Chương trình đào tạo là một phần của dự án tập trung vào các chính sách công nghiệp về Chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư do UNIDO thực hiện, với sự phối hợp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Dự án bao gồm các hội thảo kỹ thuật và chuyến tham quan học hỏi dành cho các nhà hoạch định chính sách từ Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam nhằm cập nhật thông tin, kiến thức về các chính sách cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số công bằng và bền vững trong ngành công nghiệp.
Theo đại diện UNIDO, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả kỹ thuật cũng như sự bền vững trong hoạt động sản xuất và sản phẩm trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số đang gặp phải những thách thức. Điển hình như việc các công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) có thể khiến những thành kiến và bất bình đẳng tiếp tục diễn ra. Hơn nữa, trong khi một số ngành công nghiệp có thể được hưởng lợi từ chuyển đổi số thì những ngành khác sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến tình trạng mất việc làm.
"Chú trọng đến những lợi ích và rủi ro này, UNIDO đã và đang tiếp tục triển khai các chiến lược và hành động nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các ngành, đồng thời cố gắng giảm thiểu những tác động không mong muốn. UNIDO cũng nỗ lực hạn chế những hậu quả tiêu cực của các yếu tố như khoảng cách số và khoảng cách giới tính số", đại diện UNIDO chia sẻ.
Để đạt được chuyển đổi số toàn diện và bền vững, UNIDO tin rằng cần đảm bảo bốn yếu tố hỗ trợ kỹ thuật số: cơ sở hạ tầng số, quản trị số, kỹ năng kỹ thuật số và hợp tác kỹ thuật số. Nếu không giải quyết các yếu tố quan trọng này trên quy mô lớn, tổ chức sẽ khó đạt được hiệu quả chuyển đổi mong muốn thông qua nâng cấp công nghệ số và xây dựng năng lực.
Từ năm 2017, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã hợp tác triển khai Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế”. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện chất lượng của chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam thông qua việc xây dựng năng lực thể chế (tổ chức các hoạt động đào tạo), soạn thảo các báo cáo công nghiệp cho khu vực công và tư (bằng năng lực mới, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm phát triển quốc tế), đề xuất chiến lược và chính sách cụ thể nhẳm tăng cường năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam.
Năm 2024, trên cơ sở đề xuất của UNIDO, Bộ Công Thương đã phối hợp với UNIDO thống nhất triển khai Chương trình đào tạo về “Chính sách chuyển đổi số trong ngành công nghiệp”. Chương trình được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16 đến 19/4/2024 dành cho đại diện các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam.
Thông qua các buổi đào tạo trong nước và chương trình học tập trải nghiệm tại Hàn Quốc, Chương trình giúp cập nhật hiện trạng và thông tin về chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, qua đó nâng cao nhận thức và xây dựng chính sách cần thiết cho cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt tập trung vào các chính sách công nghiệp có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.
Chương trình đào tạo gồm các bài trình bày của các chuyên gia quốc tế và cán bộ cấp cao của UNIDO, cùng các phiên thảo luận về khả năng áp dụng một số nội dung chính sách vào Việt Nam. Đáng chú ý, trong khoá đào tạo, các diễn giả đến từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc; Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc; Viện Phát triển Hàn Quốc; và Viện Tiến bộ Công nghệ Hàn Quốc sẽ chia sẻ các chính sách, chiến lược của Hàn Quốc về chuyển đổi số và cách quốc gia này triển khai vào lĩnh vực sản xuất.