Phát triển mô hình trang trại, hợp tác xã gắn với du lịch nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội

NGUYỄN THỊ KIM OANH - ĐOÀN THỊ NGỌC THÚY - NGUYỄN THỊ THU TRANG (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu thực trạng phát triển mô hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm trên địa bàn TP. Hà Nội. Từ đó, một số khuyến nghị chính sách nhằm phát triển mô hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội được đề xuất, đó là: hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch; đào tạo kỹ năng hoạt động du lịch cho các trang trại, HTX và người dân; xây dựng cơ chế chính sách phát triển kinh tế trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp.

Từ khóa: trang trại, hợp tác xã, du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp, thành phố Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) là xu thế tất yếu khách quan trong quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, cần phải đa dạng hóa các hoạt động sản xuất - kinh doanh dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn.

Thủ đô Hà Nội được biết đến với bề dày văn hóa, di sản và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trong vài năm trở lại đây, du lịch Thủ đô đã từng bước khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch giáo dục, trải nghiệm, làng nghề kết hợp với du lịch nông thôn. Sự phát triển của mô hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn đã tạo ra sự khác biệt thu hút khách du lịch ngày càng cao. Năm 2019, lượng du khách đến với Hà Nội là 129 triệu lượt khách, trong đó có 89 triệu lượt học sinh đi du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục; và hơn 7 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch năm 2019 đạt 121.566 tỷ đồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, 2020).

Tuy nhiên, mô hình trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp phát triển chậm và rất hạn chế. Hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các trang trại, HTX chủ yếu mang tính tự phát, còn nhỏ lẻ và chưa được đầu tư đúng mức. Do đó, bài viết nghiên cứu thực trạng phát triển mô hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm để tìm ra giải pháp cụ thể cho vấn đề phát triển mô hình trang trại, HTX gắn với du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Nguồn số liệu

Số liệu thứ cấp liên quan đến thực trạng phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm được thu thập thông qua những tài liệu có sẵn, các văn bản, báo cáo từ cơ quan quản lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội.

Số liệu sơ cấp được thu thập trực tiếp thông qua điều tra, phỏng vấn các hộ tham gia hoạt động du lịch và cán bộ quản lý HTX. Số mẫu điều tra là 30 hộ tham gia trồng và sản xuất chè tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Ngoài ra, nghiên cứu đã tiến hành đánh giá nhu cầu du lịch trải nghiệm dựa trên các tiêu chí chính về thời gian, loại hình và hoạt động mong muốn trải nghiệm thông qua điều tra 120 người dân sống trên địa bàn TP. Hà Nội thông qua 2 hình thức là phỏng vấn trực tiếp và phỏng vấn trực tuyến trên Internet.

2.2. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu

Số liệu sau khi thu thập được tổng hợp, sử dụng phần mềm Excel để tính toán, phân tích và các phương pháp phân tích như thống kê mô tả, phương pháp so sánh, phương pháp chuyên gia.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Khái quát về kinh tế trang trại và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội

Hiện nay, số trang trại nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội ngày càng phát triển cả về mặt số lượng, chất lượng và có sự chuyển dịch theo hướng giảm loại hình trồng trọt, tăng mô hình chăn nuôi và tổng hợp. Năm 2011, toàn Thành phố có 1.124 trang trại đến năm 2019, Hà Nội có 3.150 trang trại, tăng 2.026 trang trại so với năm 2011. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2020, Hà Nội có 1.581 trang trại, giảm 1.569 trang trại so với năm 2019. Trong số các trang trại nông nghiệp, trang trại chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất (chiếm 74%); trang trại tổng hợp (chiếm 13%).

Hình 1: Các loại hình trang trại nông nghiệp

hợp tác xã nông nghiệp

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, 2020

Trong những năm qua, các hợp tác xã nông nghiệp có vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố hiện có 1.235 HTX nông nghiệp gồm 1.090 HTX đang hoạt động (chiếm 88,3%), trong đó có 790 HTX tổng hợp (chiếm 72,48%), 222 HTX trồng trọt (chiếm 20,37%), 50 HTX chăn nuôi, 21 HTX nuôi trồng thủy sản, 01 HTX lâm nghiệp, 06 HTX nước sạch nông thôn.

