Ngành Công Thương Hà Nội: Vượt khó, đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2022

Chiều 10/1, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã tham dự hội nghị và phát biểu chỉ đạo.

Quyết liệt chỉ đạo hoàn thành mục tiêu kép

Báo cáo tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Năm 2022, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm, Sở Công Thương đã tích cực tham mưu, tìm nhiều giải pháp nhằm duy trì tăng trưởng, đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và thực hiện các chỉ tiêu UBND thành phố giao.

Năm 2022, với những nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành công thương, đã thúc đẩy sự phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu trong năm 2022, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 8,89% GRDP toàn thành phố.

Ảnh Sở Công Thương Hà Nội
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại hội nghị

 

Sở Công Thương đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và hoàn thành một khối lượng lớn các nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình công tác năm, năm 2022 đã hoàn thành 93 chỉ tiêu và 1.578 nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Sở đã chủ động trình thành phố ban hành các chương trình, kế hoạch, giải pháp để thực hiện phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, ổn định sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Chủ động, kịp thời có những đề xuất giải pháp, đề xuất tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố, chương trình khuyến mại tập trung … góp phần kiềm chế lạm phát và đưa các chỉ tiêu kinh tế của thành phố tăng trưởng mạnh so với nhiều năm trước đây, đóng góp gần 30% vào tăng trưởng GRDP của thành phố.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại triển khai các phương án phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động, linh hoạt phục hồi và phát triển kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu, tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia 45 sự kiện, chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại của thành phố xuyên suốt trong năm 2022.

Đặc biệt, nhờ vào những giải pháp quyết liệt, năm 2022, Sở Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động phục hồi sản xuất, xuất khẩu TP. Hà Nội, qua đó đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 697,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2021 - cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là tăng 9-10%. Kim  ngạch xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3%. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,03%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là 7,8%. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,8% - gấp hơn 1,8 lần mức tăng của năm 2021 (năm 2021 tăng 4,8%).

Năm 2022 ghi nhận nỗ lực vượt bậc của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine kéo dài và lạm phát cao ở nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm ước tính đạt trên 58 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm trước.

Đáng chú ý, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3%, gấp gần 4,7 lần mức tăng của năm 2021 (năm 2021 tăng 2,2%) - cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là tăng 5%. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9 tỷ USD, tăng 5,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,1 tỷ USD, tăng 15,6%.

Tiếp tục phát huy là đầu tàu kinh tế của cả nước

Ảnh Sở CT HN

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An bày tỏ tin tưởng, Sở Công Thương Hà Nội sẽ hoàn thành vượt xa mức kế hoạch đặt ra trong năm 2023

Đánh giá cao sự nỗ lực của ngành công thương Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, Hà Nội vẫn đang là đầu tàu kinh tế của cả nước, là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng. Đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước lại lớn hơn doanh nghiệp FDI, điều này là điểm sáng tích cực của Hà Nội trong bối cảnh xuất khẩu của cả nước vẫn chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI.

Hà Nội không chỉ đảm bảo cân đối cung cầu trên địa bàn mà còn là đầu tàu hỗ trợ các tỉnh, thành phố kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp các địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế. 45 sự kiện xúc tiến thương mại Sở Công Thương Hà Nội thực hiện trong năm 2022 chính là những hoạt động giúp các địa phương phát triển. Đây chính là hoạt động liên kết vùng, và Sở Công Thương Hà Nội đã làm rất tốt công tác này, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Nhận định năm 2023 sẽ tiếp tục là năm rất khó khăn đối với kinh tế cả nước nói chung và ngành công thương Hà Nội nói riêng, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, ngành sẽ tiếp tục kiên định và tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả mục tiêu phát triển ngành Công Thương trong năm 2023 đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, nhằm phát huy kết quả đạt được của năm 2022, năm 2023 Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng khoảng 7,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 9-10%.  

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để đạt mục tiêu này, trong năm 2023 ngành công thương Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có những dự án công nghiệp quy mô lớn, qua đó nhằm gia tăng năng lực sản xuất.

Ảnh Sở CT Hà Nội
Trao bằng khen của UBND TP. Hà Nội cho tập thể và các cá nhân

Để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững.

 

Diệu Hân