Xuất xứ hàng hóa được quy định thế nào trong Hiệp định RCEP?

Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định RCEP được thể hiện ở Chương 3; được nội luật hoá bởi Thông tư 05/2022/TT-BCT, có hiệu lực từ 04/4/2022.
xuất xứ hàng hoá
Nông sản xuất khẩu là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA)

Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá được quy định tại Chương 3, Điều 3.16 Hiệp định RCEP. Theo đó, Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một trong các trường hợp sau đây:

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi tổ chức cấp theo quy định tại Điều 3.17 (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa);

Chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3.18 (Khai báo xuất xứ); hoặc

Chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3.18 (Khai báo xuất xứ) và khoản 2, khoản 3, dựa trên các thông tin chứng minh rằng hàng hóa có xuất xứ.

Đối với các nước thành viên gồm Úc, Bờ-ru-nây, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan và Việt Nam, việc triển khai thực hiện điểm c khoản 1 Điều 3.16 không quá 10 năm sau ngày thực thi Hiệp định này. Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma bắt đầu triển khai thực hiện điểm c khoản 1 không quá 20 năm sau ngày thực thi Hiệp định này.

Mặc dù vậy, một nước thành viên có thể gia hạn thời gian thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại điểm c khoản 1 không quá 10 năm và thông báo qua Ủy ban hàng hóa về quyết định đó.

Về việc rà soát, các nước thành viên bắt đầu tiến hành rà soát điều khoản này vào ngày Hiệp định có hiệu lực đối với các nước thành viên đã ký kết. Việc rà soát sẽ hướng đến mở rộng cơ chế nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Các nước thành viên sẽ kết luận trong vòng 5 năm kể từ ngày bắt đầu rà soát, trừ khi các nước thành viên có thỏa thuận khác.

Về điều kiện, Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các điều kiện sau:

Được viết hoặc bất kỳ phương tiện nào khác bao gồm hình thức điện tử và phải thông báo cho nước thành viên nhập khẩu;

Chỉ ra rằng hàng hóa có xuất xứ và đáp ứng các quy định tại Chương này; và

Bao gồm các thông tin tối thiểu được quy định tại Phụ lục 3B (Danh mục các thông tin tối thiểu).

Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có giá trị trong vòng 01 năm kể từ ngày phát hành.

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phát hành bởi tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu dựa trên đơn đề nghị của nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.

Nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng bản viết hoặc điện tử cho tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu theo quy định nội luật của nước thành viên xuất khẩu.

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải:

Có một mẫu chung được thống nhất bởi các nước thành viên;

Có số tham chiếu cụ thể;

Thể hiện bằng tiếng Anh; và

Có chữ ký và con dấu của tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu. Chữ ký và con dấu có thể bằng tay hoặc bằng điện tử.

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể:

Thể hiện hai hay nhiều hóa đơn thương mại cho một lô hàng; hoặc

Bao gồm nhiều loại hàng hóa với điều kiện mỗi loại hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ tương ứng.

Trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa chứa thông tin không chính xác, tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu có thể:

Phát hành Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới và vô hiệu lực Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ban đầu; hoặc

Thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa gốc bằng cách gạch bỏ chỗ sai và bổ sung các thông tin cần thiết. Những thay đổi này phải được xác nhận bởi tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu.

Hiệp định RCEP yêu cầu mỗi nước thành viên phải cung cấp tên, địa chỉ, mẫu chữ ký và mẫu con dấu của tổ chức cấp cho các nước thành viên khác. Các thông tin này gửi thông qua Ban Thư ký RCEP theo quy định tại điểm (i) khoản 1 Điều 18.3 (Chức năng của Ủy ban RCEP) (sau đây gọi là Ban Thư ký RCEP). Bất kỳ sự thay đổi nào phải được thông báo ngay lập tức qua Ban Thư ký RCEP. Các nước thành viên nỗ lực xây dựng trang điện tử để thể hiện các thông tin này trong vòng 3 năm và cho phép các nước thành viên khác truy cập vào.

Tuy nhiên, một nước thành viên không cần thiết phải cung cấp mẫu chữ ký và con dấu qua Ban Thư ký RCEP nếu nước thành viên đó có trang điện tử bảo mật riêng, bao gồm các thông tin liên quan đến Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa như HS, mô tả hàng hóa, số lượng, ngày phát hành, tên nhà xuất khẩu và cho phép các nước thành viên khác truy cập vào. Các nước thành viên sẽ rà soát yêu cầu cung cấp mẫu chữ ký của tổ chức cấp trong vòng 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực đối với tất cả các nước.

Trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không được cấp tại thời điểm giao hàng do một số lỗi phát sinh hoặc theo quy định tại điểm a khoản 5, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể được cấp sau nhưng không quá một năm kể từ ngày giao hàng. Trong trường hợp này, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải thể hiện dòng chữ “ISSUED RETROACTIVELY”.

Trường hợp bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có thể đề nghị bằng văn bản đến tổ chức cấp bản sao chứng thực của bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Bản sao phải:

Được phát hành không quá một năm kể từ ngày phát hành bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

Dựa trên đơn đề nghị cấp bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

Bao gồm các thông tin về số tham chiếu và ngày phát hành tương tự như bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; và

Ghi dòng chữ “CERTIFIED TRUE COPY”.

