Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, tác động tiêu cực trên thị trường cả nước, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng tại địa phương.
Ngày càng chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại
Trước yêu cầu cần nâng cao chất lượng công tác quản lý thị trường trong điều kiện hội nhập sâu rộng kinh tế khu vực và thế giới với nguy cơ gia tăng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương.
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất. Cơ cấu, tổ chức của Tổng cục QLTT được kế thừa và phát triển từ tổ chức QLTT hiện có, bảo đảm thực hiện thống nhất trong quan hệ chỉ đạo, điều hành xuyên suốt; giữ ổn định, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống các vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao Chi cục QLTT thuộc Sở Công Thương về Bộ Công Thương gồm: 4 phòng, 22 Đội, 153 Công chức Nguyên là Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Đội trưởng, Phó Đội trưởng và Kiểm soát viên thị trường; 15 Lao động hợp đồng 68.
Ngày 11 tháng 10 năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3650/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa (Cục QLTT Thanh Hóa) trực thuộc Tổng cục QLTT, theo đó Cục QLTT Thanh Hóa có 3 phòng chuyên môn và 18 Đội QLTT trực thuộc (16 Đội QLTT địa bàn; 01 Đội QLTT cơ động chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn toàn tỉnh và 01 Đội QLTT cơ động chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh). Cuối năm 2019 giảm 02 Đội, Cục QLTT Thanh hóa có 16 Đội QLTT trực thuộc. Đầu năm 2021 tiếp tục giảm 01 Đội. Hiện tại Cục QLTT Thanh Hóa có 3 phòng chuyên môn và 15 Đội QLTT trực thuộc (giảm 01 phòng và 7 Đội).
Hiện nay, Cục QLTT Thanh Hóa có tổng số 173 công chức và lao động hợp đồng. Trong đó có: 01 Cục trưởng, 04 Phó Cục trưởng; Văn phòng Cục có 03 phòng chuyên môn: Phòng Tổ chức Hành chính, Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Phòng Thanh tra - Pháp chế và 15 Đội Quản lý thị trường trực thuộc (gồm 13 Đội QLTT quản lý địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố và 2 Đội Quản lý thị trường cơ động kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn toàn tỉnh).
5 năm kiểm tra 20.427 vụ, xử lý 15.684 vụ
Trong 5 năm qua (từ năm 2018 đến năm 2023), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân,UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và gắn nhiệm vụ Quản lý thị trường với nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cục QLTT Thanh Hóa đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều Kế hoạch công tác như: Kế hoạch cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm, Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển và kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Kế hoạch phối hợp giữa Công an tỉnh và Cục QLTT Thanh Hóa trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnh trước, trong, sau Tết Nguyên đán; Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, kế hoạch kiểm tra chuyên đề thị trường Tết trung thu...
Cục QLTT Thanh Hóa đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm, các Kế hoạch chuyên đề, công văn chỉ đạo đối với các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động đến kinh tế - xã hội như: Thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, rượu, thuốc lá ngoại nhập lậu, vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và hàng hoá tiêu dùng thiết yếu của nhân dân, đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.
Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch kiểm tra chuyên đề, hoạt động xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của QLTT hoạt động kiểm tra của QLTT phải có căn cứ, đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn đảm bảo chính xác, khách quan minh bạch, kịp thời không phân biệt đối xử, không làm cản trở hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các lĩnh vực có liên quan; làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.
Kết quả hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT Thanh Hóa trong 5 năm từ năm 2018 đến 9 tháng năm 2023:
+ Tổng số vụ kiểm tra 20.427 vụ; trong đó Số vụ kiểm tra QLTT kiểm tra độc lập 17.677 vụ; Số vụ kiểm tra liên ngành 2.750 vụ; Số vụ kiểm tra theo Kế hoạch (định kỳ, chuyên đề) 3.660 vụ và Số cuộc kiểm tra đột xuất 16.767 vụ. Chuyển UBND các cấp xử phạt: 66 vụ, chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 29 vụ.
+ Số vụ việc xử lý vi phạm hành chính 15.684 vụ, số tiền phạt thu được từ hoạt động xử phạt 45.836,47 triệu đồng, trị giá hàng hoá, tang vật vi phạm 27.117,34 triệu đồng.
Kết quả phát hiện xử lý vi phạm hành chính của Cục QLTT Thanh Hóa qua các năm có xu hướng giảm đi. Kết quả đạt được như trên một phần nào đó đã cho thấy hiệu quả trong công tác tuyên truyền trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, nhận thức của người dân, của các tổ chức kinh doanh được nâng cao, đảm bảo các thủ tục giấy tờ, điều kiện và chất lượng hàng hóa trong kinh doanh; dịch bệnh COIVD-19 bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, nhiều cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh và dịch bệnh cũng gây khó khăn trong công tác thực thi công vụ của công chức QLTT.
Bên cạnh những nguyên nhân tích cực, cũng phải nhận thấy sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, người dân chuyển hướng sang kinh doanh trên các trang mạng xã hội cùng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng vi phạm gây khó khăn trong công tác phát hiện xử lý vi phạm của lực lượng QLTT Thanh Hóa.
6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian tới Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất: Quan tâm hàng đầu công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ hai: Thực hiện kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, đánh trúng, đánh đúng các đối tượng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không đảm bảo ATTP và các hành vi gian lận thương mại.
Thứ ba: Làm tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ tư: Công tác xây dựng lực lượng phẩm chất, lối sống, bản lĩnh chính trị và đạo đức công vụ cho cán bộ công chức, người lao động, đáp ứng được yêu cầu công tác trong giai đoạn mới.
Thứ năm: Chủ động tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trong nước, trong tỉnh về công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ sáu: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ của Lực lượng.
Kết quả tổng kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước… 9 tháng năm 2023 của Cục QLTT Thanh Hóa: Kiểm tra 1.404 vụ; Xử lý 1.200 vụ; Tổng số tiền thu 4.187,629 triệu đồng; Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy 810,35 triệu đồng; Trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả 464,387 triệu đồng; Trị giá hàng hóa chờ bán và chờ tiêu hủy 3.867,24 triệu đồng.