Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hợp đồng điện tử trên hành trình chuyển đổi số

Trong khuôn khổ Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử, đại diện các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng một môi trường giao dịch minh bạch, an toàn trong kỷ nguyên số hóa.

Vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã tổ chức thành công Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”.

Diễn đàn gồm 04 phiên chia sẻ: Phiên 1 - Định hướng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn trong giao dịch thương mại tại Việt Nam; Phiên 2 - Một số vấn đề chính sách về phát triển giao dịch điện tử, ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại; Phiên 3 - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hợp đồng điện tử an toàn; Phiên 4 - Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng hợp đồng điện tử an toàn trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, các diễn giả đã thảo luận chuyên đề trong 02 phiên tọa đàm với chủ đề “Chính sách và nền tảng công nghệ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn” và “Ứng dụng hợp đồng điện tử an toàn tại Việt Nam - cơ hội và thách thức”.

Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hợp đồng điện tử trên hành trình chuyển đổi số
Toàn cảnh Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề "Phát triển hợp đồng điện tử an toàn"

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Đỗ Kế Công - Giám đốc Trung tâm chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT cho biết, từ năm 2009, Tập đoàn đã không ngừng nâng cao các dịch vụ và giải pháp, bao gồm nền tảng VNPT eContract và giải pháp ký số từ xa (Remote Signing). Đến năm 2024, VNPT tự hào đã cung cấp hơn 1 triệu hợp đồng điện tử trong nhiều lĩnh vực: cung cấp dịch vụ viễn thông, điện, nước; ngân hàng, chứng khoán; vận tải, giao dịch của các doanh nghiệp SME,... 

Bên cạnh đó, VNPT cũng thừa nhận những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng hợp đồng điện tử như chi phí, thủ tục phức tạp và thiếu sự chấp nhận từ các bên thứ ba (như cơ quan thuế, kho bạc). Để khắc phục, VNPT đưa ra nhiều giải pháp cải tiến, chẳng hạn như loại bỏ phí khởi tạo chữ ký số và cung cấp các gói ký với chi phí linh hoạt chỉ từ 1.000 VNĐ mỗi lượt ký.

Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hợp đồng điện tử trên hành trình chuyển đổi số
Ông Đỗ Kế Công - Giám đốc Trung tâm chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT

Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai chữ ký số và hợp đồng điện tử tại Việt Nam, ông Đỗ Quang Yên - Giám đốc Trung tâm Giải pháp C-SUITE, Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC chia sẻ, chuyển đổi số là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống CRM, ERP, Big Data và AI để tối ưu hóa quy trình, tăng cường trải nghiệm khách hàng và chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trực tuyến. 

Ông Đỗ Quang Yên cho rằng, hợp đồng điện tử đóng vai trò “nút thắt cuối cùng” trong chuỗi chuyển đổi số, đảm bảo sự minh bạch và tự động hóa giữa các bên tham gia, từ khách hàng, đối tác đến quản lý nội bộ.

Hệ thống C-Contract của CMC được thiết kế với các tính năng bảo mật như xác thực thời gian ký, danh tính người ký và tính toàn vẹn của hợp đồng, đảm bảo hợp pháp và an toàn cho các giao dịch trực tuyến. Với những giải pháp này, CMC cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số, mang lại hiệu quả cao hơn trong môi trường kinh doanh hiện đại.

Theo ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch công ty TNHH FPT IS, việc triển khai các giải pháp giao kết và xác thực điện tử là một xu hướng quan trọng và cần thiết tại Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy kinh tế số. Tuy nhiên, để các tổ chức và cá nhân có thể khai thác hiệu quả những giải pháp này, vấn đề an toàn và bảo mật trong giao dịch điện tử được đánh giá là yếu tố then chốt.

Từ năm 2020, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng các giải pháp giao kết và xác thực điện tử nhằm tăng hiệu quả hoạt động, bao gồm việc sử dụng các công cụ như chứng thực điện tử, ký số, eKYC, xác thực danh tính, và hợp đồng điện tử.

Các nền tảng và dịch vụ liên quan đến quản lý giao dịch, chẳng hạn như FPT.CA, FPT.eSign, FPT.eKYC và FPT.CeCA đã được triển khai rộng rãi với mục tiêu đảm bảo tính xác thực, toàn vẹn và tuân thủ pháp lý cho các giao dịch từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp đến khách hàng (B2C). Các giải pháp này đã được ứng dụng đa dạng trong các lĩnh vực như thương mại, tài chính, ngân hàng, lao động và quản lý nội bộ.

