TÓM TẮT:
Tình hình tranh chấp tại Biển Đông ngày càng diễn ra phức tạp, vì vậy việc bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới. Có nhiều biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo đã và đang được Nhà nước thực hiện đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, với tình hình tranh chấp hiện nay, thì cần có nhiều biện pháp hơn nữa để bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo. Xuất phát từ mối quan hệ mật thiết của hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo và hoạt động bảo vệ ngư dân khi đánh cá trên biển, trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích mối quan hệ mật thiết giữa việc bảo vệ chủ quyền biển đảo với hoạt động bảo hộ ngư dân, từ đó, nâng cao hơn khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới hiện nay.
Từ khóa: Bảo hộ công dân, bảo hộ ngư dân, chủ quyền biển đảo.
1. Đặt vấn đề
Biển đóng vai trò quan trọng về nhiều mặt kinh tế, chính trị, quân sự… Với xu hướng tiến ra biển của các quốc gia, làm xuất hiện nhiều tranh chấp về chủ quyền trên vùng biển ngày càng phức tạp. Hiện nay, Biển Đông đang được cả thế giới quan tâm, nó có vị trí vô cùng quan trọng trong hàng hải cũng như về quân sự và nguồn tài nguyên phong phú. Trung Quốc ngày càng thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, cụ thể Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hoạt động nhằm thực hiến hóa tham vọng này, như: Đưa ra tuyên bố đường lưỡi bò chiếm hầu hết diện tích của Biển Đông vi phạm đến chủ quyền của các quốc gia láng giềng; ngang nhiên xây dựng các công trình, thiết bị nhân tạo ở các bãi san hô, đá ngầm… Việc làm của Trung Quốc đã đẩy tranh chấp tại Biển Đông lên cao. Chính vì lý do đó, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đó việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đang là một vấn đề đặt lên hàng đầu hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu này, Nhà nước cần sử dụng rất nhiều biện pháp từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế - xã hội. Một trong những biện pháp cần thực hiện đó là kết hợp hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo và hoạt động bảo vệ ngư dân khi đánh cá trên biển.
2. Sự cần thiết của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn với công tác bảo hộ ngư dân trong tình hình mới
Tranh chấp ở Biển Đông ngày càng diễn ra phức tạp, tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoà bình, an ninh và phát triển kinh tế của nước ta hiện nay. Biển Đông hiện nay tồn tại rất nhiều tranh chấp, bao gồm: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; tranh chấp về phân định các vùng biển chồng lấn; tranh chấp về thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo công ước luật Biển 1982 về khai thác, quản lý và sử dụng biển; tranh chấp do yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc[1]. Trước tình hình phức tạp như vậy, việc bảo vệ chủ quyền biển không đơn giản chỉ bảo vệ quyền mà còn phải bảo vệ lợi ích của quốc gia, của dân tộc ở trên biển, bao gồm: bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích về kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, lợi ích về giao thông hàng hải quốc tế, lợi ích về quốc phòng và an ninh quốc gia, lợi ích trong quan hệ đối ngoại, du lịch biển, đảo... của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của luật pháp quốc tế.
Thực tế cho thấy, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo không chỉ trông cậy vào các lực lượng chuyên trách, vấn đề có tính quyết định là phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển, mà ngư dân sẽ tích cực ra khơi, bám biển khi họ được Nhà nước bảo hộ. Sự hiện diện của ngư dân trên biển không những đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế, mà còn có ý nghĩa như một lực lượng bảo vệ quan trọng. Giữa đại dương mênh mông, nơi tận cùng hải phận của đất nước, mỗi tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những chứng cứ khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Những tổ, đội đánh bắt hải sản như những “xóm, làng” trên biển, đó là những cột mốc đánh dấu chủ quyền của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Từ đó, chúng ta có thể thấy mối quan hệ mật thiết giữa hoạt động bảo hộ ngư dân với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo.
