TÓM TẮT:
Bài nghiên cứu phân tích thực trạng xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang nhằm tìm ra những khó khăn, bất cập, điểm chưa hợp lý trong công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều trên địa bàn. Từ đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều trên địa bàn trong thời gian tới.
Từ khóa: xúc tiến thương mại, vải thiều, tiêu thụ, thương mại, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
1. Đặt vấn đề
Vải thiều Lục Ngạn, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trong nước đã được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tôn vinh. Năm 2005, vải thiều Lục Ngạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo vệ độc quyền sở hữu công nghệ đối với nhãn hiệu hàng hóa tập thể "Vải thiều Lục Ngạn” vào năm 2005; được bình chọn là thương hiệu nổi tiếng tại Hội chợ Quốc tế thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, năm 2006; được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2008. Từ đó, vải thiều được nhiều tổ chức trong và ngoài nước cấp các chứng chỉ, chứng nhận thương hiệu nổi tiếng.
Vải thiều là một sản vật nổi tiếng của quê hương Lục Ngạn, không chỉ được biết đến ở trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, hàng năm, UBND huyện Lục Ngạn luôn quan tâm phát triển sản vật quý này, đặc biệt là chú trọng đến hoạt động xuất khẩu. Huyện đã ban hànhvà triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều, thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều. Những năm qua, chính quyền huyện Lục Ngạn đã hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều có hiệu quả, thị trường được mở rộng, chất lượng và giá trị ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, nhìn nhận lại hoạt động xuất khẩu thì hiện nay việc tiêu thụ vải thiều của Lục Ngạn vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, với 70% tổng sản lượng xuất đến thị trường này. Thị trường mới như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ, Úc vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Việc chỉ phụ thuộc chủ yếu vào một thị trường là Trung Quốc sẽ có thể mang lại rủi ro cao trong tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, tads giả thấy cần thiết phải thực hiện nghiên cứu “Giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang” để tìm ra những khó khăn, bất cập, điểm chưa hợp lý, nhằm đề xuất hoàn thiện, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa và khó khăn trong tiêu thụ.
2. Thực trạng xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
2.1. Thông tin và truyền thông về sản phẩm vải thiều
Hàng năm, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện các hoạt động xúc tiến và thông tin, truyền thông về sản phẩm vải thiều. Các hoạt động thực hiện bao gồm: xúc tiến thương mại cho một số sản phẩm chủ lực và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tuần lễ vải thiều và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn tại Hà Nội; Hội nghị Hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, các thương nhân tiêu thụ vải thiều về quy trình cấp tem, nhãn, dán tem nhãn đóng gói, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. UBND huyện Lục Ngạn và các phòng ban chức năng đã phối hợp với cơ quan Báo, Đài Truyền thanh, Truyền hình Trung ương và địa phương đưa tin, viết bài, làm phóng sự quảng bá cho sản phẩm vải thiều của huyện như: Đài Truyền hình VTV1, VTV2, VTV5, VTV6, VOV, VTC16, VTC14, Quân đội, An ninh, Bắc Giang..., các báo: Nhân dân, Nông thôn ngày nay, Vietnamnet, Thông tấn xã, Tiền phong, Tuổi trẻ, Hà Nội mới, Pháp luật.
