Thực trạng và tác động của FDI Hàn Quốc vào Việt Nam trong bối cảnh mới

ThS. BÙI THỊ HỒNG NGỌC - ThS. ĐOÀN THỊ THU HƯƠNG (Viện Kinh tế Việt Nam)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu tập trung vào phân tích, đánh giá thực trạng dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Dựa trên những dữ liệu về đầu tư và cơ cấu đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, bài viết đã chỉ ra tình hình cũng như xu hướng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, đồng thời phân tích, nhận định về những tác động của sự dịch chuyển FDI này của Hàn Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới.

Từ khóa: FDI, Hàn Quốc, Việt Nam, thực trạng, tác động.

1. Đặt vấn đề

Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu kinh tế thần kỳ và trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới. Từ những năm 1980 của thế kỷ trước, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn trên thế giới. Hàn Quốc chính thức đầu tư vào Việt Nam sau Đổi mới, và trong giai đoạn đầu, Hàn Quốc thường xuyên giữ vị trí thứ 3, thứ 4 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, với những dự án lớn và chất lượng. Từ năm 2014 đến nay, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, xét cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), tính đến tháng 11/2020, có 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 70,5 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đăng ký đầu tư). Chất lượng nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng được đánh giá cao, dựa trên những tiến bộ khoa học, công nghệ do Hàn Quốc chuyển giao và ứng dụng tại Việt Nam. Hiện nay, Tập đoàn Samsung đã thành lập 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội, năm2012 và Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2016. Phân tích sự dịch chuyển của nguồn vốn FDI Hàn Quốc vào Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mới, dưới tác động của thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 là cần thiết để tận dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả.

2. Thực trạng FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, tính từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2019, mỗi năm, Hàn Quốc đăng ký đầu tư vào thị trường Việt Nam trên 6 tỷ USD. Song, dưới tác động của đại dịch Covid-19, số vốn FDI đăng ký của Hàn Quốc giảm đáng kể trong năm 2020. Tuy vậy, điều đáng chú ý là tỷ lệ vốn đầu tư thực tế trong năm 2020 lại đạt được giá trị cao nhất so với các thời kỳ trước đó. Cụ thể, tỷ lệ vốn đầu tư thực tế so với vốn đầu tư đăng ký trong giai đoạn trước năm 2018 không cao, khoảng từ 24% đến 34%. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây, tỷ lệ này đã gia tăng đáng kể, đạt trên 46%, gần 58% và gần 70% lần lượt trong các năm 2018, 2019 và 2020. Số liệu thống  kê trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng cho thấy, tỷ lệ vốn FDI thực tế so với vốn FDI đăng ký cũng đạt mức tương đối cao, chiếm gần 60%.

Hình 1: Tình hình vốn FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam

giai đoạn 2015 - 2021 (1H) (Đơn vị: tỷ USD)

tinh-hinh-von-fdi-cua-han-quoc-tai-viet-nam-giai-doan-2015---2021 Nguồn: Tổng hợp của tác giả[i]

Ghi chú: 2021(1H): 6 tháng đầu năm 2021

Từ năm 2017 trở về trước, chế biến chế tạo là ngành dẫn đầu có tỷ trọng vốn FDI cao nhất từ Hàn Quốc, với  tỷ lệ trên 70%. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư vào ngành chế tạo giảm dần xuống còn khoảng 62% vào năm 2018, gần 57% vào năm 2019 và gần 61% vào năm 2020. Xây dựng và bất động sản, phân phối và bán lẻ, tài chính và bảo hiểm là 3 lĩnh vực ngày càng thu hút vốn FDI từ Hàn Quốc trong những năm gần đây. Mặc dù giảm xuống dưới 4% vào năm 2019, tỷ trọng đầu tư vào xây dựng và bất động sản của các nhà đầu tư Hàn Quốc đã tăng lên hơn 10% vào năm 2020, đạt khoảng 11% trong nửa đầu năm 2021. Lĩnh vực phân phối và bán lẻ duy trì ở mức gần 7% trong các năm 2017 và 2018, sau đó giảm mạnh xuống còn hơn 3% trong các năm 2019 và 2020; tuy nhiên, lĩnh vực này nửa đầu năm 2021 ghi nhận sự nhảy vọt, chiếm hơn 24% tổng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam. Tương tự, vốn FDI từ Hàn Quốc đổ vào tài chính và bảo hiểm trong những năm trước đây duy trì ở mức dưới 7%, nhưng từ năm 2018 trở đi, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này gia tăng, đạt trên 27% vào năm 2019. 

