Bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ ở một số quốc gia trên thế giới và những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

ThS. MAI THỊ DIỆU THÚY (Giảng viên Trường Đại học Luật - Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà Nước Việt Nam luôn khẳng định ủng hộ chính sách bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này được thể hiện thông qua việc ban hành các chính sách, pháp luật cụ thể cũng như các chương trình hành động thực tế. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật cho thấy vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng lớn giữa nam và nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị. Bài viết đề cập đến những bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm tỷ lệ phụ nữ tham chính, để từ đó góp phần giúp Việt Nam thực hiện tốt mục tiêu thiên niên kỷ thứ III: “Tăng cường bình đẳng giới, nâng cao năng lực và vị thế cho phụ nữ”.

Từ khóa: Phụ nữ, quyền chính trị, bình đẳng giới, bất bình đẳng giới, công bằng, pháp luật.

1. Kinh nghiệm bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ ở một số quốc gia trên thế giới

1.1. Kinh nghiệm của Phần Lan

Phần Lan là quốc gia Bắc Âu có bề dày kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ hơn một thế kỷ qua. Vấn đề này được thể chế hóa trong chính sách, pháp luật từ rất sớm, đặc biệt cơ chế quản lý, đánh giá, giám sát về lĩnh vực này rất hiệu quả. Tại đây, phụ nữ được tạo cơ hội bình đẳng để tiếp cận và thụ hưởng các quyền con người trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả chính trị.

     Phụ nữ Phần Lan có đóng góp quan trọng trong hoạt động chính trị với 50% thành viên Chính phủ, thành viên Hội đồng thành phố và 47% nghị sĩ là phụ nữ. Phần Lan được đánh giá là quốc gia tiên phong trong vấn đề bình đẳng giới, bởi đây là quốc gia đầu tiên ở châu Âu trao cho phụ nữ quyền bầu cử và cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới trao quyền bầu cử cho phụ nữ vào năm 1906. Nữ tổng thống đầu tiên của Phần Lan (Bà Tarja Kaarina Halonen) là biểu tượng về bình đẳng giới với hai nhiệm kỳ kéo dài 12 năm (2000-2012). Nhờ những chính sách bảo vệ quyền con người, đặc biệt là phụ nữ, bà nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân và bà cũng có tên trong danh sách “100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới”, do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2009[1]. Hiện nay, Phần Lan tiếp tục có một tân thủ tướng chỉ mới 34 tuổi đó là bà Sanna Marin. Bên cạnh đó, trong Nghị viện của Phần Lan có nhiều phụ nữ được bầu liên tục hai nhiệm kỳ để tham gia công việc của Nghị viện. Trong nhiệm kỳ hiện tại, phụ nữ giành được 93 trên tổng số 200 ghế của Quốc hội, đạt tỷ lệ 47% tại cơ quan lập pháp. Trong đó, 48% ghế Quốc hội do những nữ nghị sĩ dưới 45 tuổi nắm giữ với 8 nữ nghị sĩ dưới 30 tuổi.

     Không chỉ tham gia các Cơ quan nhà nước mà phụ nữ còn tích cực tham gia hoạt động của các chính đảng. Phần Lan là quốc gia đa đảng với hơn 50 vạn đảng viên của các đảng phái khác nhau, trong đó có những chính đảng tỷ lệ nữ chiếm 30-40%, nhưng cũng có những chính đảng số lượng nữ chiếm 70%, đặc biệt nhất hiện nay là Chính phủ liên minh của Phần Lan được thành lập từ 5 đảng, cả 5 đảng này đều do những người phụ nữ lãnh đạo. Bốn người trong họ là phụ nữ dưới 35 tuổi.2 Các viên chức nữ trong bộ máy nhà nước cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao. Trong nhiều nhiệm kỳ của Chính phủ vừa qua, có nhiều vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quốc phòng đều do phụ nữ đảm nhiệm. Đặc biệt lần đầu tiên Phần Lan có nữ thủ tướng, đồng thời bà cũng là Chủ tịch của Đảng cầm quyền. Trong hệ thống Cơ quan tư pháp, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong các toà án và cơ quan công tố cũng khá cao. Đối với chính quyền địa phương, nói chung nữ viên chức chiếm khoảng một nửa. Không những thế, phụ nữ Phần Lan còn tham gia tích cực vào lực lượng quân đội trong cả Lục quân và Hải quân. Hiện nay, quân số Phần Lan chưa đến 4 vạn người, nhưng nữ binh lính chiếm đến 7 triệu người (chiếm tỷ lệ gần 20%), đây là tỷ lệ cao nhất thế giới, trong đó có nhiều nữ là sĩ quan và sĩ quan cao cấp. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là nữ, năm nay bà đã 62 tuổi, là nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên trên thế giới.

