Phát triển hệ thống phân phối bán lẻ nhằm thúc đẩy thương mại ở khu vực miền núi

NGÔ CHÍ THÀNH (Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ - Giảng viên khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Hồng Đức)

 

TÓM TẮT:

Phát triển thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực miền núi. Trong đó, phát triển hệ thống phân phối góp phần trực tiếp trong việc thúc đẩy phân phối tiêu thụ nông sản, hàng hóa được sản xuất tại địa phương. Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa là địa bàn có nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng tiếp cận tiêu thụ trên thị trường qua các chợ truyền thống và kênh phân phối hiện đại.

Bài báo phân tích thực trạng phát triển hệ thống phân phối sản phẩm, hàng hóa ở khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống phân phối bán lẻ theo hướng ngày càng đóng góp nhiều hơn cho việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa ở khu vực miền núi.   

Từ khóa: thương mại, miền núi, hệ thống bán lẻ, tỉnh Thanh Hóa.

1. Đặt vấn đề

Phát triển thương mại miền núi là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 964/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, có nội dung quan trọng là phát triển hệ thống phân phối sản phẩm, hàng hóa ở khu vực miền núi. Thông qua phát triển hệ thống phân phối, thúc đẩy sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Chương trình phát triển thương mại miền núi đã thu hút được đầu tư, quảng bá sản phẩm, hình thành các chuỗi cung ứng ở các khu vực miền núi. Phát triển được hạ tầng thương mại nói chung và hệ thống phân phối nói riêng.

Trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, hệ thống phân phối đang chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng kênh phân phối hiện đại và sản phẩm tiêu chuẩn chất lượng. Phát triển của các kênh phân phối, kể cả truyền thống và hiện đại, sẽ đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, khai thác các tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm vùng miền, sản phẩm đặc trưng, đặc sản ở khu vực miền núi, cũng đang đòi hỏi hệ thống phân phối phải được phát triển phù hợp cả về vị trí, địa bàn, loại hình (Ngô Chí Thành, 2020)… để kịp thời phục vụ cho sự phát triển của khu vực miền núi.

Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa là địa bàn rộng lớn với 11 huyện. Trong những năm qua, hạ tầng thương mại nói chung, hệ thống phân phối ở khu vực miền núi nói riêng đã có những bước phát triển đáng kể. Hệ thống chợ truyền thống đã từng bước được đầu tư, nâng cấp, phục vụ có hiệu quả cho phát triển sản xuất, tiêu dùng ở khu vực miền núi. Hệ thống phân phối hiện đại với các siêu thị đã từng bước được hình thành ở khu vực miền núi. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang trong giai đoạn phát triển mới. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nhấn mạnh, xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới.

2. Tổng quan nghiên cứu

Hệ thống phân phối được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tiếp cận và phân tích ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tác giả Reardon và cộng sự (2012), Vetter và cộng sự (2019) đã nghiên cứu sự phát triển bùng nổ của các siêu thị ở các nước đang phát triển. Trong đó nhấn mạnh đến sự chuyển đổi của hệ thống phân phối bán lẻ theo hướng các kênh hiện đại và cung cấp sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng.

Ở Việt Nam, các tác giả cũng đã nghiên cứu sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống bán lẻ trong những năm gần đây, cũng như phân tích những tác động của hệ thống bán lẻ chuyển đổi đến cả người sản xuất và tiêu dùng. Maruyama và Trung (2012) đã phân tích sự phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam với những ưu việt trong chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sự tiện lợi khi tiêu dùng. Nghiên cứu của Ngô Chí Thành và cộng sự (2019) đã phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hình thành liên kết thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh phân phối hiện đại.

Hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản ở khu vực miền núi Thanh Hóa gắn với sự chuyển đổi của kênh phân phối hiện đại cũng được phân tích trong nghiên cứu của Ngô Chí Thành và cộng sự (2020). Trong đó, nhóm tác giả đã phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi gắn với bối cảnh sự chuyển đổi của hệ thống phân phối.

