Quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam: Các nhân tố ảnh hưởng và phương hướng hoàn thiện pháp luật

THS. ĐẶNG HOÀI DINH (Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu)

TÓM TẮT:

Ở nước ta, Luật Doanh nghiệp (LDN) các năm (1999, 2005, 2014 và 2020) ra đời đã phần nào giải quyết được một số vấn đề về công tác quản trị công ty (QTCT). Tuy vậy, các quy định về QTCT hiện nay là chưa đầy đủ và phù hợp với các quy tắc mang tính thông lệ quốc tế cũng như QTCT còn chịu sự ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau nên cần phải có phương hướng hoàn thiện pháp luật về hoạt động này. Bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến QTCT cổ phần ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số phương hướng hoàn thiện pháp luật.

Từ khóa: Luật Doanh nghiệp, quản trị công ty, công ty cổ phần, pháp luật, doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

QTCT cổ phần được hiểu là một hệ thống các thiết chế, chính sách, quy định, nhằm hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, điều hành và giám sát hoạt động của công ty cổ phần (CTCP). QTCT cổ phần theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các mối quan hệ liên quan không chỉ là nội bộ công ty như các cổ đông, hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, người quản lý, người lao động, mà còn bao hàm cả mối quan hệ với các chủ nợ, người cung cấp nguyên, nhiên vật liệu, khách hàng, Nhà nước, cộng đồng, xã hội với công ty. Pháp luật về QTCT cổ phần của Việt Nam ra đời từ Luật Công ty năm 1990, đến LDN năm 2014 và gần đây là LDN năm 2020 đã có những quy định cụ thể về QTCT cổ phần với vai trò là loại hình doanh nghiệp phổ biến và quan trọng nhất của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thì sự tương thích, đồng bộ với các quy định pháp luật của các quốc gia có nền kinh tế phát triển, đòi hỏi pháp luật Việt Nam cũng phải có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp. Bên cạnh đó, mặc dù CTCP có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nhưng các quy định cũng như sự hiểu biết về QTCT cổ phần ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế cả về lý luận và thực tiễn. Vì lý do đó, QTCT vẫn luôn là một vấn đề luôn được quan tâm và nghiên cứu một cách nghiêm túc.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị công ty ở Việt Nam

QTCT là vấn đề quan trọng với sự thành bại của DN nên việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến QTCT là vấn đề hết sức cần thiết, vì từ việc xác nhận các nhân tố này, DN sẽ tìm cho mình các phương hướng hoàn thiện pháp luật và giải pháp phù hợp. Ở nước ta, các nhân tố ảnh hưởng đến QTCT có thể được khái quát như sau:

Một là, về pháp luật.

Pháp luật về kinh tế nói chung hay pháp luật về DN nói riêng là việc điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thành lập, hoạt động… và cả vấn đề QTCT trong nội bộ DN. Cho nên muốn đạt hiệu quả cao trong công tác QTCT ngoài các vấn đề mang tính chủ quan bên trong của DN thì hệ thống pháp luật về DN cần phải được hoàn thiện.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng và thực thi pháp luật cũng có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thành công hay thất bại của QTCT, đó là năng lực hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của cổ đông và các nhà đầu tư mà thể hiện rõ nhất có thể kể đến là vai trò của Tòa án, các cơ quan thi hành án vì trên thực tế đã xảy ra những vụ việc kiện tụng kéo dài làm tốn kém chi phí mà sự không tuân thủ các phán quyết của Tòa, sự thiếu trách nhiệm của cơ quan thi hành án hay sự chây ỳ của người thi hành án cũng là một phần của vấn đề.

Hai là, các yếu tố liên quan đến văn hóa, truyền thống kinh doanh.

Mỗi quốc gia có nền văn hóa và truyền thống về kinh doanh khác nhau sẽ dẫn đến vấn đề QTCT khác nhau. Mặc dù yếu tố văn hóa hay truyền thống kinh doanh không được xem là vấn đề mang tính chất quyết định, nhưng không thể bỏ qua các tác động của yếu tố này đến QTCT.

Ba là, yếu tố liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.