Hình 2: Các loại hình hợp tác xã nông nghiệp

hợp tác xã nông nghiệp

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, 2020

3.2. Thực trạng phát triển mô hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội

3.2.1. Phát triển về quy mô số lượng trang trại, hợp tác xã

Du lịch nông nghiệp của Hà Nội hình thành từ những năm 2008 - 2009. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2020 ghi nhận sự hình thành nhiều hơn các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn liền du lịch. Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện trên địa bàn có 13 trang trại có hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch giáo dục, trải nghiệm sinh thái nông nghiệp thuộc 8 quận, huyện, là các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ; và các quận Long Biên và Hà Đông. Đồng thời có 4 HTX nông nghiệp phát triển dịch vụ nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm là các hoạt động nông nghiệp tại 4 huyện, thị xã, gồm: HTX rau hữu cơ Thanh Xuân huyện Sóc Sơn, HTX rau Đường Lâm Sơn Tây, HTX trải nghiệm xã Đồng Tiến Ứng Hòa, HTX Hồng Vân huyện Thường Tín.

Các hoạt động du lịch giáo dục, trải nghiệm của các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp rất đa dạng với các hoạt động trải nghiệm trọn gói hoặc riêng biệt phù hợp theo nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm.

3.2.2. Đánh giá nguồn lực của các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển du lịch

Về lao động: Số lao động trung bình mỗi trang trại có hoạt động du lịch giáo dục, trải nghiệm khoảng 20 người/trang trại, chủ yếu là lao động thuê ngoài. Lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu là thành viên của HTX, trung bình mỗi HTX có 20 đến 30 lao động thường xuyên phục vụ cho các hoạt động dịch vụ của HTX và các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Về đất đai: Tổng quy mô diện tích trang trại, HTX có hoạt động du lịch trên địa bàn khoảng 268 ha. Trong đó, diện tích sử dụng của trang trại, HTX nhỏ nhất từ 2 ha và lớn nhất lên tới 65 ha phục vụ phát triển hoạt động du lịch trải nghiệm.

Về tài sản, vốn đầu tư: Quy mô vốn, tài sản đối với các trang trại du lịch nông nghiệp khá cao từ 5 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng. Đa số các trang trại ngoài các chi phí xây dựng, phát triển sản xuất trang trại nông nghiệp đơn thuần còn phải đầu tư cho các dịch vụ du lịch khác liên quan đến lĩnh vực du lịch, như: đầu tư hệ thống lưu trú, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, trang trại du lịch giáo dục,…

3.2.3. Hiệu quả kinh tế của các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm

Các hộ được điều tra trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội có hoạt động trồng chè với mức thu nhập khá từ 150-250 triệu đồng/năm (50%). Chủ hộ là nam chiếm 85%, với độ tuổi đa số từ 40-55 tuổi (chiếm 65%) và chủ yếu có trình độ trung học phổ thông (82,5%). Nhìn chung, các hộ điều tra tại địa bàn nghiên cứu đa phần đều có kinh nghiệm trồng, sản xuất chè lâu năm tại địa phương từ 10 đến 20 năm.

Tại huyện Ba Vì, tuy hoạt động du lịch giáo dục, trải nghiệm gắn với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất chè mới được triển khai những năm gần đây nhưng đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho người dân địa phương. Trung bình các hộ dân có diện tích trồng chè từ 5 sào đến 1 mẫu chè. Nhờ có sự liên kết với HTX và các công ty du lịch, một số hộ dân đã mở rộng diện tích trồng chè để khách du lịch đến tham quan trải nghiệm. Hiện nay, mức giá búp chè khô được bán với giá từ 200.000 - 500.000 đồng/kg tùy loại. Bên cạnh đó, các hộ còn có thêm thu nhập từ kinh doanh homestay, cũng như các hoạt động trải nghiệm của du khách. Số liệu điều tra cho thấy, có 70% hộ được phỏng vấn cho biết tham gia loại hình du lịch homestay.

Bảng 1. Đánh giá của hộ về tác động của du lịch nông nghiệp
đến sản xuất chè

hợp tác xã nông nghiệp

Ghi chú: Ý nghĩa giá trị trung bình

1,0-1,8: Hoàn toàn không đồng ý; 1,81-2,6: Không đồng ý; 2,61-3,4: Bình thường; 3,41-4,2: đồng ý; 4,21-5,0: Hoàn toàn đồng ý.

