Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng rau an toàn: trường hợp nghiên cứu tại thành phố Bạc Liêu

Lê Thanh Sơn - Nguyễn Thùy Trang - Hồ Hồng Nhi (Bộ môn Kinh tế - Xã hội Nông thôn, Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu thực hiện phỏng vấn trực tiếp 133 người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Bạc Liêu để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng rau an toàn (RAT) của người tiêu dùng bằng mô hình hồi quy nhị phân Binary Logistic. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng RAT, gồm: (1) sự thuận tiện của nơi bán, (2) khoảng cách đến nơi mua hàng và (3) chi tiêu của người tiêu dùng. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phát triển mô hình kinh doanh RAT trên địa bàn thành phố Bạc Liêu như phát triển thêm các cửa hàng bán RAT và điều chỉnh giá RAT hợp lý để khai thác hiệu quả các phân khúc thị trường.

Từ khóa: rau an toàn, thị hiếu, tiêu dùng, thành phố Bạc Liêu.

1. Đặt vấn đề

Rau là sản phẩm tiêu dùng tiêu dùng hằng ngày và thiết yếu của mỗi người, là nguồn thực phẩm tươi xanh rất cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người (Nguyễn Văn Thuận & Võ Thành Danh, 2011; Phùng Chúc Phong, 2018; Bazzano, Serdula & Liu, 2003; Tohill et al., 2005; Bazzano et al., 2005). Rau an toàn (RAT) là khái niệm dùng để chỉ các loại sản phẩm rau tươi (bao gồm tất cả các loại rau ăn lá, thân, củ, hoa, quả, hạt; rau mầm; nấm thực phẩm) được sản xuất, thu hoạch, sơ chế phù hợp, đảm bảo đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo Quyết định số 106/2007/QĐ - BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 28/12/2007. Rau an toàn có thể chứa một lượng tồn dư trong quá trình canh tác nhưng ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và nhu cầu trong nước vẫn ở mức cao (World Bank, 2021). Nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu và mức chi tiêu dùng cá nhân càng tăng, đặc biệt là các sản phẩm sạch, chất lượng cao và thân thiện với môi trường (Cảnh Chí Hoàng và Trần Thị Mơ, 2015; Khai & Yabe, 2015; Nguyễn Trọng Khanh và Nguyễn Văn Hoan, 2014; Onozaka & McFadden, 2011; Onozaka et al., 2011; Rousseau & Vranken, 2013; Linnemann et al., 1999). Nhu cầu tiêu dùng RAT tăng cao đã góp phần định hình hành vi sản xuất của nông dân theo hướng an toàn và thân thiện với môi trường.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, mặc dù chỉ chiếm 12% diện tích đất tự nhiên, 19% dân số và 22% tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước nhưng đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, khoảng 30% lượng rau cả nước (GSO, 2019). Diện tích rau của ĐBSCL phát triển nhanh chóng và có xu hướng tăng diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn. Cụ thể, năm 2007, diện tích trồng rau của ĐBSCL là 233.809 ha thì đến nay (7/2021) diện tích trồng rau của khu vực đến 290.000 ha (Trần Thị Ba, 2008; Đỗ Hương, 2021). Các tỉnh có diện tích trồng rau lớn có thể được kể đến như Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long. Năng suất rau bình quân ở ĐBSCL tăng từ 16,25 tấn/ha năm 2007 lên 19 tấn/ha năm 2021 (Phạm Văn Dư và ctv., 2008; Trần Thị Ba, 2008; Đỗ Hương, 2021). Theo số liệu thống kê cho thấy, diện tích RAT chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng diện tích. Do vậy, để thúc đẩy phát triển diện tích trồng RAT việc xác định được nhu cầu của người tiêu dùng là rất cần thiết.

Bạc Liêu là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 46 về số dân, xếp thứ 48 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 39 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 20 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 897 nghìn dân, GRDP đạt 37.719 tỉ đồng (tương ứng với 1,6382 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 42,05 triệu đồng (tương ứng với 1.826 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,36%. Từ các kết quả này cho thấy Bạc Liêu cũng là một tỉnh có quy mô thị trường lớn và thu nhập bình quân đầu người đạt khá cao. Do vậy, xác định thị hiếu của người tiêu dùng đối với sản phẩm RAT là rất cần thiết.