Nhờ thực hiện mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiểu nên đã thu được những kết quả khả quan. Từ giai đoạn 2020-2021, hầu hết các chỉ tiêu về thực hiện các hoạt động thông tin và truyền thông về sản phẩm vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn đều tăng. Trong đó, số lượng bao bì in phục vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều tăng mạnh nhất đạt 81,0%; số lượng tem nhãn to truy suất nguồn gốc được in tăng bình quân 58,1%. Số đợt tuyên truyền tăng bình quân 30,9%/năm. Riêng năm 2022, các chỉ tiêu tăng mạnh, cụ thể, huyện đã in và cấp 8.192 chiếc hộp giấy loại 3kg cắt cuống và 5kg có cuống, 420 kg túi nilon có logo vải thiều Lục Ngạn, 2.000 tem nhãn nhỏ, 2.000 tem nhãn to có truy suất nguồn gốc cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu để làm quà, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều Lục Ngạn. Tuy nhiên, số lượt bài đăng tin, phóng sự các cấp, bao gồm cấp xã, cấp huyện có tăng, nhưng số lượng không cao, cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ngoài các hoạt động được thực hiện bởi chính quyền và các cơ quan, ban ngành cấp huyện, tỉnh Bắc Giang tổ chức đa dạng hóa các hình thức xúc tiến tiêu thụ vải thiều: tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành Trung ương tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều; khai trương tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất của cả nước và sàn thương mại điện tử lớn của thế giới. Các sự kiện quảng bá, bán hàng với các chương trình livestream bán vải thiều trực tiếp trên mạng xã hội, kênh bán hàng trực tuyến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng (NSƯT Xuân Bắc, Diễn viên Hà Hương…) và các hoạt động, hình thức tự nguyện quảng bá, giới thiệu vải thiều Bắc Giang trên mạng xã hội đã góp phần làm sinh động các hoạt động quảng bá, giới thiệu trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều trên các trang mạng xã hội và hạ tầng không gian mạng Internet.
Theo đó, nội dung tuyên truyền được các hộ nông dân nhận định hiệu quả, rất hiệu quả với trên 65% ý kiến, thời gian và thời lượng tuyên truyền phù hợp với 70% ý kiến. Tuy nhiên, có một số cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu nhận định nội dung tuyên truyền không hiệu quả. Nguyên nhân, các nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các kỹ thuật, quy trình sản xuất vải thiều, các nội dung về thị trường, tiêu thụ, thông tin về giá sản phẩm có thời lượng không cao, chưa đáp ứng nhu cầu của các cơ sở.
2.2. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xúc tiến thương mại vải thiều
Ngay từ đầu mỗi vụ vải, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung tổ chức tập huấn sản xuất vải thiều cho người sản xuất vải thiều và các khóa tập huấn về thương mại sản phẩm, xây dựng thương hiệu, liên kết, thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Kết quả về các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều giai đoạn 2020-2020 cho thấy, địa phương hiện đang chú trọng tập huấn, nâng cao năng lực về sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, các lớp tập huấn về xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện nhưng ít, đơn lẻ, chưa gắn theo chuỗi, liên kết hoặc tập trung theo hướng các thị trường khác nhau (ví dụ, xúc tiến thương mại đối với thị trường truyền thống (thị trường Trung Quốc), đối với thị trường mới, thị trường có mức thu nhập cao như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc).
Các lớp tập huấn chủ yếu cho đối tượng là người sản xuất vải thiều, bao gồm hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã; các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu vải thiều ít được tập huấn nâng cao năng lực về xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều. Vì vậy, hộ nông dân sản xuất vải hài lòng về hình thức, phương thức, nội dung tập huấn. Trong khi đó, cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu nhận định hình thức tập huấn không phù hợp, chưa thu hút được sự tham gia của các cơ sở, nhất là về nội dung tập huấn có 50% cơ sở được điều tra cho rằng không hữu ích vì thiên về kỹ thuật sản xuất, thiếu các kỹ thuật thu gom, vận chuyển, phân loại, sơ chế, bảo quản và thị trường tiêu thụ.
2.3. Nâng cao nhận thức của các bên liên quan
Hộ nông dân và các cơ sở nhận định về nội dung và dung lượng các hoạt động nâng cao nhận thức ở mức rất hữu ích, hữu ích và đáp ứng yêu cầu với trên 50% ý kiến nhận định. Tuy nhiên, hình thức, phương thức tổ chức được nhận định không phù hợp với 40% ý kiến, nguyên nhân do các hoạt động chưa thu hút được đông đảo hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vải thiều tham gia. Các hoạt động chủ yếu được thực hiện ở cấp huyện, cấp tỉnh, ít có các hoạt động tổ chức ở cấp xã hoặc liên xã nhằm thu hút người sản xuất vải thiều tham gia.
