Các loại hành vi pháp lý giả tạo trong Bộ luật Dân sự 2015

Bài báo nghiên cứu "Các loại hành vi pháp lý giả tạo trong Bộ luật Dân sự 2015" do Thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trường Kinh tế, Luật - Trường Đại học Trà Vinh; Nghiên cứu sinh Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết trình bày và phân tích các loại hành vi pháp lý giả tạo theo Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam, trong đó có sự so sánh với pháp luật một số nước trên thế giới. Kết quả nghiên cứu sẽ chỉ ra một số bất cập trong quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 và trình bày một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 về các loại hành vi pháp lý giả tạo.

Từ khóa: hành vi pháp lý giả tạo, giao dịch dân sự giả tạo, hợp đồng giả tạo.

1. Đặt vấn đề

Việc chủ thể thực hiện hành vi pháp lý giả tạo có nhiều dạng khác nhau như: nhằm che giấu hành vi pháp lý khác hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba... và đã gây ra nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội và cho chính chủ thể trong hành vi pháp lý giả tạo. Bài viết sẽ tập trung nghiên cứu các loại hành vi pháp lý giả tạo trong Bộ luật Dân sự 2015. Trên cơ sở phân tích quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và so sánh với pháp luật một số nước trên thế giới, bài viết sẽ chỉ ra một số hạn chế, bất cập và đề xuất khuyến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Dân sự về các loại hành vi pháp lý giả tạo.

2. Phương pháp nghiên cứu

Để hoàn thành bài viết này tác giả sử dụng những phương pháp nghiên cứu gồm: phương pháp phân tích luật viết, phương pháp so sánh, phương pháp lịch sử.

Phương pháp phân tích luật viết: Đây là phương pháp nghiên cứu được đề tài sử dụng phần lớn ở các nội dung nhằm phân tích và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực trạng quy định và áp dụng pháp luật, từ đó đưa ra những nhận định, đánh giá mang tính kết luận.

Phương pháp so sánh: Đây là phương pháp được sử dụng để so sánh quy định về các loại hợp đồng giả tạo trong các Bộ luật Dân sự Việt Nam 1995, 2005, 2015. Ngoài ra, phương pháp này được dùng để so sánh quy định của một số nước trên thế giới về các loại hành vi pháp lý giả tạo.

Phương pháp lịch sử: Phương pháp này được sử dụng để làm sáng tỏ khía cạnh lịch sử quy định của pháp luật về hợp đồng giả tạo, qua đó làm rõ tính kế thừa của quy định và xu hướng phát triển của quy định pháp luật về các loại hợp đồng giả tạo ở Việt Nam từ năm 1995 cho đến nay.

3. Tổng quan nghiên cứu

Hiện nay, đã có một số công trình nghiên cứu có liên quan đến nội dung nghiên cứu của bài viết, có thể kể đến một số công trình như sau:

Trần Hoài Thanh (2014), Ý chí của chủ thể trong giao dịch dân sự theo pháp luật Việt Nam hiện hành, Luận văn thạc sĩ Luật học - Đại học Quốc gia Hà Nội: Công trình nghiên cứu sơ lược các loại giao dịch giả tạo theo quy định của Bộ Dân luật 1972, Bộ luật Dân sự 1995, Bộ luật Dân sự 2005 và chỉ ra giao dịch dân sự giả tạo thuộc trường hợp vi phạm sự tự nguyện. Công trình trình bày đặc trưng cơ bản của giao dịch giả tạo là có sự thông đồng trước của các chủ thể, nếu không có yếu tố này thì sẽ không phải là giao dịch giả tạo.

Đỗ Văn Đại (2017), Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án tập 1,  Nhà Xuất bản Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam: Đây là công trình kết hợp giữa nghiên cứu các quy định của của luật hợp đồng và thực tiễn áp dụng các quy định luật hợp đồng thông qua việc bình luận các bản án. Công trình đã dành riêng một phần để nghiên cứu về nội dung giả tạo trong giao kết hợp đồng. Trong đó, trình bày một số bản án về hợp đồng giả tạo, phân tích và bình luận quy định của pháp luật và các bản án liên quan đến hợp đồng giả tạo về các vấn đề như khái niệm giả tạo, các loại giả tạo...

Nguyễn Việt Thu Hương (2022), “Hoàn thiện quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng vô hiệu do giả tạo”, Tạp chí Công Thương (điện tử), số 16/2022: Bài viết đã chỉ ra một số bất cập trong quy định của pháp luật về hợp đồng giả tạo như quy định về hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba, quy định về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu do giả tạo và quy định về thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do giả tạo.

Nhìn chung, các bài viết đã nghiên cứu những khía cạnh có liên quan đến hành vi pháp lý giả tạo. Tuy nhiên, chưa trọng tâm nghiên cứu về các loại hành vi pháp lý giả tạo và chưa chỉ ra những bất cập, hạn chế và đưa ra các khuyến nghị về các loại hành vi pháp lý giả tạo.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Thuật ngữ hành vi pháp lý giả tạo

Hành vi pháp lý giả tạo được pháp luật Việt Nam quy định với tên gọi là “giao dịch dân sự giả tạo”. Cụ thể, Điều 124 Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 quy định như sau: “1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. 2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”. Các bộ luật dân sự Việt Nam 1995, 2005 cũng có cách gọi tương tự như quy định trên. Việc không sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý giả tạo” mà sử dụng thuật ngữ “giao dịch dân sự giả tạo” đã tạo ra sự không bao quát hết nội hàm của hành vi pháp lý giả tạo. Bởi lẽ, hành vi pháp lý giả tạo bao gồm hợp đồng giả tạo và hành vi pháp lý đơn phương giả tạo. Tuy nhiên, thuật ngữ “giao dịch” được hiểu là “liên hệ gặp gỡ, tiếp xúc với nhau”[1]. Nếu theo cách tiếp cận này, thì thuật ngữ “giao dịch” trong trường hợp này hướng đến là các hợp đồng, chứ chưa bao hàm được hành vi pháp lý đơn phương. Tiếp theo bổ ngữ “dân sự”, đi kèm theo sau thuật ngữ “giao dịch”, nếu hiểu theo nghĩa rộng thì bổ ngữ “dân sự” trong trường hợp này dùng để chỉ các hành vi pháp lý trong lĩnh vực luật tư nơi mà các chủ thể có địa vị pháp lý bình đẳng và tự do về ý chí, tự chịu trách nhiệm. Và nếu hiểu theo nghĩa thuần tuý thì bổ ngữ “dân sự” đi theo sau thuật ngữ “giao dịch” trong trường hợp này được hiểu là các hành vi pháp lý nhằm phục vụ mục đích sinh hoạt, tiêu dùng mà không bao hàm các hành vi pháp lý như lao động, kinh doanh, thương mại... trong lĩnh vực luật tư.

4.2. Khái niệm hành vi pháp lý giả tạo

Hiện nay, trong các văn bản của Việt Nam chưa quy định về khái niệm của hành vi pháp lý giả tạo. Việc nhận diện hành vi pháp lý giả tạo của pháp luật Việt Nam là căn cứ vào mục đích mang tính chất đơn lẻ cho từng trường hợp như “che giấu giao dịch dân sự khác”, “trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba”, mà chưa có một khái niệm chung để mô tả bản chất pháp lý của hành vi pháp lý giả tạo. Việc chưa đưa ra một khái niệm chung về hành vi pháp lý giả tạo trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 với tư cách là đạo luật gốc trong lĩnh vực luật tư là một sự thiếu sót, điều này sẽ gây khó khăn trong việc nhận diện những hành vi pháp lý giả tạo chưa được liệt kê trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015.

Có thể thấy trong Điều 124 của Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 liệt kê 2 dạng chính dựa vào mục đích của hành vi pháp lý giả tạo là: (1) nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác; và (2) nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, bản chất của hành vi pháp lý giả tạo còn đa dạng hơn những gì được Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 liệt kê. Đơn cử, có những hành vi pháp lý giả tạo được tạo ra không phải nhằm che giấu một hành vi pháp lý giả tạo khác, cũng không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba mà chỉ để tạo ra những điều kiện pháp lý giả cho chủ thể... Về bản chất thì những gì mang tính chất liệt kê thì thường sẽ không thể dự liệu được tất cả các trường hợp và thường tạo ra sự thiếu sót. Vì vậy, để Bộ luật Dân sự cần phải bổ sung khái niệm hành vi pháp lý giả tạo để mô tả, dự liệu được một cách khái quát bản chất pháp lý của hành vi pháp lý giả tạo, thay vì chỉ liệt kê để tạo nhận thức chung của hành vi pháp lý giả tạo, đồng thời hạn chế được sự lúng túng khi nhận diện các hành vi pháp lý giả tạo trong thực tiễn.

