Tham gia giao thông an toàn cần được tiếp cận từ góc độ quyền con người

TS. ĐOÀN VĂN DŨNG (Học viện Hành chính Quốc gia)

Tóm tắt:

Bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp liên quan đến thực trạng giao thông, các quy định pháp lý về giao thông ở Việt Nam, bài viết phân tích khía cạnh tham gia giao thông an toàn tiếp cận từ góc độ quyền con người, từ yêu cầu bảo đảm an ninh con người. Điều này đòi hỏi cần có những thay đổi trong quy định pháp lý về giao thông đường bộ hiện nay.

Từ khóa: quyền con người, an toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ.

1. Đặt vấn đề

Tham gia giao thông an toàn không chỉ là mong muốn của mỗi công dân, mà còn là quyền con người, từ yêu cầu bảo đảm an ninh con người và cũng là vấn đề của quốc gia. Tuy nhiên, trong điều kiện hạ tầng gia thông chưa phát triển, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận nhỏ người dân chưa cao dẫn đến mất an toàn giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ. Vì vậy, bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp liên quan đến thực trạng giao thông, các quy định pháp lý về giao thông ở Việt Nam, tác giả mong muốn làm rõ thực trạng giao thông ở Việt Nam, những bất cập của pháp luật về tham gia giao thông hiện nay và đề xuất đổi mới quy định về tham gia giao thông an toàn - tiếp cận từ góc độ quyền con người.

2. Thực trạng tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 11.454 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 7.370 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.084 vụ va chạm giao thông, làm 5.739 người thiệt mạng, 3.889 người bị thương và 4.109 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, gồm 20 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 11 vụ va chạm giao thông, làm 16 người tử vong, 11 người bị thương và 11 người bị thương nhẹ. Việt Nam đang đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do va chạm trên đường, với tỷ lệ 26,1/100.000 người. Theo thống kê, trong năm 2018 đã có 24.970 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở Việt Nam[1].

Mặ dù các thống kê cho thấy số vụ tai nạn giao thông, số người thiệt mạng, số người bị thương giảm, nhưng tai nạn giao thông vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông từ góc độ phương tiện giao thông, từ ý thức của người tham gia giao thông, từ hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, những khía cạnh pháp lý về bảo đảm quyền tham gia giao thông an toàn cũng cần phải quan tâm.

3. Những bất cập của pháp luật về tham gia giao thông

Thứ nhất, vi phạm pháp luật về giao thông hiện nay mới chỉ được nhìn như một vi phạm pháp luật thông thường với hình thức xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự. Đối với giao thông đường bộ, Điều 260 Bộ Luật Hình sự cũng quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với các hình thức phạt tiền, phạt tù. Khoản 3 Điều 260 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên”.

Mức hình phạt này còn quá nhẹ, đã không đủ mang tính răn đe, nên vi phạm pháp luật giao thông dù giảm, nhưng số vụ vi phạm vẫn rất nhiều. Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, trong năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 124 vụ ùn, tắc giao thông kéo dài trên các quốc lộ. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 2,88 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; phạt tiền trên 2.808 tỷ đồng; tước 248,6 nghìn giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 460 nghìn phương tiện các loại[2]. Trong số các vi phạm này, vi phạm giao thông đường bộ là chủ yếu. Vi phạm giao thông xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân, nhưng hậu quả pháp lý của các vi phạm chưa thực sự được đánh giá đầy đủ, chưa hoàn toàn tiếp cận từ góc độ quyền được sống của con người.

Thứ hai, trước năm 2001, các quy định về trật tự, an toàn giao thông; đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực khác nhau, được điều chỉnh riêng biệt ở các văn bản dưới luật. Năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ. Năm 2008, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001, tiếp tục điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực khác nhau, đó là: an toàn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông; vận tải đường bộ. Thực tế cho thấy, các quy phạm pháp luật, điều khoản, chương, mục của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, không thể đồng thời áp dụng được cho cả 3 lĩnh vực.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng không quy định rõ cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ. Thực tiễn triển khai việc cấp, quản lý giấy phép lái xe còn bất cập; chưa có quy định cụ thể và đầy đủ về các biện pháp tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; chưa có quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về biện pháp, trách nhiệm giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cơ quan: Công an, Y tế, Bảo hiểm, Khai thác, bảo trì đường bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong khi Bộ Công an thực hiện cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới; Bộ Quốc phòng thực hiện cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng; thì Bộ Giao thông vận tải thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của các loại phương tiện, thực hiện việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe máy chuyên dùng. Giữa Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Công ước Viên 1968 cũng có những mâu thuẫn cần phải khắc phục như Luật quy định xe ôtô phải có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn, nhưng Công ước Viên 1968 lại quy định việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn. Luật quy định người điều khiển xe môtô 2 bánh, xe môtô 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, còn điều khiển ôtô không quy định. Tuy nhiên, Công ước Viên 1968 bắt buộc luật quốc gia phải quy định người điều khiển phương tiện không được phép sử dụng điện thoại di động khi phương tiện đang di chuyển…

Nói cách khác, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông đã được đặt ra, nhưng làm thế nào để có biện pháp bảo đảm tốt nhất thì vẫn còn cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan.

