QLTT TP. Hồ Chí Minh: Tấn công địa bàn trọng điểm, bình ổn thị trường cuối năm

Để đảm bảo thị trường những tháng cuối năm được an toàn, ổn định, lực lượng QLTT thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào những điểm nóng, những địa bàn trọng điểm, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thời điểm cuối năm đã cận kề cũng là lúc các hoạt động vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc sẽ được tuồn bằng mọi cách vào cửa ngõ thành phố.

Chính vì vậy, để góp phần ổn định thị trường, những tháng cuối năm Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn nhằm ổn định thị trường, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân an tâm đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Cục cũng xây dựng và triển khai Kế hoạch cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2020. Đồng thời, tuyên truyền pháp luật, triển khai ký cam kết đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

cục qltt TPHCM
Những tháng đầu năm trên địa bàn Tp HCM, tình hình kinh doanh hàng lậu, hàng giả trên môi trường internet ngày càng phức tạp, việc truy xuất thông tin và địa điểm lưu trữ hàng hóa của người rao bán hàng thì gặp khó khăn 

Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố tương đối ổn định, giá cả hàng hóa không có biến động lớn, không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến, lượng hàng hóa đa dạng phong phú đảm bảo chất lượng, cung ứng dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh hàng lậu, hàng giả trên môi trường internet ngày càng phức tạp, việc truy xuất thông tin và địa điểm lưu trữ hàng hóa của người rao bán hàng thì gặp khó khăn do đối tượng kê khai thông tin không chính xác. Do đó, tình hình chứa trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn, cần phải có giải pháp đồng bộ, tăng tần suất kiểm tra xử lý và phối hợp với công tác tuyên truyền pháp luật đến đối tượng kinh doanh và người tiêu dùng.

Đáng lưu ý, ông Nguyễn Văn Bách cho biết, 9 tháng đầu năm, số vụ vi phạm của hàng lậu và hàng giả chiếm tỷ lệ trên 70% so với tổng số vụ vi phạm trong kiểm tra chuyên ngành đã thể hiện sự quyết tâm của lực lượng QLTT thành phố nhưng chưa đủ sức răn đe vì đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại có nhiều thủ đoạn tinh vi, bất chấp quy định của pháp luật vì lợi nhuận cao.

qltt TPHCM
Để đảm bảo thị trường những tháng cuối năm, lực lượng QLTT TPHCM đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào những điểm nóng, những địa bàn trọng điểm, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Trước tình hình đó, lực lượng QLTT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi phạm về hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, trong Quý III/2019, Cục QLTT thành phố đã tổ chức 4 đợt cao điểm kiểm tra tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn thành phố; kiểm tra xử lý 236 điểm, tạm giữ để xử lý theo quy định gồm 12.624 đơn vị sản phẩm, với trị giá hơn 6 tỷ đồng.

Thống kê trong tháng 9 (từ 21.12.2018-20/9/2019) lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thanh kiểm tra chuyên ngành và liên ngành 58.372 vụ, tăng 240,16% so với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm chuyên ngành và liên ngành là 4.565 vụ, giảm 7% so với cùng kỳ.

Trong đó, tổng số vụ kiểm tra chuyên ngành là 6.260 vụ tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số tiền thu nộp ngân sách gần 100 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy lên tới 36,9 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 82 tỷ đồng, trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 7 tỷ đồng.

Đây là kết quả của các Đội QLTT trong việc triển khai các kế hoạch chuyên đề về đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; chống các hành vi kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng cấm và gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, các Đội QLTT thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì đoàn liên ngành hoặc tham gia đoàn liên ngành của thành phố và quận/huyện trong các lĩnh vực như: phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc, ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi; an toàn thực phẩm; xăng dầu; hóa chất; gas; vật liệu xây dựng; văn hóa xã hội; giá, kiểm tra sau đăng ký kinh doanh; tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng hóa đã góp phần ổn định thị trường trên địa bàn thành phố.

Một số vụ việc điển hình cụ thể mà Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã triển khai trong thời gian gần đây như, ngày 3/7/2019, Đội QLTT số 20 kiểm tra phát hiện liên tiếp 4 vụ vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu tại khu vực bến xe An Sương ấp Đông Lân, xã Bà Điểm và khu vực bãi đất trống ấp Xuân Thới Đông 1,xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn. Khi bị phát hiện các đối tượng đã bỏ chạy. Đội lập biên bản tạm giữ 1.990 bao thuốc lá các hiệu Jet, Hero, Tradition, Oris, Pyramid để xử lý.

Tiếp đó, ngày 25/7/2019, Đội QLTT số 28 phát hiện xe ô tô TOYOTA INNOVA biển kiểm soát 62A-036.10 do ông Nguyễn Minh Tân làm tài xế đang dừng tại chành xe 1B đường Bắc Hải, phường 14, quận 10. Qua kiểm tra trên xe 1.140 chai sữa Ensure loại 237ml/chai ngoại nhập không có hoá đơn, chứng từ. Cùng ngày Đội tiếp tục kiểm tra một phần nhà kho nằm trong khuôn viên chính xe 01B đường Bắc Hải phát hiện tại đây đang chứa trữ 300 đơn vị sản phẩm gồm bột chanh hòa tan, bột cà phê, bột sữa socola hòa tan và sữa Ensure chai loại 237ml/chai không hóa đơn, chứng từ.

 

Phương Thúy