Trên thực tế, nhiều loại rau chưa an toàn vẫn được bày bán rộng khắp. Mặt khác, các cơ sở sản xuất rau an toàn đã được thành lập nhưng vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ và chưa được phổ biến rộng rãi đến người tiêu dùng. Do đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của rau vẫn đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Để góp phần tìm hiểu hành vi và ý thức về mức độ an toàn trong việc sử dụng rau hằng ngày, cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố Bạc Liêu; đồng thời giúp các tổ chức kinh doanh và bày bán sản phẩm RAT có được định hướng cho chiến lược thu hút khách hàng tiêu dùng RAT trong những năm tiếp theo, nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng RAT của người dân thành phố Bạc Liêu được thực hiện. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu: (1) đánh giá thực trạng tiêu dùng RAT trong thời gian qua của người dân Thành phố Bạc Liêu, (2) phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng RAT của người dân trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, và (3) đề xuất một số giải pháp phát triển cho mô hình kinh doanh RAT.

2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý luận

Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nên khi mức sống được tăng lên thì nhu cầu về thực phẩm an toàn sẽ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, theo lối sống xưa nay, việc tìm được nguồn rau an toàn cho tiêu dùng là vấn đề lớn ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam (Lê Thị Anh, Hoàng Thị Thanh Tâm & Phạm Thị Hương Huyền, 2020). Điều này là do thị trường RAT có nhiều thông tin bất đối xứng, trong những thị trường như vậy, người tiêu dùng nào có sự tin tưởng cao sẽ đưa ra quyết định mua sản phẩm, một số người còn lại sẽ từ chối mua. Vì vậy, trong nghiên cứu này, tác giả sẽ phân tích xác suất người tiêu dùng lựa chọn mua RAT tại địa bàn nghiên cứu. Một số nghiên cứu trong nước trước đây cũng đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng RAT (Nguyễn Văn Thuận và Võ Thành Danh, 2011; Lê Thị Anh, Hoàng Thị Thanh Tâm & Phạm Thị Hương Huyền, 2020).

2.2. Phương pháp thu thập số liệu

Nghiên cứu sử dụng số liệu bao gồm số liệu thứ cấp và số liệu sơ cấp. Số liệu thứ cấp được thu thâp thông qua các báo cáo hằng năm của ngành Nông nghiệp Bạc Liêu, niên giám thống kê và những nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan. Nguồn số liệu sơ cấp được thu thập thông qua phỏng vấn KIP và điều tra trực tiếp 133 khách hàng tiêu dùng và không tiêu dùng rau an toàn trên địa bàn Thành phố thông qua phương pháp chọn mẫu thuận tiện bằng bảng câu hỏi được soạn sẵn tại các cửa hàng và hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.

2.3. Phương pháp phân tích

Để phân tích các yếu tố ảnh hướng đến quyết định tiêu dùng RAT, nghiên cứu sử dụng hàm hồi quy nhị phân Binary Logistic. Dựa trên cấu trúc dữ liệu, biến phụ thuộc Yi nhận 2 giá trị 0 và 1. Yi = 0 thể hiện người tiêu dùng không sử dụng RAT, Yi = 1 thể hiện người tiêu dùng sử dụng RAT tại địa bàn nghiên cứu. Mô hình nghiên cứu được trình bày như sau:

Lê Thanh Sơn

Từ phương trình (1), để dự đoán xác suất, chúng ta cần mô hình hóa một hàm biểu thị mối quan hệ giữa biến phụ thuộc (Yi) và các biến độc lập (Xim). Mô hình thực nghiệm thể hiện mối quan hệ giữa quyết định lựa chọn RAT và các biến độc lập được trình bày như sau:

Lê Thanh Sơn

Thông tin chi tiết các biến độc lập được trình bày cụ thể ở Bảng 1.

Bảng 1. Diễn giải các biến trong mô hình nghiên cứu 

Lê Thanh Sơn3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Những thông tin cơ bản về vùng nguyên liệu sản xuất RAT

Tổng diện tích sản xuất rau màu toàn tỉnh 4.740ha, cho tổng sản lượng hơn 55.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay, thành phố Bạc Liêu vẫn chưa hình thành được vùng chuyên canh cho sản xuất rau màu và chưa được đầu tư về hạ tầng để sản xuất rau sạch, RAT. Đa phần các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết. Đây là nguyên nhân chính mà các nông hộ sản xuất chưa thể ký kết hợp đồng với các siêu thị, các doanh nghiệp ngoài trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều khó khăn trong việc phát triển và kinh doanh các sản phẩm này trong địa bàn thành phố Bạc Liêu, do: (1) sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung nên gây khó khăn trong áp dụng các quy trình đảm bảo chất lượng trong quá trình sản xuất, sơ chế cũng như không tạo được khối lượng hàng hóa lớn; (2) nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên chưa thể mở rộng diện tích vùng sản xuất các loại rau màu chủ lực, dẫn đến chưa thể đa dạng hóa sản phẩm RAT; (3) chưa đảm bảo được đầu ra sản phẩm cho người trồng RAT. Ngoài ra, các yếu tố khác như thu nhập, chi tiêu, khoảng cách, sự thuận tiện của nơi bán,… cũng là những hạn chế ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường RAT.

