TÓM TẮT:
Hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh thương mại đều phải có, là thỏa thuận của hai bên gồm bên mua và bên bán nhằm đạt được lợi ích mà các bên mong đợi. Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa phản ánh các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể trong quan hệ mua bán hàng hóa khi thiết lập hợp đồng. Pháp luật Việt Nam quy định các hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh nói chung và đối với loại hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Các bên được tự do thỏa thuận hình thức này hay hình thức khác để giải quyết khi xảy ra tranh chấp theo quy định của pháp luật. Bài viết bàn về giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Hợp đồng mua bán hàng hóa, tranh chấp, quy định pháp luật.
I. Khái niệm, đặc điểm về hợp đồng mua bán hàng hóa
1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa
Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
Hợp đồng mua bán hàng hóa về bản chất không khác gì so với hợp đồng mua bản tài sản nếu các bên thỏa thuận xác lập quyền và nghĩa vụ pháp lý, ghi nhận quan hệ chuyển quyền sở hữu và có thanh toán. (Luật Thương mại năm 2005).
Các đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa cần được nói đến là những điều khoản quan trọng của hợp đồng, bởi vì nó liên quan đến việc xác định rõ đối tượng của hợp đồng mua bán, cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên. Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, việc lựa chọn đơn vị đo lường phải căn cứ vào tính chất của hàng hóa và vào tập quán thương mại quốc tế đối với các mặt hàng cụ thể.
2. Khái niệm, đặc điểm tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
a. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ tự nguyện thỏa thuận. Cũng có thể xảy ra tranh chấp phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích từ ngữ trong hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, bổ sung chấm dứt hợp đồng.
b. Các đặc điểm của tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa có các đặc điểm sau:
- Có sự vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa.
- Có thiệt hại về tài sản của bên bị vi phạm.
- Có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại vật chất xảy ra.
- Có lỗi của bên vi phạm.
Ở Việt Nam, việc hòa giải tranh chấp hợp đồng được coi trọng. Các bên phải tự thương lượng, hòa giải với nhau khi phát sinh tranh chấp. Khi thương lượng, hòa giải bất thành, mới đưa ra tòa án hoặc trọng tài giải quyết. Ngay tại tòa án, các bên vẫn có thể tiếp tục hòa giải với nhau. Ở Việt Nam, bình quân mỗi năm, số lượng tranh chấp kinh tế được giải quyết bằng phương thức hòa giải chiếm đến trên dưới 50% tổng số vụ việc mà tòa án đã phải giải quyết.
3. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa
a. Nguyên nhân chủ quan
Các nguyên nhân chủ quan được đề cập đến bao gồm:
- Do sự chủ quan của các bên trong việc thiết lập hợp đồng mua bán hàng hóa.
- Do ý chí chủ quan của các chủ thể trong hợp đồng (cố tình không thực hiện các giao kết trong hợp đồng dẫn tới bên bị vi phạm buộc phải khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi).
- Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì tranh chấp phát sinh ngoài những nguyên nhân trên còn do: năng lực của doanh nghiệp trong quan hệ thương mại quốc tế còn nhiều hạn chế; sự thiếu hiểu biết về pháp luật và tập quán thương mại quốc tế.
b. Nguyên nhân khách quan
Các nguyên nhân khách quan được đề cập gồm:
- Sự biến động của những yếu tố như giá cả, tỷ giá, cung cầu của mỗi quốc gia là khác nhau ở mỗi giai đoạn ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các bên và có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp.
- Các sự kiện bất khả kháng xảy ra ngẫu nhiên trong thực tế sau khi hai bên đã ký kết hợp đồng mà không thuộc trường hợp đồng miễn trách nhiệm.
- Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, ngoài những nguyên nhân khách quan trên còn có thể kể đến các nguyên nhân sau: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng liên quan đến ít nhất hai hệ thống pháp luật của hai quốc gia; ngoài ra, còn có thể liên quan đến tập quán quốc tế điều chỉnh các quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên ký kết lại không tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ký kết hợp đồng dẫn đến việc ký kết hợp đồng không đúng, không đầy đủ, dẫn đến cách hiểu không thống nhất làm phát sinh tranh chấp giữa các bên; Sự thay đổi chính sách và pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế.