2.4. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại vải thiều
2.4.1. Khảo sát thị trường tiêu thụ sản phẩm vải thiều
UBND huyện và chính quyền huyện Lục Ngạn thường niên phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tổ chức các hoạt động khảo sát thị trường tiêu thụ tại một số điểm lớn như: tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Thị Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) với sự tham gia của các cơ quan, ban ngành của tỉnh Bắc Giang, tỉnh Lạng Sơn, cùng đại diện chính quyền và các cơ quan chức năng của Huyện Hà Khẩu, Thị Bằng Tường (Trung Quốc) và các doanh nghiệp Trung Quốc. Tham gia gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Tuần nông sản an toàn thực phẩm tại Big C Thăng Long do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Đại diện các ban ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vải thiều của huyện cũng tham gia Đoàn công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang tại thị trường các tỉnh phía Nam năm 2020 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, các hoạt động khảo sát thị trường trong nước và ngoài nước chưa được các cơ quan chức năng tổng kết, báo cáo và chỉ ra kết quả của các hoạt động này. Vì vậy, chưa thấy rõ tác động của các hoạt động xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ vải thiều ở các thị trường khác nhau, ở trong và ngoài nước.
2.4.2. Hội chợ triển lãm trong và ngoài địa phương
UBND huyện Lục Ngạn và các ban ngành đã tổ chức các hội chợ, triển lãm tại địa phương cũng như tham gia các triển lãm, hội chợ trong và ngoài địa phương. Giai đoạn 2020-2022, địa phương đã hỗ trợ người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh vải thiều tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài địa phương: trưng bày, giới thiệu sản phẩm vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản huyện Lục Ngạn tại Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang; tổ chức “Tuần lễ vải thiều và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn tại Hà Nội”.
UBND huyện hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trưng bày, bán và giới thiệu sản phẩm vải thiều huyện Lục Ngạn tại Hội trợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại với 12 gian hàng. Kết quả trong thời gian diễn ra tuần lễ vải thiều đã ký kết hợp đồng cung ứng trên 23 tấn vải thiều.
Kết quả, giai đoạn 2020-2022, các hoạt động hội chợ, triển lãm trong và ngoài địa phương được thực hiện có xu hướng tăng qua các năm. Tuy nhiên, số gian hàng chưa tương xứng với quy mô của sản phẩm vải thiều và quy mô của hội chợ, triển lãm. Theo đó, số lượng vải thiều được ký kết tiêu thụ không cao, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với sản lượng thu hoạch của địa phương. Số lượng vải thiều tiêu thụ qua các hội chợ chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi vải chủ yếu được thu mua bởi thương lái Trung Quốc trực tiếp tại các chợ, tiềm tàng khả năng rủi ro cao khi có động thái dừng mua của phía Trung Quốc. Vì vậy, hộ nông dân và các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu vải thiều nhận định hình thức, phương thức hoạt động không phù hợp với trên 43% ý kiến. Nguyên nhân, việc tham gia hội chợ được nhận định vẫn mang tính hình thức, tính quảng bá, tính thị trường và thương mại chưa cao, dẫn đến hiệu quả không cao với 44,44% ý kiến nhận định.
2.4.3. Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vải thiều
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ, giúp sản phẩm vải Lục Ngạn thâm nhập được vào các thị trường khác nhau, chính quyền địa phương và các ban ngành của huyện Lục Ngạn đã thực hiện nhiều giải pháp để sản phẩm được cấp các chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng. Hiện naythương hiệu “vải thiều Lục Ngạn” được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, với tổng diện tích VietGAP và GlobalGAP trên 12.000 ha.
Tính đến hết năm 2022, về các nhãn hiệu, hiện nay, với 1174 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 2 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 60 nhãn hiệu tập thể, Bắc Giang đang là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về số văn bằng sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 nước, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm trái cây đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021. Huyện đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 88 mã số vùng trồng đảm bảo đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch (Trung Quốc 35 mã); Mỹ, Úc, EU (19 mã); Nhật Bản (32 mã); Thái Lan (2 mã). Trên địa bàn huyện hiện có 173 cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu.
