Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các hộ kinh doanh trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Đề tài Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các hộ kinh doanh trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội do Nguyễn Thị Hải Yến1 - Lê Ngọc Thiên1- Nguyễn Minh Châu1(1Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng hồi quy bộ dữ liệu được khảo sát từ 168 chủ hộ kinh doanh (HKD) trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, mô hình được xây dựng trên cơ sở khung lý thuyết dựa trên nguồn lực và lý thuyết thể chế nhằm nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của HKD. Nghiên cứu xác định các yếu tố: Chính sách hỗ trợ, chính sách thuế, nguồn lực tài chính, nguồn lực con người và cơ sở vật chất của hộ kinh doanh có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh doanh của HKD. Kết quả nghiên cứu đã gợi ý một số giải pháp đối với chủ hộ và cơ quan quản lý trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh cho khu vực nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Từ khóa: hiệu quả kinh doanh, hộ kinh doanh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, HKD đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Không chỉ đóng góp cho tăng trưởng, HKD cũng là nơi giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho hàng triệu người lao động. Bản chất pháp lý của HKD chưa thật sự rõ ràng và nhiều vấn đề về phát sinh trên thực tế như hạn chế về quy mô kinh doanh, thất thu thuế, không đăng ký kinh doanh theo quy định, dễ tổn thương, tính công bằng và cơ hội so với doanh nghiệp đang gây ra một số khó khăn trong quản lý và định hướng phát triển cho khu vực này. Chính vì thế, gần đây vấn đề chính thức hóa HKD được đặt ra trong nhiều công trình nghiên cứu, cũng như trong nhiều chương trình nghị sự của Chính phủ.

Theo số liệu của Niên giám thống kê thành phố Hà Nội, năm 2022 Hà Nội có 364.801 đã và đang đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của thành phố, giải quyết việc làm cho 685.635 lao động tại địa phương. Trong số đó, quận Bắc Từ Liêm có 10.026 hộ (chiếm 2,74% số hộ). Quận Bắc Từ Liêm là một trong những quận mới của Thủ đô được tách ra từ huyện Từ Liêm vào năm 2013 và hiện đang trở thành một trung tâm kinh tế và văn hóa quan trọng của Hà Nội. Các HKD tại quận Bắc Từ Liêm hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng như thương mại, dịch vụ, sản xuất và nông nghiệp, góp phần tạo nên sự sôi động và phong phú cho nền kinh tế địa phương.

HKD gặp rất nhiều khó khăn như trình độ công nghệ lạc hậu và chậm đổi mới; năng lực tài chính, năng suất lao động còn thấp; trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp,… nên chưa phát huy được hết vai trò đối với nền kinh tế, chưa mang lại thu nhập cao và ổn định cho hộ. Do đó, việc đánh giá HQKD và các nhân tố ảnh hưởng đến HQKD của hộ là việc làm rất quan trọng cần được nghiên cứu. Bài viết nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến HQKD của các HKD trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao HQKD, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.

2. Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết

Lý thuyết dựa trên nguồn lực được đề xuất bởi Wernerflt (1984) và Barney (1991) tập trung phân tích năng lực cạnh tranh dựa vào các yếu tố bên trong, đó là nguồn lực của tổ chức. Lý thuyết này cho rằng, nguồn lực chính là yếu tố quyết định đến lợi thế cạnh tranh và HQKD của tổ chức đó, đồng thời chỉ ra tầm quan trọng của các yếu tố nội tại. Dựa vào lý thuyết nguồn lực sẽ xác định được các yếu tố bên trong tác động tới HQKD của các tổ chức kinh tế.

Lý thuyết thể chế do North (1993) đề xuất cho thấy, thể chế là một tập hợp các quy tắc, quy trình tuân thủ các chuẩn mực hành vi đạo đức, được thiết kế để tối đa hóa lợi ích tập thể. Môi trường thể chế là căn cứ để xây dựng chiến lược hoạt động của các tổ chức kinh doanh và do đó, các yếu tố xã hội cùng với các yếu tố kinh doanh sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức (Rogers và cộng sự, 2007). Lý thuyết thể chế cho rằng, các tổ chức kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như hệ thống luật pháp, cơ quan quản lý nhà nước và các chuẩn mực văn hóa liên quan đến lĩnh vực hoạt động. Chính vì vậy, khi xét đến các nhân tố bên ngoài, HQKD của các HKD sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chính sách hỗ trợ của địa phương và các chính sách thuế từ nhà nước.