                          Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra 2021

Bảng 1 cho thấy, phần lớn các hộ được điều tra đều có đánh giá tích cực về tác động của du lịch nông nghiệp đối với hoạt động sản xuất chè của địa phương, bởi du lịch nông nghiệp góp phần giúp thu nhập của hộ tăng lên nhờ giá bán chè cao hơn, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ đồng ý cao nhất là “Tạo thêm việc làm cho lao động địa phương” với giá trị trung bình là 4,28 điểm. Hoạt động du lịch nông nghiệp không chỉ giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu chè của huyện, mà còn tác động tích cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, cải thiện cảnh quan môi trường và hiểu biết của người dân.

3.2.4. Nhu cầu du lịch trải nghiệm tại các trang trại, hợp tác xã của người dân TP. Hà Nội

a. Đặc điểm mẫu điều tra

Về độ tuổi, các đối tượng điều tra có độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, cụ thể dưới 20 tuổi chiếm 38%, từ 20 đến 34 tuổi chiếm 46%. Còn lại 16% đối tượng được điều tra có độ tuổi trên 34 tuổi. Theo nghề nghiệp, đối tượng học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ 58%, công chức, viên chức, lao động văn phòng chiếm 32%. Lao động tự do và đối tượng khác chiếm tỷ lệ 10%.

b. Thời gian mong muốn tham gia du lịch trải nghiệm

Theo kết quả khảo sát, có tới 87,5% đối tượng được điều tra có mong muốn tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm tại các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp. Phần lớn những người được hỏi mong muốn tham gia du lịch trải nghiệm vào kỳ nghỉ hè (37%) và bất cứ lúc nào họ muốn đi (28%), vì đa số người được hỏi thuộc đối tượng học sinh, sinh viên, nhóm đối tượng ưa thích các hoạt động trải nghiệm thực tế. Dịp nghỉ lễ, Tết, cũng là lựa chọn chiếm tỷ lệ tương đối với 21%, bởi họ lo ngại những loại hình du lịch khác như du lịch biển, vui chơi, giải trí các dịp lễ, Tết sẽ quá tải và lựa chọn du lịch trải nghiệm tại các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp dịp nghỉ lễ, Tết sẽ phù hợp hơn. Những ngày cuối tuần không được nhiều người lựa chọn để đi du lịch trải nghiệm (12%).

c. Loại hình và hoạt động mong muốn được trải nghiệm

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, phần lớn các đáp viên có nhu cầu trải nghiệm tại các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp (48%), chăn nuôi (28%), trồng trọt (22%). Số ít người được hỏi mong muốn trải nghiệm tại các trang trại, HTX nuôi trồng thủy sản (2%).

Nhu cầu tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm tại các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp của các đối tượng được điều tra rất phong phú, đa dạng và được tổng hợp thành 3 nhóm chính: (i) Nhóm hoạt động mang dấu ấn văn hóa đồng quê Việt Nam, như: cấy lúa, xay lúa, giã gạo, úp nơm, bắt cá, tự hái và sao chè khô,... (ii) Nhóm hoạt động thứ hai là nhóm tham quan, như: tham quan làng Việt cổ nông nghiệp Đường Lâm; tham quan đồi chè Ba Trại, tham quan các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm,... (iii) Nhóm các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài trời với các hoạt động xây dựng đội nhóm, cắm trại, đốt lửa trại, tiệc nướng, ca hát, nhảy múa.

3.3. Giải pháp phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã gắn với du lịch nông nghiệp

3.3.1. Hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch

Các cấp chính quyền cần thống nhất quản lý nhà nước về trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp du lịch để tránh chồng chéo trong quản lý nhà nước về loại hình này. Đồng thời, xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tình hình hoạt động của các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp du lịch. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, bổ sung loại hình trang trại, HTX có hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn trong các văn bản quy phạm pháp luật về cơ sở du lịch lưu trú.

3.3.2. Đào tạo kỹ năng hoạt động du lịch cho các trang trại, hợp tác xã và người dân

Chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn các chủ trang trại, cán bộ quản lý và các thành viên HTX các kiến thức, kỹ năng về văn hóa, cách thức chào đón và giao tiếp với khách du lịch. Hướng dẫn các trang trại, thành viên HTX tham gia hoạt động du lịch về văn hóa giao tiếp với du khách, tổ chức cơ sở vật chất phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch lưu trú.

3.3.3. Xây dựng cơ chế chính sách phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã gắn với du lịch nông nghiệp

Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu tiên cho loại hình này, bao gồm:

1) Nhóm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong các trang trại, HTX: i) Các địa phương quy hoạch, hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, có thế mạnh của mỗi địa phương để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng cho các trang trại, HTX; ii) Đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm của các trang trại, HTX hướng tới phục vụ khách du lịch.

2) Nhóm chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động du lịch trong các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp: i) Rà soát, quy hoạch cụ thể đối với các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp du lịch; ii) Hỗ trợ kết nối các trang trại, HTX có hoạt động du lịch gắn với các tour, tuyến du lịch của các doanh nghiệp lữ hành để phát triển đa dạng các tuyến du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động trải nghiệm, thăm quan học tập và nghỉ dưỡng, lưu trú.

4. Kết luận

Phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch đã mở ra hướng đi mới, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương và nâng cao thu nhập cho nông dân. Nghiên cứu về phát triển mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm trên địa bàn TP. Hà Nội đã đưa ra một số kết quả như sau:

Các mô hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển du lịch giáo dục, trải nghiệm đã từng bước hình thành và phát triển trong một vài năm trở lại đây. Các sản phẩm du lịch giáo dục, trải nghiệm cũng ngày càng phong phú, đang dạng với nhiều mức giá hợp lý phù hợp với nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, số lượng trang trại, HTX gắn với du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và phát triển theo hướng tự phát, thiếu tính ổn định, chưa theo quy hoạch và định hướng phát triển của địa phương.

Phát triển mô hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm góp phần đáng kể đến hiệu quả hoạt động của các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, tăng thu nhập và hiểu biết của người dân, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương. Thêm vào đó, nhu cầu du lịch trải nghiệm tại các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp rất cao, hứa hẹn tiềm năng phát triển của loại hình này trong tương lai.

Nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Agriculture and Rural Development, Government of Alberta. (2010). Rural tourism - an overview. Truy cập tại http://dtpr.lib.athabascau.ca/action/download.php?filename=mais/Rural%20 Tourism-%20FINAL.pdf.
  2. Đào Thế Tuấn, Nguyễn Xuân Hoản (2012). Đa dạng hóa hình thức du lịch nông thôn. Hội thảo quốc tế Phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch đón tiếp tại nông hộ: thể chế chính sách và bài học kinh nghiệm, ngày 21-22/8. Bắc Kạn.
  3. Nguyễn Thị Sơn và Nguyễn Phú Thắng (2014). Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh An Giang. Tạp chí Khoa học, (63), 82.
  4. Nhật Quân (2021). Du lịch nông thôn sẽ là chủ lực phục hồi du lịch Việt Nam. Truy cập tại http://baolamdong.vn/dulich/202107/du-lich-nong-thon-se-la-chu-luc-phuc-hoi-du-lich-viet-nam-3070000/
  5. Phạm Thái Thủy và Lê Văn Huệ (2021). Liên kết phát triển du lịch nông thôn ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Hùng Vương, 22(1), 34-45.
  6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (2020). Báo cáo thực trạng phát triển mô hình kinh tế trang trại, Hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

DEVELOPING FARMS AND AGRICULTURAL COOPERATIVES

ASSOCIATED WITH AGRITOURISM IN HANOI

• NGUYEN THI KIM OANH1

• DOAN THI NGOC THUY1

• NGUYEN THI THU TRANG1

1Vietnam National University of Agriculture 

ABSTRACT:

This study assesses the current development of farms and agricultural cooperatives which are associated with educational and experiential tourism activities in Hanoi. Based on the study’s findings, some policy recommendations are proposed to facilitate the development of this model of farms and agricultural cooperatives, including (i) completing the legal framework for farms and agricultural cooperatives associated with agritourism; (ii) training tourism skills for farmers, members of agricultural cooperatives, and local people; and (iii) formulating mechanisms and policies for the economic development of farms and agricultural cooperatives associated with agritourism .

Keywords: farm, cooperative, agricultural tourism, rural tourism, agricultural cooperative, Hanoi.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]