II. Quy định hợp đồng của Bộ Luật Dân sự năm 2015
1. Quy định chung về hợp đồng (Điều 385 đến Điều 429)
Bộ luật quy định các điều khoản chung về hợp đồng, định hướng cho việc xây dựng các quy định về hợp đồng trong các luật khác có liên quan và đủ để áp dụng trong trường hợp các luật khác có liên quan thiếu quy định về hợp đồng. Ngoài ra, một số quy định mới phù hợp với thông lệ quốc tế, với thực tiễn nước ta đã được bổ sung, nhất là các quy định về điều kiện giao dịch chung, điều chỉnh hợp đồng khi có thay đổi hoàn cảnh, phụ lục hợp đồng, hủy bỏ và hậu quả của hủy bỏ hợp đồng...
Về điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng: Bộ luật quy định điều kiện giao dịch chung theo hướng, đó là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này. Điều kiện giao dịch chung chỉ có hiệu lực với bên xác lập giao dịch trong trường hợp điều kiện giao dịch này đã được công khai theo trình tự, thể thức do pháp luật quy định để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó.
- Về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản: Điều 420 Bộ luật quy định: “Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án: Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; Sửa đổi hợp đồng để cân bằng và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
2. Về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (Điều 663 đến Điều 687)
Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được Bộ luật quy định tại Phần thứ năm với những nội dung mới cơ bản như sau:
-Về phạm vi áp dụng: Trong trường hợp có quy định khác nhau giữa phần này và luật khác có liên quan về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì áp dụng quy định của luật khác có liên quan với điều kiện các quy định của luật đó không trái với các nguyên tắc xác định và áp dụng pháp luật trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định trong Bộ luật dân sự;
- Về xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Điều 664 Bộ luật quy định như sau:
“1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc Luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó”.
3. Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa
Với tư cách là hình thức pháp lí của quan hệ mua bán hàng hóa, hợp đồng mua bán hàng hóa (HĐMBHH) có những đặc điểm nhất định, xuất phát từ bản chất thương mại của hành vi mua bán hàng hóa.
a. Chủ thể
HĐMBHH được thiết lập chủ yếu giữa các thương nhân. Theo quy định của Luật thương mại 2005 thì “thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên và có đăng ký kinh doanh” (Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại).
b. Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa
Đối tượng của HĐMBHH là hàng hóa. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, hàng hóa bao gồm tất cả các động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai và cả vật gắn liền với đất đai.
c. Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa
Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định: “HĐMBHH được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại HĐMBHH mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó” (Điều 24 LTM).
Riêng HĐMBHHQT phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương [30, tr19]. Các hình thức có giá trị pháp lý tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu (là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu giữ bằng phương tiện điện tử) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
d. Mục đích của hợp đồng mua bán hàng hóa
Đối với hai bên chủ thể là thương nhân với nhau thì mục đích là lợi nhuận. Trong HĐMBHH, ngoài chủ thể là thương nhân thì còn có các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân, trong trường hợp này mục đích của việc thực hiện HĐMBHH là dành cho mục đích sinh hoạt, tiêu dùng hay phục vụ hoạt động của các cơ quan tổ chức.
4. Trách nhiệm của bên bán do vi phạm hợp đồng
Bên bán phải gánh chịu trách nhiệm khi có hành vi vi phạm hợp đồng đã cam kết. * Các hình thức trách nhiệm pháp lý:
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng:
Theo quy định của Luật Thương mại, khi một bên trong hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định trong hợp đồng thì bên có quyền lợi bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc áp dụng biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu phí tổn phát sinh (Điều 297). Thông thường, đây là biện pháp được ưu tiên áp dụng trước khi áp dụng các biện pháp khác.