3.2. Thông tin chung về người tiêu dùng và tiêu dùng rau

Kết quả nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng trực tiếp mua RAT có trình độ học vấn ở mức tương đối thấp chủ yếu từ cấp 2 trở xuống (44,4% đi học từ cấp 2 trở xuống, 16,5% cấp 3 và 39,1% trên cấp ba). Mức chi tiêu cho lương thực, thực phẩm hàng tháng của người tiêu dùng trung bình 2,1 triệu đồng (±1,2 triệu đồng). Khoảng cách trung bình từ nơi sinh sống của người tiêu dùng đến địa điểm bán RAT là 3,5km, con số này cho thấy để mua được rau an toàn người tiêu dùng còn phải đi khá xa. Số người trong gia đình trung bình là 4 người, cao nhất 9 người và thấp nhất là 2 người. (Bảng 2)

Bảng 2. Một số đặc điểm của người mua rau an toàn

Lê Thanh Sơn

Nguồn: Số liệu điều tra năm 2021, n=133

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành cần ít nhất khoảng 400g hằng ngày. Bảng 3 cho thấy nhu cầu sử dụng rau trong bữa ăn hằng ngày của người dân thành phố Bạc Liêu là ở mức tương đối cao. Cụ thể, có khoảng 24% người được phỏng vấn cho rằng họ tiêu dùng ít hơn 2,5kg rau trong tuần, tức là thấp hơn 360g mỗi ngày và khoảng 25,6% người được phỏng vấn cho rằng họ tiêu dùng từ 2,5kg đến 4kg rau mỗi tuần (tức là khoảng dưới 600g rau mỗi ngày). Đáng chú ý là có tới 50,4% người được phỏng vấn trả lời rằng họ đã tiêu dùng từ 4kg rau trở lên cho mỗi tuần, có nghĩa là hơn 600g rau mỗi ngày. (Bảng 3)

Bảng 3. Lượng tiêu thụ rau trong tuần của người tiêu dùng thành phố Bạc Liêu

Lê Thanh Sơn

Nguồn: Số liệu điều tra năm 2021, n=133

Theo kết quả nghiên cứu Bảng 4 cho thấy chợ truyền thống vẫn là nơi mua sắm rau thường xuyên đối với người tiêu dùng với tần suất lựa chọn là 111, chiếm 83,5% trong tổng 133 người tiêu dùng được phỏng vấn, do liên quan đến yếu tố thuận tiện hơn các nơi khác. Theo ý kiến của những người được phỏng vấn, việc mua rau tại chợ là vì yếu tố thuận tiện do gần nhà, việc mua rau được diễn ra nhanh chóng, đa số rau ở chợ lại có giá rẻ hơn những nơi khác, đôi khi còn có thể mặc cả và mua rau ở chợ truyền thống đã là một thói quen của người tiêu dùng. Tiếp sau đó là siêu thị, siêu thị là nơi được người tiêu dùng lựa chọn mua rau với mức tần suất lựa chọn là 78, chiếm 58,6% trong tổng 133 người tiêu dùng được phỏng vấn. Nhiều người tiêu dùng cho rằng, rau trong siêu thị đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khiến họ yên tâm hơn khi sử dụng cho bữa ăn hằng ngày của mình. Một số địa điểm khác mà người tiêu dùng thành phố Bạc Liêu lựa chọn khi mua rau là người bán dạo, cửa hàng rau lần lượt là 24,1% và 27,8%. (Bảng 4)

Bảng 4. Nơi mua rau của người tiêu dùng thành phố Bạc Liêu

Lê Thanh SơnNguồn: Số liệu điều tra năm 2021, n=133

3.3. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng rau an toàn

Để xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng rau an toàn, nghiên cứu sử dụng mô hình nhị phân Logit, trong đó: Biến phụ thuộc trong mô hình là quyết định tiêu dùng RAT của người tiêu dùng thành phố Bạc Liêu.

Bảng 5. Kết quả phân tích hồi quy Binary Logistic

Lê Thanh Sơn

Ghi chú (*); (**); (***) các biến có ý nghĩa lần lượt ở mức 10%; 5%; 1%.