Việt Nam chính thức tiến hành công cuộc “đổi mới” kinh tế và trên mọi lĩnh vực sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) trong đó chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, hội nhập kinh tế sâu, rộng để phát triển kinh tế, nâng cao vị thế quốc gia là một trong những mục tiêu quan trọng. Để đạt được các mục tiêu đó, Việt Nam thực sự đã gặp phải rất nhiều thách thức và rào cản đòi hỏi phải vượt qua mà nhiệm vụ quan trọng bậc nhất chính là xây dựng hệ thống pháp luật, nền tảng pháp luật phù hợp với các thông lệ quốc tế khi gia nhập vào sân chơi chung (AFTA, ASEAN, WTO…) nhưng vẫn đảm bảo đúng định hướng nền kinh tế thị trường XHCN đã đề ra.

Về nguyên tắc, tất cả các quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế phải mở cửa tất cả các thị trường cam kết, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý theo chuẩn mực quốc tế, hay tham gia các Công ước quốc tế về kinh doanh, mua bán, các quy chế về xuất nhập khẩu… nhằm thu hút đầu tư và cả khung pháp lý về QTCT cho DN phù hợp với các nguyên tắc QTCT trên thế giới. Điều đó cho thấy hội nhập kinh tế quốc tế cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến QTCT.

3. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam

Chế định về QTCT là một hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ tổ chức quản lý nội bộ của công ty được giới hạn trong LDN. Vì vậy, để hoàn thiện chế định về QTCT cổ phần, một trong những nguyên tắc phải được đảm bảo, đó là hoàn thiện pháp luật về QTCT cổ phần phải gắn với hoàn thiện pháp luật DN và pháp luật kinh tế. Pháp luật DN hay pháp luật kinh tế luôn mang trong mình yếu tố lịch sử, điều đó có nghĩa là nó luôn vận hành và biến đổi theo những diễn biến của xã hội trên tinh thần phủ định cái lạc hậu, cái không phù hợp, tìm kiếm và kiến tạo ra cái mới phù hợp hơn, thích ứng với sự phát triển kinh tế của từng giai đoạn cụ thể.

Về mặt lý luận, pháp luật về DN mang tính tương đối, nên bất cứ sự thay đổi nào của nó đều ảnh hưởng đến các yếu tố do nó quy định, bao gồm cả QTCT. Vì vậy, sự hoàn thiện chế định pháp lý QTCT cổ phần một mặt phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư, thiết lập một cơ chế hữu hiệu bảo vệ họ, nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý, điều hành trong nội bộ DN, mặt khác, các chế định này phải linh hoạt, không quá cứng nhắc, đặc biệt hạn chế những áp đặt từ các cơ quan nhà nước, đảm bảo tính thích ứng, linh hoạt của nó đối với đời sống kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia. Từ cách tiếp cận này, tác giả cho rằng việc hoàn thiện pháp luật DN nói chung và hoàn thiện QTCT cổ phần nói riêng là nội dung cần thiết, quan trọng và phương hướng hoàn thiện pháp luật về QTCT cổ phần cần được thực hiện theo các nguyên tắc như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện nội dung của chế định QTCT cổ phần phải căn cứ vào những đặc điểm riêng của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, được bắt đầu từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), từ nền kinh tế chỉ huy, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nên dù là nước nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển, nhưng trình độ phát triển, đặc điểm nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn về kinh nghiệm tổ chức, vận hành nền kinh tế, trong đó nhận thức về DN và pháp luật DN của các nhà đầu tư và cả nhà lập pháp vẫn còn hạn chế. Điều này đặt ra vấn đề khi xây dựng hệ thống pháp luật về DN nói chung và các quy định về QTCT nói riêng, cần phải căn cứ vào đặc điểm, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, cũng như tính lịch sử của xã hội Việt Nam. Từ đó, chúng ta có những bước đi phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở thay đổi tư duy pháp lý một cách căn bản và triệt để, từ phương pháp điều chỉnh mang tính áp đặt, mệnh lệnh của cơ chế trước đây sang phương pháp điều chỉnh bình đẳng, công bằng, tự do, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư quốc tế, của các cá nhân, cũng như các tổ chức, nhằm thu hút các nguồn vốn trong xã hội. Đồng thời, việc xây dựng pháp luật DN nói chung và các quy định về QTCT nói riêng phải phù hợp với các quy luật khách quan của cơ chế thị trường dưới sự chỉ đạo và điều tiết của Nhà nước Việt Nam XHCN.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về QTCT đòi hỏi phải phù hợp với đặc điểm văn hóa kinh doanh của người Việt Nam.

