TÓM TẮT:
Nghiên cứu tìm hiểu về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC) tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) sử dụng dịch vụ kế toán trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Qua quá trình nghiên cứu, tác giả kết luận, Trình độ nhân viên kế toán có ảnh hưởng lớn nhất, các nhân tố tiếp theo bao gồm: Chất lượng phần mềm kế toán, Công tác kế toán, Áp lực cơ quan quản lý Thuế và cuối cùng là Quản lý thu nhập ảnh hưởng thấp nhất tới chất lượng thông tin trên BCTC của các DNVVN sử dụng dịch vụ kế toán trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Từ khóa: chất lượng thông tin, thông tin báo cáo tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kế toán.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong nước luôn đứng trước các áp lực cạnh tranh, việc đánh giá một DN có hoạt động hiệu quả hay không thông thường các nhà đầu tư và các đối tượng bên ngoài DN chủ yếu dựa vào các chỉ số thông tin trên BCTC (Laudon & Laudon, 2007). Tuy nhiên, vì nhiều lí do hoặc mục đích khác nhau mà chất lượng thông tin trên BCTC thiếu trung thực, chưa đầy đủ và kịp thời.
Các nghiên cứu trong và ngoài nước về chất lượng BCTC trước đây xác định các nhân tố, phạm vi ảnh hưởng và khả năng tác động của nó đến hệ thống kế toán và BCTC được xem xét trong những điều kiện cụ thể trong quá trình phát triển hệ thống kế toán tại từng quốc gia. Bởi lẽ, bản thân các nhân tố này thường xuyên thay đổi, có mối quan hệ đan xen với nhau và với nhiều nhân tố khác, mỗi nghiên cứu sẽ cho ra những kết quả khác nhau. Bên cạnh đó, theo tìm hiểu, tác giả thấy hiện nay ít có nghiên cứu được thực hiện với đối tượng là các công ty vừa và nhỏ sử dụng dịch vụ kế toán nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu chất lượng thông tin BCTC của các DNVVN nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, đặc biệt là xu hướng sử dụng dịch vụ kế toán ngày càng nhiều của các DNVVN là điều cần thiết để tăng chất lượng BCTC thì hoạt động tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện (Nanyondo, 2014).
2. Cơ sở nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu trước đây đã có những bài viết nghiên cứu tiến hành đánh giá chung về chất lượng BCTC. Sự hội tụ của các chuẩn mực kế toán, các cuộc khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng yêu cầu công bố thông tin và các yếu tố khác đã tạo ra sự tập trung quá mức vào BCTC. Ngoài ra, sự gia tăng các vụ bê bối kế toán trên toàn thế giới vào đầu thế kỷ 21 đã chỉ ra những yếu kém trong chất lượng BCTC. Chất lượng của BCTC quyết định và phụ thuộc vào giá trị của báo cáo kế toán. Điều cần thiết là phải cung cấp BCTC chất lượng cao để hỗ trợ người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định đầu tư và nâng cao hiệu quả thị trường. Chất lượng BCTC càng cao thì lợi ích mà nhà đầu tư và người sử dụng BCTC thu được càng có ý nghĩa. Hơn nữa, chất lượng BCTC là một khái niệm rộng không chỉ đề cập đến thông tin tài chính còn bao gồm các thông tin phi tài chính khác hữu ích cho việc ra quyết định.
Trong nhiều tài liệu kế toán các nghiên cứu đo lường chất lượng BCTC (Datar và cộng sự, 1991; Jonas và cộng sự, 2000; Alshbiel và cộng sự, 2011; Afiah và cộng sự, 2014; Kewo và cộng sự, 2017;…) các nghiên cứu đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng có thể kể đến như: quản lý thu nhập, nghiệp vụ kế toán, kiểm soát nội bộ, chất lượng công nghệ thông tin, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, các yếu tố chính trị, văn hóa...
