Nghiên cứu các nhân tố tác động đến hiệu quả kinh tế - quốc phòng của các doanh nghiệp quân đội

NGUYỄN HỮU NGỌC (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn)

TÓM TẮT:

Đối với doanh nghiệp quân đội, hiệu quả hoạt động kinh doanh không chỉ tập trung vào khía cạnh kinh tế, mà còn quan tâm đến khía cạnh an ninh quốc phòng. Với đặc thù đó, trong bối cảnh hiện nay, khi mà các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp quân đội nói riêng chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường ngành, việc ổn định và giữ vững hiệu quả sản xuất - kinh doanh là cực kỳ khó khăn. Do vậy, nghiên cứu để đánh giá những nhân tố tác động đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp quân đội là cấp thiết, nhằm đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp với chức năng của doanh nghiệp, vừa làm kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng.

Từ khóa: Doanh nghiệp quân đội, hiệu quả kinh tế, an ninh quốc phòng, nhân tố tác động.

1. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp quốc phòng

Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp (DN) nói chung và doanh nghiệp quốc phòng (DNQP) nói riêng, tuy nhiên có thể phân chia theo hai nhóm nhân tố chính là: khách quan và chủ quan của DN.

1.1. Các nhân tố khách quan

+ Các nhân tố môi trường vĩ mô

Môi trường chính trị, pháp luật có tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của ngành và DN. Sự ổn định về chính trị tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, là tiền đề cho tăng trưởng và hiệu quả của hoạt động SXKD. Các chính sách kinh tế - xã hội trực tiếp phản ánh cơ hội hay đe dọa đối với các quyết định đầu tư và kinh doanh, do đó có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả kinh tế của DN.

Môi trường kinh tế là những đặc điểm của hệ thống kinh tế mà trong đó DN hoạt động và có tác động rất mạnh mẽ đến hiệu quả kinh tế của DN. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao phản ánh tốc độ phát triển của thị trường, do đó sẽ góp phần làm giảm áp lực cạnh tranh. Sức mua của tổng thể thị trưòng cao tạo điều kiện cho phát triển kinh doanh của DN. Lãi suất ảnh hưởng trực tiếp tới kinh doanh và nhu cầu thị trường. Tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng lớn tới những DN kinh doanh xuất nhập khẩu hay sử dụng nguyên liệu, thiết bị nhập khẩu. Về chính sách thuế, nhìn chung thuế thấp sẽ có lợi cho kinh doanh, thuế cao sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh.

Các yếu tố thuộc môi trường công nghệ có thể ảnh hưởng hai mặt tới hiệu quả kinh doanh của DN. Một mặt, cho phép DN tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, năng suất lao động tăng tạo nên hiệu quả cũng tăng lên; mặt khác, sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ làm chu kỳ đổi mới công nghệ diễn ra nhanh chóng dẫn đến chi phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển chiếm một tỷ lệ ngày càng gia tăng.

Môi trường văn hóa - xã hội có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua quan niệm về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, về tiêu dùng và tiết kiệm, trình độ nhận thức, học vấn chung của xã hội...

+ Nhân tố môi trường ngành

Môi trường ngành kinh doanh là một trong những nhân tố khách quan tác động đến hiệu quả hoạt động của DN. Các ngành kinh doanh khác nhau có khả năng phản ứng khác nhau với những thay đổi kinh tế trong chu kỳ kinh doanh. Nhìn chung, triển vọng của một ngành quyết định kết quả mà mỗi công ty có thể có được.

Mặt khác, ảnh hưởng của yếu tố ngành kinh doanh đến hiệu quả hoạt động của công ty còn biểu hiện ở chỗ: Nếu công ty hoạt động trong một ngành kém phát triển thì ngay cả công ty có hiệu quả hoạt động tốt nhất trong đó cũng có triển vọng đầu tư kém và ít thu hút được các nhà đầu tư hơn, do đó sẽ ảnh hưởng đến việc huy động và sử dụng vốn và tác động ngược trở lại đến hiệu quả hoạt động của DN. Hơn nữa, môi trường ngành cũng phản ánh các lực lượng cạnh tranh trong ngành. Cường độ cạnh tranh trong ngành càng mạnh, càng hạn chế khả năng của các công ty hiện tại trong việc tăng giá và có được lợi nhuận cao hơn. Trong lý thuyết 5 lực lượng cạnh tranh của Porter, một lực lượng cạnh tranh mạnh có thể xem như một sự đe dọa, bởi vì nó sẽ làm giảm thấp lợi nhuận.

Cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước đối với các DN, đặc biệt là các DN quân đội là một trong những nhân tố khách quan tác động đến hiệu quả hoạt động của các DN. Việc ban hành Quy chế giám sát tài chính sẽ góp phần bổ sung các khiếm khuyết của cơ chế hiện hành trên cơ sở ban hành các tiêu chí giám sát tài chính cụ thể tại DN; nội dung các tiêu chí giám sát theo hướng đánh giá đúng, đủ và sát tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN và một bước tách bạch các yếu tố quốc phòng. Đồng thời, việc làm rõ các chỉ tiêu báo cáo luôn giúp DN thực hiện đúng quy định về báo cáo, công khai tình hình tài chính, minh bạch chính xác hơn kết quả hoạt động của DN.

+ Nhân tố “Sự phát triển của thị trường tài chính”

Sự phát triển của thị trường tài chính cũng là một trong những nhân tố khách quan có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các DN. Thông thường, khi nền kinh tế phát triển tốt, thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ đi lên, điều này làm cho giá cổ phiếu của DN có xu hướng tăng. Các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn đến cổ phiếu của DN và DN sẽ có nhiều cơ hội phát hành cổ phiếu để thu hút vốn nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư vào tài sản và các hoạt động khác, qua đó làm cho hiệu quả hoạt động của DN được nâng cao. Ngược lại, khi nền kinh tế sa sút, biểu hiện rõ rệt nhất là trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, thì thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ đi xuống. Điều này đồng nghĩa với tình trạng ảm đạm đối với cổ phiếu của DN, DN sẽ gặp phải hạn chế trong việc thu hút vốn của các nhà đầu tư để phục vụ cho mục đích sản xuất - kinh doanh của mình, qua đó tác động đến hiệu quả hoạt động của DN.

+ Nhân tố “Cơ sở hạ tầng”

Chỉ số cơ sở hạ tầng là một chỉ tiêu được đánh giá độc lập và không nằm trong 10 chỉ tiêu thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI) từ năm 2013. Đây là nhân tố có tính chất khách quan và có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - quốc phòng. Cơ sở hạ tầng là một chỉ số đặc biệt hữu ích đối với DN khi ra quyết định đầu tư hay tăng quy mô kinh doanh và có quan hệ tương quan thuận chiều với chất lượng điều hành kinh tế. Chỉ số này được xem xét, đánh giá trên cơ sở 4 chỉ tiêu thành phần liên quan đến chất lượng cơ sở hạ tầng ở các địa phương, bao gồm: Mức độ sẵn có và chất lượng của các khu công nghiệp (KCN); hệ thống đường giao thông về độ bao phủ đường rải nhựa và các chi phí gián tiếp phát sinh từ đó; chi phí và độ tin cậy của dịch vụ viễn thông và năng lượng; khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin tại địa phương.

1.2. Các nhân tố chủ quan

+ Nhân tố “Năng lực lãnh đạo và trình độ của cán bộ quản lý của doanh nghiệp”

Nhà lãnh đạo DN là người đứng đầu một DN nên vai trò của họ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả kinh tế - quốc phòng và sự phát triển của DN. John Kotter đã khẳng định: “Lãnh đạo là nhân tố tạo nên và duy trì thành công cho bất kỳ DN hay tổ chức nào trong thế kỷXXI”. Năng lực lãnh đạo là một quá trình mà tại đó một cá nhân có ảnh hưởng lên người khác để họ hoàn thành một mục tiêu, nhiệm vụ nào đó theo phương cách kết nối, liên hoàn sao cho có hiệu quả nhất. Các nhà lãnh đạo thực hiện quá trình này bằng chính các kỹ năng lãnh đạo của mình, như niềm tin, sự tôn trọng con người, cách thức xử thế, tính cách cá nhân, kiến thức và kỹ năng chuyên môn… Các bộ phận cấu thành của năng lực lãnh đạo bao gồm tầm nhìn, khả năng phân quyền và ủy quyền, khả năng động viên và khuyến khích, khả năng gây ảnh hưởng, khả năng ra quyết định, khả năng giao tiếp lãnh đạo, khả năng hiểu mình, hiểu người.

Với vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu hiệu quả kinh tế-quốc phòng, việc nâng cao trách nhiệm, quyết tâm và năng lực lãnh đạo có ý nghĩa tối quan trọng đối với mục tiêu hiệu quả kinh tế - quốc phòng nói riêng và đối với sự phát triển bền vững nói chung.