Cùng đồng hành với Diễn đàn, ông Nguyễn Đăng Triển - đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) đề cao vai trò của chữ ký số và định danh xác thực trong việc đảm bảo an toàn và phòng ngừa gian lận trong giao dịch điện tử. 

Ông Nguyễn Đăng Triển chia sẻ, khi việc ký kết trên môi trường điện tử càng trở nên phổ biến thì chúng ta càng phải cẩn trọng hơn nữa. Việc sử dụng chữ ký số của đơn vị được cấp phép, có uy tín sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, đặc biệt khi chữ ký số có đính kèm cả dấu thời gian và định danh eKYC tại thời điểm ký thì cả doanh nghiệp lẫn cá nhân tham gia ký kết tài liệu hay hợp đồng trên môi trường điện tử đều có thể yên tâm hơn cả bản giấy truyền thống.

Viettel cam kết sẽ luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số ngày càng an toàn hơn và dễ dàng hơn bằng trọn bộ giải pháp từ Hợp đồng điện tử, Chữ ký số, đến Dấu thời gian hay Hoá đơn điện tử…

Tại Diễn đàn, ông Trần Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc VNPAY khẳng định rằng, các nền tảng dịch vụ tích hợp là động lực quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả áp dụng hợp đồng điện tử cho doanh nghiệp. 

Ông Trần Mạnh Cường cho biết, giải pháp VNeDOC của VNPAY không chỉ cung cấp sự an toàn cho khách hàng mà còn thúc đẩy quy trình ký kết nhanh chóng và thuận tiện.

Với tính năng như dấu thời gian, chữ ký số và xác thực danh tính, VNeDOC mang lại sự an tâm và khả năng tra cứu bằng chứng rõ ràng. Đồng thời, giải pháp chữ ký số VNPAY-CA cho phép thao tác nhanh chóng trên nhiều thiết bị, đảm bảo tiêu chuẩn bảo mật cao, ngăn ngừa giả mạo và rút ngắn thời gian giao dịch.

Những nỗ lực này khẳng định cam kết của VNPAY trong việc xây dựng một môi trường giao dịch minh bạch, an toàn, đồng thời mở ra cơ hội phát triển bền vững trong kỷ nguyên số hóa.

Ông Đỗ Kế Công - Giám đốc Trung tâm chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT
Lễ ký cam kết thúc đẩy ứng dụng hợp đồng điện tử an toàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Hiện nay, trên thế giới hiện có hơn 64 quốc gia đã có các quy định về chữ ký số và hợp đồng điện tử. Sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 3 năm qua cũng đã và đang thúc đẩy sự tăng trưởng đột phá của các giao dịch được ký kết điện tử, từ việc số hóa văn phòng từ xa, đến việc ứng dụng các công cụ định danh điện tử để xác thực chủ thể và ký kết điện tử.

Hợp đồng điện tử trở thành một thành phần trọng yếu trong tiến trình số hóa của các doanh nghiệp trên toàn cầu, cùng với ERP, HRM, CRM,… Chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại, cụ thể là hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử đã trở thành xu hướng chuyển đối số tất yếu trên toàn cầu.

Quá trình phát triển ứng dụng hợp đồng điện tử trên thế giới cũng phát triển đa dạng phụ thuộc vào nền tảng pháp lý của chứng thực điện tử và hạ tầng công nghệ của quốc gia được nghiên cứu, theo đó có thể được phân loại thành 3 nhóm:

Nhóm 1: Các quốc gia có nền tảng pháp lý và hạ tầng công nghệ có tính dùng chung, tính đồng bộ cao, áp dụng luật mẫu do UNCITRAL ban hành về trọng tài thương mại quốc tế. 

Nhóm 2: Các quốc gia có các quy định về chữ ký điện tử và chứng thực, tuy nhiên hành lang pháp lý còn thiếu các quy định để đảm bảo tính thực thi pháp luật khi ứng dụng vào chứng từ điện tử, dẫn đến việc ứng dụng còn chậm và tự phát. 

Nhóm 3: Các quốc gia có sự quản lý, thúc đẩy của Chính phủ đối với sự phát triển của hoạt động ứng dụng hợp đồng điện tử với Hạ tầng pháp lý hỗ trợ đã được hoàn thiện, độc lập phù hợp tính chất của quốc gia đó so với thông lệ quốc tế. 

Trong đó, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Việt Nam, .. là những đại diện tiêu biểu của Nhóm 3.

Ngọc Châm