Hình 2: Tỷ trọng đầu tư theo ngành của Hàn Quốc tính theo FDI thực tế

từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2021 (%)[ii]

ty-trong-dau-tu-theo-nganh-cua-han-quoc-tinh-theo-fdi-thuc-te

Nguồn: Tính toán của tác giả theo số liệu của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc

Sự gia tăng FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam được lý giải do tác động của thương chiến Mỹ - Trung trong giai đoạn 2018 - 2019. Điều này được minh chứng bởi tỷ lệ vốn FDI thực tế giải ngân năm 2018 - 2019 tăng lên, phản ánh nhu cầu gia tăng của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam để thay thế Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá lao động và chi phí thuê đất tại Trung Quốc ngày càng tăng do tác động “quá đông” (overcrowding) khi đầu tư vào Trung Quốc cũng khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn về thị trường đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ngoài ra, thị trường Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn duy trì mạng lưới phân phối của các công ty hiện có trên thị trường Việt Nam. Đồng thời, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng xem xét khả năng sáp nhập với các công ty tại Việt Nam để có thể đầu tư vào các lĩnh vực khó xin giấy phép như tài chính hay năng lượng.

Tuy nhiên, đến năm 2020, khi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu trở nên rõ rệt ở hầu hết các nước, vốn FDI đăng ký của Hàn Quốc cũng giảm hơn 1/2 so với năm 2019, giảm từ 7,92 tỷ USD đăng ký năm 2019 xuống 3,90 tỷ USD đăng ký năm 2020. Tuy vậy, tỷ lệ vốn thực hiện trong năm 2020 lại đạt mức cao nhất từ trước đến nay (chiếm gần 70%) và trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ vốn thực hiện cũng duy trì ở mức cao gần 60%. Như vậy, đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng chưa từng có đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, Covid-19 còn gây ảnh hưởng lâu dài tới những quyết định về chính sách đầu tư, gia tăng và củng cố các xu hướng hạn chế tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp được coi là then chốt của các quốc gia nhận đầu tư, và gây cạnh tranh đầu tư khi các nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng.

3. Tác động của sự dịch chuyển FDI của Hàn Quốc đối với Việt Nam

Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam có xu hướng gia tăng, xuất phát từ những chính sách của chính phủ 2 nước, cũng như từ lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ của Việt Nam. Chính sách cải tổ, mở cửa nền kinh tế của Việt Nam, cùng với những chính sách của Hàn Quốc cho phép các dòng FDI ra các nước khác vào cuối những năm 80 đã tạo điều kiện cho dòng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Bên cạnh cải thiện về mặt chính sách, Việt Nam đã cung cấp một cơ sở hạ tầng đủ đáp ứng yêu cầu tại những khu vực được chọn đầu tư. Những cải thiện khác của nền kinh tế Việt Nam như tham gia vào ASEAN và WTO đã kích thích không chỉ dòng FDI của Hàn Quốc, mà cả của các quốc gia khác, nhất là từ châu Á. Kết quả là, FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh và tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều mặt khác nhau, như: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ.

- Đóng góp vào sự tăng trưởng. Thực tế, dòng FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng lên đã có những đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Nếu xét trên tổng thể, từ chỗ chỉ đóng góp ít hơn 1% vào cuối những năm 80 (Ji Hyun Oh và Jai S. Mah, 2017), trong suốt hơn 10 năm trở lại đây, toàn bộ khu vực FDI luôn đóng góp từ 18% - 20% vào GDP của Việt Nam (Nguyễn Thị Thanh Thủy, 2020).

Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu quốc gia, trong đó hơn 1/2  là các mặt hàng điện tử và khoảng 1/4 là của 1 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc - Samsung Việt Nam. Điều này cho thấy tác động cũng như đóng góp quan trọng của FDI Hàn Quốc đối với xuất khẩu của Việt Nam. Ước tính hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam (Hoàng Nam, 2021).

Gia tăng dòng vốn FDI của Hàn Quốc còn giúp Việt Nam cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chuyển dịch từ đa phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sơ chế, nguyên liệu thô và hàng hóa có giá trị gia tăng thấp, sang cơ cấu xuất khẩu nhóm hàng có hàm lượng công nghệ cao hơn, như: nhóm hàng điện tử, nông, lâm, thủy sản chế biến sâu, cơ khí chế tạo và hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao.