Việt Nam xuất phát là quốc gia có nền nông nghiệp lạc hậu, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như hội nhập kinh tế quốc tế diễn còn chậm so với các quốc gia khác trong khu vực và các quốc gia trên thế giới. Điều đó do các yếu tố khách quan và chủ quan,mang tính lịch sử như chiến tranh, các chính sách của nhà cầm quyền, các yếu tố xã hội khác, trong đó có cả yếu tố văn hóa quốc gia, văn hóa kinh doanh quốc gia.

Nước ta là quốc gia châu Á, một quốc gia phương Đông với nền văn hóa đa dạng do trải qua nhiều biến động của lịch sử, điều đó đã hình thành nhiều thói quen trong cuộc sống và trong kinh doanh. Người Việt vốn vẫn có kiểu kinh doanh nhỏ lẻ, với mô hình kinh tế cá thể tiểu chủ là chủ yếu và luôn đặt nặng tính ổn định, ngại mạo hiểm, các thói quen đó đã tạo thành “lối mòn” kinh doanh của đại đa số người Việt chúng ta. Chính “văn hóa kinh doanh” đó đã chi phối phong cách kinh doanh của xã hội mà sau này khi hệ thống pháp luật kinh tế phát triển và phổ biến, các DN ở nước ta dù lớn hay nhỏ cũng đều ít nhiều ảnh hưởng bởi suy nghĩ kinh doanh trước đây của cha ông. Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy, các hình thức kinh doanh ở nước ta vẫn đang tồn tại phần lớn dưới dạng các tổ hợp kinh doanh mang tính tiểu thương, lớn hơn nữa là các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các tổ chức kinh doanh này thường mang tính gia đình, huyết thống hay cộng đồng, trong khi trên thế giới các tập đoàn kinh tế lớn đã có lịch sử rất lâu đời như Trust, Cartel… hay các DN là các ngân hàng thương mại lớn cùng những tập đoàn tư bản lớn như các Chaebol (Hàn Quốc), Keiretsu (Nhật Bản)… đã hoạt động và chi phối gần như toàn bộ xã hội đó thì việc tồn tại sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, cách thức QTCT của từng mô hình kinh doanh là điều tất nhiên.

Với truyền thống văn hóa đó, thiết nghĩ các nhà lập pháp tại Việt Nam cần xem xét và nghiên cứu thêm về việc ban hành các quy định pháp luật cho mô hình kinh doanh nhỏ, có tính chất gia đình, tránh trường hợp đưa ra những quy định pháp lý không phù hợp cho mô hình này như trước đây đã từng kiến nghị (đưa các hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ cùng các cơ sở siêu nhỏ thành DN để dễ dàng quản lý và thống kê kinh tế) trước khi nghĩ đến việc hoàn thiện pháp luật cho các DN, siêu DN mang tầm cỡ quốc tế.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về QTCT đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong thời gian 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam kể từ năm 1986 đến nay là một quá trình đầy thử thách và khó khăn. Ngoài những hạn chế tồn tại những thành công đạt được đã có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề và động lực để Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình phát triển tất yếu, do bản chất xã hội của lao động và quan hệ giữa con người với nhau.

Ngày nay, quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn dưới sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó kinh tế thị trường và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ là động lực hàng đầu. Hội nhập quốc tế đã, đang là một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Điều đó bắt buộc các quốc gia dù muốn hay không đều phải cố gắng thích ứng hệ thống pháp luật của mình với hệ thống pháp luật của các quốc gia khác trên thế giới, đó chính là xu thế tất yếu của các quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Các cột mốc cụ thể của Việt Nam trong quá trình hội nhập được ghi nhận như sau: năm 1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN), việc gia nhập này đã mở ra một chương mới về hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế nói riêng; tiếp đến, năm 2007, Việt Nam chính thức tham gia vào tổ chức thương mại thế giới (WTO)… việc gia nhập ASEAN và WTO và các tổ chức quốc tế khác đã mở ra nhiều cơ hội cho nước ta trong việc tiếp cận các thị trường thế giới, thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tự do hóa tài chính.

Để có được các tác động tích cực từ hội nhập kinh tế quốc tế, các nhà làm luật trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và ban hành, vận hành luật pháp trong nước đã nghiên cứu, xem xét các vấn đề pháp luật của các quốc gia trong khối liên kết, nghiên cứu việc áp dụng hệ thống pháp luật của các quốc gia đó trong thực tiễn ở quốc gia họ, tác động của nó đến nền kinh tế của họ như thế nào, việc áp dụng pháp luật cho những vấn đề vượt biên giới? Bên cạnh đó, các vấn đề văn hóa, tập quán kinh doanh của các quốc gia cũng được nghiên cứu cụ thể cả mặt lý luận và thực tiễn… để làm nền tảng cho xây dựng các quy định pháp luật kinh tế tương thích.

