krueger et al., 2000). Chuẩn chủ quan thể hiện sự phản đối hay ủng hộ của những người quan trọng nhất đối với một cá nhân (người thân, bạn bè) với việc khởi nghiệp kinh doanh; hay nhận thức về sự ảnh hưởng từ phía cộng đồng xã hội được định nghĩa là nhận thức về áp lực xã hội đến việc thực hiện hoặc không thực hiện hành vi. Đó là ảnh hưởng của những người quan trọng và gần gũi có thể tác động đến cá nhân thực hiện hành vi (Icek Ajzen, 1991). Những người có cha mẹ làm kinh doanh sẽ dễ dàng được ủng hộ khi khởi nghiệp (Greve & Salaff, 2003). Sự ủng hộ của người thân rất quan trọng khi khởi nghiệp (Mueller, 2006). Chuẩn chủ quan có ảnh hưởng tới ý định khởi nghiệp của sinh viên (Alex, 2014). Chuẩn chủ quan hay chuẩn mực niềm tin có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên (Trương Đức Thao & Nguyễn Trung Thùy Linh, 2019).

2.2.5. Nhân tố Môi trường giáo dục

Các chương trình giáo dục và đào tạo của nhà trường sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng và năng lực để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh (Ooi, Selvarajah, & Meyer, 2011), nội dung các chương trình đào tạo của nhà trường có ảnh hưởng tới ý định khởi nghiệp của sinh viên (Ibrahim & Soufani, 2002), các hoạt động giáo dục như một bước đệm để sinh viên có thể tự tin và có tinh thần khởi nghiệp cao hơn (Linan et al., 2011). Trên cơ sở đó, Rengiah (2013) xây dựng nội dung chương trình đào tạo khởi nghiệp gồm phân tích các chiến lược kinh doanh; tìm hiểu các môi trường kinh doanh khác nhau; thu nạp các kỹ năng và kiến thức thông qua học tập; làm quen với việc phân tích, lập kế hoạch…; luyện tập các kỹ năng có thể được áp dụng cho các tình huống kinh doanh phức tạp khác nhau (Rengiah, 2013).

Môi trường giáo dục được cho là đóng vai trò trong bồi dưỡng tinh thần kinh doanh cùng hoạt động trải nghiệm của sinh viên để tự tin để khởi nghiệp. Việc tham gia các chương trình đào tạo về khởi nghiệp đóng góp rất nhiều đến sự hình thành và phát triển ý định khởi nghiệp của sinh viên (Koe, 2016), đào tạo khởi nghiệp là quá trình giúp người học hiểu được nội dung kiến thức về khởi nghiệp thông qua các phương pháp giảng dạy phù hợp (Souitaris et al., 2007). Môi trường giáo dục đã được khẳng định có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên (Phan Quan Việt & Hào, 2020).

2.2.6. Nhân tố Nguồn vốn

Nguồn vốn không phải là yếu tố quyết định đến việc một cá nhân có khởi nghiệp hay không, nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến quá trình biến từ ý định đến hành vi khởi nghiệp (Fatoki, 2010; Perera, Jayarathna, & Gunarathna, 2011). Một số nghiên cứu khác lại cho thấy, vốn là yếu tố có ảnh hưởng rất mạnh đến khởi sự kinh doanh (Alex, 2014; Lương Ngọc Minh, 2019; Trương Đức Thao & Nguyễn Trung Thùy Linh, 2019). Quá trình để tiếp cận được với ưu đãi tài chính vẫn là một hành trình vô cùng gian nan đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Khi khởi nghiệp kinh doanh, chỉ có một số ít người có đủ vốn để mở doanh nghiệp, còn đa số cần phải huy động vốn từ các nguồn khác nhau để khởi nghiệp. Hầu hết các doanh nhân trẻ đều sử dụng tài trợ của cha mẹ, anh em và bạn bè trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, đây là nguồn tài chính quan trọng nhất (Phan Quan Việt & Hào, 2020).

2.2.7. Nhân tố Cảm nhận về tính khả thi

Cảm nhận về tính khả thi được hiểu là nhận thức kiểm soát hành vi, là niềm tin và sự tự tin khởi nghiệp của cá nhân về khả năng thực hiện một hoạt động thành công (I. Ajzen, 1991). Cảm nhận về tính khả thi có tác động tới mức độ mong muốn và sự quyết tâm thực hiện hành vi của cá nhân (Krueger et al., 2000). Đối với hoạt động khởi nghiệp, cảm nhận về tính khả thi có thể được xem là cảm nhận về khả năng thực hiện thành công hoạt động khởi nghiệp, được đánh giá qua cảm nhận của cá nhân về khả năng tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, mức độ thành công khi kinh doanh, những kiến thức và kinh nghiệm về việc tiếp cận thông tin cho việc khởi nghiệp trở nên khả thi (Đoàn Thị Thu Trang & Lê Hiếu Học, 2018).

