Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo Cục Công nghiệp và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương; đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội và các doanh nghiệp tham gia Dự án.
Về phía Samsung Việt Nam, có Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, ông Choi Kyoung Soo - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm mua hàng của Tổ hợp Samsung Việt Nam, ông Kim Hyun - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại của Tổ hợp Samsung Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các mục tiêu tại Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam triển khai các hoạt động cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp, nhất là ngành chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0), xu hướng chuyển đổi số, tiến lên nhà máy thông minh (Smart Factory) của các doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu ngày càng rõ nét. Đặc biệt, dưới tác động của dịch Covid-19, nhu cầu này càng trở lên bức thiết hơn nhằm đảm bảo một quá trình sản xấut được kiểm soát hiệu quả và có tính linh hoạt, giảm thời gian chờ, tiết kiệm chi phí, có khả năng phân tích, dự báo và tự điều chỉnh.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc ứng dụng chuyển đổi số tại doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp, hầu hết các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những rào cản như thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp,...
Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã phối hợp xây dựng và triển khai Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023 với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng mô hình nhà máy thông minh trong 02 năm (2022-2023) nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Tham gia chương trình, các tư vấn viên sẽ được đào tạo trong 12 tuần, gồm 3 tuần học lý thuyết và 9 tuần học thực hành, nhằm nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng thiết lập nhà máy thông minh.
“Tôi cho rằng dự án hợp tác này có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, góp phần nâng tầm nền công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới. Tôi hy vọng các học viên và doanh nghiệp tham gia Dự án sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích cũng như những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Theo ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, tại dự án lần này, các chuyên gia của Samsung Hàn Quốc trong lĩnh vực nhà máy thông minh sẽ tham gia hướng dẫn trực tiếp tại nhà máy của các doanh nghiệp tham gia.
“Sự hỗ trợ này sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực lên một tầm cao mới”, ông Choi Joo Ho bày tỏ.
Đại diện Samsung đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm và có những hỗ trợ về mặt chính sách để các doanh nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh sau khi được đào tạo sẽ có cơ hội đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn đại diện của các doanh nghiệp tham gia dự án lần này sẽ tích cực phát huy tinh thần lãnh đạo và trách nhiệm cao, nỗ lực tối đa thực hiện dự án để đạt được kết quả cao nhất.
Đại diện các doanh nghiệp trong chương trình tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho hay, việc được lựa chọn tham gia vào dự án lần này sẽ giúp nâng cao trình độ quản trị và công nghệ cũng như hiệu quả hoạt động và vị thế của doanh nghiệp, hình thành được liên minh công nghiệp và công nghệ số. Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội liên kết phát triển sản xuất, tăng khả năng tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đội ngũ nhân sự của các doanh nghiệp cũng sẵn sàng để phối hợp tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu của dự án, tận dụng tốt cơ hội này để chuẩn hóa doanh nghiệp theo mô hình nhà máy thông minh, đáp ứng đủ các tiêu chí và có cơ hội trở thành đối tác của các doanh nghiệp hàng đầu như Samsung Việt Nam trong tương lai gần.
Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh là chương trình mới nhất nằm trong chuỗi các hoạt động tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam và đào tạo chuyên gia Việt Nam nhằm nhân rộng hiệu quả, củng cố sức mạnh tổng hợp và tiếp tục tăng cường các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương phối hợp với Samsung triển khai.
Từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam.
Giai đoạn 2018-2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020-2023.
Các dự án hợp tác đã ghi nhận những kết quả tích cực, góp phần tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.