Nguồn: Kết quả xử lý dựa trên số liệu điều tra người tiêu dùng năm 2021, n=133

Nghiên cứu đã kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến, kết quả cho thấy hệ số VIF giữa các biến độc lập là rất nhỏ, vì thế có thể kết luận rằng không có hiện tượng đa cộng tuyến.

Theo kết quả phân tích Bảng 5 cho thấy có 3 biến độc lập ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến quyết định lựa chọn RAT. Các biến về tuổi, học vấn, qui mô gia đình không có ý nghĩa và điều này cũng hoàn toàn phù hợp thực tế ngày nay khi mà nỗi lo về an toàn bao phủ rộng khắp ở phần lớn gia đình nên không còn độ khác biệt giữa các nhóm trong việc quyết định mua RAT. Các biến sự thuận tiện, khoảng cách và chi tiêu có ý nghĩa thống kê ở các mức ý nghĩa lần lượt là 1%, 10% và 1%. Biến sự thuận tiện cho thấy khi nơi bán RAT được đặt ở nơi thuận tiện, việc mua RAT sẽ được diễn ra dễ hơn và nhu cầu mua rau cũng tăng lên. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên nghiên cứu của Phạm Trung Tiến (2018). Đối với biến khoảng cách,người tiêu dùng ở thành phố Bạc Liêu sẵn sàng đi xa hơn để có thể mua được RAT ở nơi mà họ tin tưởng. Kết quả này không tương thích với nghiên cứu trước đây của Nguyễn Văn Thuận và Võ Thành Danh (2011). Sự khác biệt này có thể do địa bàn nghiên cứu và thời điểm nghiên cứu khác nhau. Đối với biến chi tiêu, khi mức sống ổn định, mức chi tiêu cho lương thực, thực phẩm cao họ sẽ có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân, về lợi ích, cũng như chất dinh dưỡng trong từng loại rau mang lại, vì vậy sẽ chi tiêu nhiều hơn để mua RAT. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Thuận và Võ Thành Danh (2011).

Từ kết quả phân tích, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như sau:

  • Phát triển thêm các cửa hàng, các điểm bán lẻ RAT tại các vị trí, địa điểm thuận lợi như gần chợ, gần nơi mua sắm lương thực, thực phẩm hằng ngày của người mua để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.
  • Điều chỉnh giá RAT hợp lý, góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng RAT đối với những người có mức chi tiêu thấp hơn. Từ đó, nâng cao được sản lượng rau bán ra và người tiêu dùng cũng cải thiện được lượng RAT được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày của mình.

5. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy nhu cầu sử dụng rau trong bữa ăn hằng ngày của người dân thành phố Bạc Liêu ở mức tương đối cao và khoảng 76% hộ có mức tiêu thụ bằng hoặc cao hơn khuyến cáo. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, phần lớn người tiêu dùng lựa chọn mua rau ở chợ truyền thống, chiếm khoảng 83%. Kết quả mô hình hồi quy nhị phân logit về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu thụ RAT của người tiêu dùng thành phố Bạc Liêu cho thấy có 3 biến độc lập ảnh hưởng đến quyết định mua RAT của người tiêu dùng thành phố Bạc Liêu, đó là sự thuận tiện, khoảng cách và chi tiêu. Từ những kết quả nghiên cứu này đã cho thấy, nhu cầu tiêu thụ rau của người tiêu dùng thành phố Bạc Liêu khá cao, nên các doanh nghiệp/siêu thị kinh doanh có thể xem xét mở thêm các điểm bán RAT thuận lợi hơn để khai thác tối ưu phân khúc thị trường này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bazzano, L. A., Joint, F. A. O., & World Health Organization. (2005). Dietary intake of fruit and vegetables and risk of diabetes mellitus and cardiovascular diseases. Geneva, Switzerland: World Health Organization.
  2. Bazzano, L. A., Serdula, M. K., & Liu, S. (2003). Dietary intake of fruits and vegetables and risk of cardiovascular disease. Current atherosclerosis reports, 5(6), 492-499.
  3. Đỗ Hương. (2021). Sản xuất thực phẩm cung ứng dồi dào, cần nhất bảo đảm lưu thông. Báo điện tử Chính phủ (VGP news). Truy cập tại: http://baochinhphu.vn/Thi-truong/San-xuat-thuc-pham-cung-ung-doi-dao-can-nhat-bao-dam-luu-thong/438850.vgp.
  4. GSO (2019). Niên giám thống kê Việt Nam 2018. Tổng cục Thống kê Việt Nam, Hà Nội.
  5. Huỳnh Việt Khải, Hoàng Mai Phương. (2020). Mức sẵn lòng chi trả của người dân địa phương ở xã Khánh An đối với dự án bảo tồn rừng U Minh Hạ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 178-184.
  6. Khai, Huynh Viet, & Yabe, Mitsuyasu. (2015). Consumer preferences for agricultural products considering the value of biodiversity conservation in the Mekong Delta, Vietnam. Journal for Nature Conservation, 25, 62-71.
  7. Kotler, P., & Armstrong, G. (2004). Principles of marketing. 14th. Boston: Pearson Prentice Hall.
  8. Lê Thị Anh, Hoàng Thị Thanh Tâm, Phạm Thị Hương Huyền, (2020). Hành vi mua rau an toàn của người dân thành thị trong điều kiện thông tin bất đối xứng: Trường hợp địa bàn Hà Nội. Tạp chí Công Thương. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hanh-vi-mua-rau-an-toan-cua-nguoi-dan-thanh-thi-trong-dieu-kien-thong-tin-bat-doi-xung-truong-hop-dia-ban-ha-noi-69231.htm
  9. Linnemann, AR, Meerdink, G, Meulenberg, MTG, & Jongen, WMF. (1999). Consumer-oriented technology development. Trends in Food Science and Technology, 9(11-12), 409-414.
  10. Mai Văn Nam, (2008). Giáo trình kinh tế lượng. Nhà xuất bản Thống kê.
  11. Nguyễn Trọng Khanh và Nguyễn Văn Hoan, (2014). Xác định sở thích về gạo chất lượng cao của người tiêu dùng vùng Đồng bằng Sông Hồng. Tạp chí Khoa học và Phát triển 2014, tập 12, số 8: 1192-1201.
  12. Nguyễn Văn Thuận và Võ Thành Danh, (2011). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng rau an toàn tại thành phố Cần Thơ. Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 17b: 113-119.
  13. Onozaka, Yuko, & McFadden, Dawn Thilmany. (2011). Does local labeling complement or compete with other sustainable labels? A conjoint analysis of direct and joint values for fresh produce claim. American Journal of Agricultural Economics, 93(3), 693-706.
  14. Phạm Văn Dư, Đào Quang Hưng và Lê Thanh Tùng. (2008). Tình hình sản xuất rau an toàn và định hướng phát triển đến 2010 ở các tỉnh phía Nam. Tài liệu Hội nghị “Sản xuất rau an toàn và định hướng phát triển đến 2010 các tỉnh phía Nam” ngày 7/5/2008 tại Đà Lạt.
  15. Phùng Chúc Phong, (2018). Vai trò quan trọng của rau tươi trong dinh dưỡng. Truy cập ngày 7/9/2020. Truy cập tại: http://viendinhduong.vn/vi/tin-tuc---su-kien-noi-bat/vai-tro-quan-trong-cua-rau-tuoi-trong-dinh-duong.html
  16. Rousseau, Sandra, & Vranken, Liesbet. (2013). Green market expansion by reducing information asymmetries: Evidence for labeled organic food products. Food Policy, 40, 31-43.
  17. Tohill, B. C., & Joint, F. A. O. (2005). Dietary intake of fruit and vegetables and management of body weight. Geneva, Switzerland: World Health Organization.
  18. Trần Thị Ba. (2008). Chuỗi cung ứng rau đồng bằng sông Cửu Long theo hướng GAP. Báo cáo tại Hội thảo GAP - Bình Thuận, ngày 21-22/07/2008.
  19. World Bank. (2021). Tổng quan về Việt Nam. Ngân hàng Thế giới. Truy cập tại https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview.

FACTORS AFFECTING THE DECISION OF CONSUMERS TO BUY SAFE VEGETABLES: CASE STUDY OF CONSUMERS LIVING IN BAC LIEU CITY

Le Thanh Son

Nguyen Thuy Trang

Ho Hong Nhi

Department of Rural socio - economic development

Faculty of Rural Development

Can Tho University

ABSTRACT:

By directly interviewing 133 consumers living in Bac Lieu City, this study explores the factors affecting the decision of consumers to buy safe vegetables with the use of binary logistic regression model. The study’s results show that there are three factors having positive correlations with the decision of consumers to consume safe vegetables. These factors are (1) the convenience of selling points, (2) the distance to the safe vegetable store, and (3) the spending of consumer. The study proposes some solutions to develop safe vegetable businesses in Bac Lieu City, such as developing more safe vegetable stores and selling safe vegetables at reasonable prices. 

Keywords: safe vegetable, consumer trend, consumption, Bac Lieu City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]