+ Nhân tố “Quản trị doanh nghiệp”

Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa quản trị DN và hiệu quả hoạt động khẳng định, quản trị DN tốt sẽ làm tăng giá trị DN, tạo ra năng suất lao động cao hơn và rủi ro thấp hơn (Shleifer và Vishny, 1997; John và Senbet, 1998; Hermalin và Weisback, 2003). Nghiên cứu thực nghiệm của Mitton (2001) với mẫu nghiên cứu 389 DN ở các quốc gia Hàn Quốc, Malaixia, Inđônêxia và Thái Lan đã phát hiện rằng, quản trị DN có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả DN trong giai đoạn khủng hoảng 1997-1998. Brown và Caylor (2004) nghiên cứu 2.327 DN ở Mỹ với 51 yếu tố được chia thành 8 nhóm dựa trên dữ liệu Trung tâm dịch vụ cổ đông (ISS) cho thấy, những DN được quản trị tốt hơn, giá trị lớn hơn và thu nhập của chủ sở hữu cao hơn. La Porta và cộng sự (1999) thấy mối quan hệ dương giữa quản trị và hiệu quả hoạt động của DN; Dittmar và cộng sự (2007) cũng tìm thấy quản trị DN tốt có tác động dương đến giá trị DN ở Mỹ. Trong khi, Gompers và cộng sự (2003) cho rằng, những DN được quản trị tốt có lợi nhuận ròng và tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhưng ROE thấp.

+ Nhân tố “Quy mô và nguồn lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”

Quy mô DN có vai trò quan trọng đối với hiệu quả kinh doanh vì nó đại diện cho nguồn lực của DN. Những DN lớn với nguồn lực được tổ chức tốt và máy móc thiết bị tốt rất dễ dàng trong thực hiện mục tiêu (Penrose, 1959). Kakani và Kaul (2001) khẳng định rằng, quy mô DN có quan hệ dương với giá trị DN; trong khi Wu và Chua (2009) còn cho rằng những DN có quy mô lớn hơn có khả năng cạnh tranh tốt hơn do có lợi thế trong việc tiếp cận các nguồn lực. Tương tự, một số nghiên cứu thực nghiệm khác trên thế giới cũng khẳng định rằng, quy mô DN là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của DN (Baker và cộng sự, 1997; Chen và cộng sự, 2006; Uadiale, 2010). Majumdar (1997) cho rằng, những DN lớn hơn có hiệu quả kinh doanh cao hơn so với DN nhỏ và ngược lại. Gleason và cộng sự (2000) tìm thấy quy mô DN có ảnh hưởng dương có ý nghĩa đến hiệu quả kinh doanh của DN đo bằng ROA.

Doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) có nguồn lực càng lớn sẽ thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế - quốc phòng. Đặc biệt, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nguồn lực đất đai của DN là một trong những yếu tố sản xuất quan trọng và thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị DN. Chất lượng nguồn nhân lực của DN cũng là những lợi thế cho DN khi theo đuổi mục tiêu hiệu quả kinh tế - quốc phòng. Bên cạnh đó, uy tín thương hiệu, số lượng khách hàng, quan hệ với nhà cung cấp… cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh và do đó, cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả hoạt động SXKD. Các nhân tố này tạo ra những điều kiện cần thiết để DNQĐ đảm bảo hiệu quả kinh tế - quốc phòng và làm cho quá trình SXKD được thuận lợi hơn.

+ Nhân tố “Cấu trúc sở hữu”

Ảnh hưởng của cấu trúc sở hữu đến hiệu quả hoạt động của DN được xem xét trên 2 khía cạnh: Tập trung sở hữu và đặc điểm của chủ sở hữu.

+ Tập trung sở hữu: Lý thuyết đại diện cho rằng, những DN được quản trị tốt hơn gắn với tập trung sở hữu cao hơn và hiệu quả hoạt động tốt hơn. Ảnh hưởng của tập trung sở hữu lên hiệu quả DN (được đo lường bằng lợi nhuận và giá trị DN) như nghiên cứu của Gedajlovic và Shapiro (2002); Joh (2003) cho thấy những DN Hàn Quốc có tập trung sở hữu thấp thường có lợi nhuận thấp trong giai đoạn 1993 - 1997. Những phát hiện này là nhất quán phù hợp với dự đoán của lý thuyết đại diện cho rằng, những cổ đông lớn có thể giảm chi phí đại diện, vì họ có thể giám sát những người quản lý hiệu quả hơn những cổ đông nhỏ.

