Sáng 29/11/2019, trả lời phỏng vấn báo chí về các kết quả, định hướng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương kết nối Cơ chế một cửa Quốc gia, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Công Thương đã nghiêm túc, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thông qua chương trình cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương.
Đặc biệt, với quan điểm đổi mới, quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm qua, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất tham mưu cho Chính phủ cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Những hành động này không phải vì lợi ích của Bộ Công Thương, ngành Công Thương mà là vì doanh nghiệp, và tiến tới mục đích xa hơn, vì xã hội, đại bộ phận dân chúng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Song song đó, Bộ trưởng khẳng định, trên thực tế, sau khi các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục hành chính đơn giản hoá đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ để thuận lợi hoá cho doanh nghiệp.
Cụ thể, đến thời điểm này, tất cả 292 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên; trong đó có 166 DVCTT mức độ 3 và mức độ 4. Tất cả các dịch vụ công trực tuyến này đang được triển khai tại Cổng Dịch vụ công của Bộ Công Thương.
Đến nay, đã có 30.578 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng DVCTT của Bộ. Trong 10 tháng năm 2019, Bộ Công Thương đã xử lý hơn 1.200.000 bộ hồ sơ điện tử qua các DVCTT mức độ 3, 4 (tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ).
Trong 10 tháng năm 2019, Bộ Công Thương đã xử lý hơn 160.000 hồ sơ điện tử thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã gửi gần 120.000 hồ sơ điện tử thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.
Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với quan điểm và thực tiễn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ Công Thương đã chủ động lựa chọn những dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ có số lượng hồ sơ lớn, có tác động trực tiếp người dân, doanh nghiệp đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong thời gian qua như: Cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi; Đăng ký hoạt động khuyến mại. Đây là các nhóm thủ tục có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn nhất thực hiện tại của Bộ Công Thương. Hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp khai báo dưới hình thức trực tuyến trong những năm vừa qua đối với các nhóm thủ tục này.
Ngoài ra, đối với thủ tục Thông báo thực hiện khuyến mại, Bộ trưởng cũng thông tin, mặc dù đã được phân cấp về các địa phương, Bộ Công Thương cũng đã khuyến nghị Văn phòng Chính phủ làm đầu mối, triển khai thủ tục này trên Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chỉ khai báo một lần duy nhất cho tất cả các tỉnh trên toàn quốc, kết nối, liên thông dữ liệu điện tử đến các Hệ thống một cửa điện tử của các tỉnh thay vì khai báo trên từng tỉnh như hiện nay.
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm triển khai Cổng Dịch vụ công của Bộ từ cuối năm 2016, Bộ Công Thương cũng đã có những ý kiến tư vấn với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ nhằm lựa chọn ra những dịch vụ công có số lượng hồ sơ lớn để rà soát, đánh giá và đưa đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia thời gian tới, góp phần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các thủ tục hành chính do Bộ quản lý.