Trên 88% hộ nông dân và các cơ sở nhận định hoạt động đăng ký nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rất hiệu quả đối với việc xúc tiến thương mại tiêu thụ vải Lục Ngạn. Tuy nhiên, 35,56% ý kiến các đơn vị điều tra nhận định hỗ trợ thủ tục, quy trình không đầy đủ, kịp thời, 48,89% ý kiến nhận định ở mức trung bình. Đặc biệt, đối với các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu nhận định, hiện nay, địa phương mới chỉ chú trọng nhiều đến các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đối với các đơn vị sản xuất, chưa quan tâm và thúc đẩy đối với chứng nhận, nhãn hiệu, tiêu chuẩn dành cho các đơn vị thu mua, chế biến, xuất khẩu vải Lục Ngạn. Do đó, trên 60% hộ nông dân nhận định đã được đáp ứng nhu cầu về các loại giấy chứng nhận, trong khi đó, 50% ý kiến các cơ sở nhận định chưa được đáp ứng nhu cầu. Về diện tích, còn tỷ lệ lớn diện tích vải chưa có các chứng nhận về chất lượng như VietGap, GlobalGap, mã số vùng trồng.
2.4.4. Đẩy mạnh thương mại điện tử
Trước năm 2020, các hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử trong tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn chưa được chú trọng ở địa phương, tuy nhiên, khi có dịch bệnh covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động tiêu thụ truyền thống, trực tiếp do thực hiện giãn cách xã hội, cách li và khó khăn trong lưu thông hàng hóa, hình thức thương mại điện tử đã được quan tâm, thúc đẩy tại địa phương.
Kết quả, giai đoạn 2020-2022, các chỉ tiêu về hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử trong tiêu thụ vải Lục Ngạn tăng, tuy nhiên, năm 2022, có xu hướng giảm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Như vậy, thương mại điện tử trong tiêu thụ vải Lục Ngạn đã được quan tâm thúc đẩy và có hiệu quả đáng kể cho vụ mùa năm 2021, tuy nhiên, các giải pháp này không được duy trì cho năm 2022.
2.5. Kết quả xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn
2.5.1. Mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước
Thị trường tiêu thụ nội địa: Thị trường nội địa tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền trung và phía Nam. Trong đó riêng thị trường phía Nam (TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông-Nam Bộ là thị trường nội địa quan trọng) tiêu thụ khoảng 62,2% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
Nhờ có các giải pháp xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều được thực hiện, vải thiều Lục Ngạn hiện có mặt tại hầu hết các siêu thị (Big C, Mega Market, Saigon Co.opmart, Happro, Aeon, Lotte, Vinmart…), Trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ... với sản lượng tiêu thụ đạt khoảng trên 4.483 tấn/năm.
Thị trường xuất khẩu: Thị trường tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn chủ yếu xuất sang Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015. Tuy nhiên, từ sau năm 2015, theo định hướng của Chính phủ Việt Nam, cũng như định hướng của chính quyền địa phương hướng đến khai thác những thị trường mới, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, người sản xuất hướng tới những thị trường khó tính hơn, với giá bán cao hơn như thị trường Nhật Bản, Úc, Mỹ, châu Âu.
Từ năm 2019, cơ cấu vải xuất khẩu chiếm 55%, trong nước chiếm 45%. Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống, chiếm 70% lượng vải thiều xuất khẩu. Trước năm 2018, vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Trung Quốc với 100% bằng đường tiểu ngạch. Sau khi ký Hiệp định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng từ năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch vẫn ở mức thấp, chiếm khoảng 5% sản lượng vải Lục Ngạn.
2.5.2. Đa dạng kênh tiêu thụ vải Lục Ngạn
Trên địa bàn huyện Lục Ngạn có 6 kênh tiêu thụ vải thiều chính, trong đó có 4 kênh được tiêu thụ với người tiêu dùng trong nước và 2 kênh được tiêu thụ với người tiêu dùng nước ngoài. Hầu hết các kênh tiêu thụ đều thông qua các hoạt động thu gom của tư thương trong nước và Trung Quốc. Riêng xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Mỹ, Úc và xuất khẩu qua đường chính ngạch Trung Quốc là thông qua các HTX và các doanh nghiệp xuất khẩu. Sơ đồ kênh tiêu thụ cho thấy, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn chủ yếu được bán cho tiêu dùng sản phẩm tươi, sản phẩm phục vụ chế biến chỉ chiếm 5% sản lượng và chủ yếu là loại vải có chất lượng thấp nhất, được sản xuất ở các hộ quy mô nhỏ.