Các nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố ảnh hưởng đến HQKD của HKD vẫn chưa đồng thuận do các phương pháp nghiên cứu khác nhau ở các bối cảnh khác nhau. Sankar (2019) chỉ ra, chính sách kinh doanh, quan hệ với đối tác, quan điểm của chủ sở hữu và trao đổi quyền kinh doanh là các yếu tố ảnh hưởng đến HQKD của HKD cá thể tại Ấn Độ. Đào Duy Huân và Nguyễn Dũng Tâm (2020) khảo sát các HKD trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tại Sóc Trăng, kết quả nhận định các nhân tố bên trong như quy mô, nguồn vốn, nguồn nhân lực và thời gian hoạt động, cùng với các nhân tố bên ngoài như điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, chính sách thuế, thủ tục hành chính và dịch vụ hỗ trợ đều ảnh hưởng đến HQKD.

Các nhà nghiên cứu tập trung nghiên cứu làm rõ HQKD khu vực doanh nghiệp hơn là khu vực HKD. Do đó, nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng đến HQKD của HKD đến nay vẫn còn thiếu vắng cả trên thế giới và Việt Nam. Hơn nữa, các nghiên cứu đưa ra các kết quả khác nhau và chưa thống nhất, những kết quả này phù hợp với bối cảnh riêng của từng địa phương.

3. Phương pháp và mô hình nghiên cứu

3.1. Phát triển giả thuyết và thang đo biến

Lý thuyết thể chế cho thấy, các tổ chức kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như hệ thống luật pháp, cơ quan quản lý nhà nước và các chuẩn mực văn hóa liên quan đến lĩnh vực hoạt động. Chính vì vậy, khi xét đến các nhân tố bên ngoài, HQKD của các HKD bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chính sách hỗ trợ của địa phương và chính sách thuế. Các yếu tố bên trong thuộc đặc điểm nội tại của HKD, bao gồm: Năng lực tài chính, nguồn lực con người và cơ sở vật chất. Các nhân tố bên trong được luận giải trên cơ sở lý thuyết dựa trên nguồn lực.

- Chính sách hỗ trợ: Những chính sách hỗ trợ như cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, đào tạo kỹ năng không chỉ giúp giảm chi phí vận hành cho các HKD mà còn khuyến khích sự đổi mới và mở rộng quy mô kinh doanh. Các chương trình hỗ trợ tài chính và tư vấn kinh doanh tại nhiều địa phương đã giúp các HKD cải thiện hiệu quả hoạt động và tăng khả năng cạnh tranh. Từ đó, nhóm tác giả đã đề xuất giả thuyết về mối quan hệ giữa chính sách hỗ trợ và HQKD như sau:

Giả thuyết H1: Chính sách hỗ trợ có ảnh hưởng tích cực đến HQKD của HKD 

- Chính sách thuế: Chính sách thuế của Chính phủ có thể thúc đẩy sự phát triển của các HKD bằng cách giảm bớt gánh nặng tài chính và khuyến khích đầu tư vào cải tiến và mở rộng kinh doanh. Sự minh bạch và ổn định trong chính sách thuế giúp các HKD dự báo chính xác chi phí và lập kế hoạch tài chính hiệu quả, từ đó tối ưu hóa các nguồn lực và cải thiện hiệu quả hoạt động. Chính sách thuế phải ổn định, các thủ tục đơn giản, dễ thực hiện để các tổ chức kinh tế yên tâm sản xuất kinh doanh (Phan Thị Minh Lý, 2011). Từ đó, nhóm tác giả đã đề xuất giả thuyết H2 như sau:

Giả thuyết H2: Chính sách thuế càng minh bạch, ổn định càng góp phần nâng cao HQKD của HKD

- Năng lực tài chính: HKD có khả năng quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính linh hoạt có thể nhanh chóng điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với sự thay đổi của thị trường, từ đó duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động. Hơn nữa, nguồn lực tài chính vững mạnh giúp các HKD không chỉ vượt qua các cú sốc kinh tế mà còn tận dụng những cơ hội mới một cách hiệu quả. Khi HKD có năng lực tài chính càng tốt thì càng có khả năng đầu tư, mở rộng kinh doanh, tiếp cận công nghệ và cơ sở vật chất đầy đủ, từ đó góp phần nâng cao HQKD cho họ. Do đó, giả thuyết H3 được đề xuất như sau:

Giả thuyết H3: Năng lực tài chính có ảnh hưởng cùng chiều đến HQKD của HKD

- Nguồn lực con người: Năng lực của chủ HKD thể hiện qua kỹ năng quản lý, linh hoạt và biết tận dụng tối đa nguồn lực con người để thích ứng và phát triển; là khả năng tích hợp, xây dựng và tái cấu trúc các nguồn lực của tổ chức để đáp ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh (Teece và cộng sự, 1997). Như vậy, chủ HKD được kỳ vọng có năng lực quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh tốt dẫn đến HQKD của hộ tốt hơn.