Trên phạm vi toàn cầu, Phần Lan đóng góp nhiều thông qua tổ chức Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN women). Cụ thể, vào năm 2014, Phần Lan đã hỗ trợ UN women 26,5 triệu euro để chi phí cho sự nghiệp bình đẳng giới.

Để có được những thành quả nêu trên, cơ chế bảo đảm thực thi quyền phụ nữ trên thực tế ở Phần Lan thực sự rất hiệu quả. Nhà nước đã rất chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy chuyên trách trong Chính phủ về bình đẳng giới, gồm: Bộ bình đẳng giới phụ trách về lĩnh vực bình đẳng giới, Thanh tra bình đẳng giới.

1.2. Kinh nghiệm của Na Uy

Na Uy cũng là quốc gia ở châu Âu rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và coi đó là một trong 4 vấn đề trọng tâm phát triển quốc gia. Đây cũng là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo cao và khá sớm trên thế giới, vượt qua cả Thụy Điển và Mỹ. Từ năm 1913, Na Uy đã cho phép phụ nữ tham gia bầu cử và đến năm 1930 phụ nữ đã có quyền ứng cử vào nghị viện. Năm 1979, Na Uy đã ban hành Luật Bình đẳng giới, nội dung chứa đựng những quy định bảo đảm cho phụ nữ và nam giới được bình đẳng trong phát triển. Vì thế, phụ nữ Na Uy tham gia tích cực vào đời sống chính trị, tỷ lệ nữ nghị sĩ của Nghị viện chiếm tỷ lệ 39,4%, tham gia Chính phủ đạt tỷ lệ 47%, có 9 nữ Bộ trưởng trong số 19 Bộ. Na Uy có Bộ Gia đình và Bình đẳng giới, đồng thời có Cơ quan thanh tra về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử. Nghị viên Na Uy đã thông qua một số quy định pháp luật buộc các công ty tư nhân phải bổ nhiệm ít nhất 40% giám đốc là nữ. Đồng thời đưa ra các chế tài xử lý mạnh, như: đối với các doanh nghiệp mới không có được 40% nữ giám đốc sẽ không được đăng ký kinh doanh; còn đối với các doanh nghiệp đã tồn tại, trong 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực, họ phải tuyển đủ số phụ nữ vào ban lãnh đạo, nếu vi phạm các doanh nghiệp này buộc phải đóng cửa.

Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới năm 1979 có một mục quy định: “Khi thành lập và bổ nhiệm, bầu cử các thành viên của một cơ quan nhà nước, ủy ban, hội đồng, ban… có từ 4 thành viên trở lên thì mỗi giới phải có đại diện với tỷ lệ ít nhất là 40%. Đối với ủy ban có từ 2 đến 3 thành viên thì phải có đại diện cả hai giới trong các ủy ban này”.[2]

Để bảo đảm cho những quy định của Luật Bình đẳng giới được thực thi, Na Uy tạo ra thiết chế bảo đảm khá hữu hiệu, đó là Bộ Gia đình và Bình đẳng giới - cơ quan được Chính phủ giao cho chức năng giám sát việc thực hiện. Nếu cơ quan, đơn vị nào không đạt tỷ lệ đã quy định, Bộ này đề nghị Chính phủ không cho phép thành lập. Do vậy, đến nay, cơ quan các cấp ở Na Uy đã đạt được tỷ lệ trung bình 43% nữ. Bên cạnh đó, một cơ quan thanh tra về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử trực thuộc Bộ Gia đình và Bình đẳng giới ra đời giúp Chính phủ nhận đơn khiếu nại hoặc phát hiện những vấn đề đang tồn tại để cùng giải quyết.

         Hơn nữa, Na Uy còn có hệ thống các luật chuyên ngành và các luật liên quan khác, với các điều khoản thống nhất, đồng bộ cùng hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền cho phụ nữ. Theo những bộ luật đó, ở Na Uy, nam và nữ cùng nghỉ hưu ở tuổi 67. Nếu đến 67 tuổi, ai còn muốn làm việc tiếp đều được chấp nhận. Chính phủ khuyến khích đi làm từ 16 tuổi, nghỉ hưu ở tuổi 74 và làm việc càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn có quyền nghỉ sớm từ tuổi 60 nếu họ muốn.