+ Đặc điểm chủ sở hữu: Chủ sở hữu của DN bao gồm nhiều thành phần khác nhau và không phải tất cả chủ sở hữu đều liên quan đến việc quản lý DN nhưng họ lại có liên quan đến việc bổ nhiệm những nhà quản lý và HĐQT để giám sát toàn bộ hoạt động của DN.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Seifert và cộng sự (2005) với mẫu nghiên cứu bao gồm các DN ở bốn quốc gia như Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản cho thấy có mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa sở hữu tổ chức và hiệu quả hoạt động của các DN ở bốn quốc gia này. Ngoài ra, Li, Yue và Zhao (2009) cho rằng, sở hữu nhà nước dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các khoản nợ dài hạn và có mối quan hệ dương giữa sở hữu nhà nước và đầu tư dài hạn và quan hệ âm giữa sở hữu nhà nước và hiệu quả DN.

Grunlu và Gursoy (2010) cho rằng, sở hữu nước ngoài (kể cả sở hữu cá nhân và sở hữu tổ chức) có thể nâng cao hiệu quả thị trường bằng khả năng tài chính, chuyển giao kinh nghiệm và kiến thức của họ đến thị trường nơi họ đang đầu tư. Jeon và cộng sự (2011) nghiên cứu các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc trong giai đoạn 1994 - 2004 và phát hiện ra rằng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lớn hơn có phân phối cổ tức cao hơn. Trong khi đó, Fich và Shivdasani (2004) tìm thấy ở những DN có tỷ lệ sở hữu của Ban quản lý cao thường có lợi nhuận cao và thị trường thường phản ứng tích cực khi DN thông báo việc bán cổ phiếu cho các thành viên của Ban quản lý.

+ Nhân tố “Cấu trúc vốn doanh nghiệp”

Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN là cấu trúc vốn. Cấu trúc vốn DN là sự kết hợp giữa nợ (nợ ngắn hạn và nợ dài hạn) và vốn cổ phần trong tổng nguồn vốn mà DN có thể huy động được để tài trợ cho các hoạt động của mình (Saad, 2010). Nghiên cứu của Zeitun và Tian (2007) cho thấy, cơ cấu vốn có tác động đến hiệu quả hoạt động của DN khi đo lường theo chỉ số kế toán và theo chỉ số thị trường. Tỷ lệ nợ ngắn hạn có tác động dương đến hiệu quả theo thị trường của DN. Nghiên cứu của Dilip Ratha (2003) cho thấy đòn bẩy tài chính tác động âm đến hiệu quả hoạt động của DN ở các DN của các nước đang phát triển. Nghiên cứu của Margaritis (2007) về mối quan hệ nhân quả giữa cơ cấu vốn và hiệu quả hoạt động DN cho thấy hiệu quả hoạt động của DN ảnh hưởng đến cơ cấu vốn và ngược lại cơ cấu vốn cũng tác động đến hiệu quả hoạt động của DN.

+ Nhân tố “Tuổi của doanh nghiệp”

Theo Marshall (1920), những DN hoạt động lâu năm có một sức ỳ rất lớn và hầu như rất kém năng động để điều chỉnh kịp thời với những thay đổi của môi trường, do đó tính hiệu quả thường thấp hơn so với những DN trẻ năng động hơn.

Tuy nhiên, một nhánh nghiên cứu cho rằng, những DN hoạt động lâu năm hơn có nhiều kinh nghiệm hơn, do vậy có thể đạt được hiệu quả cao hơn (Stinchcombe, 1965). Tương tự, Majumdar (1997) cho rằng, DN hoạt động lâu năm hơn có vị thế cao hơn trong hiệu quả so với DN mới thành lập và ngược lại.

+ Nhân tố “Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp”

Chiến lược có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh của DN. Thứ nhất, tạo lập nên một mối quan hệ giữa điểm mạnh và điểm yếu của công ty, quan hệ tương hỗ giữa các cơ hội và thách thức bên ngoài công ty và từ đó tạo nên thế cạnh tranh của DN. Thứ hai, giúp cho các nhà quản trị DN thấy rõ được cơ hội và nguy cơ xảy ra trong kinh doanh hiện tại và tương lai để phân tích dự báo các điều kiện môi trường kinh doanh trong tương lai, tận dụng cơ hội, giảm nguy cơ, tăng khả năng cạnh tranh của DN, dành thắng lợi lớn. Thứ ba, giúp DN tạo ra những chiến lược kinh doanh tốt hơn thông qua việc sử dụng phương pháp tiếp cận hệ thống, tạo cơ sở để tăng sự liên kết và tăng sự gắn bó giữa các thành viên trong việc thực hiện mục tiêu của DN.