Giả thuyết H4: Năng lực quản lý, điều hành của chủ HKD có ảnh hưởng tích cực đến HQKD của HKD

- Cơ sở vật chất: Cơ sở vật chất đề cập đến việc biểu hiện bên ngoài của các yếu tố vật chất trong môi trường của tổ chức kinh tế, bao gồm hình ảnh, trang thiết bị, tài liệu và cả thái độ của nhân viên. Ngoài ra, còn liên quan đến máy móc, phương tiện truyền thông, và các hệ thống thông tin mà tổ chức sử dụng (Cronin và Taylor, 1992).

Giả thuyết H5: Cơ sở vật chất có ảnh hưởng tích cực đến HQKD của HKD

3.2. Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu đề xuất gồm 5 biến độc lập ảnh hưởng đến HQKD của HKD tại quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội (Đào Duy Huân và Nguyễn Dũng Tâm, 2020):

HQKDi = β0 + β1CSHTi + β2CSTi + β3NLTCi + β4NLCNi + β5CSVCi + εi

Giải thích chi tiết kỳ vọng về biến trong mô hình nghiên cứu

- Biến phụ thuộc: HQKD - Là hiệu quả kinh doanh của HKD, được đo lường như sau:

+ HKD1: Chúng tôi luôn có doanh thu tăng trưởng trong 2 năm gần đây.

+ HKD2: Chúng tôi mở rộng thị trường tiêu thụ đáng kể trong 2 năm gần đây.

+ HKD3: Chúng tôi đạt được mục tiêu về tỷ suất lợi nhuận trong 2 năm gần đây.

- Biến độc lập: Là 5 biến đại diện cho cả các yếu tố bên trong và bên ngoài của HKD, trong đó: CSHT là biến chính sách hỗ trợ, được đo lường qua 4 thang đo; CST - Chính sách thuế được đo lường qua 4 thang đo; NLTC - Năng lực tài chính của HKD được đo lường qua 5 thang đo; NLCN - Nguồn lực con người  được đo lường qua 3 thang đo; CSVC - Cơ sở vật chất của HKD, được đo lường qua 3 thang đo.

3.3. Phương pháp nghiên cứu

* Mẫu và dữ liệu: Dữ liệu được thu thập thông qua khảo sát bảng hỏi dưới hình thức thu thập trực tiếp. Đối tượng trả lời là chủ các HKD trên địa bàn Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Sau khi làm sạch dữ liệu, mẫu sử dụng cho phân tích gồm 168 phiếu.

Về đặc điểm của chủ hộ trả lời khảo sát: 42,8 % chủ hộ là nữ; Về cơ cấu độ tuổi: 16,6% có độ tuổi dưới 25; 42,3% chủ hộ có độ tuổi từ 25 - 35 tuổi; 27,4% chủ hộ trong độ tuổi từ 36 - 50 tuổi và 13,3% chủ hộ trên 50 tuổi.

Trong mẫu nghiên cứu này, các HKD chủ yếu có thời gian hoạt động trên 5 năm (chiếm 55,4%), HKD có số lao động từ 3 - 10 người chiếm 70% trong mẫu. Về doanh thu bình quân năm, có 25,2% số HKD có doanh thu ở mức thấp nhất (dưới 100 triệu đồng/năm), 32,1% số HKD có doanh thu trong khoảng từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, còn lại số HKD có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Dữ liệu này phù hợp với đặc điểm của các HKD trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, chủ yếu là các HKD quy mô nhỏ.

* Phương pháp phân tích: Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng, hồi quy tuyến tính đa biến cho mô hình nghiên cứu. Dữ liệu được xử lý trên phần mềm thống kê SPSS 26. Quy trình phân tích định lượng được thực hiện gồm 3 bước chính: (i) Kiểm tra độ tin cậy của thang đo; (ii) Phân tích nhân tố khám phá; (iii) Phân tích hồi quy để xác định chiều hướng và mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập đến HQKD của HKD. Các kết quả hồi quy được báo cáo khi mô hình không vi phạm các giả định về vấn đề như tự tương quan và đa cộng tuyến để đảm bảo mô hình hồi quy là vững.

4. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha cho thấy, thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến HQKD của HKD được xây dựng từ các biến quan sát đảm bảo độ tin cậy cho phân tích nhân tố ở bước tiếp theo, hệ số Cronbach’s Alpha đều trên 0.8

Kiểm định Bartlett’s cho thấy, giữa các biến trong tổng thể có mối quan hệ tương quan với nhau (Sig. = 0,000 < 0,05) với hệ số KMO = 0,895 (0,5 < KMO < 1,0), chứng tỏ phân tích EFA cho việc nhóm các biến quan sát này lại với nhau là thích hợp.

Nghiên cứu tiến hành phân tích EFA đối với tất cả các biến quan sát trong mô hình. Các yếu tố được tải theo đúng khái niệm đo lường đề xuất với hệ số tải nhân tố trên 0.5 (ngoại trừ chỉ báo NLTC4 đo lường vào nội hàm của năng lực tài chính và chỉ báo CST4 đo lường vào nội hàm của chính sách thuế). Như vậy, phân tích EFA rút ra được 5 nhóm yếu tố tương ứng với 5 khái niệm, các biến đều đạt giá trị hội tụ và giá trị phân biệt được chấp nhận, cũng như sự tương quan với tổng thể (KMO = 0.786 > 0.5), p< 0.05 ở kiểm định Bartlett sau khi đã loại bỏ đi các chỉ báo xấu.

Tiếp theo, nghiên cứu thực hiện hồi quy. Bảng 1 cho thấy, hệ số R bình phương điều chỉnh = 0.664, có nghĩa là các yếu tố trong mô hình có thể giải thích được 66,4% tổng tác động của các yếu tố đến biến phụ thuộc là HQKD của HKD trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Hệ số Durbin-Watson = 1.930 cho thấy, mô hình không vi phạm khi sử dụng mô hình hồi quy bội và có cơ sở để khẳng định mô hình không có hiện tượng tự tương quan. (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả độ phù hợp của mô hình

Mô hình

R

R2

R2 điều chỉnh

Sai số chuẩn của ước lượng

Durbin-Watson

1

.819a

.671

.664

.37273

1.930

a. Predictors: (Constant), CSHT, NLTC, CST, NLCN, CSVC

b. Dependent Variable: HQKD

                                                    Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả trên phần mềm SPSS 26

Cuối cùng, phân tích hồi quy cho thấy, cả 5 nhân tố đều có quan hệ tuyến tính thuận chiều với đánh giá chung về HQKD do hệ số Sig <0.05.

Bảng 2. Kết quả phân tích hồi quy đa biến

Coefficientsa

Mô hình

Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa

Hệ số hồi quy chuẩn hóa

t

Sig.

Collinearity Statistics

B

Sai số chuẩn

Beta

Tolerance

VIF

1

(Constant)

-.183

.252

 

-.727

.468

 

 

CSHT

.270

.051

.312

5.314

.000

.651

1.528

NLTC

.333

.043

.406

7.748

.000

.820

1.219

CST

.166

.069

.142

2.413

.017

.654

1.536

NLCN

.206

.048

.215

4.250

.000

.877

1.140

CSVC

.090

.043

.108

2.110

.036

.862

1.160

a. Dependent Variable: HQKD

                                         Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả trên phần mềm SPSS 26

Kết quả hồi quy tại Bảng 2 cho thấy, giá trị Sig. tất cả các biến trong mô hình nghiên cứu đều < 0.05 cho thấy các biến đều tác động tới HQKD của HKD.

Như vậy, sau khi hồi quy bội cho kết quả 5 yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến HQKD của HKD tại quận Bắc Từ Liêm. Trong đó, năng lực tài chính là yếu tố quan trọng nhất trong HQKD, tiếp đến là chính sách hỗ trợ, nguồn lực con người và cơ sở vật chất. Kết quả kiểm định mô hình và giả thuyết cho thấy, giả thuyết H1, H2, H3, H4 và H5 đã được ủng hộ.

5. Kết luận và hàm ý giải pháp

Kết quả nghiên cứu cho thấy, HQKD của hộ bị ảnh hưởng bởi 5 yếu tố: (1) Năng lực tài chính, (2) chính sách thuế, (3) chính sách hỗ trợ, (4) nguồn lực con người, (5) cơ sở vật chất. Các yếu tố này đều có ảnh hưởng tích cực đến HQKD của khu vực HKD.

Từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm ở trên, để nâng cao HQKD thì trước tiên HKD cần chú trọng đến việc nâng cao năng lực tài chính, bằng việc khai thác có hiệu quả các nguồn vốn mà HKD có khả năng tiếp cận như nguồn vốn nội bộ và các nguồn vốn bên ngoài. Sử dụng tiết kiệm vốn trong các khâu sản xuất, kinh doanh nhằm giảm nhu cầu vốn, chi phí sử dụng vốn là cơ sở để tăng lợi nhuận và hiệu quả sử dụng vốn. Hiện nay, Hà Nội đang có các giải pháp về hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho HKD, tuy nhiên các HKD cần có chiến lược để tận dụng tối đa hiệu quả của các nguồn hỗ trợ này.