4. Đổi mới quy định về tham gia giao thông an toàn tiếp cận từ góc độ quyền con người

Tham gia giao thông an toàn là nhu cầu, mong muốn của mỗi công dân. Nhưng sự an toàn của cá nhân khi tham gia giao thông không chỉ phụ thuộc vào kỹ năng, ý thức của cá nhân, mà còn phụ thuộc vào kỹ năng, ý thức của người tham gia giao thông khác. Vì vậy, tham gia giao thông không chỉ liên quan đến an toàn của cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của người khác. Tham gia giao thông với kỹ năng, ý thức không đảm bảo, vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, tất yếu sẽ có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình và còn có khả năng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông khác. Tuy nhiên, cho đến nay, việc tham gia giao thông an toàn chưa được nhìn nhận như một quyền con người, bảo đảm thực hiện quyền sống của mỗi cá nhân, có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an ninh con người. Đó là một quyền cần được ghi nhận và bảo đảm bằng pháp luật quốc gia.

Chính vì vậy, cần đổi mới các quy định về tham gia giao thông theo hướng gắn với việc bảo đảm quyền con người thay vì chỉ liên quan đến khía cạnh trật tự, an toàn giao thông.

Một là, ở góc độ lập pháp, các quy định về giao thông đường bộ nói riêng, quy định về thông nói chung, cần có sự tách biệt quản lý nhà nước xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong lĩnh vực đường bộ, điểm nóng về các vi phạm pháp luật về giao thông hiện nay cần phải sớm hoàn thiện và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Điểm chung cần thống nhất là 2 luật này cần quy định theo hướng gắn liền với việc đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ quyền con người khi tham gia giao thông. Đó là yêu cầu về hạ tầng, các điều kiện cần thiết để mỗi công dân được an toàn khi lưu chuyển, không bị các sự cố về hạ tầng làm ảnh hưởng. Ở góc độ quản lý trật tự, an toàn giao thông, các quy định nhằm đảm bảo trách nhiệm của mỗi người tham gia giao thông, bảo đảm an toàn cho bản thân và cho người khác.

Thứ hai, tạo nhận thức đầy đủ về tham gia giao thông an toàn là vấn đề quyền con người, là vấn đề an ninh con người. Sự vi phạm về an toàn, trật tự giao thông không đơn thuần là vi phạm pháp luật giản đơn, thông thường, mà chính là sự xâm phạm về quyền con người, quyền tài sản của các công dân khác. Vi phạm về trật tự, an toàn giao thông cần được nhìn nhận là vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ ba, cần bổ sung, thay đổi các quy định của pháp luật liên quan đến an toàn giao thông theo hướng bảo đảm quyền con người. Quy định về giáo dục bắt buộc về tham gia giao thông an toàn trên các khía cạnh về kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển phương tiện, kỹ năng xử lý tình huống giao thông, trách nhiệm khi tham gia giao thông cần được đặt ra. Trẻ hóa độ tuổi cấp giấy phép lái xe, tăng cường sát hạch, đánh giá đối với người điều khiển các phương tiện có nguy cơ là nguồn nguy hiểm cao độ. Cần sửa đổi các quy định về xử lý vi phạm hành chính, quy định về xử lý vi phạm hình sự trong lĩnh vực giao thông vận tải theo hướng tăng mức xử phạt để tương xứng với tính chất của hành vi vi phạm - vi phạm quyền con người, tạo sức răn đe thực sự đối với mỗi người tham gia giao thông.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền về pháp luật về giao thông, khẳng định ý nghĩa của tham gia giao thông an toàn là quyền con người, vì vậy, mỗi cá nhân cần có nghĩa vụ tuân thủ, thực hiện. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần tăng cường tham gia giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông, góp phần đảm bảo quyền tham gia giao thông an toàn cho người dân.

Thứ năm, cần sự ra quân, vào cuộc xử lý vi phạm giao thông thực sự đồng bộ, quyết liệt hơn. Với việc hình thành lực lượng công an chính quy từ cấp xã, cần thực hiện việc xử lý vi phạm ngay từ cơ sở để nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Cần xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm giao thông dù nhỏ nhất để tạo ra một môi trường giao thông thực sự an toàn, bình yên, để mỗi người dân khi ra đường không phải nơm nớp lo âu, để mỗi ngày người dân ra đường họ sẽ được trở về nhà trong tình trạng thể chất, sức khỏe được bảo đảm, bình an.

Đại hội XII xác định:“Đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người”[3]. Đại hội XIII của Đảng (2021) cũng khẳng định: vấn đề “an ninh con người” tiếp tục được chú trọng và đề cao. Theo đó, vấn đề an ninh con người cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện. Bảo đảm tham gia giao thông an toàn cần được khẳng định là một quyền con người, có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] https://cand.com.vn/Giao-thong/nam-2021-so-vu-tai-nan-giao-thong-giam-23-6--i639682/.

[2] Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, ngày 06/01/2022.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 135.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 135.
  2. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia(2022), Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
  3. Lưu Hiệp (2021), Năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 23,6%, Báo điện tử Công an nhân dân, truy cập tại https://cand.com.vn/Giao-thong/nam-2021-so-vu-tai-nan-giao-thong-giam-23-6--i639682/.

The traffic safety issue should be approached from the perspective of human rights

Ph.D Doan Van Dung

National Academy of Public Administration

Abstract:

By studying secondary sources about the traffic situation and Vietnam’s legal traffic provisions, this paper analyzes the safe traffic situation from the perspective of human rights and the perspective of requirement for ensuring human health. This issue requires changes in the current legal traffic provisions.

Keywords: human rights, traffic safety, the Law on Road traffic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 8  năm 2022]