Nhìn chung, chủ đề phát triển hệ thống phân phối đã được các nhà nghiên cứu phân tích ở nhiều góc độ, địa bàn, lĩnh vực, ngành hàng khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại chưa có các nghiên cứu liên quan đến phát triển hệ thống phân phối ở khu vực miền núi Thanh Hóa để thúc đẩy hoạt động thương mại ở địa bàn này.

ban le
Du khách mua đồ lưu niệm, đặc sản địa phương tại điểm du lịch cộng đồng bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước)

3. Thực trạng phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa ở khu vực miền núi Thanh Hóa

3.1. Hệ thống chợ ở khu vực miền núi

Qua nghiên cứu cho thấy, hệ thống chợ đã được phát triển rộng khắp trên các huyện ở khu vực miền núi. Đây là hệ thống phân phối đóng vai trò chính trong việc lưu thông sản phẩm, hàng hóa ở khu vực miền núi trong điều kiện hệ thống hiện đại đang còn hạn chế về quy mô và số lượng. Đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phân phối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương tại các huyện miền núi.

Tuy nhiên, các chợ ở khu vực miền núi còn chiếm tỷ lệ thấp. Số liệu thống kê cho thấy, một số huyện miền núi chỉ có 1-3 chợ hoạt động. Trong đó, chủ yếu là chợ bán lẻ, quy mô nhỏ (hạng 2, hạng 3). Bên cạnh các chợ được xây dựng kiên cố thì vẫn có chợ chưa được xây dựng; nhiều chợ còn chưa có hệ thống thu gom chất thải và công trình phụ trợ bảo đảm yêu cầu kỹ thuật... (Bảng 1)

Bảng 1. Số lượng chợ ở khu vực miền núi Thanh Hóa

ĐVT: Chợ

TT

Địa bàn/năm

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng cộng toàn tỉnh

396

398

391

391

Trong đó khu vực các huyện miền núi

101

101

95

95

1

Huyện Thạch Thành

22

22

25

25

2

Huyện Cẩm Thủy

13

13

12

12

3

Huyện Ngọc Lặc

19

19

18

18

4

Huyện Như Thanh

13

13

12

12

5

Huyện Như Xuân

6

6

3

3

6

Huyện Thường Xuân

10

10

8

8

7

Huyện Lang Chánh

4

4

3

3

8

Huyện Bá Thước

7

7

7

7

9

Huyện Quan Hóa

1

1

1

1

10

Huyện Quan Sơn

3

3

3

3

11

Huyện Mường Lát

2

2

2

2

Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa năm 2019 và Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa

Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, theo Quyết định số: 4388/QĐ - UBND, ngày 9 tháng 11 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, hệ thống chợ đã được đầu tư, nâng cấp, phát triển theo chiều sâu, phù hợp với xu hướng chuyển đổi loại hình thương mại, kênh phân phối theo hướng hiện đại.

3.2. Hệ thống siêu thị ở khu vực miền núi

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bên cạnh hệ thống phân phối truyền thống, những năm gần đây, khu vực miền núi đã hình thành các siêu thị. Đây là một trong những bước chuyển đổi, phát triển mạnh mẽ của hệ thống phân phối bán lẻ theo hướng kênh hiện đại. Mặc dù các siêu thị ở khu vực miền núi có quy mô nhỏ, tuy nhiên, đã tạo điều kiện để người tiêu dùng ở khu vực miền núi từng bước tiếp cận được với các hàng hóa và dịch vụ mà kênh phân phối hiện đại cung cấp. Với sự phát triển song song của kênh truyền thống, kênh hiện đại sẽ phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ở địa phương một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại ở khu vực miền núi. (Bảng 2)

Bảng 2. Số lượng siêu thị khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa

ĐVT: siêu thị

TT

Địa bàn/năm

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

 