Tương tự như pháp luật của Việt Nam thì Bộ nguyên tắc của châu Âu về hợp đồng cũng có quy định về hợp đồng giả tạo, tuy nhiên cũng không đưa ra khái niệm về giả tạo. Cụ thể, bộ nguyên tắc này quy định: “Khi các bên đã xác lập một hợp đồng bề ngoài che giấu thỏa thuận thực chất của họ, thỏa thuận bị che giấu có giá trị pháp lý giữa các bên”[2]. Theo Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định “Một tuyên bố ý định không thực, được làm với sự đồng lõa của bên kia, thì vô hiệu”[3]. Còn theo Bộ luật Dân sự Nhật Bản thì quy định “Việc tuyên bố ý chí giả tạo được tiến hành với sự cấu kết của bên kia là không có ý nghĩa và bị vô hiệu”[4]. Thông qua việc khảo sát quy định của pháp luật Việt Nam, quy định của pháp luật châu Âu về hợp đồng và quy định của một số nước trên thế giới thì có thể thấy các quy định này cũng chưa đưa ra khái niệm như thế nào là hành vi pháp lý giả tạo. Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 và Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng có điểm tương đồng là trình bày mục đích của giả tạo là “che giấu một giao dịch dân sự khác” hay “che giấu thỏa thuận thực chất của họ”. Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan thì nhắc đến yếu tố “ý định không thực” trong hành vi pháp lý giả tạo, còn Bộ luật Dân sự Nhật bản thì chỉ đề cập đến sự “cấu kết” của các bên trong quan hệ và cũng chưa đưa ra một khái niệm cụ thể nào về hành vi pháp lý giả tạo.

4.3. Các loại hành vi pháp lý giả tạo

Các loại hành vi pháp lý giả tạo được quy định trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 gồm 2 loại: (1) Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác; và (2) trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba.

Thứ nhất, hành vi pháp lý giả tạo được xác lập để nhằm che giấu một hành vi pháp lý khác. Trong quy định này, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 sử dụng thuật ngữ “Các bên” để mô tả hành vi pháp lý giả tạo, mà “các bên” tức ít nhất phải là từ hai bên trở lên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo, mà chỉ trường hợp hành vi pháp lý giả tạo là hợp đồng mới có yếu tố các bên (hai bên trở lên), còn trong trường hợp hành vi pháp lý giả tạo thuộc dạng hành vi pháp lý đơn phương thì yếu tố chủ thể chỉ là “một bên” mà không phải “các bên”. Quy định này cho thấy khoản 1 Điều 124 Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 là chưa phù hợp[5].

Hành vi giả tạo được xác lập nhằm che giấu hành vi pháp lý khác được pháp luật của một số nước quy định như sau: Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng (PECL) quy định “khi các bên đã xác lập một hợp đồng bề ngoài che giấu thỏa thuận thực chất của họ, ...”[6]; Bộ luật Dân sự Pháp quy định như sau: “Trong trường hợp các bên giao kết một hợp đồng bề ngoài để che giấu một hợp đồng khác thì hợp đồng bị che giấu, còn được gọi là phản thư...[7]; Bộ luật Dân sự Philippines quy định “Sự giả tạo của hợp đồng có thể là giả cách... Hợp đồng giả cách được xác lập để che giấu thỏa thuận thực sự giữa họ”[8]; Bộ luật Dân sự Đức quy định: “1. Nếu một tuyên bố về ý định được đưa ra cho người khác, với sự đồng ý của anh ta, chỉ được đưa ra về hình thức, nó là vô hiệu. 2. Nếu một giao dịch giả tạo che giấu một giao dịch hợp pháp khác, các quy định áp dụng cho giao dịch ẩn”[9]. Các quy định trên có cách quy định tương tự Bộ luật Dân sự Việt Nam về trường hợp xác lập hành vi pháp lý giả tạo để che giấu hành vi pháp lý khác. Khác với cách quy định trên thì trong Bộ luật Dân sự của một số nước khác lại quy định theo hướng mô tả hành vi pháp lý giả tạo chứ không liệt kê các trường hợp giả tạo. Có thể kể đến như quy định trong Bộ luật Dân sự Nhật Bản tại: “1. Bất kỳ sự thể hiện ý định giả tạo nào được thực hiện thông đồng với bên kia...”[10]; Bộ luật dân Campuchia “Hợp đồng dân sự căn cứ theo trình bày ý chí nguỵ tạo thông qua bên còn lại...”[11].

