TÓM TẮT:
Một trong những nhiệm vụ cụ thể được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của NHNN liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm TTHC mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Bài viết đi vào phân tích những điểm được và chưa được trong công tác cải cách hành chính tại NHNN trên địa bàn các tỉnh.
Từ khóa: cải cách hành chính, ngân hàng nhà nước, chi nhánh, tỉnh.
1. Đặt vấn đề
Ngày 31/12/2021, NHNN đã có Quyết định số 2147/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, trong năm 2022, mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh triển khai 6 lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của NHNN, từng bước hoàn thiện phương thức quản lý và tổ chức, bộ máy theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu quả; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của NHNN và phát triển hệ thống ngân hàng ổn định, bền vững, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Kế hoạch cũng đề ra một số nhiệm vụ cụ thể về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cụ thể:
(i) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập;
(ii) Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định TTHC thuộc phạm vi quản lý của NHNN liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm TTHC mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện;
(iii) Cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý, bảo đảm thực chất. Tổ chức triển khai đảm bảo mục tiêu Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ;
(iv) Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa trong hoạt động giải quyết TTHC tại NHNN theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2018/NĐ-CP;
(v) Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC, bảo đảm tiến độ và mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ;
(vi) Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc NHNN để xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN;
(vii) Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản quy định về xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;
(viii) Cụ thể hóa các quy định của Nhà nước về chế độ tài chính của NHNN để đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước phù hợp với đặc thù hoạt động của NHNN;
(ix) Tiếp tục thực hiện tích hợp, kết nối Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử với các hệ thống liên quan theo yêu cầu của Chính phủ và phục vụ yêu cầu giải quyết TTHC của NHNN; từng bước số hóa, điện tử hóa quy trình tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ giải quyết TTHC của NHNN tại Bộ phận một cửa…
2. Công tác triển khai cải cách thủ tục hành chính của NHNN tại các tỉnh
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, Giám đốc NHNN Chi nhánh tại các tỉnh đã ban hành Văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn thực hiện một số nội dung về việc cải cách, đổi mới thủ tục giao dịch với khách hàng:
- Thường xuyên nghiên cứu để thực hiện hoặc đề xuất với hội sở chính cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định, cho vay, bảo đảm an toàn vốn, tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo quy định.
- Tiếp tục cải tiến hoặc đề xuất hội sở chính cải tiến, tối ưu hóa các quy trình nhận tiền gửi, quy trình dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và thời gian giao dịch của khách hàng.
- Thường xuyên phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra cán bộ, nhân viên về thái độ, phong cách ứng xử khi giao dịch với khách hàng, thái độ phục vụ nhân dân. Tuyệt đối không để xảy ra trường hợp cán bộ, nhân viên thuộc đơn vị mình quản lý có hành vi quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho khách hàng hoặc yêu cầu khách hàng cung cấp các hồ sơ, thủ tục trái với quy định.
- Công khai tại trụ sở hoạt động và hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục và thời gian giải quyết cho vay. Tập trung chỉ đạo rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Có biện pháp khuyến khích, thi đua, khen thưởng các tập thể, cá nhân có sáng kiến cách làm hay, tinh thần trách nhiệm cao, xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến để báo cáo, nhân rộng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, hầu hết các hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã nỗ lực, quyết tâm triển khai hoạt động tiền tệ, ngân hàng an toàn, thông suốt. Trong năm 2020 - 2021, 100% thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; niêm yết công khai, hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Chi nhánh đã công bố bổ sung 2 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực liên quan đến hoạt động cấp phép và thành lập chi nhánh Ngân hàng nước ngoài.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân được giải quyết nhanh thủ tục hành chính trong thời gian triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, Chi nhánh tỉnh tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện hoặc thư điện tử, các hướng dẫn được trao đổi qua email, điện thoại,… và đã đạt được kết quả khả quan. Các thủ tục hành chính được hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp khai thác, sử dụng, có bước chuẩn bị trước khi liên hệ công tác với Ngân hàng Nhà nước đã rút ngắn thời gian giao dịch, nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ. Cụ thể trong năm 2021, Chi nhánh đã tiếp nhận, giải quyết 70 hồ sơ, tất cả hồ sơ này đều được trả kết quả trước thời hạn, đảm bảo thời gian, chất lượng, không có hồ sơ nào thực hiện quá hạn. Theo kết quả khảo sát sự thỏa mãn khách hàng, có 95,35% ý kiến đánh giá tốt, rất hài lòng; 4,65% ý kiến đánh giá đạt yêu cầu, hài lòng. Cụ thể tại tỉnh Bến Tre, tính từ năm 2020 đến năm 2022, NHNN Chi nhánh các tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 191 hồ sơ TTHC, tất cả các hồ sơ đều được giải quyết đúng trình tự thủ tục, sớm hơn so với quy định, rút ngắn 94,4% (năm 2020), rút ngắn 94% (năm 2021), rút ngắn 86,7% (năm 2022). Thực hiện cơ chế một cửa trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Các công chức thực hiện tiếp nhận hồ sơ là những người nắm bắt nghiệp vụ, tránh gây phiền hà cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ giải quyết. Các năm 2020, 2021, 2022, chi nhánh các tỉnh đều tiến hành khảo sát đo lường sự hài lòng của khách hàng trong giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả khảo sát đạt kết quả đánh giá cao của các cá nhân, tổ chức có thực hiện đề nghị giải quyết thủ tục hành chính.
3. Khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho khách hàng
Hầu hết tại ngân hàng hiện nay, các quy trình đều được quy chuẩn hóa toàn hệ thống, nên khó khăn riêng của từng chi nhánh trên địa bàn hầu như rất ít. NHNN Chi nhánh tỉnh trong các năm qua đã thực hiện ký kết quy chế phối hợp với các sở ngành, như: Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường,… nhằm giải quyết nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng (TCTD) đang hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tương ứng với mỗi loại hình ngân hàng có những khó khăn riêng:
- Đối với ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như Ngân hàng Nông nghiệp và Pát triển nông thôn, quy định nội bộ trong việc thẩm định giá tài sản thế chấp là một nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của ngân hàng, lý do: Theo quy định nội bộ, ngân hàng định giá đất theo bảng giá Nhà nước công bố, trong khi các ngân hàng thương mại khác thì định giá theo giá thị trường. Hai mức giá này khá chênh lệch và dẫn đến khó khăn trong việc cho vay khách hàng.
- Đối với các ngân hàng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 thì gặp khó khăn khi còn nhiều quan điểm chưa thống nhất trong việc áp dụng Điều 12 Nghị quyết 42 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và Khoản 2 Điều 15 Nghị quyết 42 quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm. NHNN Chi nhánh tỉnh đã báo về NHNN Việt Nam và có công văn hướng dẫn, Cục Thuế tỉnh Bến Tre đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế hướng dẫn, nhưng đến thời điểm báo cáo vẫn chưa có phản hồi về vấn đề này. Cục Thi hành án tỉnh báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã nhận được Văn bản phúc đáp số 2522/TCTHADS-NV1 ngày 13/7/2018. Theo đó, “việc nộp các khoản thuế liên quan đến chuyển quyền sở hữa tài sản, các khoản thu án phí cho ngân sách nhà nước, các khoản tiền thuê nhà cho người phải thi hành án các cơ quan THADS tổ chức cho các đương sự thỏa thuận và thống nhất cách thức giải quyết...”. Vì vậy, vấn đề thứ tự ưu tiên theo Điều 12, Nghị quyết 42, các cơ quan liên quan đã tổ chức họp liên ngành nhưng vẫn chưa thống nhất.
- Một số vấn đề về mâu thuẫn trong quy định giữa các bộ, ngành và địa phương trong đăng ký giao dịch bảo đảm: Vấn đề yêu cầu chữ ký người thế chấp, người nhận thế chấp; vấn đề yêu cầu giấy ủy quyền trên mỗi bộ hồ sơ. Đẩy mạnh đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến thay vì đăng ký trực tiếp như hiện nay.
- Thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng gây khó khăn cho ngân hàng khi triển khai các dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin.
4. Kiến nghị, giải pháp nâng cao cải cách TTHC trên địa bàn
- Đối với các TCTD: Cần có sự điều chỉnh trong quy định nội bộ để phù hợp với quy luật kinh tế, thị trường, đặc biệt trong việc định giá tài sản, vì khi hầu hết các TCTD định giá theo giá thị trường mà một số ít TCTD vẫn định giá theo bảng giá nhà nước thì gây khó khăn cho hạn mức cấp vốn cho khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử, vừa khuyến khích người dân hạn chế sử dụng tiền mặt, vừa rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân lực cho thực hiện các giao dịch thanh toán.
- Đối với NHNN: NHNN tỉnh cần nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện TTHC của các ngân hàng trên địa bàn, kịp thời kiến nghị đối với các ngành, các cấp để giải quyết các khó khăn của địa phương. Các quy định hướng dẫn cần có sự rõ ràng, tránh tình trạng mỗi TCTD có cách hiểu và tạo tiêu chí thực hiện TTHC khác nhau, dẫn đến gây khó khăn cho người dân.
- Đối với các sở, ngành, chính quyền địa phương: Cũng như kiến nghị đối với NHNN, các sở ngành cần có sự thống nhất trong hướng dẫn thực hiện giải quyết TTHC cho người dân. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để đẩy nhanh tiến độ giải quyết TTHC.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2022), Quyết định số 2147/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch cải cách hành chính.
- Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) (2015), tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 - Chứng nhận hệ thống quản lý phù hợp.
- Chính phủ (2021), Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
- Thủ tướng Chính phủ (2021), Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2021 ban hành Kế hoạch cải cách hành chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
The administrative reform at the State Bank of Vietnam’s provincial branches
Master. Le Phuong Hoa
Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
One of the specific tasks that the State Bank of Vietnam (SBV) focuses in the period 2021 – 2025 is to keep bulding and enhancing its institutional system, monetary policies and banking activities in line with international practices, integration requirements, and rules of the market economy, strictly control the promulgation of regulations on administrative procedures under the management of the SBV, and ensure that new administrative procedures must be simple, easy to understand and implement. This paper analyzes the merits and demerits of the administrative reform at the State Bank of Vietnam’s provincial branches.
Keywords: administrative reform, state bank, branch, provincial level.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]