Thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa chính thức ký kết biên bản hợp tác với Alibaba.com nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu trực tuyến thành công qua sàn thương mại điện tử này.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, sự kiện quan trọng này là một trong những hoạt động nằm trong “Dự án Ươm chồi - Sprout Up”, một sáng kiến mang tính bước ngoặt được triển khai từ tháng 8/2020 của Alibaba.com.
Hoạt động này tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trực tuyến và tiếp cận khách hàng trên toàn cầu. Sáng kiến này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong ba lĩnh vực chính: (1) tham gia nhanh hơn vào các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là nền tảng Alibaba.com để thiết lập phạm vi tiếp cận toàn cầu; (2) tiếp cận các giải pháp được thiết kế riêng để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh; (3) các dịch vụ phù hợp để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường khả năng thương mại trực tuyến của họ.
“Các sáng kiến của Cục Xúc tiến thương mại và Alibaba.com nhằm tăng tốc chuyển đổi số”, Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Cũng theo chia sẻ từ Cục trưởng Vũ Bá Phú, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực về thương mại điện tử, đưa sản phẩm lên sàn Alibaba.com thành công, từ cuối năm 2020, Cục Xúc tiến thương mại và Công ty Alibaba.com đã phối hợp, triển khai chương trình gồm chuỗi sự kiện huấn luyện, đào tạo cho doanh nghiệp nhằm tư vấn trực tiếp và kết nối doanh nghiệp với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng cho chương trình.
“Hoạt động đã thu được các kết quả đáng khích lệ với hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký đào tạo, hơn 300 doanh nghiệp tham gia tư vấn xuất khẩu, nâng cao năng lực thương mại điện tử và hơn 50 doanh nghiệp tiềm năng sẽ lên sàn thành công trong các ngành như nông sản, thuỷ hải sản, đồ gỗ, thực phẩm chế biến đóng gói…”, Cục trưởng Vũ Bá Phú thông tin.
Do vậy, thông qua biên bản hợp tác lần này, hai bên sẽ hợp tác để phát triển và thực hiện chủ đề “Chuyển đổi số B2B xuyên biên giới”, tập trung vào các sự kiện quảng bá để cùng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất và kinh doanh hiệu quả.
Trong đó, Hội nghị “CHÚNG TÔI CHỌN TĂNG TỐC - WE CHOOSE ACCELERATION” là hoạt động khởi đầu trong chuỗi các sự kiện trực tuyến mang tên “Triển khai xuất khẩu trực tuyến - Go Export Digital) trên nền tảng Alibaba.com để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể tham gia, giúp tạo ra lưu lượng người mua và nâng cao nhận diện về thương hiệu trên toàn cầu.
“Cục Xúc tiến thương mại kết nối các tổ chức, các khu công nghiệp trọng tâm và các tỉnh/thành tham gia các hoạt động mang tính chiến lược nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử; cùng với đó, hỗ trợ tham gia nền tảng Alibaba.com hiệu quả thông qua các giải pháp tiếp thị kỹ thuật số và đào tạo trực tuyến về thương mại điện tử.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần nâng cao kỹ năng vận hành, năng lực kỹ thuật số của nhà bán hàng, đẩy nhanh chuyển đổi số thông qua các dịch vụ và tư vấn sau khi tham gia nền tảng”, Cục trưởng Vũ Bá Phú lưu ý.
Số hóa doanh nghiệp để đi xa hơn
Đặt kỳ vọng lớn vào sự hợp tác với các đối tác Việt Nam, ông Zhang Kuo -Tổng Giám đốc của Alibaba.com, người đã kết nối trực tuyến với sự kiện chia sẻ: Alibaba.com đã liên tục xây dựng quan hệ đối tác với các hiệp hội, đối tác kinh doanh và ngân hàng với mục tiêu giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nâng cao năng lực kỹ thuật số, kỹ năng vận hành, quản lý khách hàng và hoàn thành đơn hàng.
“Hợp tác với các đối tác tại Việt Nam và trên toàn cầu, chúng tôi muốn hướng tới mục tiêu đến năm 2024, đạt tổng giá trị giao dịch hơn 100 tỷ USD, hỗ trợ hơn 10 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp thế giới, và có trên 10.000 nhà cung cấp đến từ Việt Nam hoạt động thương mại B2B trên Alibaba.com.
Với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại và tất cả các đối tác tại Việt Nam, chúng tôi có mặt tại đây để thể hiện cam kết và đầu tư lâu dài với niềm tin mạnh mẽ vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam”, ông Zhang Kuo kỳ vọng.
Năm 2020, hai bên đã tổ chức các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp quan trọng và nhiều công ty xuất khẩu tiềm năng. Các lớp đào tạo tiếp theo tại Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Dương, Sơn La, Quy Nhơn và Buôn Mê Thuột dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức vào đầu năm nay.
Bà Trần Thị Yến Phi - Người sáng lập & Giám đốc điều hành Công ty TNHH DSW chia sẻ sau khi tham dự lớp đào tạo: “Tôi tham gia Alibaba.com chỉ với 1 tài khoản và giờ tôi đã thành công. Đơn đặt hàng đầu tiên trị giá 3.000 USD, sau 1 năm, doanh thu đã đạt 260.000 USD. Tôi đã học được các bài học thực tế từ nhà bán hàng Trung Quốc thông qua Alibaba.com như các phương thức thanh toán đa phương tiện hay các cách để livestream…”.
Trong khi đó, ông Đỗ Tuấn Lương - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Tổng hợp Kiên Thuận, thành viên cùng tham gia lớp đào tạo cho biết, trước khi tham gia Alibaba.com, 80% doanh thu của công ty đến từ thị trường nội địa, phần còn lại đến từ xuất khẩu. Sau khi gia nhập Alibaba.com, tỷ lệ này đã đảo ngược, doanh thu từ nền tảng đã đạt 1 triệu USD. Không thể phủ nhận rằng thương mại toàn cầu xuyên biên giới thông qua các nền tảng trực tuyến hiện nay đang là giải pháp hữu hiệu nhất, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn không chỉ trong thời điểm đại dịch bùng phát mà ngay cả trong tương lai.
Qua nghiên cứu, Alibaba.com nhận thấy rằng, điểm mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam là năng lực sản xuất ngày càng cải thiện về chất lượng và số lượng, danh mục sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và định hướng tăng cường tập trung vào xuất khẩu. Một số ngành hàng của Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng, bao gồm thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn và xây dựng.
Với mục tiêu cam kết hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong 5 năm và đẩy mạnh chuyển đổi số, trong năm 2021, Alibaba.com sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, cung cấp các dịch vụ và giải pháp trực tuyến phù hợp và hiệu quả.
“Thế mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam, các FTA được ký kết gần đây và tình hình khó lường của đại dịch là những yếu tố chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số hóa không chỉ phục vụ tốt cho các doanh nghiệp bán hàng mà còn cho phép họ tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững hơn.
Việt Nam là một thị trường có tiềm năng cao, tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn áp dụng số hóa trên tất cả các ngành và lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi mong muốn làm việc với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hơn nữa để xây dựng, và chuyển đổi hoạt động kinh doanh trở nên bền vững hơn, và tạo ra lợi ích lâu dài”, ông Stephen Kuo - Trưởng bộ phận Châu Á Thái Bình Dương, Alibaba.com chia sẻ.