Thứ hai, hành vi giả tạo được xác lập nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Trường hợp hành vi pháp lý giả tạo thứ hai trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 là giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 không quy định khái niệm người thứ ba. Người thứ ba trong trường hợp này có ý kiến cho  là “những người không có bất kỳ mối quan hệ nào với giao dịch dân sự nhưng lại bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện giao dịch đó. Đó là người thứ ba có quyền bị người có nghĩa vụ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với mình”[12]. Người thứ ba trong trường hợp này không phải là chủ thể trong hợp đồng cũng không phải là người được hưởng lợi ích trong hợp đồng nhưng họ sẽ bị ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp từ việc xác lập hành vi pháp lý giả tạo. Người thứ ba trong trường hợp này rất đa dạng có thể là cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức. Việc trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba cần thỏa mãn 2 điều kiện “(i) nghĩa vụ đến kỳ hạn thực hiện; và (ii) định đoạt tài sản để không còn tài sản nào thực hiện nghĩa vụ”[13]. Việc xác lập hành vi pháp lý giả tạo trong trường hợp này sẽ đặt chủ thể vào tình trạng không có tài sản để thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba, thường là các nghĩa vụ từ các bản án, quyết định của toà án. Trong Bộ luật Dân sự Pháp, Bộ luật Dân sự Đức, Bộ luật Dân sự Philippines, Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Bộ luật Dân sự Campuchia được nghiên cứu trong bài viết này không quy định chi tiết dạng hành vi pháp lý giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với người khác. Ngoài ra, hành vi pháp lý giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba còn có thể được thể hiện dưới dạng các bên mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thỏa thuận giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng, chứng thực thấp hơn nhiều so với giá trị chuyển nhượng thực tế nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế đối với nhà nước... Từ những phân tích trên có thể nhận thấy, hiện nay trong pháp luật Việt Nam quy định 2 loại hành vi pháp lý giả tạo là hành vi pháp lý giả tạo nhằm che giấu hành vi pháp lý khác và hành vi pháp lý giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Tuy nhiên, việc không quy định khái niệm hành vi pháp lý giả tạo và chỉ giới hạn 2 loại hành vi pháp lý giả tạo nêu trên là chưa bao quát hết được các loại hành vi pháp lý giả tạo trên thực tiễn nhằm các mục đích khác ngoài mục đích che giấu hành vi pháp lý khác hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với người thứ ba. Cho nên, cũng đã có ý kiến cho rằng “Nhà làm luật đã đi quá sâu vào mục đích của thủ đoạn che giấu bằng giao dịch giả tạo, trong khi không dự liệu hết được các trường hợp, nên đã gây rắc rối cho hoạt động thực tiễn pháp lý”[14].

5. Khuyến nghị

Từ những phân tích và đánh giá trên có thể nhận thấy Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 còn một số hạn chế, bất cập trong quy định về các loại hành vi pháp lý giả tạo như sau:

Thứ nhất, việc sử dụng thuật ngữ “giao dịch dân sự giả tạo” là chưa thực sự chuẩn xác để có thể mô tả được nội hàm của hành vi pháp lý giả tạo;

Thứ hai, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 chưa quy định khái niệm hành vi pháp lý giả tạo, điều này gây khó khăn trong việc nhận thức toàn diện về hành vi pháp lý giả tạo;

Thứ ba, việc sử dụng cụm từ “các bên” trong khoản 1 Điều 124 Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 để quy định về trường hợp hành vi pháp lý giả tạo nhằm che giấu hành vi pháp lý khác là chưa bao quát được trường hợp hành vi pháp lý đơn phương giả tạo;

Thứ tư, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 chỉ quy định về 2 loại hành vi pháp lý giả tạo là hành vi pháp lý giả tạo nhằm che giấu hành vi pháp lý khác và hành vi pháp lý giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba là chưa bao quát hết được các trường hợp giả tạo trên thực tế.