3. Kết luận

Qua một loạt các nghiên cứu về ý định thực hiện hành vi, ý định khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp của sinh viên nói riêng đã được các tác giả trong và ngoài nước tiến hành, điển hình như các nghiên cứu của (A. F. Adam & Fayolle, 2015; Alex, 2014; Đoàn Thị Thu Trang & Lê Hiếu Học, 2018; Krueger et al., 2000; Linan & Chen, 2009; Lương Ngọc Minh, 2019)… nhóm tác giả nhận thấy, các nghiên cứu này thường tập trung theo 2 hướng chính sau:

Do vậy, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu về ý định khởi nghiệp dựa trên các ứng dụng TMĐT với các nhân tố ảnh hưởng như sau:

khởi nghiệp

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Adam, A. F., & Fayolle, A. (2015). Bridging the entrepreneurial intention-behaviour gap: the role of commitment and implementation intention. International Journal of Entrepreneurship and Small Business, 25 (1), 36 - 54.
  2. Adam, I. O., Alhassan, M. D., & Afriyie, Y. (2020). What drives global B2C E-commerce? An analysis of the effect of ICT access, human resource development and regulatory environment. Technology Analysis & Strategic Management, 32(7), 1-16.
  3. Ajzen, I. (1991). The Theory of Planned Behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50, 179 - 211.
  4. Ajzen, I. (1991). The Theory of Planned Behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179-211. doi:DOI:10.1016/0749-5978(91)90020-T
  5. Alex, A. (2014). Theory of Planned Behavior, Contextual Elements, Demographic Factors and Entrepreneurial Intentions of Students Kenya. European Journal of Business and Management, 6 (15).
  6. Arnould, E. J., Price, L., & Zinkhan, G. M. (2004). Consumers. New York: McGraw-Hill/Irwin.
  7. Austin, J., Stevenson, H., & Wei-Skillern, J. (2006). Social and commercial entrepreneurship: same, different, or both? Entrepreneurship Theory and Practice, 30 (1), 1 - 22.
  8. Bộ Công Thương. (2022). Báo cáo tổng hợp 2022.
  9. Brannback, M., Carsrud, A., Kickul, J., & Krueger, N. (2006). Why replicate entrepreneurial intentionality studies? Prospects, perils and academic reality. Paper presented at the SMU Edge Conference, Singapore.
  10. Đoàn Thị Thu Trang, & Lê Hiếu Học. (2018). Các nhân tố ảnh hưởng tới ý định khởi nghiệp sinh viên ngành kỹ thuật: Nghiên cứu trường hợp Đại học Bách kKhoa Hà Nội. Tạp chí Kinh tế đối ngoại, 97.
  11. Fatoki, O. O. (2010). Graduate Entrepreneurial Intention in South Africa: Motivations and Obstacles. Department of Business Management, University of Fort Hate.
  12. Fishbein, M., & Ajzen, I. (1975). Belief, attitude, intention and behavior: An introduction to theory and research, Addison-Wesley, Reading, MA.
  13. Greve, A., & Salaff, J. W. (2003). Social networks and entrepreneurship. Entrepreneurship Theory and Practice, 28 (1), 1 - 22.
  14. Ibrahim, A. B., & Soufani, K. (2002). Entrepreneurship education and training in Canada: a critical assessment. Education and Training, 44 (8), 421 - 430.
  15. Koe, W. L. (2016). The relationship between Individual Entrepreneurial Orientation (IEO) and entrepreneurial intention. Journal of Global Entrepreneurship Research, 6(1), 1-13.
  16. Kolvereid, L., & Isaksen, E. (2006). New business start-up and subsequent entry into self-employment. Journal of Business Venturing, 21, 866 - 885.
  17. Krueger, N. F., Reilly, M. D., & Carsrud, A. L. (2000). Competing models of entrepreneurial intentions. Journal of Business Venturing, 15, 411 - 432.
  18. Linan, F., & Chen, Y. W. (2009). Development and cross-cultural application of a specific instrument to measure entrepreneurial intentions. Entrepreneurship Theory and Practice, 33, 593 - 617.
  19. Linan, F., Cohard, J. C. R., & Cantuche, J. M. R. (2011). Factors affecting entrepreneurial intention levels: a role for education. International Entrepreneurship and Management Journal, 7 (2), 195 - 218.
  20. Lương Ngọc Minh. (2019). Nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến tinh thần khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn Hà Nội. (Luận án tiến sĩ Quản trị kinh doanh), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  21. Mai, N. T. T., Kwon, J., Lantz, G., & Loeb, S. G. (2003). An Exploratory Investigation into Impulse Buying Behavior in a Transitional Economy: A Study of Urban Consumers in Vietnam. Journal of International Marketing, 11(2), 23.