Mặc dù, hiện nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới thu hút FDI vào Việt Nam và tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Qua đó, dòng vốn FDI của Hàn Quốc dự báo vẫn sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh và trở lại “bình thường mới”. Ngay trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất vừa qua, ngày 30/8/2021, Việt Nam vẫn tiếp tục đón nhận dự án lớn của Hàn Quốc, đó là dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên hơn 4,65 tỷ USD.

- Cải thiện công ăn việc làm. Sự gia tăng dòng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam có tác động tích cực đến tạo công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam. Hiện tại, đa phần các doanh nghiệp Hàn Quốc vừa và nhỏ tại Việt Nam đang hoạt động tại những lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương (thuê lao động địa phương với quy mô lớn để phục vụ cho quá trình sản xuất của họ). Những doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, điển hình là Samsung, cùng với quá trình dịch chuyển dòng đầu tư gia tăng tại Việt Nam đã ngày càng thu hút và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động Việt Nam. Chỉ riêng Samsung đã tạo công ăn việc làm cho hơn 130.000 người lao động Việt Nam, với mức thu nhập ổn định và phúc lợi vượt trội. Trên tổng thể, các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đang sử dụng khoảng trên 1 triệu lao động Việt Nam, đóng góp quan trọng vào giải quyết việc làm cho người lao động tại các địa phương trên địa bàn  các doanh nghiệp này đang hoạt động.

- Cải thiện trình độ công nghệ. Mặc dù hiệu ứng về mặt công nghệ là khác nhau tùy thuộc vào từng lĩnh vực và vẫn còn tồn tại những hạn chế, thông qua các doanh nghiệp FDI nói chung cũng như các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc nói riêng, Việt Nam đã tiếp nhận được những công nghệ tiên tiến ở một mức độ nhất định. Một số khu vực của nền kinh tế đã được hưởng lợi từ các dòng FDI đầu vào tăng lên trong những năm gần đây, liên quan đến một số công nghệ cao và trung bình. Các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc phần lớn tập trung vào các lĩnh vực may mặc, giày dép, kim loại và điện tử, những lĩnh vực thường có sự chuyển giao công nghệ ở mức độ tương đối cao, đã có những đóng góp, tác động tích cực nhất định đến việc cải thiện trình độ công nghệ của Việt Nam.

Điển hình như trường hợp của Samsung, với định hướng xây dựng cơ sở lớn nhất thế giới của tập đoàn, Samsung đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển lớn với 2.000 kỹ sư được tuyển dụng tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp thu và hấp thụ công nghệ. Trong vài năm gần đây, gần 100 doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp phụ trợ của Samsung và tập đoàn này bước đầu đã có chương trình bồi dưỡng những doanh nghiệp phụ trợ trong nước để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của mình. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã có điều kiện tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến của Samsung.

- Một số những tác động tích cực nổi bật khác: Ngoài những tác động tăng trưởng, việc làm và công nghệ, gia tăng FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng đã có những tác động quan trọng đến ngành Nông nghiệp của Việt Nam. Các dự án FDI Hàn Quốc giúp bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành Nông nghiệp, đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, thay thế phương thức sản xuất cũ bằng các phương thức sản xuất mới, hiệu quả hơn, áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của nông sản, cải thiện thu nhập của nông dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương có dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu tại nông thôn.

Những năm gần đây còn có sự xuất hiện của các tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam trong lĩnh vực tài chính (Shinhan, KB, Woori,…). Những tập đoàn này cung cấp các dịch vụ tài chính cho bản thân các doanh nghiệp Hàn Quốc và các tập đoàn lớn của Việt Nam. Họ có mạng lưới khách hàng rộng lớn tại Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới và đều là những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh với khả năng huy động vốn với giá thấp. Đây cũng là một ảnh hưởng hiện hữu trong lĩnh vực tài chính của dòng FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam và có tiềm năng bùng nổ trong những năm tới. Trên thực tế, tài chính - ngân hàng là một lĩnh vực được dự báo sẽ đón làn sóng FDI mạnh từ Hàn Quốc trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tài chính cho hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam (tính đến năm 2020). Các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) nếu Chính phủ Việt Nam sớm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này.

Cùng với sự gia tăng doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam, người dân Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Việt Nam trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người dân Hàn Quốc, nhờ đó giúp thúc đẩy ngành Du lịch trong nước phát triển. Những năm gần đây, Hàn Quốc đã trở thành một trong những thị trường trọng điểm cung cấp khách du lịch cho Việt Nam.