Từ những hạn chế, bất cập nêu trên bài viết trình bày các khuyến nghị sau đây:

Thứ nhất, thay đổi thuật ngữ “giao dịch dân sự giả tạo thành thuật ngữ “hành vi pháp lý giả tạo” và để giải quyết triệt để được vấn đề này thì tất cả các điều luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 có cụm từ “giao dịch dân sự” sẽ được sửa đổi thành “hành vi pháp lý”;

Thứ hai, cần đưa khái niệm hành vi pháp lý giả tạo vào trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015. Bài viết đề xuất khái niệm hành vi pháp lý giả tạo như sau: “Hành vi pháp lý giả tạo là hành vi được biểu lộ dưới dạng hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương được xác lập không xuất phát từ ý chí đích thực của chủ thể, không nhằm làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ mà nhằm che dấu hành vi pháp lý hoặc ý định khác hoặc là trốn tránh nghĩa vụ với thứ ba hoặc nhằm các mục đích khác”;

Thứ ba, sửa đổi cụm từ “các bên” tại khoản 1 Điều 124 Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 thành cụm từ “chủ thể” để có sự bao quát được hành vi pháp lý đơn phương giả tạo. Bất cập thứ tư nêu trên sẽ được giải quyết khi có khái niệm về hành vi pháp lý giả tạo đã được trình bày trên.

 

Tài liệu trích dẫn:

1 http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Giao_d%E1%BB%8Bch

2 Điều 6:103 Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng.

3 Điều 155 Bộ luật Dân sự Thái Lan.

4 Điều 94 Bộ luật Dân sự Nhật Bản.

5 Xem thêm: Ngô Huy Cương (2013). Giáo trình Luật hợp đồng - Phần chung (dành cho đào tạo Sau Đại học). Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 357 (Tác giả này cho rằng việc quy định các bên xác lập giao dịch một cách giả tạo nhằm che giấu giao dịch khác là chưa bao quát được trường hợp hành vi pháp lý đơn phương giả tạo).

6 Điều 6:103 Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng.

7 Điều 1201 Bộ luật Dân sự Pháp.

8 Điều 1345 Bộ luật Dân sự Philippines.

9 Điều 117 Bộ luật Dân sự Đức.

10 Điều 94 Bộ luật Dân sự Nhật Bản.

11 Điều 353 Bộ luật Dân sự Campuchia.

12 Nguyễn Thị Yến Linh, Ngô Quốc Chiến (2017). “Người thứ ba trong Bộ luật Dân sự 2015”. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế số 86 (Tạp chí điện tử).

13 Nguyễn Minh Tuấn (2016). Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015 của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà Xuất bản Tư pháp, tr195.

14 Ngô Huy Cương (2013). Giáo trình Luật hợp đồng - Phần chung (dành cho đào tạo Sau Đại học). Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 357.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Quốc hội (1995). Bộ luật Dân sự Việt Nam 1995.
  2. Quốc hội (2005). Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005.
  3. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015.
  4. Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng.
  5. Bộ luật Dân sự Pháp 2016.
  6. Bộ luật Dân sự Philippines.
  7. Bộ luật Dân sự Đức.
  8. Bộ luật Dân sự Nhật Bản.
  9. Bộ luật Dân sự Campuchia.

 

Types of fictitious legal acts according to Vietnam's 2015 Civil Code

Master. Nguyen Huy Hoang

School of Economics and Law, Tra Vinh University

Abstract

This paper presented and analyzed types of fictitious legal acts according to Vietnam's 2015 Civil Code. The paper also compared Vietnamese current regulations to some countries’ regulations on fictitious legal acts. The paper pointed out some inadequacies and made some recommendations to strengthen Vietnam’s regulations on fictitious legal acts.

Keywords: fictitious legal acts, fictitious civil transactions, fictitious contract.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 4 năm 2024]