3. Nội dung mối quan hệ giữa bảo vệ chủ quyền biển đảo với hoạt động bảo hộ ngư dân
Một là hoạt động bảo hộ ngư dân khi đánh cá trên biển là một nhiệm vụ của nhà nước khi thực hiện chủ quyền của mình. Trong luật quốc tế, quốc gia được hiểu là sự thống nhất giữa 3 yếu tố: Dân cư, lãnh thổ và quyền lực nhà nước[2]. Nhà nước là một thực thể đặc biệt, nó vừa là tổ chức quyền lực quản lý công dân bẳng pháp luật, vừa là một công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Như vậy, Nhà nước vừa có quyền vừa có nghĩa vụ đối với công dân. Đối với Nhà nước, công dân cũng có hai tư cách, vừa là chủ thể của quyền lực nhà nước vừa là đối tượng của quyền lực ấy. Vì vậy, công dân vừa có quyền vừa có nghĩa vụ đối với Nhà nước và cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý khi thực hiện không đúng hoặc trốn tránh nghĩa vụ đối với Nhà nước. Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân thì Nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Như vậy, Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ công dân của mình, cụ thể là ngư dân khi họ thực hiện việc đánh cá trên biển. Đây là một phần việc thực hiện quyền lực của Nhà nước.
Hai là, hoạt động bảo hộ ngư dân khi đánh cá trên biển với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo có tác động qua lại mật thiết với nhau. Bảo hộ ngư dân khi đánh cá trên biển là hành động khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo và đồng thời hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo là phương tiện để bảo hộ ngư dân. Như phân tích ở trên, ta thấy hoạt động bảo hộ ngư dân là một nhiệm vụ của Nhà nước khi thực hiện chủ quyền của mình. Vì vậy, khi Nhà nước thực hiện bảo hộ ngư dân đã trực tiếp thể hiện chủ quyền của mình đối với lãnh thổ mà cụ thể là chủ quyền đối với biển đảo.
Mặt khác, hoạt động bảo hộ ngư dân bao gồm: bảo vệ trực tiếp ngư dân khi họ thực hiện các hoạt động đánh bắt cá và cả hoạt động bảo vệ môi trường, không gian để ngư dân có thể thực hiện hoạt động đánh bắt cá. Khi Nhà nước bảo vệ chủ quyền của mình trên các vùng biển, đồng thời tạo ra môi trường hòa bình ổn định cho ngư dân khai thác cá. Tính đến tháng 12/2018, lực lượng kiểm ngư đã phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 80.000 lượt chiếc tàu cá, trong đó tàu cá nước ngoài là trên 42.000 lượt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, vi phạm chủ quyền vùng biển nước ta[3]. Như vậy, chúng ta có thể thấy Nhà nước cần phải thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo thì mới có thể tạo ra ngư trường cho ngư dân Việt Nam thực hiện hoạt động nghề cá. Sau khi tạo được môi trường tốt cho ngư dân ra biển thì một công việc hết sức quan trọng là bảo vệ ngư dân trong quá trình họ đánh cá trên biển. Thực tế có rất nhiều vụ ngư dân Việt Nam bị đánh chìm tàu, bắt giữ khi đánh cá trên biển. Đặc biệt ngày 27/4, trong khi đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, thuộc khu vực Việt Nam và Indonesia đang tiến hành phân định vùng đặc quyền kinh tế (tọa độ 06026’N - 106047’E, cách đường phân định thềm lục địa năm 2003 5,5 hải lý về phía Bắc), tàu cá Việt Nam mang số hiệu BĐ 97916 TS cùng 14 ngư dân bị tàu Indonesia mang số hiệu 381 bắt giữ và lai kéo với tốc độ cao khiến tàu cá Việt Nam bị chìm. Như vậy, trong trường hợp này Nhà nước phải tiến hành các biện pháp bảo hộ cho ngư dân như: Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Indonesia xác minh thông tin, điều tra làm rõ vụ việc; không lặp lại hành động tương tự trong tương lai, đồng thời thả ngay các ngư dân của tàu cá BĐ 97916 TS, đối xử nhân đạo và đền bù thỏa đáng cho tàu cá và ngư dân Việt Nam[4]. Khi thực hiện các hoạt động bảo hộ, Nhà nước Việt Nam đã trực tiếp thực hiện việc bảo vệ chủ quyền của mình đối với biển đảo.
Ngoài ra, trên biển, ngư dân vừa là những người làm kinh tế làm giàu cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự hiện diện của ngư dân Việt Nam trên các vùng biển chủ quyền của đất nước đặc biệt quan trọng. Phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, ứng xử với biển ra sao cần có những bước đi khoa học, thận trọng và có sự tham gia của người dân là vô cùng cấp thiết. Đặc biệt, tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tranh chấp ngư trường ở Biển Đông hiện nay diễn biến phức tạp. Cùng với đó là những khó khăn về biến đổi khí hậu, thiên tai, rủi ro cao về tính mạng và tài sản, tình trạng ô nhiễm môi trường biển… đã và đang tác động sâu sắc đến nhận thức, tình cảm, sự gắn bó với nghề biển của ngư dân. Do vậy, bảo hộ, đầu tư cho ngư dân và động viên nhân dân bám biển vươn khơi là việc làm cấp thiết.
4. Kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo thông qua hoạt động bảo hộ ngư dân
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa hoạt động của cơ quan nhà nước trong hoạt động bảo vệ ngư dân. Như phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng hoạt động bảo hộ ngư dân có quan hệ mật thiết với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thực hiện tốt việc bảo vệ ngư dân cũng chính là nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo, vì vậy Nhà nước cần tăng cường hơn nữa trong công tác bảo hộ ngư dân. Trước hết Nhà nước phải tăng cường xây dựng lực lượng quốc phòng an ninh vững mạnh đảm bảo cho việc phòng thủ, bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển tạo môi trường thuận lợi cho ngư dân thực hiện hoạt động đánh bắt cá. Theo đó xây dựng các công trình quân sự, bổ sung vũ khí, trang thiết bị, tăng cường lực lượng con người. Tiếp đó là tăng cường việc bảo vệ ngư dân khi họ thực hiện các hoạt động đánh bắt cá trên biển. Để làm được điều này thì cần có sự phối hợp nhiều cơ quan như: Cơ quan ngoại giao, cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đợi biên phòng… Đặc biệt là trong trường hợp ngư dân bị bắt, bị giam giữ hay có xung đột khi tham gia đánh bắt cá. Các cơ quan chức năng luôn coi nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân gặp tai nạn, rủ ro trên biển là nhiệm vụ cốt lõi. Việc bảo hộ ngư dân không chỉ trong trường hợp đánh bắt cá hợp pháp mà ngay cả trong trường hợp đánh bắt cá trái phép thì cơ quan nhà nước mà cụ thể là Bộ Ngoại giao nên nhanh chóng thực hiện các hoạt động bảo hộ. Hiện nay mô hình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” đã mang lại kết quả khá tốt trong thời gian qua. Trong thời gian tới, cần duy trì, nhân rộng và nâng cao hơn hiệu quả của chương trình này.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật về chức năng nhiệm vụ các cơ quan thực hiện bảo hộ ngư dân. Trong đó, chúng ta mới ban hành Luật Cảnh sát biển chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 1/7/2019, là một trong những cột mốc quan trọng nhằm thể chế hóa đường lối, quan điểm của Nhà nước về bảo vệ, quản lý biển đảo cũng như hoạt động bảo hộ ngư dân. Hy vọng với việc ban hành luật mới sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hoạt động bảo hộ ngư dân, cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thứ ba, cần thành lập quỹ bảo hộ ngư dân. Hiện nay đã có quỹ hỗ trợ ngư dân, quỹ bảo hộ công dân chung nhưng với tính đặc thù của mối liên hệ giữa hoạt động bảo hộ công dân và bảo vệ chủ quyền biển đảo nên cần thiết có quỹ dành riêng cho hoạt động này. Quỹ này thành lập nhằm thực hiện hỗ trợ ngư dân trong các trường hợp bị bắt giữ, bị giam hay gặp hoàn cảnh đặc biệt khi thực hiện hoạt động đánh cá trên biển.
Thứ tư, cần tuyên truyền kiến thức cho ngư dân khi đánh cá. Trước hết là kiến thức về chủ quyền quốc gia, chủ quyền biên giới hải đảo cho ngư dân. Hiện nay nhận thức của ngư dân về lĩnh vực này còn rất hạn chế chưa hiểu rõ vùng biển chủ quyền và vùng biển của quốc gia khác nên vẫn xảy ra trường hợp vi phạm vùng biển của quốc gia khác. Hầu hết các trường hợp đánh bắt cá trái phép đều do ngư dân chưa hiểu rõ pháp luật, nhận thức về pháp luật còn kém. Vì vậy, nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật để ngư dân hiểu rõ là điều vô cùng cần thiết. Về nội dung cần tập trung tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản, phổ thông về các văn bản pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta và Luật biển quốc tế; những cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên biển Đông; những văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng, các nước có liên quan; tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong ngư dân, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia có biển. Bên cạnh đó, chúng ta cần tuyên truyền đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng ý thức trách nhiệm công dân trong việc tuyên truyền cho các “tổ đội tàu, thuyền đoàn kết”, dân quân tự vệ; đấu tranh chống các hiện tượng sai trái, tiêu cực trên biển, đảo như: vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông trên biển; buôn bán hàng cấm, trốn lậu thuế; đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy, hải sản, phá hoại môi trường sinh thái biển; kịp thời thông báo tàu, thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, quyền tài phán vùng biển của nước ta; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch nhằm mục đích xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Tuyên truyền các chính sách khuyến khích nhân dân ra định cư ổn định trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển; tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Về phương pháp tuyên truyền thì việc tuyên truyền cần phải được xây dựng một cách khoa học, chặt chẽ với các địa phương và các lực lượng, cần xây dựng kế hoạch, đề cương tuyên truyền cho từng thời điểm, giai đoạn; phải phối hợp với hệ thống chính trị các địa phương, các nghiệp đoàn đánh cá, các tổ đội đánh cá tự quản, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng cùng vào cuộc. Không để hiện tượng số buổi tuyên truyền nhiều nhưng ngư dân tham gia thì ít, nội dung không đến được ngư dân, nhiều lực lượng quản lý một vùng biển nhưng việc phối hợp để tuyên truyền cho ngư dân ít được thực hiện, ít hiệu quả. Hơn nữa, việc tuyên truyền cần phối hợp mạnh mẽ giữa các địa phương ven biển, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lực lượng biên phòng… để công tác đạt được hiệu quả.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] T.S Nguyễn Lan Nguyên, Tranh chấp Biển Đông và việc vận dụng các thiết chế tài phán, Hội thảo quốc tế “Những phát triển mới của Luật Biển quốc tế - Góc nhìn quốc tế và Việt Nam”, Đà Nẵng, 2018
[2] http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTkGGSfNJXlq1996.1.9#
[3]https://tuoitre.vn/kiem-ngu-phat-hien-42-000-luot-tau-ca-nuoc-ngoai-vi-pham-trong-5-nam-2019041214311293.htm
[4]https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/de-nghi-indonesia-tha-ngay-ngu-dan-den-bu-thoa-dang-cho-tau-ca-viet-nam-527592.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Giáo trình Công pháp quốc tế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013.
- http://hvctcand.edu.vn/cong-tac-quan-ly-va-bao-ve-chu-quyen-bien-dao-viet-nam-trong-tinh-hinh-moi.html.
PROTECTING THE SEA AND ISLAND SOVEREIGNTY OF VIETNAM THROUGH PROTECTING VIETNAMESE FISHERMEN
NGUYEN THI HANH
Hue University, University of Law
ABSTRACT:
The dispute over the East Vietnam Sea has become more and more complicated. As a result, protecting the sea and island sovereignty of Vietnam is an important and urgent task in the coming time. There are many measures of protecting Vietnam’s sea and island sovereignty which have been effectively implemented by Vietnamese government. However, in the context of growing complicated disputes, it is necessary for Vietnamese government to have more effective measures of protecting the country’s sea and island sovereignty. Based on the close relationship of the island's sovereignty protection activities and the fishermen protection activities, this article focuses on analyzing this close relationship, thereby proposing solutions to improve the ability of protecting the sea and island sovereignty of Vietnam in the new situation.
Keywords: Protecting citizens, protecting fishermen, sea and island sovereignty.