3. Mô hình nghiên cứu
Trên cơ sở tổng quan của các nghiên cứu trước, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Tác giả đề xuất
H1 (-): Quản lý thu nhập có sự can thiệp của ban lãnh đạo có tác động nghịch chiều làm giảm chất lượng BCTC
H2 (-): Áp lực từ cơ quan quản lý thuế có tác động nghịch chiều giảm chất lượng thông tin BCTC
H3 (+): Trình độ nhân viên kế toán càng giỏi tác động cùng chiều chất lượng thông tin trên BCTC
H4 (+): Công tác kế toán được quản lý chặt chẽ, khoa học tác động cùng chiều chất lượng thông tin trên BCTC.
H5 (+): Phần mềm kế toán có tác động cùng chiều chất lượng thông tin BCTC
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Nghiên cứu định tính
Đối với mô hình nghiên cứu, tác giả dựa vào các nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây để xác định được các yếu tố có liên quan với vấn đề cần nghiên cứu. Để kiểm định lại mô hình nhằm tăng tính chính xác và phù hợp với thực tế doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tác giả tiến hành xin ý kiến chuyên gia có kinh nghiệm tại các DN, cũng như trong lĩnh vực kế toán nói chung.
4.2. Nghiên cứu định lượng
Xác định các nhân tố có ảnh hưởng đến chất lượng thông tin BCTC trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bằng nghiên cứu định tính từ việc kế thừa các nghiên cứu trước, tổng hợp các lý thuyết có liên quan, hỏi ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Sau đó sử dụng phương pháp định lượng, nghiên cứu này đưa vào nghiên cứu các nhân tố: áp lực từ cơ quan quản lý thuế, quản lý thu nhập, trình độ nhân viên kế toán, phần mềm kế toán, công tác kế toán. Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS 22.0 để thu thập và xử lý, phân tích dữ liệu giúp người đọc có cái nhìn tổng quát về các nhân tố như loại hình và quy mô DN, trình độ học vấn, số năm kinh nghiệm, giới tính của đối tượng khảo sát. Bên cạnh đó, các nhân tố được kiểm định thông qua phương pháp đánh giá độ tin cậy Cronbach’s alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA. Phương pháp hồi quy bội được sử dụng để phân tích mô hình và các giả thuyết
5. Kết quả nghiên cứu
5.1. Kết quả phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha
Để kiểm tra độ tin cậy cho thang đo các nhân tố tác giả sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha để đo lường mức độ tin cậy thang đo:
Bảng 1. Kết quả phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu
Kết quả phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha của các thang đo được thể hiện ở Bảng 1 cho thấy tất cả các khái niệm đo lường đều đạt hệ số Cronbach Alpha từ 0.70 trở lên, cụ thể: hệ số Cronbach Alpha biến thiên từ 0.775 đến 0.879; do đó, không cần thiết phải loại thêm biến quan sát để nâng cao hệ số Cronbach Alpha. Ngoài ra, các biến quan sát đều có hệ số tương quan tổng (điều chỉnh) từ 0.30 trở lên. Như vậy, thang đo nghiên cứu đều đạt độ tin cậy yêu cầu.
5.2. Kết quả hồi quy bội
Tiến hành phân tích hệ số hồi quy cho từng biến độc lập, để đo lường mức độ tác động của từng biến độc lập lên biến phụ thuộc. Kết quả phân tích hồi quy được thể hiện trong Bảng 2.
