TÓM TẮT:
Bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm nói chung và lĩnh vực Vaccine nói riêng có thể coi là một đặc quyền dành cho chủ sở hữu sáng chế (SHSC). Họ được độc quyền khai thác đối tượng bảo hộ, giúp đảm bảo khả năng thu hồi lại số vốn bỏ ra đầu tư ban đầu cũng như công sức và sự sáng tạo. Tuy nhiên, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), việc cân bằng quyền của SHSC Vaccine và quyền tiếp cận Vaccine của cộng đồng để bảo vệ sức khỏe là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Bài viết tập trung phân tích, bình luận khái quát về mối quan hệ giữa bảo hộ quyền SHTT Vaccine đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng (SKCĐ); đưa ra những quy định về pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam xung quanh vấn đề này; tyừ đó đề xuất một số giải pháp cho pháp luật về SHTT của Việt Nam.
Từ khóa: bảo hộ quyền sở hữu sáng chế Vaccine, cân bằng quyền sở hữu trí tuệ, hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
1. Khái quát mối quan hệ của việc bảo hộ sáng chế liên quan đến Vaccine và vấn đề sức khỏe cộng đồng
Các sáng chế liên quan đến Vaccine ảnh hưởng lớn đến lợi ích quốc gia và SKCĐ. Sự khốc liệt của đại dịch Covid-19 vừa quađã giúp chúng ta nhận thức được rõ ràng hơn tầm quan trọng của Vaccine khi dịch bệnh luôn tiềm ẩn, đồng thời trước sự biến đổi của virus kháng các loại Vaccine hiện có, đòi hỏi các nhà khoa học liên tục phải nghiên cứu ra những dòng Vaccine mới. Với điều kiện sống ngày càng được nâng cao, công tác tuyên truyền giáo dục về tầm quan trọng của Vaccine được đẩy mạnh đã thay đổi nhận thức của người dân khiến nhu cầu sử dụng Vaccine để phòng tránh các loại dịch bệnh truyền nhiễm cũng tăng lên đáng kể.
Một số quốc gia đang phát triển đã bày tỏ sự quan ngại đối với việc khi thực hiện các chế độ bảo hộ quyền SHTT mạnh có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực cải thiện SKCĐ và các bằng sáng chế Vaccine có thể cản trở các nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề phòng tránh sức khỏe khẩn cấp của cộng đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng bảo hộ SHTT cho đối tượng này có thể mang lại những ảnh hưởng tiêu cực tới các quốc gia đang phát triển và kém phát triển. Điều này đòi hỏi cần có một cơ sở pháp lý thích hợp nhằm khai thác được tối đa các lợi ích mà hệ thống sáng chế Vaccine đem lại, đồng thời cũng làm giảm các tác động tiêu cực của hệ thống này. Cụ thể như trong các Điều ước Quốc tế và văn bản pháp luật, các quốc gia luôn tồn tại những quy định về hạn chế quyền dành cho chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế (ĐQSC) như:
- Những hạn chế trong việc cấp bằng ĐQSC trong lĩnh vực y tế, sức khỏe cộng đồng…
- Các quy định về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế;
- Quy định về hết quyền và nhập khẩu song song.
Mối quan hệ và sự ảnh hưởng tiêu cực giữa việc cung cấp chế độ bảo hộ quyền SHTT đối với sáng chế dược phẩm và việc tiếp cận thuốc để bảo vệ SKCĐ nói trên là thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận ý nghĩa của hệ thống bằng ĐQSC đối với mọi sáng tạo trên thế giới, trong đó có các sáng tạo trong lĩnh vực Vaccine. Sự bảo hộ của bằng ĐQSC chính là sự kích thích phát triển kinh tế, công nghệ và thúc đẩy cạnh tranh thông qua việc tạo ra động lực về tài chính cho các hoạt động sáng chế. Đặc biệt đối với ngành công nghiệp Vaccine, thời gian nghiên cứu lâu, chi phí lớn, thời gian thử nghiệm thuốc trước khi được đưa ra thị trường chính thức để khai thác khá dài... Sự phát triển của ngành công nghiệp Vaccine phụ thuộc nhiều vào hệ thống bằng ĐQSC và nó được coi như là công cụ khuyến khích việc nghiên cứu, phát triển các loại Vaccine mới. Từ đó, có thể thấy, pháp luật về SHTT vì thế không chỉ có mục đích là thúc đẩy lợi ích cá nhân của người phát minh, sáng tạo mà nhằm mục đích cuối cùng là thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ nhân loại nói chung, giúp tìm ra các loại Vaccine mới ngày càng tốt hơn để phục vụ nhu cầu SKCĐ. Đối với quốc gia, khi thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế về bảo hộ quyền SHTT sẽ giúp khuyến khích và thúc đẩy phát triển đầu tư, chuyển giao công nghệ cho quốc gia. Thông qua con đường này,các quốc gia, mà đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, kém phát triển sẽ có cơ hội nhanh chóng tiếp cận với công nghệ tiên tiến để thực hiện CNH, HĐH đất nước.
