Nghệ An: Nhiều giải pháp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP

Nghệ An đã thận trọng nhưng chắc chắn đi từng bước, đưa các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng một cách bền vững.

Sản phẩm OCOP lấy chất lượng và thương hiệu làm thước đo

Sau hơn 4 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP", hiện toàn tỉnh Nghệ An đã có 422 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, bao gồm 1 sản phẩm 5 sao, 41 sản phẩm 4 sao và 380 sản phẩm hạng 3 sao. Con số trên giúp Nghệ An đứng thứ hai cả nước về sản phẩm được gắn sao (chỉ xếp sau thành phố Hà Nội), và cũng khẳng định được vị thế của địa phương này trên bản đồ OCOP Việt Nam với những dấu ấn không thể phủ nhận.

Nghệ An: Nhiều giải pháp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP
Các sản phẩm OCOP Nghệ An  lấy chất lượng và thương hiệu làm thước đo

 

Không chạy theo phong trào, Nghệ An xác định phát triển Chương trình OCOP theo hướng bền vững nhất, lấy chất lượng và thương hiệu làm thước đo. Nhiều mô hình tiêu biểu, nhiều cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, thể hiện tính bứt phá đã góp phần nâng tầm toàn diện ngành hàng nông nghiệp của tỉnh, biến diện mạo nông thôn mới nơi đây ngày một khởi sắc.

Giai đoạn đầu mới tham gia Chương trình, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, Nghệ An đã giao cho Văn phòng Điều phối nông thôn, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, để người tiêu dùng địa phương, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Xác định số lượng phải đi đôi với chất lượng, có như vậy mới phát triển bền vững, nên ngay từ khi lựa chọn, quy hoạch xây dựng các sản phẩm OCOP của Nghệ An đều đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc về đảm bảo an toàn thực phẩm; có truy xuất nguồn gốc; mẫu mã, bao bì đa dạng, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, sản phẩm OCOP được công nhận các hạng sao chỉ có thời hiệu 36 tháng, do đó việc quản lý, theo dõi được các cấp, các ngành chức năng đặc biệt chú trọng. Các cơ quan chuyên ngành như Chi cục quản lý thị trường, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Chi cục Phát triển nông thôn… cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, buộc các đơn vị phải đảm bảo các cam kết khi tham gia Chương trình.

Chính “dòng chảy” phân hạng OCOP đã thổi một làn gió mới, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng, đặc thù ở các địa phương, đơn cử như các làng nghề truyền thống ở Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, TP Vinh. Trên thực tế, từ khi thực hiện Chương trình đến nay đã có 99 sản phẩm mới được trình làng và công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Các chủ thể tham gia chương trình trực tiếp tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động, chưa kể 1.800-2.000 lao động thời vụ khác. Nhiều dòng sản phẩm đặc trưng, được phát huy đúng giá trị, giúp các chủ thể nâng cao doanh thu, lợi nhuận khoảng 10-15%/năm, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Nghệ An: Nhiều giải pháp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn

 

Nhiều giải pháp tìm kiếm thị trường cho sản phẩm OCOP

Ngay từ khi bắt đầu Chương trình, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, Sở Công Thương Nghệ An đã khảo sát để tìm hiểu được nguyên nhân gốc rễ thị trường đầu ra của các sản phẩm OCOP, từ đó phối hợp với các cơ quan ban ngành đề xuất các giải pháp phù hợp. Nghệ An xác định “tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP” là chìa khóa thành công, đó là lý do các hoạt động xúc tiến thương mại được các cấp, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm trong 4 năm qua.

Bằng nhiều hình thức, thông qua sự tư vấn của Sở Công Thương Nghệ An hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP hoàn thiện thủ tục hành chính để kết nối vào các siêu thị và chuỗi bán lẻ; chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP nhờ các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tiến hành khảo sát các địa điểm để làm điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Cục Quản lý thị trường Nghệ An cũng tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các chủ thể có sản phẩm OCOP. 

Kiên định với kế hoạch, lộ trình đã vạch ra, sau hơn 4 năm đã mang lại quả ngọt xứng đáng, đến nay Nghệ An đã có 175 sản phẩm OCOP được đưa vào các siêu thị, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Không chỉ có thế, các chủ thể đã được tham gia trưng bày sản phẩm tại 51 hội chợ, 20 hội nghị kết nối cung cầu, chưa kể một số chương trình chuyên ngành khác.

Ngoài ra là hàng chục điểm bán hàng OCOP tại các địa phương, mỗi chủ thể đều cho thấy sự chủ động, hăng hái, muốn góp sức mình vào thành công chung.

Nghệ An: Nhiều giải pháp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP
Hàng chục điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh giúp giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm OCOP

 

Nằm trong chuỗi “Điểm giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản địa phương”, ngày 16/9/2023, cửa hàng OCOP “Đặc sản quê Bác” tại địa chỉ số 22A, đường Lê Hồng Phong, TP Vinh chính thức trình làng, đây là mối hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Nghệ An và Hợp tác xã Sen Quê Bác.

Cửa hàng là cầu nối để các sản phẩm sạch, chất lượng như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, hương trầm Liên Đức, dược liệu Pù Mát, bánh đa Đô Lương, nước mắm Cửa Hội… được biết đến rộng rãi hơn nữa. Xa hơn giúp người tiêu dùng tiếp cận trực diện với các mặt hàng sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, qua đó kích cầu, đẩy mạnh chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Nghệ An: Nhiều giải pháp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP Nghệ An tham gia Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh...

 

Tiếp đó, nhằm tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An có cơ hội giao thương, học tập trao đổi kinh nghiệm, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản phẩm của mình, kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, nhà phân phối và tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, cuối tháng 10/2023, Nghệ An đã tham dự Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh với 04 gian hàng trưng bày, giới thiệu các nhóm sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đến từ các doanh nghiệp, cơ sở như bò giàng, lợn giàng, lặp xưởng, ba chỉ, đặc sản núi rừng Tương Dương; giò bê Nam Đàn; tinh bột nghệ, viên nghệ mật ong, tinh bột sắn dây chanh leo, viên hoàn hà thủ ô đỏ, trà hoa hòe Hoàng Mai… Các sản phẩm hàng hóa tỉnh Nghệ An tham gia hội chợ đã được người tiêu dùng Quảng Ninh và các tỉnh, thành khác đón nhận và tiêu thụ rất mạnh.

Sự kiện này góp phần hỗ trợ mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển bền vững các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường giao lưu kinh nghiệm để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời giúp các nhà sản xuất tiếp cận với người tiêu dùng, đối tác, nhà phân phối, thiết lập kênh phân phối tại những thị trường tiềm năng, mở rộng quan hệ hợp tác, tạo cơ hội để các doanh nghiệp củng cố, khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu.

Nghệ An: Nhiều giải pháp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP
... Và được người tiêu dùng đón nhận

 

Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến 2025 có 5 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao.

Các sản phẩm được gắn sao OCOP như là định danh cho thương hiệu, rất thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khi tham gia xuất khẩu.

Hoàng Hồ