Bước qua "bão" phòng vệ thương mại 2019, Bộ Công Thương cảnh báo doanh nghiệp 2 vấn đề trong năm 2020

Nhìn lại một năm Việt Nam liên tục đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, năm 2020 doanh nghiệp trong nước sẽ cần chú ý 2 nội dung lớn để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

"Đứng vững" qua gần 160 vụ việc phòng vệ thương mại 

Năm 2019 diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế thương mại tại khu vực và trên thế giới có nhiều điểm rất phức tạp. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến leo thang và xu thế bảo hộ gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới. Trong bối cảnh đó, các nước tăng cường áp dụng biện pháp mang tính bảo hộ, và đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11 năm 2019, đã có 158 vụ việc phòng vệ thương mại (gồm 88 vụ việc về chống bán phá giá, 32 vụ việc tự vệ, 18 vụ việc trợ cấp và 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế) do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, số vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 là 15 vụ, gồm 10 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc tự vệ, 3 vụ việc chống trợ cấp. Về đối tượng hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, có tới 9/15 vụ là sản phẩm thép (chiếm 60%).

Năm 2019 có tới 9/15 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới các sản phẩm thép của Việt Nam
Năm 2019 có tới 9/15 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới các sản phẩm thép của Việt Nam

Trước tình hình này, Cục Phòng vệ thương mại đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cũng như cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời để các doanh nghiệp, ngành sản xuất có định hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp. Đồng thời, trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhờ đó, Việt Nam đã thu được kết quả khả quan trong nhiều vụ việc phòng vệ thương mại, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu được Hoa Kỳ đưa thuế chống bán phá giá về 0% trong năm 2019
Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu được Hoa Kỳ đưa thuế chống bán phá giá về 0% trong năm 2019

 

Doanh nghiệp cần tỉnh táo để không "dính bẫy"

Tuy nhiên, theo khảo sát do Cục Phòng vệ thương mại thực hiện năm 2018, mới có 54% doanh nghiệp, 28% tổ chức và 51% cá nhân tham gia khảo sát có nhận thức cơ bản về phòng vệ thương mại.

Do vậy, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ tiếp tục gia tăng vào năm 2020, cùng với sự chủ động từ cơ quan quản lý nhà nước, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động trong việc tìm hiểu và chuẩn bị cho các tranh chấp về thương mại, trong đó cần lưu ý hai nội dung lớn:

Một là, các biện pháp phòng vệ thương mại có thể tiếp tục gia tăng bởi các chính sách bảo hộ hiện nay vẫn đang phổ biến tại nhiều nước, tại nhiều khu vực trên thế giới. Các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì có thể vẫn tiếp tục gia tăng và do vậy các doanh nghiệp cần theo dõi sát, cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại để có phương án ứng phó ngay từ ban đầu.

“Chúng ta tham gia các vụ việc, và đồng thời đa dạng hóa các thị trường, bảo vệ tốt nhất lợi ích của chúng ta. Khi mà vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra thì cần phải tham gia tích cực, đầy đủ để có thể đạt được những kết quả tích cực”, Cục trưởng Lê Triệu Dũng khẳng định.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng lưu ý doanh nghiệp chủ động và tích cực phối hợp với cơ quan điều tra và cơ quan quản lý nhà nước khi xảy ra vụ việc phòng vệ thương mại
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng lưu ý doanh nghiệp chủ động và tích cực phối hợp với cơ quan điều tra và cơ quan quản lý nhà nước khi xảy ra vụ việc phòng vệ thương mại

Ngoài ra, vấn đề chống lẩn tránh của các nước vẫn tiếp tục được đề ra không chỉ ở thị trường Hoa Kỳ mà ngay tại thị trường EU, bởi việc mở cửa thị trường bằng lợi ích FTA cũng đồng nghĩa với việc các đối tác sẽ thắt chặt hơn kiểm soát để ngăn chặn hiện tượng gian lận nhằm hưởng ưu đãi từ FTA.

“Vì vậy chúng ta cũng rất cần lưu ý, để một mặt không tiếp tay cho những hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, mặt khác cũng phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để chúng ta phát hiện những hiện tượng, hành vi để xử lý ngay sớm, tránh để ảnh hưởng tới ngành sản xuất trong nước và các doanh nghiệp chân chính”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.

Khuyến nghị của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đối với doanh nghiệp nhằm chủ động, tích cực tham gia xử lý vụ việc phòng vệ thương mại:

- Xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

- Nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế điều tra, áp dụng của từng loại biện pháp, nhóm thị trường và loại mặt hàng thường bị kiện;

- Có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý vụ kiện phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược xuất khẩu;

- Phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung đối với các vụ kiện;

- Thuê chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết;

- Giữ liên hệ chặt chẽ và kịp thời thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại để các cơ quan này bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho doanh nghiệp.

Thy Thảo