  22. Mai, N. T. T., Smith, K., & Cao, J. R. (2009). Measurement of Modern and Traditional Self-Concepts in Asian Transitional Economies. Journal of Asia-Pacific Business, 10, 20.
  23. Mariani, M. G., Curcuruto, M., & Gaetani, I. (2013). Training opportunities, technology acceptance and job satisfaction A study of Italian organizations. Journal of Workplace Learning, 25(7), 21.
  24. Markus, H., & Wurf, E. (1987). The dynamic self-concept: A social psychological perspective. Annual review of psychology, 38, 39.
  25. Mueller, P. (2006). Entrepreneurship in the region: Breeding ground for nascent entrepreneurs? Small Business Economics, 27 (1), 41 - 58.
  26. Ngô Thị Thanh Tiên, & Việt, C. Q. (2016). Tổng quan lý thuyết về ý định khởi nghiệp của sinh viên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở, 50(5), 56-65.
  27. Nguyen, D. C., & Ta, P. D. (2019). Trade, Structural Adjustments and Productivity Growth in Vietnam. Journal of Southeast Asian Economies, 36(2), 256-273.
  28. Nguyễn Văn Định, Lê Thị Mai Hương, & Cao Thị Sen. (2021). Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ. HCMCOUJS-Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, 17(2), 165-181.
  29. Ooi, Y. K., Selvarajah, C., & Meyer, D. (2011). Inclination towardsentrepreneurship among university students: An empirical study of Malaysian university students. International Journal of Business and Social Social Science, 2(4), 206-220.
  30. Perera, K. H., Jayarathna, L. C. H., & Gunarathna, R. P. K. (2011). The Entrepreneurial Intention of Undergraduates in Sri Lankan Universities, Faculty of Commerce and Management Studies, University of Kelaniya, Sri Lanka.
  31. Phan Quan Việt, & Hào, T. A. (2020). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên tại Trường Đại học Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tạp chí Công Thương, 18.
  32. Rengiah, P. (2013). Effectiveness of entrepreneurship education in developing entrepreneurial intentions among Malaysian university students., Southern Cross University.
  33. Shook, C. L., Priem, R. L., & McGee, J. E. (2003). Venture creating and the enterprising individual: A review and synthesis. Journal of Management, 29 (3), 379 - 399.
  34. Souitaris, V., Zerbinati, S., & Al-Laham, A. (2007). Do entrepreneurship programmes raise entrepreneurial intention of science and engineering students? The effect of learning, inspiration and resources. Journal of Business Venturing, 22(4), 566 - 591.
  35. Trương Đức Thao, & Nguyễn Trung Thùy Linh. (2019). Một số nhân tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên đại học (Trường hợp sinh viên Đại học Thăng Long). Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, 8(495), 86 - 95.
  36. Wilbard, F. (2009). Entrepreneurship proclivity: An exploratory study on students’ entrepreneurship intention. (Master’s thesis), University of Agder, Kristiansand, Norway.

A study on the intention of university students to start a business on e-commerrce platforms

Master’s student Do Thu Huong1

Assoc.Prof. Ph.D Truong Duc Thao1

Nguyen Huu Quan1

Vuong Ngoc Linh1

Dinh Thi Phuong1

Le Hong Hai1

1Dai Nam University

Abstract:

This paper is based on the summarization and analysis of 36 previous studies on e-commerce and startup intention. The paper finds out that there are many studies exploring the direct impact of factors, including the factor of the Perception of the feasibility of starting a business, on the startup intention of students. Meanwhile, there are few studies analyzing the impact of these factors on the Perception of the feasibility of starting a business. Therefore, this paper proposes a research model that explore the impact of six factors, including: (1) Student’s personality characteristics; (2) Student’s attitudes towards the entrepreneurial behavior; (3) Student’s perceived behavioral control; (4) Subjective standards; (5) Educational environment; and (6) Source of capital, on the students' intention to start a business on e-commerce platforms through two mechanisms: direct and indirect impacts with the intermediary variable of “Perception of the feasibility of starting a business”.

Keywords: e-commerce, start-up, startup intention.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương