PV: Thưa ông, 1 năm qua có thể nói là chưa bao giờ Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện và tranh chấp thương mại trên thị trường quốc tế đến vậy. Ông đánh giá sao về điều này?
Cục trưởng Lê Triệu Dũng: Có thể nói, năm 2019 diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế thương mại tại khu vực và trên thế giới có nhiều điểm rất phức tạp. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến leo thang và xu thế bảo hộ gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới. Trong bối cảnh đó, các nước tăng cường áp dụng biện pháp mang tính bảo hộ, và đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại.
Cho tới hết năm 2019 đã có trên 160 biện pháp phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra và áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam. Riêng trong năm 2019 có thể nói số lượng các vụ việc về phòng vệ thương mại, các vụ việc tranh chấp có liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh và có thể nói là cao nhất trong số các năm từ trước tới nay, gần 20 vụ việc bao gồm 16 vụ việc khởi xướng mới, các vụ việc rà soát, các vụ việc xử lý tranh chấp tại WTO.
Xu thế này cũng đã được Bộ Công Thương và Cục Phòng vệ thương mại đánh giá và dự đoán ngay từ cuối năm 2018 đầu năm 2019, trên cơ sở đó có bước đi chủ động để chuẩn bị trao đổi với các Bộ, ngành liên quan cũng như các Hiệp hội, doanh nghiệp để có biện pháp ứng xử phù hợp.
Chính vì vậy có thể nói mặc dù trong năm 2019 các vụ việc về phòng vệ thương mại, tranh chấp đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam diễn biến rất phức tạp như tôi đã trao đổi ở trên, nhưng chúng ta đã chủ động trong việc ứng phó, xử lý. Và như vậy, có thể nói là kết quả đạt được cũng rất tích cực.
Ví dụ như đối với một số mặt hàng quan trọng của ta như cá tra, cá basa hay tôm, về cơ bản các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của chúng ta xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU vẫn đang được hưởng mức thuế rất thấp, ví dụ như được hưởng mức thuế ở mức 0%.
Hay đối với những vụ việc điều tra chống lẩn tránh đối với mặt hàng thép chúng ta vẫn nghe vừa qua, thép cán nguội, thép không gỉ,… thì mặc dù Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh với mức thuế rất cao, thậm chí mức thuế theo lý thuyết là lên tới trên 400% (456%). Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của chúng ta, của các cơ quan quản lý nhà nước, của các Hiệp hội và bản thân các doanh nghiệp, nên đa số các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của chúng ta đã tham gia phối hợp ngay từ đầu, trả lời bảng câu hỏi và nhờ vậy được đưa vào danh sách các doanh nghiệp được chứng nhận nguồn nguyên liệu, từ đó không bị áp mức thuế cao như vậy.
Chúng tôi cũng tính toán, thống kê là có tới trên 95% kim ngạch xuất khẩu của chúng ta nếu như thực hiện nghiêm túc đầy đủ chứng nhận về nguồn nguyên liệu thì sẽ không bị áp thuế. Đây cũng là một kết quả rất tích cực.
Không chỉ tại thị trường Hoa Kỳ, mà tại thị trường các nước khác trong khu vực, thị trường xuất khẩu quan trọng như Canada, Phlippines hay một số nước khác chúng ta cũng có kết quả rất tích cực. Với Canada, dự kiến mức thuế về trợ cấp của chúng ta tương đối thấp, hay Ấn Độ cũng vậy.
Đối với thị trường Philippines là thị trường quan trọng nhất với mặt hàng gạo và một số mặt hàng khác của Việt Nam như xi măng, gạch ốp lát,… thì trong năm 2019 chúng ta cũng rất chủ động. Đặc biệt đối với mặt hàng gạo, thì đây là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của chúng ta. Ngay khi có thông tin có thể Philippines xem xét khả năng khởi xướng điều tra, lãnh đạo Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời làm việc trực tiếp với các cơ quan của Philippines, trao đổi, giải thích và làm rõ thông tin.
Trên cơ sở đó, vừa qua Philippines đã ngừng điều tra tự vệ đối với mặt hàng gạo. Đây là một bước tín hiệu tích cực để bảo vệ lợi ích xuất khẩu, và trong trước mắt giúp các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu sang Philippines với mức thuế rất thấp - đây cũng là một bước rất chủ động của chúng ta trong thời gian vừa qua.
Hay là đối với gạch ốp lát chẳng hạn, cũng nhờ sự trao đổi thường xuyên và chặt chẽ, sát sao của Việt Nam với phía Philippines, thì vừa qua Philippines cũng đã ngừng điều tra, không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng gạch. Đây cũng là một tín hiệu cũng rất tích cực.
PV: Bên cạnh đó, năm 2019 cũng đánh dấu nhiều lần Việt Nam chủ động áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nền sản xuất trong nước. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?
Cục trưởng Lê Triệu Dũng: Có thể nói trong bối cảnh mà các biện pháp bảo hộ trên thế giới gia tăng, chúng ta - các ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp cũng phải chịu sức ép rất lớn. Sức ép ở đây không chỉ đến từ thị trường xuất khẩu, mà sức ép còn đến ngay từ thị trường trong nước, thị trường Việt Nam. Do hàng hóa của nhiều nước không xuất khẩu được đi các thị trường lớn, họ quay sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, như tôi đã trao đổi, chúng ta cũng rất chủ động. Và năm 2019 có thể nói là một năm mà việc chúng ta đặt hoạt động phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước tại thị trường trong nước ở mức cao nhất. Kết quả ở những con số cho thấy cách tiếp cận rất tích cực này của chúng ta.