Bảng 2. Kết quả hồi quy bội
Mô hình |
Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa |
Hệ số hồi quy chuẩn hóa |
t |
Sig. |
Kiểm tra đa cộng tuyến |
|||
B |
Sai số chuẩn |
Beta |
Độ chấp nhận |
VIF |
||||
1 |
Hằng số |
2.179 |
.268 |
|
8.118 |
.000 |
|
|
QL |
-.132 |
.040 |
-.160 |
-3.293 |
.001 |
.865 |
1.157 |
|
AL |
-.158 |
.032 |
-.232 |
-4.906 |
.000 |
.915 |
1.093 |
|
TD |
.343 |
.040 |
.407 |
8.571 |
.000 |
.912 |
1.097 |
|
CT |
.176 |
.033 |
.250 |
5.306 |
.000 |
.927 |
1.079 |
|
PM |
.195 |
.032 |
.299 |
6.072 |
.000 |
.843 |
1.186 |
|
a. Biến phụ thuộc: CL |
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu
Kết quả phân tích hồi quy Bảng 2 cho thấy với mức ý nghĩa sig. < 0.05 có thể nói các biến độc lập gồm: Quản lý thu nhập (QL), Áp lực cơ quan quản lý thuế (AL), Trình độ nhân viên kế toán (TD), Công tác kế toán (CT), Phần mềm kế toán (PM) đều có tác động lên biến phụ thuộc chất lượng thông tin BCTC. Tất cả các biến độc lập đều có ý nghĩa trong mô hình và có tác động đến chất lượng thông tin BCTC. Biến Quản lý thu nhập (QL), Áp lực cơ quan quản lý thuế (AL) có tác động trái chiều đến chất lượng thông tin BCTC do hệ số Beta < 0.
Tầm quan trọng của các biến độc lập lên biến chất lượng thông tin BCTC được xác định dựa vào hệ số Beta chuẩn hóa. Nếu giá trị tuyệt đối của hệ số Beta của yếu tố nào càng lớn thì càng ảnh hưởng quan trọng đến sự hài lòng. Do đó, ảnh hưởng quan trọng nhất đến chất lượng thông tin BCTC là yếu tố Trình độ nhân viên kế toán (TD) (Beta = 0.407), tiếp theo là yếu tố Phần mềm kế toán (PM) (Beta = 0.299), cuối cùng là yếu tố Quản lý thu nhập (QL) (Beta = -0.160).
Phương trình hồi quy của mô hình theo hệ số β chuẩn hóa như sau:
CL = -0.160*QL -0.232*AL + 0.407*TD + 0.250*CT + 0.299*PM (1)
Sau khi sử dụng phân tích hồi quy ta có thể kết luận về kiểm định các giả thuyết nghiên cứu như sau:
Bảng 3. Kết quả của các biến độc lập
Giả thuyết |
Phát biểu |
Beta chuẩn hóa |
Sig. |
Kết luận |
H1 (-) |
Quản lý thu nhập có sự can thiệp của ban lãnh đạo có tác động nghịch chiều làm giảm chất lượng BCTC |
-.160 |
.001 |
Chấp nhận |
H2 (-) |
Áp lực từ cơ quan quản lý thuế có tác động nghịch chiều giảm chất lượng thông tin BCTC |
-.232 |
.000 |
Chấp nhận |
H3 (+) |
Trình độ nhân viên kế toán càng giỏi tác động cùng chiều chất lượng thông tin trên BCTC |
.407 |
.000 |
Chấp nhận |
H4 (+) |
Công tác kế toán được quản lý chặt chẽ, khoa học tác động cùng chiều chất lượng thông tin trên BCTC |
.250 |
.000 |
Chấp nhận |
H5 (+) |
Phần mềm kế toán có tác động cùng chiều chất lượng thông tin BCTC |
.299 |
.000 |
Chấp nhận |
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu
6. Kết luận và hàm ý
6.1. Kết luận
Đo lường mức độ tác động của các nhân tố đối với chất lượng thông tin trên BCTC. Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến chất lượng BCTC là: nhân tố trình độ nhân viên kế toán có tác động cùng chiều mạnh nhất lên chất lượng BCTC (β = 0.407), nhân tố tác động cùng chiều mạnh tiếp theo là phần mềm kế toán (β = 0.299), tiếp tới là nhân tố công tác kế toán tác động cùng chiều (β= 0.250), nhân tố áp lực từ cơ quan quản lý thuế tác động ngược chiều đến chất lượng BCTC (β = - 0.232) và cuối cùng là nhân tố quản lý thu nhập có tác động yếu nhất ngược chiều đến chất lượng BCTC trong 5 nhân tố tới CL (β = -0.160).
6.2. Hàm ý
Đối với nhân tố Trình độ nhân viên kế toán: kết quả nghiên cứu cho thấy trình độ nhân viên kế toán có ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng thông tin trên BCTC của các DN. Về nhân tố này, tác giả đề xuất công tác tổ chức tuyển dụng phải công khai, minh bạch, theo đúng quy trình tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhân viên được tuyển dụng phải có đủ tố chất phù hợp với từng vị trí dự tuyển như về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trung thực, cẩn thận, nhiệt tình,... nhằm hạn chế rủi ro xảy ra cho DN sau này. Nhân viên kế toán cần không ngừng tự nâng cao trình độ chuyên môn thông qua việc đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên.
Đối với nhân tố Phần mềm kế toán: kết quả khảo sát cho thấy phần mềm kế toán là yếu tố quan trọng thứ hai ảnh hưởng tới chất lượng thông tin kế toán tại các DNVVN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, do đó các DN cần chú trọng đến việc sử dụng một phần mềm kế toán chuyên nghiệp như MISA, SAP,… để có thể đảm bảo tính phù hợp cho hoạt động kế toán tại đơn vị. Phải lựa chọn nhà cung cấp phần mềm đáng tin cậy, phần mềm xử lý thông tin nhanh, chính xác, đồng thời phần mềm phải có hệ thống kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn những rủi ro sai sót thông tin có thể xảy ra ảnh hưởng đến tính chính xác của thông tin, tính tin cậy của BCTC.
Đối với nhân tố Công tác kế toán: đối với quy trình công tác kế toán, hoàn thiện hệ thống chứng từ kế toán tại đơn vị cần phải được thực hiện, khắc phục thiếu sót, tồn tại ngay trong quá trình tổ chức hệ thống chứng từ kế toán theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Tổ chức sử dụng chứng từ kế toán đảm bảo đúng, đủ, phù hợp, làm cơ sở cho việc hạch toán. Tổ chức hoàn thiện chứng từ kế toán là khâu quan trọng, quyết định đến thông tin kế toán. Xây dựng hệ thống chứng từ đơn giản, rõ ràng, phù hợp với quy định của chế độ kế toán, chỉ tiêu phản ánh trong chứng từ phải thể hiện được yêu cầu quản lý nội bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, đơn vị cần triển khai xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, nhằm kiểm soát từ khâu thu thập dữ liệu đến khâu cung cấp thông tin và công khai tài chính. Mọi hoạt động của từng phần hành kế toán cần có quy trình rõ ràng, quy định cụ thể trách nhiệm quyền hạn của từng bộ phận, từng đối tượng có liên quan. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thu - chi tài chính và đảm bảo đơn vị vẫn lập báo cáo dù không có kiểm tra. Việc thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ tốt, sẽ hỗ trợ các đơn vị kiểm soát được việc chấp hành các quy định pháp luật về kế toán, giảm thiểu các sai sót và rủi ro có ảnh hưởng công tác kế toán tại đơn vị.
Đối với nhân tố Áp lực từ cơ quan quản lý thuế: trên địa bàn tỉnh TP. Hồ Chí Minh hiện nay, các DN lập BCTC chủ yếu phục vụ cho mục đích thuế, vì vậy nhân tố quy định về thuế có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng BCTC. Do đó, để nâng cao chất lượng BCTC, DN phải thực hiện tốt các chính sách thuế đối với cơ quan quản lý nhà nước. Công tác kế toán phải thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác, hóa đơn đầu vào, đầu ra và báo cáo thuế đúng theo quy định thuế. DN phải thường xuyên cập nhật các kiến thức thuế và những thay đổi về chính sách thuế để áp dụng đúng theo quy định. Ngoài ra, cơ quan thuế quản lý cần có sự hỗ trợ giải đáp thắc mắc kịp thời giúp cho DN thực hiện các quy định thuế một cách chính xác nhất. Cán bộ thuế cần có thái độ đúng đắn, trung thực với DN.