Việc bảo hộ quyền SHTT đối với sáng chế Vaccine là một yêu cầu tất yếu mang ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực dược phẩm nói chung và thị trường Vaccine nói riêng. Việc bảo hộ cần được đặt ra những hạn chế nhất định xuất phát từ đặc điểm cũng như tính chất hai mặt về tác động tiêu cực của nó đối với lợi ích công. Chính vì vậy, cần phải có một cơ chế bảo hộ hợp lý để cân bằng được lợi ích của chủ SHSC với lợi ích chung của xã hội, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với xã hội.
2. Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo hộ quyền SHTT đối với sáng chế Vaccine
2.1. Bảo hộ quyền SHTT đối với sáng chế Vaccine theo pháp luật quốc tế
Trong các cuộc đàm phán quốc tế xung quanh vấn đề bảo hộ quyền SHTT đối với sáng chế liên quan đến dược phẩm nói chung và Vaccine nói riêng, trọng tâm chính của các cuộc đàm phán là những thỏa hiệp giữa yêu cầu nâng cao mức độ bảo hộ và quyền của chủ SHSC. Mục tiêu chính của việc đàm phán luôn hướng đến việc bảo vệ tốt hơn cho SKCĐ thông qua việc tăng khả năng tiếp cận Vaccine của người dân với một mức giá hợp lý.
Công ước Paris năm 1883 là Điều ước quốc tế đầu tiên về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đây có thể coi là cơ sở pháp lý quan trọng cho các quốc gia thành viên tiến hành và phát triển các hoạt động về bảo hộ quyền SHTT. Theo đó, Công ước Paris yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ cung cấp chế độ bảo hộ đối với các đối tượng là sáng chế trong tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ. Phải đến những vòng đàm phán cuối cùng, Công ước Paris mới đi đến thống nhất được việc đưa ra quy định linh hoạt dành cho các quốc gia trong việc cung cấp chế độ bảo hộ các đối tượng SHTT có ảnh hưởng lớn đến lợi ích cộng đồng chính là điều khoản về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Đây là điều khoản linh hoạt mà các quốc gia, nhất là nhóm các quốc gia đang phát triển và kém phát triển, muốn tận dụng tối đa vì nó là cơ sở để hạn chế phần nào sự độc quyền của chủ SHSC trong việc sử dụng các sản phẩm Vaccine liên quan đến lợi ích của đại bộ phận dân chúng, cấp thiết với nhu cầu phòng bệnh của người dân.