Khai báo xuất xứ hàng hóa

Chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 3.16 (Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa) được phát hành bởi:

Nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định tại Điều 3.21 (Nhà xuất khẩu đủ điều kiện); hoặc

Nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3.16 (Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa).

Chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa phải:

Được phát hành dựa trên các thông tin tối thiểu theo quy định tại Phụ lục 3B (Danh mục các thông tin tối thiểu);

Thể hiện bằng tiếng Anh;

Thể hiện tên và chữ ký của người ký; và

Thể hiện ngày phát hành Chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa.

Văn bản hướng dẫn trong nước

Thực hiện cam kết quốc tế trong Hiệp định RCEP, ngày 18 tháng 02 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực. Thông tư số 05/2022/TT-BCT gồm 04 Chương, 32 Điều và 4 Phụ lục kèm theo:

- Chương 1: Quy định chung

- Chương 2: Cách xác định xuất xứ hàng hóa

- Chương 3: Chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa

- Chương 4: Điều khoản thi hành

Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định các nội dung về Quy tắc xuất xứ hàng hóa bao gồm các trường hợp xác định hàng hóa được coi là có xuất xứ, cộng gộp, De Minimis, công đoạn gia công chế biến đơn giản, vận chuyển trực tiếp, cơ chế kiểm tra và chứng nhận xuất xứ hàng hóa, … Nội dung của các điều khoản này trong Quy tắc xuất xứ hàng hóa của Hiệp định RCEP nhìn chung không có sự khác biệt so với Hiệp định ATIGA và một số Hiệp định ASEAN+1 mà Việt Nam là thành viên.

Hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi có C/O được cấp theo quy định tại Thông tư này. Hàng hóa có xuất xứ của các nước thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi nộp C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu đủ điều kiện phát hành.

Cụ thể, theo Điều 19 Thông tư 05/2022/TT-BCT quy định cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định RCEP như sau:

Hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi có C/O được cấp theo quy định của Thông tư 05/2022/TT-BCT.

Hàng hóa có xuất xứ của các nước thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan khi nộp một trong các chứng từ nhận xuất xứ hàng hóa sau:

- C/O được cấp bởi cơ quan, tổ chức cấp C/O theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Thông tư 05/2022/TT-BCT.

Điều 21 Thông tư 05 quy định 8 nội dung về cơ quan, tổ chức cấp C/O như sau:

Thứ nhất,  C/O do cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu cấp dựa trên đơn đề nghị của nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.

Thứ hai, nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất nộp đơn đề nghị cấp C/O bằng văn bản hoặc bằng hình thức điện tử cho cơ quan, tổ chức cấp C/O theo quy định của nước thành viên xuất khẩu.

Thứ ba, C/O đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có số tham chiếu riêng.

b) Được thể hiện bằng tiếng Anh.

c) Có chữ ký và con dấu của cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu. Chữ ký và con dấu được thể hiện bằng tay hoặc bằng hình thức điện tử.

d) Có thể khai báo hai hay nhiều hóa đơn thương mại cho một lô hàng.

đ) Có thể bao gồm nhiều loại hàng hóa với điều kiện mỗi loại hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa tương ứng.

e) Xác định hàng hóa có xuất xứ và đáp ứng các quy định tại Thông tư này.

g) Bao gồm các thông tin tối thiểu được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Thứ tư, mẫu C/O mẫu RCEP được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước thành viên khác.

Thứ năm, trường hợp C/O chứa thông tin không chính xác, cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu thực hiện một trong hai hình thức sau:

a) Phát hành C/O mới và hủy C/O ban đầu.

b) Thay đổi thông tin trên C/O gốc bằng cách gạch bỏ chỗ sai và bổ sung các thông tin cần thiết. Những thay đổi này phải được xác nhận bằng chữ ký và con dấu của cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu.

Thứ sáu, trường hợp ngoại lệ khi C/O không được cấp tại thời điểm giao hàng do lỗi không cố ý, bỏ quên, hoặc có lý do chính đáng khác, hoặc thuộc trường hợp nêu tại điểm a khoản 5 Điều này, C/O có thể được cấp sau nhưng không quá 01 năm sau ngày giao hàng. Trong trường hợp này, C/O phải được đánh dấu vào ô “ISSUED RETROACTIVELY”.

Thứ bảy, trường hợp C/O gốc bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có thể đề nghị bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu cấp bản sao chứng thực của C/O gốc. Bản sao phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Được cấp không quá 01 năm sau ngày cấp C/O gốc.

b) Dựa trên đơn đề nghị cấp C/O gốc.

c) Bao gồm số tham chiếu và ngày phát hành của C/O gốc.

d) Mang dòng chữ “CERTIFIED TRUE COPY”.

Thứ tám, C/O có hiệu lực trong vòng 01 năm kể từ ngày cấp.

Đối với Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu đủ điều kiện phát hành theo quy định sau:

- Được phát hành dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác bao gồm dạng điện tử.

- Bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Phụ lục II Thông tư 05/2022/TT-BCT.

- Có hiệu lực trong vòng 01 năm kể từ ngày phát hành.

- Sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, có chữ ký và tên của người tự chứng nhận và thời điểm phát hành.

Thông tư 05/2022/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 04/4/2022.

Hoàng Trung