+ Nhân tố “Tốc độ tăng trưởng”

Tốc độ tăng trưởng được đo lường bằng tốc độ tăng trưởng của tài sản hoặc doanh thu. Các DN có tốc độ tăng trưởng cao thường có hiệu quả hoạt động tốt, bởi vì các DN tăng trưởng cao có thể tạo ra lợi nhuận từ các khoản đầu tư của mình. Nghiên cứu của Khatab và cộng sự (2011) cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu tác động dương đến ROA, nhưng tác động âm đến ROE.

2. Kết luận và đề xuất mô hình nghiên cứu

Hiệu quả kinh tế - quốc phòng của DNQĐ chịu tác động bởi nhiều nhân tố với chiều hướng và mức độ khác nhau. Nghiên cứu các nhân tố môi trường vĩ mô cho phép các DN xác định những hoạt động mà DN có thể tiến hành. Trong khi đó, nghiên cứu các nhân tố môi trường bên trong cho phép DN làm rõ những hoạt động mà DN có khả năng thực hiện.

Trên cơ sở phân tích các nhân tố có tác động đến hiệu quả kinh tế - quốc phòng của các DNQĐ, có thể xây dựng mô hình nghiên cứu như sau:

Mô hình nghiên cứu trên cho phép làm rõ mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - quốc phòng của các DNXD quân đội. Trên cơ sở mô hình này, tác giả nêu ra giả thuyết nghiên cứu: Nhóm nhân tố nội bộ doanh nghiệp và nhóm nhân tố bên ngoài doanh nghiệp có tác động cùng chiều với hiệu quả kinh tế quốc phòng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Baker, George P. and Gibbons, Robert S. and Murphy, Kevin J., 1997. Relational Contracts and the Theory of the Firm. http://ssrn.com/abstract=2211 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.2211.

2. Brown and Caylor (2004), Corporate Governance and Firm Performance, , 15 th Conference on Financial Economics and Accounting, University of Missouri, and Penn State University.

Chen, Z., Cheung, Y.-L., Stouraitis, A. & Wong, A. W. S. (2005), “Ownership concentration, firm performance, and dividend policy in Hong Kong”, PacificBasin Finance Journal, 13, 431-449.

3. Đỗ Huyền Trang, 2012, Hoàn thiện phân tích hiệu quả kinh doanh trong các DN chế biến gỗ xuất khẩu khu vực Nam Trung bộ, LATS Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

4. Dilip Ratha, 2003. Worker Remittances: An Important and Stable Source of ExternalDevelopment Finance. Global Development Finance, World Bank.

5. Dittmar và cộng sự (2007), Corporate governance and the value of cash holdings, Journal of Financial Economics, Volume 83, Issue 3, March 2007, Pages 599-634.

6. Fich, E., and A. Shivdasani., 2004. The Impact of Stock-option Compensation for Outside Directors on Firm Value. Journal of Business, Vol. 78, Issue 6, pp. 2229-2254.

7. Gedajlovic và Shapiro (2002); OWNERSHIP STRUCTURE AND FIRM PROFITABILITY IN JAPAN, Academy of Management Journal. Vol. 45, No. 2. 565-575.

8. Gleason, K., Mathur, L. and Mathur, I. (2000) The Interrelationship between Culture, Capital Structure, and Performance: Evidence from European Retailers, Journal of Business Research, 50: 185-191.

9. GompeArs và cộng sự (2003) Corporate Governance and Equity Prices, The Quarterly Journal of Economics.

ANALYZING FACTORS AFFECTING THE EFFICIENCY

OF BUSINESS AND DEFENSE OF THE ENTERPRISES

OF THE VIETNAM PEOPLE’S ARMY

NGUYEN HUU NGOC

Truong Son Construction One Member Limited Liability Corporation

ABSTRACT:

Enterprises of the Vietnam People’s Army (VPA) do not only focus on improving their economic performance but also ensuring security and defense of Vietnam. Under these particular characteristics, the enterprises of VPA are facing serious difficulties in stabilizing and enhancing their business performance in the context of fierce competition of the market. Therefore, it is important to analyze factors affecting the efficiency of business and production of the enterprises of VPA in order to draw pragmatic solutions, policies which are suitable for functions of VPA’s enterprises in simultaneously reaching their economic and defense goals.

Keywords: Enterprises of the Vietnam People’s Army, economic effieciency, defense, factors.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây