Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP Tây Ninh vươn xa

Tây Ninh tuy có số lượng sản phẩm OCOP không nhiều, nhưng mỗi sản phẩm đều mang tính đặc trưng riêng, không nơi nào có được.

Vùng đất của nhiều sản vật đặc trưng

Nằm trong vùng đất thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa, người dân địa phương cần cù, sáng tạo và có trình độ kỹ thuật canh tác tốt, nên dù mới tham gia vào Chương trình OCOP được 5 năm, Tây Ninh đã cho ra đời nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng.

Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP Tây Ninh vươn xa
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) trong một chuyến công tác tại Tây Ninh đánh giá cao bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên sản phẩm OCOP 5 sao.

Hiện Tây Ninh có gần 70  sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, trong đó, có 01 sản phẩm đã được công nhận 5 sao, 20 sản phẩm 4 sao và 47 sản phẩm 3 sao; đã có 36 chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận. Tuy số lượng sản phẩm được chứng nhận còn khiêm tốn so với các tỉnh thành trong khu vực, xong tất cả các sản phẩm được công nhận đều là những đặc sản nổi bật, mang dấu ấn điều kiện tự nhiên, thể hiện nét văn hóa bản địa của cộng đồng cư dân các dân tộc trên địa bàn. Trong số đó, có các sản phẩm như các loại bánh tráng siêu mỏng nhãn hiệu Tân Nhiên (bánh tráng ớt, muối nhuyễn siêu cay, bánh tráng phô mai, bánh tráng sa tế tỏi, bánh tráng sa tế tôm hành…), bánh tráng phơi sương, rau rừng tổng hợp Thanh Thúy, mắm điều chay, nước mắm trái điều Vương Ngọc, dế mèn đông lạnh, bột dế, dế sấy sả ớt ăn liền Oanh Vĩnh, sầu riêng Bàu Đồn, mít Thái siêu sớm Tân Lập...

Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP Tây Ninh vươn xa
Để làm món bánh tráng phơi sương, sau khi phơi nắng bánh chỉ được phơi sương trong một khoảng thời gian nhất định, đợi bánh thấm sương vừa đủ là xếp lại vào trong các túi, lót lá chuối để giữ độ mềm xốp

Hầu hết các chủ thể, khi tham gia vào Chương trình OCOP đều cho rằng, đây là chương trình rất hay, bởi khi tham gia, chủ thể được hỗ trợ bao bì, nhãn mác và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Khi đạt OCOP, khách hàng tin tưởng và tiêu dùng sản phẩm của họ nhiều hơn, đó chính là lợi thế rất lớn cho các chủ thể khi quyết định tham gia và kiên trì theo đuổi các tiêu chí khắt khe của OCOP.

Tây Ninh là một vùng đất thú vị mà khi nhắc đến, người ta hay nghĩ đến 5 loại nông sản đặc trưng gắn liền với "5M" gồm: Mía, Muối (muối tôm), Mì (sắn), Mủ (mủ cao su), Mãng (mãng cầu).

Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Trong nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh vươn xa khỏi địa bàn vùng Đông Nam bộ đến các địa phương trong cả nước và vươn ra thị trường nước ngoài, ngày 06/7/2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1391/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đưa ra giải pháp hỗ trợ thực hiện chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời kết hợp xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu; Hỗ trợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh thông qua các Hội chợ OCOP của tỉnh và các tỉnh vùng lân cận.

Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP Tây Ninh vươn xa
Tây Ninh có thổ nhưỡng phù hợp để trồng sầu riêng

 

Các nhóm dự án ưu tiên đầu tư bao gồm: Nâng cấp chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Xây dựng Trung tâm OCOP cấp tỉnh; Đầu tư gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trong các chợ, siêu thị; Đầu tư 06 điểm (mô hình mẫu) ở các chợ, siêu thị để nhân ra diện rộng; Đầu tư thí điểm hạ tầng nông nghiệp kết hợp du lịch; Đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản cây ăn quả; Đầu tư phát triển làng nghề bánh tráng phơi sương; Phát triển chế biến các sản phẩm hàng lưu niệm (gỗ, tre, nón lá…). Các dự án sẽ được nghiên cứu đề xuất, có kế hoạch triển khai cụ thể tùy theo điều kiện, nguồn lực của các địa phương.

Tháng 8/2023, Sở Công Thương Tây Ninh đã ban hành công văn số 2124/SCT-TTKC&XT gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Trung tâm thương mại, Siêu thị, Chợ đầu mối, Cửa hàng đặc sản trên toàn quốc, quan tâm phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ kết nối, quảng bá, giới thiệu tiêu thụ các mặt hàng sản phẩm của Tây Ninh và tiếp cận, hợp tác cùng đồng hành với các chủ thể kinh tế trong việc kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh.

Tiếp đó, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị ký kết cung ứng sản phẩm giữa các Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Tại Hội nghị, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ các sản phẩm của Tây Ninh với 35 đơn vị cung ứng là các đơn vị sản xuất đặc sản Tây Ninh, bao gồm 45 mặt hàng nông sản địa phương. Ngay sau lễ ký kết, các mặt hàng đặc sản Tây Ninh đã nhanh chóng có mặt trên kệ hàng của 800 điểm bán thuộc Saigon Co.op và được phân phối tận tay người tiêu dùng cả nước.

Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP Tây Ninh vươn xa
Đại diện các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tại Tây Ninh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ các sản phẩm OCOP với Saigon Co.op

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op sẽ khai thác triệt để cầu nối xuất khẩu là đối tác chiến lược NTUC FairPrice để đưa đặc sản Tây Ninh ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần thời gian để vận động các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm và sản xuất, cung cấp các mặt hàng đặc sản trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tốt, uy tín, công nghệ tiên tiến, đồng thời có nhu cầu tham gia kết nối doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, đưa các sản phẩm của Tây Ninh vươn ra thị trường nước ngoài.

Theo Quyết định số 1391/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đưa Chương trình OCOP trở thành Chương trình phát triển kinh tế quan trọng của Tỉnh để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, khu vực đô thị góp phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại của Tỉnh.

Mục tiêu giai đoạn 2020-2025: Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp xã với 100% số xã có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình; có từ 10-15 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 3-5 sản phẩm đạt 04 sao, 05-10 sản phẩm đạt 03 sao; mỗi huyện (thị xã, thành phố) có ít nhất 10 chủ thể phát triển được sản phẩm.

Mục tiêu giai đoạn 2026-2030: Mỗi huyện (thị xã, thành phố) có ít nhất 20 chủ thể phát triển được sản phẩm; toàn tỉnh có từ 02-03 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia (05 sao), có từ 20-25 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó 05-10 sản phẩm đạt mức 04 sao, từ 15-20 sản phẩm đạt mức 03 sao.

Hoàng Hồ