Năm 2019 Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra, đồng thời cũng kết thúc tổng cộng 8 vụ việc, trong đó có 5 vụ việc khởi xướng mới, 2 vụ việc đã được khởi xướng từ năm 2018 chúng ta kết thúc điều tra và áp dụng biện pháp vào năm 2019, và 1 vụ việc nữa là rà soát cuối kỳ và chúng ta tiếp tục thực hiện biện pháp về chống bán phá giá.
Với 8 vụ việc này thì có thể nói là con số lớn hơn tổng tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại của chúng ta áp dụng trong toàn bộ giai đoạn 2010 - 2018, chỉ riêng trong năm 2019. Đây cũng là một cách tiếp cận, một việc chúng ta chủ động để không chỉ chống đỡ ở tại thị trường xuất khẩu mà chúng ta chủ động để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định của WTO, đúng quy định của pháp luật Việt Nam: bảo hộ một cách có chọn lọc, có trọng điểm.
Trên cơ sở các biện pháp mà chúng ta đã thực hiện, chúng tôi cũng đánh giá, thường xuyên theo dõi thấy rằng các biện pháp này đã duy trì, giúp các ngành sản xuất trong nước trong đó có nhiều ngành quan trọng ví dụ như ngành DAP, phân bón, gỗ, thép,… duy trì sản xuất và tiếp tục tạo việc làm cho trên 150.000 lao động. Và đồng thời những biện pháp này cũng đã góp phần đóng góp và duy trì các ngành có đóng góp lên tới 7% GDP của Việt Nam.
Đây là những con số rất đáng ghi nhận và đồng thời cũng giúp ngân sách thu hàng nghìn tỷ. Đây cũng là một trong những yếu tố cho chúng ta thấy các biện pháp phòng vệ thương mại đã giúp các ngành sản xuất duy trì được sản xuất, đồng thời bảo vệ được ngành sản xuất trong nước, có khoảng thời gian hợp lý để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phát triển tại thị trường trong nước.
PV: Vậy ông nhìn nhận thế nào về bức tranh phòng vệ thương mại năm 2020 sắp tới và doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần lưu ý những điều gì?
Cục trưởng Lê Triệu Dũng: Năm 2020 sắp tới thì đầu tiên chúng ta thấy rằng bối cảnh là năm cuối cùng mà chúng ta thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, là một năm rất quan trọng và các mục tiêu về kinh tế - xã hội, về xuất nhập khẩu đặt ra cho chúng ta rất cao, và tất cả hệ thống, đặc biệt là Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại sẽ nỗ lực hết sức để cố gắng thực hiện mục tiêu này.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã giao nhiệm vụ chủ động áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nâng tầm các biện pháp này để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước một cách hợp lý và theo đúng quy định của các cam kết quốc tế. Đây là một định hướng lớn về công tác phòng vệ thương mại trong năm 2020.
Trong năm 2020, Cục Phòng vệ thương mại và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình lớn đã đề ra và sắp sửa được ban hành.
Đầu tiên đó là Đề án 824 về Tăng cường các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Ngoài ra, Cục cũng sẽ tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai đề án về cảnh báo sớm để cảnh báo, nắm bắt thông tin thị trường nước ngoài về các biện pháp bảo hộ, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại mà nước ngoài có thể điều tra để áp dụng với hàng hóa của Việt Nam.
Đồng thời, Cục cũng sẽ phối hợp với các đơn vị để thực hiện đề án về các biện pháp khẩn cấp, cấp bách nhằm ngăn chặn các hiện tượng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh phòng vệ thương mại. Việc ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ và lẩn tránh bất hợp pháp phòng vệ thương mại là một chủ trương lớn để bảo vệ các ngành sản xuất, các doanh nghiệp chân chính trong bối cảnh diễn biến thương mại và các nước đang áp dụng rất nhiều biện pháp chống lẩn tránh.
Đây là biện pháp trọng tâm, một trong những nội dung trọng tâm mà Cục sẽ chú trọng trong thời gian tới.
Về phía các doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng trong bối cảnh môi trường, các quan hệ kinh tế thương mại trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là giữa các nền kinh tế lớn, các thị trường lớn vẫn đang phức tạp. Bên cạnh đó năm 2020 cũng là một năm mà dự kiến Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam đi vào hiệu lực, trong đó EU dành rất nhiều ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, vì vậy chúng tôi nhìn thấy ở các doanh nghiệp cần lưu ý hai nội dung lớn:
Một là, các biện pháp phòng vệ thương mại có thể tiếp tục gia tăng bởi vì các chính sách bảo hộ hiện nay vẫn đang phổ biến tại nhiều nước, tại nhiều khu vực trên thế giới. Các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì có thể vẫn tiếp tục gia tăng và do vậy các doanh nghiệp cần theo dõi sát, cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại để chúng ta có phương án ứng phó ngay từ ban đầu.
Chúng ta tham gia các vụ việc, và đồng thời đa dạng hóa các thị trường, bảo vệ tốt nhất lợi ích của chúng ta. Khi mà vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra thì cần phải tham gia tích cực, đầy đủ để có thể đạt được những kết quả tích cực như chúng tôi đã đề cập chúng ta trong nhiều trường hợp đã đạt được trong năm 2019.
Ngoài ra, vấn đề chống lẩn tránh của các nước vẫn tiếp tục được đề ra không chỉ ở thị trường Hoa Kỳ mà ngay tại thị trường EU. Khi mà họ dành cho chúng ta những lợi ích theo FTA thì họ cũng sẽ ngăn chặn các hiện tượng gian lận để hưởng ưu đãi của Hiệp định. Vì vậy chúng ta cũng rất cần lưu ý, để một mặt không tiếp tay cho những hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, mặt khác cũng phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để chúng ta phát hiện những hiện tượng, hành vi để xử lý ngay sớm, tránh để ảnh hưởng tới ngành sản xuất trong nước và các doanh nghiệp chân chính.