Bên cạnh những tác động tích cực, sự gia tăng dịch chuyển dòng vốn FDI Hàn Quốc cũng có tác động hạn chế:

- Bị thâu tóm và chiếm lĩnh thị trường bởi các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc. Sự gia tăng và dịch chuyển dòng vốn FDI sang Việt Nam đồng nghĩa với gia tăng hiện diện của các doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam. Thực tế, các địa phương nhận nhiều đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc thường nằm tại 2 đầu tầu kinh tế của cả nước, là những tỉnh trọng điểm về vị trí kinh tế. Bởi vì những địa phương này có thuận lợi về cơ sở hạ tầng, giao thông, lao động và thuận tiện cho điều kiện sinh sống của người Hàn Quốc làm việc tại các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, điều này có rủi ro khi các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nắm vững được thị trường tại các địa bàn, khu vực trọng điểm kinh tế thì các doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc dễ dàng thâu tóm và chiếm lĩnh thị trường không chỉ tại các khu vực này, mà có thể cả ở quy mô toàn quốc. Đặc biệt, sự gia tăng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều khối các doanh nghiệp vệ tinh cho các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam.

Các tập đoàn Hàn Quốc theo đuổi chiến lược coi mỗi địa bàn đầu tư là môt mạng lưới hoạt động và dẫn đến sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khác đóng vai trò bổ trợ, hỗ trợ cho các tập đoàn này trên cùng địa bàn. Các tập đoàn này giữ vai trò như là hạt nhân của mạng lưới trong khi các doanh nghiệp bổ trợ là các vệ tinh. Hiện tượng này sẽ giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành một chuỗi khép kín, khai thác được tối đa lợi thế của địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, chiến lược này lại tạo ra tình trạng thâu tóm và chiếm lĩnh thị trường (sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh,…). Sự chiếm lĩnh này có thể thấy ở một số lĩnh vực nổi bật như ô tô, mỹ phẩm, điện tử, rạp chiếu phim, dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước.

- Những tác động hạn chế gắn với vấn đề giải phóng mặt bằng. Phần lớn các dự án FDI của Hàn Quốc đòi hỏi quỹ đất có quy mô lớn, chủ yếu là đất nông nghiệp. Do vậy, quá trình giải phóng mặt bằng phục vụ cho một số dự án trực tiếp hoặc gián tiếp làm phát sinh một số vấn đề hạn chế, như: tình trạng người nông dân gặp khó khăn trong việc chuyển đổi ngành nghề, thay đổi lĩnh vực, tập quán lao động do mặt bằng sản xuất được thu hồi. Quá trình đền bù giải phóng mặt bằng tại một số địa phương gặp khó khăn như người dân không chịu nhận tiền đền bù, một số trường hợp phải tiến hành cưỡng chế. Thực trạng này đòi hỏi Chính phủ, cũng như chính quyền các địa phương cần có những điều chỉnh, hoàn thiện chính sách phù hợp hơn cả về mặt quy hoạch, đầu tư, cũng như công tác giải phóng mặt bằng.

- Phát sinh các vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng lao động. Trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc, một lượng lớn người lao động Việt Nam cũng như Hàn Quốc làm việc tại các doanh nghiệp này, làm phát sinh một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng lao động, như: tạo ra sự biến động lớn về nhân khẩu cư trú tại địa phương có dự án đầu tư, gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý hành chính cũng như an ninh trật tự, lao động không tuân thủ các quy định về khai báo tạm trú với chính quyền địa phương, sử dụng đất dự án đã thuê chưa đúng mục đích để làm đất cư trú cho người lao động nước ngoài hoặc cho công nhân Việt Nam thuê để ở, chưa đảm bảo về chính sách, chế độ đối với người lao động Việt Nam (môi trường làm việc còn nhiều tiếng ồn, tiếp xúc với chất thải độc hại, dịch vụ sinh hoạt hạn chế, lương thưởng chưa phù hợp,…). Thực trạng này đặt ra nhu cầu cần có các chính sách quản lý phù hợp hơn, nhằm khắc phục các vấn đề đang tồn tại gắn với việc quản lý và sử dụng lao động liên quan đến các dự án FDI của Hàn Quốc.