     Chế độ nghỉ thai sản và chăm sóc con cái cũng được Luật Bình đẳng giới bảo đảm rất tốt. Khi mang thai, nếu người phụ nữ đã đi làm ít nhất là 6 tháng trong vòng 10 tháng thai nghén sẽ được nghỉ chế độ và hưởng lương đầy đủ với số tiền không quá 6 lần số tiền bảo hiểm quốc gia cơ bản. Khi sinh nở, người mẹ được nghỉ 52 tuần hưởng 80% hoặc nghỉ 42 tuần hưởng 100% lương. Trong thời gian này, mẹ phải nghỉ 3 tuần trước khi sinh, bố phải nghỉ 4 tuần theo chế độ người cha. Ngoài ra, bố và mẹ được nghỉ từ 10 đến 20 ngày/năm chăm con ốm (kể cả với con nuôi). 

          Từ năm 1998, Na Uy còn có chương trình trợ cấp tiền nhà trẻ cho trẻ em từ 1 đến 2 tuổi. Nếu gia đình không gửi con vào nhà trẻ hoặc các gia đình gửi con dưới 30 giờ/tuần được trợ cấp 3.000 NOK/tháng (tương đương 7.500.000 đồng Việt Nam).

         Những cơ chế bảo đảm mang tính thực chất của Nhà nước Na Uy đưa ra sẽ tạo rất nhiều cơ hội lớn khuyến khích phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị một cách hiệu quả nhất.

1.3. Kinh nghiệm của Thụy Điển

            Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu tiên phong trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trên thế giới. Hơn 100 năm trước đây, Thụy Điển là một quốc gia nông nghiệp nghèo với nền dân chủ bị hạn chế. Nhưng với sự nỗ lực của Chính phủ, họ đã trải qua một hành trình dài bắt đầu từ những năm 1970 và đạt được những thành tựu quan trọng như ngày hôm nay.

Năm 1979, Quốc hội ban hành Bộ luật Bình đẳng về cơ hội cho nam và nữ ở thị trường lao động, “cấm phân biệt đối xử về giới tính ở thị trường lao động và yêu cầu mọi nhà tuyển dụng, ở khối nhà nước và tư nhân, đều phải tích cực quảng bá các cơ hội bình đẳng về việc làm cho nam và nữ”. Từ năm 1980, người con cả của Quốc vương, bất kể giới tính, sẽ là người kế vị đầu tiên. Thụy Điển có nữ Bộ trưởng đầu tiên từ năm 1947.

 Năm 2008, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua một dự luật mới, đó là Đạo luật về phân biệt đối xử. Đạo luật này thay thế cho các đạo luật trước đó, bao gồm Đạo luật về các cơ hội bình đẳng và 6 Luật có liên quan khác về chống phân biệt đối xử. Đạo luật này nhằm đấu tranh chống lại sự phân biệt, đồng thời thúc đẩy các quyền và cơ hội bình đẳng của mọi cá nhân; xác định những hình thức bị coi là phân biệt đối xử, bao gồm sự phân biệt đối xử một cách trực tiếp hay gián tiếp. Đạo luật cũng xác lập hàng loạt các nguyên tắc và chuẩn mực, theo đó nghiêm cấm sự phân biệt đối xử dưới tất cả các hình thức, bao gồm dựa trên giới tính, bảo vệ việc thụ hưởng, tiếp cận đối với cơ hội và các quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực giáo dục, hệ thống dịch vụ và phúc lợi xã hội, việc làm, hưởng lương…

Với những nỗ lực lớn của chính quyền đã mang lại những thành quả đáng ghi nhận và một nửa số Thủ tướng của nước này đã được bổ nhiệm là phụ nữ (12/24 người). Trong năm 2014, có đến 158/349 nghị sĩ nữ (chiếm tỷ lệ 43.6%). Để bảo đảm cho việc thực thi bình đẳng giới, chính phủ Thụy Điển còn đưa ra chính sách “Ngày nghỉ của cha mẹ” (Parental Leave), với 480 ngày nghỉ phép được trả lương, tương đương với 16 tháng sinh con dành cho cả bố và mẹ. Thụy Điển là quốc gia tiên phong khuyến khích bình đẳng giới ngay tại gia đình. Đi kèm với ngày nghỉ là hệ thống hỗ trợ toàn diện từ bảo hiểm xã hội đến trợ cấp của Chính phủ cho trẻ em, gia đình. Với mỗi trẻ em dưới 16 tuổi, cha mẹ được nhận 1052 SEK mỗi tháng. Dịch vụ như nhà trẻ công cũng rất phát triển để hỗ trợ các bậc cha mẹ. Số tiền được nhận trong thời gian nghỉ chăm con hoàn toàn chu cấp được cho các chi tiêu. Trong 13 tháng (390 ngày), cha và mẹ được hưởng 80% thu nhập khi đi làm, 90 ngày còn lại ở mức lương cơ bản, kể cả những người thất nghiệp cũng được trợ cấp trong thời gian này.

Thêm vào đó, thông qua pháp luật, Chính phủ còn xác lập cơ chế giám sát việc thực thi các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới của Thanh tra Quốc hội về bình đẳng (Equality Ombudsman). Bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động bình đẳng giới ở Thụy Điển vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như khoảng cách thu nhập theo giới tính, hàng tháng, một phụ nữ Thụy Điển chỉ có thể nhận khoảng 87% so với mức lương của đàn ông.

1.4. Kinh nghiệm của Vương quốc Thái Lan

            Hiến pháp Thái Lan xác lập các quyền bình đẳng giữa nam và nữ và đây là một sự bảo đảm pháp lý cao nhất và quan trọng nhất cho việc thúc đẩy bình đẳng giới. Từ những năm 90, nhiều chính sách, chương trình phát triển quốc gia về bình đẳng giới đã được triển khai thực hiện, bảo đảm cho phụ nữ được trao quyền thông qua các chương trình giáo dục đào tạo và quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt trong việc hoạch định những chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

            Thái Lan chú trọng xây dựng chế độ vận hành hiệu quả cơ chế bảo đảm quyền của phụ nữ nói chung và quyền chính trị của phụ nữ nói riêng, bao gồm: Thanh tra Quốc hội, Ủy ban Quyền con người quốc gia, Bộ Phát triển xã hội và an ninh con người. Trong đó, vai trò của Ủy ban quyền con người quốc gia là hết sức quan trọng, hiệu quả trong việc tham vấn và hoạch định các chính sách có liên quan nhằm thúc đẩy và bảo đảm quyền phụ nữ được ghi nhận trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật và các công ước quốc tế về quyền con người mà Thái Lan đã gia nhập. Ủy ban hàng năm cũng thụ lý và giải quyết hàng trăm vụ khiếu kiện xâm phạm quyền con người trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Thái Lan hiện có khoảng 20 tổ chức của nhà nước và hàng trăm tổ chức phi chính phủ liên kết với các cơ quan truyền thông tham gia kêu gọi cộng đồng tích cực bảo vệ quyền của phụ nữ. Ngoài ra, Thái Lan còn có các tổ chức xã hội dân sự, với vai trò quan trọng trong việc vận động các chính sách và phản biện xã hội đối với các dự án luật, chương trình hoặc kế hoạch hành động trực tiếp liên quan đến việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền phụ nữ.

2. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

            Thứ nhất, kinh nghiệm đối với việc xây dựng chính sách và pháp luật về bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ.

            Thực tiễn cho thấy, muốn bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ, trước hết cần nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế về quyền của phụ nữ vào nội dung các quy định của pháp luật quốc gia, quan tâm đến việc tiếp cận quyền con người của phụ nữ trong quá trình xây dựng các chính sách pháp luật trên lĩnh vực chính trị. Đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các chính sách đặc thù để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ, xây dựng chế tài đủ mạnh để trừng trị nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền chính trị của phụ nữ: Quy định đặc thù về tiêu chuẩn, tỷ lệ phụ nữ tham chính; về quyền bình đẳng của phụ nữ trong lao động, việc làm; về bình đẳng nhưng có ưu tiên tuổi nghỉ hưu như nam giới, bình đẳng trong hôn nhân gia đình (chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái, tham gia bàn bạc các vấn đề của gia đình…).

            Thứ hai, kinh nghiệm trong thực thi chính sách pháp luật về bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ.