Tổng cộng toàn tỉnh

     16

     18

     20

20

Trong đó các huyện miền núi

8

8

8

8

1

Huyện Thạch Thành

1

1

1

1

2

Huyện Cẩm Thủy

1

1

1

1

3

Huyện Ngọc Lặc

1

1

1

1

4

Huyện Như Thanh

1

1

1

1

5

Huyện Như Xuân

1

1

1

1

6

Huyện Thường Xuân

1

1

1

1

 7

Huyện Lang Chánh

1

1

1

1

8

Huyện Bá Thước

1

1

1

1

9

Huyện Quan Hóa

-

-

-

-

10

Huyện Quan Sơn

-

-

-

-

11

Huyện Mường Lát

-

-

-

-

Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa năm 2019 và Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa

Tuy nhiên, số lượng siêu thị còn khiêm tốn cũng cho thấy hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa vẫn chủ yếu tập trung ở kênh phân phối truyền thống. Để ngày càng có nhiều nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi được tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại với chất lượng, mẫu mã và giá trị cao, đòi hỏi kênh phân phối hiện đại ngày càng phát triển, tăng thêm giá trị gia tăng cho các nông sản khi cung cấp ra thị trường.

4. Một số giải pháp phát triển hệ thống phân phối nhằm thúc đẩy thương mại miền núi

4.1. Giải pháp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại

Phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa (cả kênh truyền thống và kênh hiện đại) đều cần phải có lượng vốn đầu tư lớn. Riêng đối với khu vực miền núi, điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, phát triển hạ tầng thương mại nói chung, hệ thống phân phối nói riêng càng cần được đầu tư nhiều hơn.

Để phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống phân phối ở khu vực miền núi, một trong những giải pháp quan trọng đó là thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Trong đó, chú trọng thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong đầu tư nâng cấp, đầu tư mới hệ thống chợ và hệ thống siêu thị ở khu vực miền núi. Sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp có thể thông qua đầu tư trực tiếp hoặc tham gia liên kết, hợp tác trong phát triển hệ thống phân phối; trên cơ sở đó phát triển hạ tầng thương mại ở khu vực miền núi.   

sieu thi
Hệ thống phân phối đóng vai trò chính trong việc lưu thông sản phẩm, hàng hóa ở khu vực miền núi

4.2. Tăng cường xúc tiến thương mại và kết nối thị trường ở khu vực miền núi

Để hệ thống phân phối hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, các huyện miền núi cần tập trung thúc đẩy xúc tiến thương mại và tăng cường kết nối thị trường. Trong đó, chú trọng đến kết nối thị trường đối với các nông sản đặc trưng, đặc sản, nông sản bản địa là tiềm năng, thế mạnh của các huyện miền núi. Thông qua các hoạt động kết nối thị trường giữa các vùng sản xuất, sẽ tạo điều kiện nâng cao được danh mục hàng hóa, sản phẩm được phân phối, tiêu thụ qua các kênh phân phối trên địa bàn miền núi.

Trong kết nối thị trường, cần chú trọng cả ở kênh phân phối truyền thống và kênh phân phối hiện đại để thu hút được đông đảo đối tác cũng như khách hàng tham dự. Đồng thời, xây dựng các mối liên kết, hợp tác giữa hệ thống phân phối với các doanh nghiệp và người sản xuất để thúc đẩy hoạt động thương mại miền núi một cách hiệu quả và toàn diện.

4.3. Phát triển kênh phân phối truyền thống kết hợp hiện đại

Trong hệ thống phân phối sản phẩm, hàng hóa, mỗi kênh phân phối (truyền thống, hiện đại) đều có những điểm mạnh và những hạn chế. Khách hàng tự do di chuyển giữa 2 kênh phân phối trong tiêu dùng sản phẩm, tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường. Để thúc đẩy thương mại miền núi, cần chú trọng đầu tư phát triển hệ thống phân phối theo hướng kết hợp hài hòa cả hệ thống chợ và kênh phân phối hiện đại. Đảm bảo vừa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh và phù hợp với sự gia tăng hoạt động thương mại.