Đối với nhân tố Quản lý thu nhập: yếu tố quản lý thu nhập có tác động đến chất lượng thông tin BCTC của các DNVVN, điều này có nghĩa DN có nhu nhập càng cao thì càng minh bạch thông tin. Đối với các DNVVN của Việt Nam hiện nay, ý muốn và định hướng của nhà quản trị sẽ tác động đến việc xử lý nghiệp vụ kế toán và trình bày BCTC theo ý muốn của nhà quản trị, kế toán có thể điều chỉnh thu nhập thông qua các thủ thuật và phương pháp kế toán. Chính điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng BCTC của các DN. Vì vậy, để các DN phát triển bền vững, nhà quản trị không được định hướng cho việc xử lý và trình bày BCTC theo hướng có lợi cho mình mà phải trình bày một các trung thực tình hình hoạt động của DN. Vì vậy, các DN có tình hình tài chính lành mạnh, kết quả kinh doanh tốt và có dự án đầu tư triển vọng thì cần chủ động công bố thông tin ra bên ngoài, vì đây chính là tín hiệu phát ra ngoài nhằm thu hút vốn đầu tư, cũng như việc tiếp cận với nguồn vốn được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cần công bố thông tin bao gồm cả những thông tin tiêu cực, cảnh báo về những rủi ro để nhà đầu tư đặt lòng tin với DN của mình.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Đình Thọ (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. NXB Lao động Xã hội.
- AC Keller, KT Smith, LM Smith (2007). Do gender, educational level, religiosity, and work experience affect the ethical decision-making of U.S. accountants?. Critical Perspectives on Accounting, 18(3), 299-314.
- Afiah N. N., and Rahmatika D. N. (2014). Factors influencing the quality of financial reporting and its implications on good government governance. International Journal of Business, Economics and Law, 5(1), 111-121.
- Alshbiel and Al-Awaqleh (2011). Factors affecting the applicability of the computerized accounting system. American Journal ofEconomics, 3(1), 27-31.
- Ajay Adhikari, Marc I. Lebow, Hao Zang (2004). Firm characteristics and selection of international accounting software. Journal of International Accounting, Auditing and Taxation,13(1), 53-69.
- Cao Ying, Linda Omer & Thomas 2011. Does Company Reputation Matter For Financial Reporting Quality? Evidence From Restatements. Wiley Online Library.
- Datar Gerald A. Feltham, John S. Hughes (1991). The role of audits and audit quality in valuing new issues. Journal of Accounting and Economics, 14(1), 3-49.
- HairJ.F., Black W.C, Babin B.J and Anderson R.E. (2010). Multivariate Data Analysis. 7th ed. New York: Pearson.
- Jonas, Gregory, Blanchet (2000). Assessing Quality of Financial Reporting. Accounting Horizons, 14(3), 353-363.
- Kewo, Cecilia Lelly and Nunuy Nur Afiah (2017). Does Quality of Financial Statement Affected by Internal Control Systerm and Internal Audit?. International Journal of Economics and Financial, 7, 568-573.
- Laudon, JP Laudon (2007). Management Information Systerm: Managing the Digital Firm-9th Edition. International Journal of Computer, Communication & Control.
- Nanyondo, Venancio Tauringana, Nixon Kamukama and Stephen Nkundabanyanga (2014). Quality of financial statement, information asymmetry, perceived risk and access to finance by Ugandan SMEs. International Journal of Management Practice, 7(4).
- Qingliang Tang A, Huifa Chen B, And Zhijun Lin (2012). How To Measure Country Level Financial Reporting Quality?. Journal of Financial Reporting and Accounting.
Determinants of financial statement quality in small and medium-sized enterprises using accounting services in Ho Chi Minh City
Nguyen Thi Thao Nguyen
University of Labour Social Affairs - 2nd Campus
ABSTRACT:
This study examines the factors influencing the quality of financial statement information in small and medium enterprises (SMEs) utilizing accounting services in Ho Chi Minh City. The findings reveal that the qualifications of accounting staff have the most significant impact, followed by the quality of accounting software, the effectiveness of accounting practices, and pressure from tax authorities. Income management, while influential, has the least effect on the quality of financial statement information. These results provide insights into improving the accuracy and reliability of financial reporting for SMEs using outsourced accounting services.
Keywords: information quality, financial reporting information, small and medium-sized enterprises.