Tiếp thu tinh thần và cơ sở pháp lý của Công ước Paris, Hiệp định TRIPS năm 1995 ra đời đã đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể hơn, có những quy định riêng đặc thù dành cho nhóm đối tượng này. Điều 27 Hiệp định TRIPS quy định rất rõ rằng các quốc gia có nghĩa vụ cung cấp chế độ bảo hộ quyền SHTT cho sáng chế trong mọi lĩnh vực khoa học công nghệ, vì thế không loại trừ các đối tượng là sáng chế trong lĩnh vực Vaccine. Với việc quy định các quốc gia phải bảo hộ sáng chế trong mọi lĩnh vực công nghệ khi nó đáp ứng được các tiêu chuẩn chung, Hiệp định TRIPS đã giải quyết được vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong quá trình đàm phán về phạm vi bảo hộ đối với sáng chế. Quy định này được xem là một trong những sự nhượng bộ chủ yếu của những nước đang phát triển và là thành công của các nước phát triển, do các nước tham gia đàm phán đã không đặt vấn đề về mở rộng phạm vi cấp bằng sáng chế. Quá trình thực thi các cam kết của Hiệp định TRIPS gây ra không ít khó khăn và hệ lụy cho các quốc gia, đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển và kém phát triển. Chính vì những tranh cãi này đã dẫn đến sự ra đời của Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và SKCĐ vào tháng 11/2001 đã cụ thể hóa các quy định của Hiệp định TRIPS trong việc khẳng định các quốc gia có quyền chủ quyền sử dụng các biện pháp để bảo đảm vấn đề SKCĐ như: Cấp phép chuyển giao quyền sử dụng sáng chế bắt buộc, nhập khẩu song song. Tuyên bố này còn cho phép các quốc gia phát triển và kém phát triển kéo dài thời gian từ chối cấp bằng độc quyền cho các sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm đến năm 2016. Đây được xem là thành công bước đầu của các quốc gia đang phát triển, vì nó đưa ra những hướng dẫn rõ ràng cho để các quốc gia có những quyết định và lựa chọn riêng phù hợp cho việc thực hiện các chính sách liên quan đến SKCĐ, hạn chế những tác động tiêu cực từ hệ thống cấp bằng sáng chế đối với kinh tế, xã hội của quốc gia.
Sau Hiệp định TRIPS, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem như Hiệp định thương mại tự do thế hệ thứ 2 với mục tiêu thiết lập mặt bằng tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Hiệp định TPP đã đưa ra khung tiêu chuẩn bảo hộ quyền SHTT ở mức độ cao và toàn diện. Tuy nhiên, đầu năm 2017, Mỹ quyết định rút lui khỏi TPP, khiến cho Hiệp định này không thể được thông qua. Trên cơ sở các đàm phán, các bộ trưởng của 11 quốc gia còn lại của TPP đã thống nhất thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). So với TPP, CPTPP tạm hoãn thực thi 20 điều khoản, cụ thể hơn, các điều khoản liên quan đến loại đối tượng nhạy cảm là sáng chế dược phẩm, Vaccine hầu hết đều bị tạm hoãn thực thi. Các quốc gia thành viên của CPTPP với mục tiêu xây dựng một hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước, duy trì một TPP với chất lượng cao, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ về mở cửa thị trường, thương mại kinh tế.
2.2. Bảo hộ sáng chế Vaccine theo pháp luật Việt Nam
Tại Việt Nam, sáng chế Vaccine được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế ngay từ khi hệ thống bảo hộ này ra đời. Cùng với từng bước hội nhập, cơ chế bảo hộ sáng chế liên quan đến dược phẩm và Vaccine từng bước được thay đổi và cho tới nay có thể nói là đã cơ bản đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế. Sáng chế dược phẩm nói chung và Vaccine nói riêng luôn là đối tượng được bảo hộ tại Việt Nam. Dựa trên các quy định của những văn bản pháp luật SHTT và các văn bản liên quan đến chuyên ngành Dược (Luật Dược năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành có thể rút ra rằng: “Sáng chế Vaccine là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sáng chế hoặc quy trình nhằm phục vụ trong lĩnh vực y tế bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”... Điều kiện để được bảo hộ tại Việt Nam nếu sáng chế Vaccine đáp ứng được điều kiện về tính mới trên phạm vi thế giới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp theo quy định tại Điều 58 Luật SHTT. Thời hạn bảo hộ theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam loại đối tượng này được bảo hộ như sáng chế trong các lĩnh vực khoa học công nghệ khác, đó là 20 năm tính từ ngày nộp đơn xin cấp bằng độc quyền.
Bên cạnh những quy định chung về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu bằng sáng chế, quy định về giới hạn quyền của chủ sở hữu chính là những quy định đặc thù nhất dành riêng cho nhóm sáng chế trong lĩnh vực Vaccine được pháp luật ghi nhận. Cụ thể như:
- Vấn đề bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế: pháp luật Việt Nam quy định các trường hợp quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần có sự đồng ý của chủ SHSC hoặc người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, trong đó bao gồm trường hợp sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Đây được đánh giá là biện pháp dung hòa lợi ích tốt nhất giữa chủ sở hữu quyền và lợi ích cộng đồng.