Đầu tư phát triển kênh phân phối truyền thống theo hướng nâng cấp, cải tạo, hoặc xây dựng mới các chợ để đảm bảo hoạt động phân phối sản phẩm, hàng hóa một cách hiệu quả. Đầu tư, nâng cao số lượng, quy mô và chất lượng các siêu thị ở khu vực miền núi theo hướng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Phục vụ tốt hơn hoạt động thương mại trong bối cảnh mới gắn với hệ thống thương mại hiện đại. Bên cạnh đó, từng bước hình thành các chuỗi cửa hàng tiện ích phục vụ trao đổi mua bán ở khu vực miền núi Thanh Hóa.

4.4. Các giải pháp về chính sách khuyến khích phát triển hệ thống phân phối

Ngoài các giải pháp trên, để phát triển hệ thống phân phối ở khu vực miền núi, các cấp cần tiếp tục có các chính sách mạnh mẽ trong phát triển thương mại miền núi nói chung và hệ thống phân phối nói riêng. Trong đó, tập trung vào các cơ chế, chính sách đối với đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; Các chính sách thu hút đầu tư; Các chính sách về lãi suất, thuế để hỗ trợ quá trình đầu tư và khai thác hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa. Thông qua các cơ chế, chính sách, khuyến khích các thành phần kinh tế, các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư, phát triển hệ thống phân phối bán lẻ ở khu vực miền núi.

5. Kết luận

Qua nghiên cứu cho thấy, hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa ở khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa đã được phát triển đồng bộ, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động thương mại miền núi. Kênh phân phối truyền thống là hệ thống các chợ đã được quy hoạch, đầu tư, nâng cấp, ngày càng đáp ứng được nhu cầu mua bán, tiêu dùng của người dân khu vực miền núi. Bên cạnh đó, kênh phân phối hiện đại đã từng bước được hình thành, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng theo hướng hệ thống thương mại hiện đại, tiêu chuẩn, chất lượng.

Để hoạt động thương mại miền núi ngày càng được đẩy mạnh, hệ thống phấn phối trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục được thực hiện quy hoạch, đầu tư, nâng cấp. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp quan trọng như thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; Tăng cường kết nối thị trường giữa các vùng sản xuất; phát triển hệ thống chợ miền núi kết hợp kênh phân phối hiện đại và các chuỗi cửa hàng tiện lợi; Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách mạnh mẽ thúc đẩy thương mại miền núi nói chung và khuyến khích phát triển hệ thống phân phối sản phẩm, hàng hóa ở khu vực miền núi nói riêng.   

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2019), Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa 2019, NXB Thống kê.
  2. Bộ Chính trị (2020), Nghị quyết số 58 NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  3. Chính phủ (2018), Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 Quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
  4. Chính phủ (2015), Quyết định số 964/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 06 năm 2015 về việc Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020.
  5. UBND tỉnh Thanh Hóa (2016), Quyết định số 4388/QĐ - UBND, ngày 9 tháng 11 năm 2016, về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
  6. Maruyama, M., & Trung, L. V. (2012). Modern retailers in transition economies: the case of Vietnam. Journal of Macromarketing, 32(1), 31-51.
  7. Ngo Chi, T., Le Hoang Ba, H., Hoang Thanh, H., Le Quang, H., & Le Van, C. (2019). Linkages in modern distribution channels formation: The study of factors affecting mountainous agricultural products consumption in Vietnam. Economic Annals-XXI, 178(7-8), 134-147.
  8. Ngô Chí Thành, (2020), Sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi tỉnh Thanh Hóa trong điều kiện hệ thống phân phối chuyển đổi theo hướng hiện đại, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
  9. UBND tỉnh Thanh Hóa (2016), Quyết định số 4388/QĐ-UBND, ngày 9/11/2016, về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
  10. Reardon, T., Timmer, C. P., & Berdegue, J. (2012). The rapid rise of supermarkets in developing countries: Induced organisational, institutional and technological change in agri-food systems. In The Transformation of Agri-Food Systems (pp. 71-90).
  11. Vetter, T., Nylandsted Larsen, M., & Bech Bruun, T. (2019). Supermarket-Led Development and the Neglect of Traditional Food Value Chains: Reflections on Indonesia’s Agri-Food System Transformation. Sustainability, 11(2), 498.