Bên bán có thể gia hạn một thời gian hợp lý để bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
- Phạt vi phạm:
Luật Thương mại năm 2005 có quy định khá rõ ràng về chế tài này tại Điều 300 và Điều 301. Mức phạt đối với bên bán vi phạm hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 Luật Thương mại 2005 (Điều 301).
- Buộc bồi thường thiệt hại:
Bồi thường thiệt hại là việc buộc bên bán trả tiền bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (Điều 300 và Điều 301 Luật Thương mại).
Các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: Có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế, mối quan hệ trực tiếp giữa hành vi vi phạm hợp đồng của một bên và thiệt hại vật chất của bên kia.
- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng:
Đây là một chế tài mới quy định tại Luật Thương mại, theo đó một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau: Xẩy ra hành vi vi phạm mà các bên thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng; Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
- Đình chỉ thực hiện hợp đồng:
Là một chế tài mới quy định tại Luật Thương mại, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng; Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Bên bị vi phạm vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Thương mại.
- Hủy bỏ hợp đồng:
Điều 312 Luật Thương mại quy định, bên có quyền lợi bị vi phạm có quyền tuyên bố hủy hợp đồng nếu việc vi phạm của bên kia là điều kiện để hủy hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận. Chế tài hủy bỏ hợp đồng còn được áp dụng trong các trường hợp một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Hủy bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng.
III. Các biện pháp hạn chế tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Do quy định pháp luật vẫn tồn tại những bất cập, vì vậy, trong thời gian chờ đợi để có những quy định hợp lý và phù hợp với thực tế hơn, các chủ thể tham gia vào quan hệ hợp đồng nên chủ động trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Đặc biệt, bằng biện pháp thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng, các chủ thể có thể hạn chế được một phần các rủi ro có thể xảy ra với mình trong quá trình thực hiện hợp đồng. Chẳng hạn như, các bên có thể thỏa thuận cả điều khoản về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Trong đó, các điều khoản về phạt vi phạm nên được quy định rõ ràng và nằm trong giới hạn pháp luật quy định, để khi có tranh chấp xảy ra thì tòa án có thể chấp nhận thỏa thuận trên một cách dễ dàng với tư cách là sự thỏa thuận của các bên theo quy định của pháp luật. Điều khoản bồi thường thiệt hại trên thực tế rất khó được thực thi do phải chứng minh các điều kiện để được bồi thường. Khi có tranh chấp xảy ra thì tòa án cũng sẽ cân nhắc rất kỹ vấn đề này. Vì vậy, các bên có thể hạn chế rủi ro bằng các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên, càng chi tiết, càng cụ thể bao nhiêu sẽ hạn chế việc vi phạm hợp đồng bấy nhiêu. Đồng thời, cũng dễ dàng cho việc xác định thiệt hại cũng như các điều kiện khác khi có vi phạm xảy ra để có thể được bồi thường thiệt hại một cách chính đáng nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Luật Dân sự năm 2015
2. Luật Thương mại 2005
3. Luận văn “Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam” - tác giả Ngô Thị Kiều Trang.
4. Luận văn “Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa theo thủ tục sơ thẩm tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội” - tác giả Trương Thị Hà.
DISCUSSING THE SETTLEMENT OF DISPUTES RELATED TO CONTRACTS FOR THE SALE OF GOODS
MA. NGUYEN VAN VIET
Director, Minh Tien Construction One member Co.,Ltd
ABSTRACT:
It is compulsory to make contracts for the sale of goods in business. The contracts are voluntary arrangements between buyers and sellers in order to obtain their expected interests. The contracts contain right and obligation of parties in their business relationship. Vietnamese laws stipulate solutions to settle business disputes in general and disputes of contracts for the sale of goods in business in particular, including negotiation, conciliation, arbitration and lawsuits. The parties can freely choose solutions to settle their business disputes in accordance with laws. This article discusses the current settlement of disputes related to contracts for the sale of goods in Vietnam.
Keywords: Contract for the sale of goods, dispute, legal regulation.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.