- Vấn đề nhập khẩu song song: Nhập khẩu song song là việc nhập khẩu những hàng hóa chính hiệu đã được chính chủ sở hữu quyền SHTT hoặc chủ thể khác đưa ra thị trường nước ngoài với sự đồng ý của chủ sở hữu. Pháp luật hiện hành chú trọng đến chính sách nhập khẩu song song Vaccine và coi đây là hoạt động hợp pháp. Theo đó, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp không có quyền cấm người khác thực hiện việc lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài.
3. Cân bằng giữa việc bảo hộ quyền SHTT đối với sáng chế Vaccine và vấn đề SKCĐ - giải pháp hoàn thiện pháp luật đối với Việt Nam
Đối với các sáng chế Vaccine, việc xây dựng chế độ bảo hộ quyền SHTT luôn gặp phải nhiều ý kiến và quan điểm trái chiều. Đối với Việt Nam, một quốc gia đang phát triển cần làm gì để cân bằng được lợi ích của chủ sở hữu bằng sáng chế đối với các SCLQĐVC và với lợi ích của cộng đồng trong việc đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận được với nguồn Vaccine thiết yếu sẽ là vấn đề quan trọng cần cân nhắc trong việc xây dựng và thực thi các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền SHTT đối với SCLQĐVC. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nghiên cứu, đưa ra những chính sách phù hợp liên quan đến loại đối tượng này để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, cụ thể là sự phát triển của ngành Dược phẩm và Vaccine của Việt Nam.
Từ những lý do trên và sự cần thiết của việc bảo hộ SCLQĐVC, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm pháp luật từ các quốc gia trên thế giới và các điều ước quốc tế, sau đây là một số ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam:
Thứ nhất, tại khoản 2 Điều 125 Luật SHTT đã đề cập đến những trường hợp chủ SHSC không được phép ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế, trong đó cho phép sử dụng sáng chế “nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm”. Quy định này còn mang tính chất liệt kê, chưa bao quát được hết các tình huống sử dụng sáng chế Vaccine trong thực tế có thể phát sinh. Chúng ta có thể tham khảo quy định từ Điều 31 Hiệp định TRIPS mà Việt Nam là thành viên, theo đó Hiệp định đưa ra 3 tiêu chuẩn đối với các hành vi giới hạn quyền của chủ sở hữu bằng sáng chế như: “phải có giới hạn”; không được xung đột bất hợp lý đối với việc khai thác bình thường của sáng chế; không được làm “tổn hại một cách bất hợp lý tới lợi ích hợp pháp” của chủ SHSC cũng như lợi ích hợp pháp của bên thứ ba…
Thêm vào đó, trong những trường hợp sử dụng sáng chế không cần có sự đồng ý của chủ SHSC mà vẫn không gọi là vi phạm quyền SHTT có bao gồm trường hợp sử dụng sáng chế cho mục đích nghiên cứu. Quy định trong trường hợp ngoại lệ này là chưa thỏa đáng và rõ ràng, vì trên thực tế việc áp dụng các sáng chế cho mục đích nghiên cứu là không dễ dàng và chưa có cơ sở pháp lý vững chắc. Chính vì vậy, cần có những quy định cụ thể hơn về việc sử dụng đối với trường hợp này trước khi sáng chế Vaccine hết thời hạn bảo hộ, nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận sớm hơn với những loại vaccine thiết yếu hoặc đẩy mạnh việc sử dụng các sản phẩm thay thế tương tự kể cả khi sáng chế chưa hết thời hạn bảo hộ, cụ thể như quy định theo hướng: “Cho phép sử dụng sáng chế nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm nhưng phải đảm bảo không gây ảnh hưởng tới việc khai thác bình thường của sáng chế đó cũng như tổn hại tới lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu sáng chế và bên thứ ba”.