- Phát sinh các vấn đề về môi trường. Dòng vốn FDI Hàn Quốc vào Việt Nam tăng lên trong những năm qua cũng có tác động về mặt môi trường. Thực tế, quá trình thiết lập cơ sở hạ tầng phục vụ vận hành các dự án FDI của Hàn Quốc tại các địa phương thường được tiến hành với tiến độ nhanh, thời gian ngắn và gây ra những áp lực, tác động tới môi trường (phế liệu xây dựng, rác thải, tiếng ồn, bụi bẩn,...). Ngoài ra, khi đi vào vận hành, các cơ sở kinh doanh, nhà máy sản xuất tạo ra một lượng lớn rác thải công nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe, cũng như chất lượng cuộc sống của người dân địa phương và bản thân người lao động làm việc tại các cơ sở, nhà máy. Đây là một vấn đề cần lưu ý cải thiện nhằm đảm bảo tính phát triển bền vững của dòng FDI từ Hàn Quốc nói riêng, cũng như từ các nước khác nói chung.

4. Kết luận

Trong những năm qua, FDI của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh, cho thấy mối quan hệ hợp tác kinh tế ngày một chặt chẽ giữa 2 nước và Việt Nam ngày càng trở thành thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư Hàn Quốc. Mặc dù vẫn còn những hạn chế, cũng như nhiều tiềm năng chưa được khai thác, sự dịch chuyển này đã đem lại những tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều mặt. Trong tương lai, để phát huy hiệu quả hơn nữa dòng FDI từ Hàn Quốc, Việt Nam cần có những chính sách quản lý và đầu tư phù hợp, hiệu quả hơn, giảm thiểu tối đa những tác động hạn chế và tăng cường những tác động tích cực của dòng FDI quan trọng này.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[i] Số liệu FDI đăng ký được thu thập theo “Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Số liệu FDI thực tế được thu thập theo Thống kê đầu tư qua các năm của Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc.

[ii] Tỷ lệ được tính dựa trên số vốn FDI thực tế thực hiện trong năm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Truy cập tại: https://www.mpi.gov.vn/Pages/default.aspx
  2. Cục Đầu tư Nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Truy cập tại: https://fia.mpi.gov.vn/
  3. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Truy cập tại: https://stats.koreaexim.go.kr/en/enMain.do
  4. Tổng cục Thống kê. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/
  5. Báo điện tử Chính phủ (2021). COVID-19 và FDI tại Việt Nam: Tác động và triển vọng. Truy cập tại: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/COVID19-va-FDI-tai-Viet-Nam-Tac-dong-va-trien-vong/447648.vgp
  6. Hoàng Nam (2021). Samsung Việt Nam: Cùng Việt Nam phát triển thịnh vượng, Thế giới và Việt Nam. Truy cập tại https://baoquocte.vn/samsung-viet-nam-cung-viet-nam-phat-trien-thinh-vuong-135855.html
  7. Thảo Miên và nhóm PV (2020). Thấy gì qua cơ cấu nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam năm 2019. Thời báo Tài chính. Truy cập tại https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thay-gi-qua-co-cau-nguon-von-fdi-do-vao-viet-nam-nam-2019-18754.html
  8. Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương - Cục Xúc tiến Thương mại (2020). Tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2020. Cổng thông tin điện tử Invest Vietnam. Truy cập tại http://investvietnam.gov.vn/vi/su-kien.nd/tinh-hinh-dau-tu-cua-cac-doanh-nghiep-han-quoc-vao-viet-nam-nam-2020.html .
  9. Ji Hyun Oh and Jai S. Mah (2017). The Patterns of Korea’s Foreign Direct Investment in Vietnam. Open Journal of Business and Management, No. 5.
  10. Hữu An (2020). Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam. Thời Báo Ngân hàng, Truy cập tại: https://thoibaonganhang.vn/han-quoc-day-manh-dau-tu-tai-viet-nam-109458.html
  11. Nguyễn Thị Thanh Thủy (2020). FDI - nguồn vốn quan trọng thúc đẩy nên kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Tạp chí Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, số 12.
  12. Trần Văn Dũng (2020). Thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam và những vấn đề đặt ra hiện nay. Tạp chí Tài chính, Kỳ 1, Tháng 9/2020.

 

CURRENT SITUATION AND IMPACT OF KOREAN FDI TO VIETNAM

IN THE CONTEXT OF VIETNAM’S NEW DEVELOPMENT PERIOD

Master. BUI THI HONG NGOC 1

Maser. DOAN THI THU HUONG 1

1 Vietnam Institute of Economics

ABSTRACT:

This paper analyzes and assesses the impact of foreign direct investment (FDI) from South Korea on Vietnam in recent years. Based on the statistics of Korean FDI values and structure to Vietnam, this paper points out the situations and investment trends from South Korea to Vietnam. The paper also analyzes and evaluates the impacts of Korean FDI on Vietnam’s economy in the context of Vietnam’s new development period.

Keywords: FDI, South Korea, Vietnam, current status, impact.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 25, tháng 10 năm 2021]