Pháp luật về doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung và các quy định pháp luật về QTCT nói riêng hiện nay đang thể hiện những sự “khác biệt” so với các quy định pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Bằng chứng của sự “khác biệt” đó là các quy định của nhà nước về pháp luật DN Việt Nam nói chung, về QTCT nói riêng vẫn còn chưa phù hợp với các nguyên tắc và thông lệ về QTCT cổ phần trên thế giới. Các vấn đề khác biệt này cần phải được loại bỏ để tạo ra sự phù hợp với các thông lệ, luật lệ thế giới và để làm được việc này nhà nước, các cơ quan lập pháp tối cao cần phải thay đổi sâu sắc cả về quan điểm, nội dung pháp lý và cả kỹ thuật lập pháp.

Như vậy, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, pháp luật DN nói chung và QTCT nói riêng của Việt Nam cần phải có nét tương đồng với pháp luật kinh tế và cách thức QTCT của các quốc gia trên thế giới có mối quan hệ liên kết kinh tế. Để đạt được điều đó, các nhà lập pháp Việt Nam phải nghiên cứu pháp luật các quốc gia trong mối liên hệ và cần áp dụng các thông lệ QTCT được thừa nhận trên thế giới.

Thứ , việc hoàn thiện pháp luật về QTCT cần được đặt trong giải pháp tổng thể hoàn thiện pháp luật kinh tế.

Pháp luật về DN, các quy định về QTCT là một bộ phận của pháp luật kinh tế, có vai trò góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của pháp luật kinh tế. Vì vậy, về nguyên tắc, để hoàn thiện pháp luật DN, hay QTCT trong các CTCP, cần thiết phải đặt nó trong mối quan hệ với pháp luật kinh tế. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo điều kiện cho các DN hoạt động trong môi trường pháp lý đồng bộ và thống nhất.

4. Kết luận

Ở nước ta, khái niệm về QTCT cho đến nay hầu như còn khá mới mẻ đối với cả giới hoạch định chính sách và giới nghiên cứu, kể cả nghiên cứu pháp lý. Tuy nhiên, hậu quả của QTCT yếu kém đã và đang được phát hiện ngày càng nhiều và với quy mô ngày càng lớn, gây ảnh hưởng trước hết đến nhà đầu tư, cổ đông, người có liên quan và sau đó là đến đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta. Vì vậy, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến QTCT và phương hướng hoàn thiện pháp luật về QTCT không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật, mà còn có ý nghĩa thực tế to lớn. Việc nghiên cứu này không chỉ nhằm nâng cao kiến thức pháp luật của người nghiên cứu, mà còn góp phần giúp các nhà làm luật, các nhà thi hành luật có một cách nhìn cụ thể hơn về vấn đề này, giúp hoàn thiện chế định quản trị CTCP trong hệ thống pháp luật về DN ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Văn Hải (Chủ biên, 2020). Quản trị công ty. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. IFC - International Finance Corporation (2019). Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
  3. Phạm Duy Nghĩa (2010). Luật Kinh tế. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  4. OECD - Organization for Economic Cooperation and Development (2010). Cẩm nang quản trị công ty. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
  5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1999). Luật Doanh nghiệp. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  6. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005). Luật Doanh nghiệp. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  7. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014). Luật Doanh nghiệp. Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  8. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020). Luật Doanh nghiệp. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

The corporate governance of joint-stock companies in Vietnam: Influencing factors and directions to improve related regulations

Master. Dang Hoai Dinh

The People's Court of Go Dau District

Abstract:

In Vietnam, the Law on Enterprises (1999, 2005, 2014 and 2020) has partly solved some corporate governance problems. However, current regulations on corporate governance are quite incomplete and some regulations are not in line with international practices. In addition, the corporate governance is influenced by many factors. As a result, it is necessary to find out a direction to improve the quality of regulations on corporate governance. This study explores the factors affecting the corporate governance of joint-stock companies in Vietnam, thereby proposing some directions to improve related regulations.

Keywords: Law on Enterprises, corporate governance, joint-stock companies, law, enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2023]