            Các quốc gia đều có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách pháp luật có liên quan đến quyền chính trị của phụ nữ. Vì vậy, họ tránh được tình trạng chính sách, pháp luật treo, hạn chế ở mức độ cao nhất việc tạo ra những bảo đảm mang tính hình thức và không có tính khả thi. Phải tạo đủ điều kiện để triển khai thực hiện bình đẳng giới thực chất trong lĩnh vực chính trị. Trong đó, đặc biệt quan trọng là phát triển nền kinh tế nhằm tạo động lực cho phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức dân sự và gia đình trong việc thúc đẩy, tôn trọng và bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ.

            Thứ ba, kinh nghiệm xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ.

            Các nước đều chú trọng việc xây dựng, hoàn thiện và vận hành có hiệu quả cơ chế giám sát việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ, bao gồm thể chế và thiết chế bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ. Thực hiện tốt hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền chính trị của phụ nữ. Tuyên truyền để nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là nhận thức của người phụ nữ về quyền của họ, cũng như trách nhiệm của xã hội và của bản thân người phụ nữ.

            Thứ tư, dù là đối với quốc gia có bề dày kinh nghiệm (như các nước Bắc Âu), hay là nước còn nhiều rào cản trong bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ (như Vương quốc Thái Lan) đều khẳng định một điều: nhu cầu bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ là không có giới hạn, cuộc đấu tranh đòi trao quyền chính trị cho phụ nữ ngày càng phải đối mặt với những thách thức mới, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa. Do đó, các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa trong việc hoàn thiện các cơ chế bảo đảm thực chất cho một nữa dân số của nhân loại. Các quốc gia, dân tộc và toàn thế giới chỉ có thể phát triển bền vững khi tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ tiếp cận các nguồn lực để cống hiến và hưởng thụ.

          Như vậy, việc tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo tiếng nói đại diện, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của nữ giới. Hội nhập quốc tế và khu vực tạo nhiều vận hội mới, nhưng cạnh tranh cũng gay gắt hơn, nên những thách thức sẽ càng lớn đối với phụ nữ. Trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế, khoa học, công nghệ, nữ giới không những phải tích cực nâng cao kiến thức, kỹ năng, mà còn phải rèn cho mình ý chí quyết tâm cao; bởi lẽ, nếu mỗi người dân nói chung và phụ nữ nói riêng ở vị trí xuất phát thấp hơn, ít thời gian và cơ hội đầu tư, học tập hơn, nguy cơ bị loại khỏi môi trường hội nhập là không tránh khỏi. Hội nhập đòi hỏi phụ nữ phải năng động, bản lĩnh, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế. Trao quyền là quan trọng, nhưng phụ nữ cần chuẩn bị tâm thế, năng lực để đón nhận và thực hiện quyền năng chính trị được trao một cách hiệu quả nhất.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 http://duhocphanlanchd.edu.vn/dat-nuoc-con-nguoi/phan-lan-dat-nuoc-ma-phu-nu-len-ngoi.html/bài “Phần Lan-đất nước mà phụ nữ lên ngôi”

https://tuoitre.vn/vi-sao-phu-nu-tre-thong-linh-chinh-truong-phan-lan-20191220212855857.htm , “Vì sao phụ nữ trẻ thống lĩnh chính trường Phần Lan” 21/12/ 2019 07:50 GMT+7

3 Nguyễn Thị Mai, Na Uy - Vương quốc của bình đẳng giới, cập nhật ngày 07/06/2019,  http://hoilhpn.org.vn/NewsDetail.asp?Catid=227&NewsId=14014&lang=VN

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2015), Báo cáo số 157/BC-CP, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
  2. http://www.vn.udp.org/content/vietnam/vi/home/mdgoverview/overview/mdg3/

 

ENSURING POLITICAL RIGHTS OF WOMEN IN THE WORLD

AND LESSONS FOR VIETNAM

Master. MAI THI DIEU THUY

Lecturer, University of Law - Hue University

ABSTRACT:

Since the birth of the Socialist Republic of Vietnam, the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam have always pledged their support for the gender equality in all aspects of social life. This commitment has been proven through the promulgation of specific policies, laws and practical action programs about the promotion of gender equality. However, the practice of law enforcement still shows that women still have to face with inequalities on rights and obligations, especially on poliitcal rights and obligations. Therefore, besides the study of ensuring women’s political rights, it is necessary for Vietnam to learn from experiences of countries around the world to come up with effectively and practicable solutions in order to improve the gender equality in political rights and obligations, helping Vietnam better implement the Third Millennium Goal “Promoting Gender Equality and Women's Empowerment”. This article introduces experiences of some countries in ensuring the political rights of women.

Keywords: Women, political rights, gender equality, gender inequality, justice, law.