Sơ đồ 1: Kênh tiêu thụ sản phẩm vải thiều Lục Ngạn
Nguồn: Điều tra hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh vải thiều Lục Ngạn (2022)
2.5.3. Nâng cao giá bán sản phẩm vải thiều
Giá bán tại vườn bình quân qua các năm ở tất cả các thị trường có xu hướng tăng trong giai đoạn 2018-2022. Giá bán xuất khẩu đi thị trường các nước khác như Nhật Bản, châu Âu, EU, và Úc đạt mức cao nhất, năm 2020 đạt 35.000 đồng/kg. Giá bán vải thiều xuất khẩu cao gấp 1.5 đến 2 lần giá vải thiều nội địa. Như vậy, cần thúc đẩy xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều mở rộng các thị trường mới, các thị trường có mức thu nhập cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc, giúp tiêu thụ vải với giá cao hơn.
Đồ thị 1: Giá bản vải thiều bình quân theo các thị trường khác nhau (2018-2022)
Đơn vị tính: Nghìn đồng/kg
Nguồn: Điều tra hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh vải thiều Lục Ngạn (2022)
Người sản xuất bán vải thiều cho các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các tổ hợp tác và HTX được đảm bảo bằng hợp đồng kinh tế với mức giá và sản lượng ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ khoảng 15% vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ qua kênh này. Các kênh tiêu thụ qua người thu gom được trao đổi thông qua thỏa thuận miệng, dẫn đến tình trạng ép giá, hoặc phá vỡ thỏa thuận của người sản xuất hoặc người thu gom.
3. Kết luận
Xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều đã giúp địa phương đạt được nhiều kết quả như mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; nâng cao giá bán gấp 1,5 đến 2 lần đối với các thị trường mới, thị trường có thu nhập cao; phát triển các tổ chức, đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm vải; phát triển và duy trì các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra những bất cập về hạn chế nguồn lực tài chính, hạn chế trong thực hiện thông tin, truyền thông, hội chợ, triển lãm và các nội dung khác cần được khắc phục trong thời gian tới.
Giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại tiêu thụ vải trên địa bàn huyện Lục Ngạn trong thời gian tới đề xuất bao gồm: Tăng cường quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền; Tập trung nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại; Đổi mới công tác xúc tiến tiêu thụ kết hợp giữa hình thức trực tuyến và truyền thống; Phân tích nhu cầu thị trường để mở rộng thị trường tiêu thụ; Quản lý mã vùng trồng và các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vải; Phát triển sàn thương mại điện tử tiêu thụ vải.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chi Cục thống kê huyện Lục Ngạn (2022). Niên giám thống kê huyện Lục Ngạn (2018-2022).
- Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (2021). Xúc tiến thương mại một số sản phẩm chủ lực của huyện Lục Ngạn năm (2021). Trang Thông tin điện tử và xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang.
- Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn (2020). Báo cáo Tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm các năm 2020.
- Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn (2021). Báo cáo Tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm các năm 2021.
- UBND huyện Lục Ngạn (2022). Báo cáo Tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2022; Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 2023.
THE CURRENT TRADE PROMOTION FOR LYCHEE GROWN
IN LUC NGAN DISTRICT, BAC GIANG PROVINCE
• NGUYEN THI THU1
• NGUYEN PHUONG LE2
• NGUYEN THI THIEM2
• NGUYEN THANH PHONG2
• TRAN DANH SON3
1Bac Giang Province Radio and Television Station
2Vietnam National University of Agriculture
3Department of Agriculture and Rural Development of Bac Ninh province
ABSTRACT:
This study analyzes the current trade promotion for lychee grown in Luc Ngan district,
Bac Giang province. The study points out the difficulties and inadequacies of the Luc Ngan lychee trade promotion activities and proposes solutions to promote Luc Ngan lychee consumption in the future.
Keywords: trade promotion, lychee, consumption, trade, Luc Ngan district, Bac Giang province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2023]