6 tháng đầu năm, cả nước đã bán cổ phần lần đầu tại 6 doanh nghiệp, thu về 562,707 tỷ đồng; thoái vốn tại 30 doanh nghiệp, thu về 4.589,335 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giá trị sổ sách. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã cổ phần hóa 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433,2 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015; tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 218.255,691 tỷ đồng gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015; số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển Ngân sách Nhà nước để đáp ứng nhu cầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết của Quốc hội đạt 185.000/250.000 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra. Một số Bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn do việc rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để tháo gỡ chưa kịp thời...
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu 6 tháng cuối năm 2019 các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng cuối năm 2019; tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, hoàn chỉnh Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, Danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến năm 2020 và rà soát, sửa đổi Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 7 năm 2019; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tốt Hội nghị “Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong liên kết và đổi mới sáng tạo” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; chỉ đạo Tổng cục Thống kê rà soát, công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 theo đúng kế hoạch.
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 7 năm 2019; dự thảo Nghị định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty Mua bán nợ Việt Nam; dự thảo Nghị định về quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; phương án sửa đổi bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; đề án tổng thể xử lý tài chính đối với Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp trình Chính phủ trong tháng 7 năm 2019.
Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp đã IPO đủ điều kiện thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, xử lý trách nhiệm đối với việc chậm, không niêm yết, đăng ký giao dịch đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện, cụ thể hóa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc cung cấp thông tin của các doanh nghiệp nhà nước theo quy định, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm đối với các lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm 2019; chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.