Thứ hai, trong các trường hợp hạn chế quyền của chủ SHSC, điều khoản linh hoạt trong việc bắt buộc chuyển giao sử dụng sáng chế được quy định tại Điều 14 Pháp lệnh về Bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1989 và Luật SHTT cùng các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế khả năng sử dụng trong thực tế. Hiện nay đã có những cơ sở pháp lý cụ thể cho việc bắt buộc chuyển giao quyền sáng chế dược phẩm, vaccine theo Điều 145 Luật SHTT năm 2005, nhưng vấn đề áp dụng pháp luật trong điều này còn chưa rõ ràng và cụ thể. Cần có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn để có thể áp dụng điều khoản này vào thực tế. Ví dụ như:
Trường hợp bắt buộc chuyển giao sáng chế Vaccine vì những mục đích công cộng, phục vụ quốc phòng an ninh, phòng và bảo vệ người dân khỏi những bệnh nguy hiểm hoặc đáp ứng các vấn đề cấp thiết của xã hội, các văn bản hướng dẫn cần đưa ra danh mục những tình trạng khẩn cấp quốc gia và những vấn đề cấp thiết của xã hội cụ thể trong phạm vi nào…
Thứ ba, các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm quyền SHTT đối với các sáng chế Vaccine sẽ có thể yêu cầu cơ quan nào xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo thủ tục hành chính là một vấn đề cần xem xét và hoàn thiện. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT cho nhiều cơ quan như: hải quan, ủy ban nhân dân, thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường… Tuy nhiên, trong thực tế, các cơ quan này hoạt động khá chồng chéo, dẫn đến việc bỏ sót các hành vi xâm phạm về SHTT.
3. Kết luận
Hiện nay, pháp luật các quốc gia đều có những quy định cụ thể về quyền bảo hộ đối với các sáng chế liên quan đến Vaccine. Các quy định đó đã tạo nên một khung pháp lý thúc đẩy các doanh nghiệp dược phẩm mang lại những sáng chế có ích, hữu hiệu, nhanh chóng và kịp thời cho thị trường Vaccine Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Đối với Việt Nam, để phát triển ngành Công nghiệp Vaccine trong nước, nâng cao năng lực sản xuất và nghiên cứu, phát triển Vaccine của các doanh nghiệp trong nước; đồng thời nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về pháp luật SHTT, việc hoàn thiện các quy định về bảo hộ quyền SHTT đối với Vaccine là rất cần thiết để vừa tương thích với các điều ước quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thiết lập các mạng lưới hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và bảo hộ quyền SHTT đối với các sáng chế Vaccine.
Văn bản pháp luật trích dẫn:
*Các văn bản pháp luật quốc tế
- Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp
- Hiệp định TRIPS - Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.
- Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và sức khỏe cộng đồng
*Các văn bản pháp luật Việt Nam
- Luật Sở hữu trí tuệ
- Luật Dược năm 2016
- Pháp lệnh về bảo hô sở hữu công nghiệp của Hội đồng nhà nước năm 1989.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Trung tâm WTO và Hội nhập (2021). “Tóm tắt Chương 18 - Sở hữu trí tuệ”.
- Lê Thị Bích Thủy, (2021), “Bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ đối với sáng chế liên quan đến dược phẩm tại Việt Nam trong điều kiện hợp tác kinh tế quốc tế”, Luận văn tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- The TRIPS Agreement and Phamaceuticals (). Report of an ASEAN workshop on the TRIPS Agreement and its impact on Phamaceutical, Jakarta.
- Lê Viết Sỹ, (2018), “Bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm theo pháp luật Việt Nam”, Trường Đại học Luật - Đại học Huế.
- WTO (2005), The Protocol Amending TRIPs Agreement.
Balancing the rights of vaccine patent owners and the rights of community to access vaccines - Some solutions to improve Vietnam’s regulations on intellectual property protection
Master. Le Mai Trang
Specialist, Organization and Personnel Department, Central Hospital of Obstetrics and Gynecology
Abstract:
Patent protection in the pharmaceutical industry in general and in the field of vaccine development in particular can be considered a privilege for patent owners. Patent owners have exclusive rights to exploit the protected objects in order to able to recover their initial investment and efforts. However, the balance between the rights of patent owners and the rights of community to access vaccines is a controversial issue. This study analyzes and makes some comments about the relationship between the vaccine patent protection and the public health. The study also presents Vietnamese and international regulations about this issue. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve Vietnam’s regulations on intellectual property protection.
Keywords: protecting patent rights of vaccines, balancing intellectual property rights, strengthening Vietnamese laws.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9 tháng 4 năm 2023]