HKD cần tăng cường khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của địa phương thông qua nghiên cứu văn bản pháp luật; nâng cao năng lực quản trị; xây dựng đội ngũ chất lượng cao; phải minh bạch thông tin về hồ sơ để tiếp cận dễ dàng trong quan hệ tín dụng, nhận chính sách hỗ trợ. Việc chủ động tìm hiểu các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực là rất cần thiết để giải quyết kịp thời những thắc mắc của HKD và có những định hướng cụ thể để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong việc hưởng chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, HKD cần nâng cao trình độ hiểu biết về chính sách thuế, cần nắm vững các quy định về thuế, cập nhật, sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ thuế.

Chủ HKD cần được đào tạo để nâng cao các kỹ năng lãnh đạo, quản lý và điều hành. Trong tình hình cạnh tranh giữa các HKD ngày càng khốc liệt thì bản thân các chủ HKD cần hoạch định cho mình chiến lược dài hạn để phát triển bản thân đồng thời xây dựng các mối quan hệ với các bên liên quan bởi chủ hộ có năng lực và kỹ năng tối cũng là yếu tố gián tiếp tạo nên một HKD vận hành hiệu quả.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần cải thiện môi trường pháp lý và hành chính bằng cách đơn giản hóa thủ tục đăng ký và giảm bớt các rào cản pháp lý không cần thiết, từ đó giúp các HKD dễ dàng tiếp cận và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Tích cực tổ chức các khóa đào tạo về quản lý kinh doanh, kỹ năng marketing và sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản lý và khả năng cạnh tranh của các HKD. Việc tăng cường hỗ trợ tiếp cận thị trường thông qua việc phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng các chợ đầu mối, khu kinh doanh tập trung và các sàn giao dịch điện tử cũng là một biện pháp quan trọng. Tổ chức các hội chợ, triển lãm và sự kiện kết nối doanh nghiệp sẽ giúp các HKD mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ số và tổ chức các khóa đào tạo về công nghệ thông tin sẽ giúp các HKD nâng cao hiệu quả quản lý và thích ứng với xu hướng số hóa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đào Duy Huân và Nguyễn Dũng Tâm (2020), Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của hộ kinh doanh ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Tạp chí Khoa học và Kinh tế phát triển, số 08.
  2. Phan Thị Minh Lý (2011), Phân tích tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thừa Thiên Huế, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng; 151-157.
  3. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám thống kê Hà Nội năm 2022, Nhà Xuất bản Thống kê.
  4. Barney, J. B. (1991), Firm resources and sustained competitive advantag, Journal of Management, No.17. Page 99-120.
  5. Cronin, J. and Taylor, S. (1992), Measuring service quality: a reexamination and extension, Journal of Marketing, Vol. 56 July, pp. 55-68.
  6. North, D.C (1993), The new institutional economics and development, https://scholar.googleusercontent.com/scholar?q=cache:GrTzZ94JPCAJ:scholar.google.com/+north+1981+institutions&hl=vi&as_sdt=0,5
  7. Rogers, M., C. Greenhalgh, and C. Helmers (2007), The association between the use of IP by UK SMEs in 2001 and subsequent performance in 2002 to 2004, Report for UK Intellectual Prop
  8. Teece, D.J.; Pisano, G.; Shuen, A. (1997), Dynamic Capabilities and Strategic Management, Strategic management journal,18, 509-533
  9. Wernerfelt, B. (1984), A resource‐based view of the firm, Strategic Management Journal, 5(2), 171-180.

Factors affecting the business performance of business households in Bac Tu Liem district, Hanoi

Nguyen Thi Hai Yen1

Le Ngoc Thien1

Nguyen Minh Chau1

1Hanoi University of Industry

Abstract:

This study used the quantitative regression research method with a data set collected from 168 business owners in Bac Tu Liem district, Hanoi. The study’s proposed research model was built on the basis of a theoretical framework based on the source and institutional theories. This model was used to explore the factors affecting the business performance of business households. The study’s results showed that factors of support policies, tax policies, financial resources, human resources, and the facilities of business households all have positive impacts on the business performance of business households. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to help business households and state management agencies improve the business performance of business households and then better contribute to local economic development.

Keywords: business performance, business households, Bac Tu Liem district, Hanoi.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương