TÓM TẮT:
Bài viết khái quát vai trò của thị trường, doanh nghiệp trong mối quan hệ với Nhà nước ở Hoa Kỳ, trên cơ sở đó, phân tích bảo đảm pháp lý cho sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ với hai trụ cột là pháp luật cạnh tranh và pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
Từ khóa: Hoa Kỳ, bình đẳng, doanh nghiệp, chính sách, pháp luật.
1. Khái quát vai trò của thị trường, doanh nghiệp trong mối quan hệ với Nhà nước ở Hoa Kỳ
Trong mỗi hệ thống kinh tế, doanh nghiệp và nhà quản lý sử dụng các nguồn lực như tài nguyên thiên nhiên, lao động và công nghệ để sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, cách thức tổ chức và sử dụng các nguồn lực này phản ánh tư tưởng chính trị và nền văn hóa của mỗi quốc gia[1]. Nền kinh tế hiện đại của Hoa Kỳ có nguồn gốc từ cuộc tìm kiếm lợi ích kinh tế của người châu Âu vào thế kỷ XVI, XVII và XVIII, sau đó phát triển từ nền kinh tế thuộc địa thành nền kinh tế có trình độ phát triển cao. Lịch sử phát triển kinh tế của Hoa Kỳ cho thấy sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế và mức độ can thiệp là vấn đề muôn thuở.
Chủ nghĩa tự do mới là trào lưu tư tưởng kinh tế lớn xuất hiện vào những năm 1930 và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của nền kinh tế Hoa Kỳ. Chủ nghĩa tự do mới hướng đến một nền kinh tế hiện đại có khả năng tự điều tiết cao, vì vậy sự can thiệp của chính phủ vào thị trường dù cần thiết nhưng phải được hạn chế với phương châm “thị trường nhiều hơn, nhà nước can thiệp ít hơn”[2]. Sau thời kỳ của chủ nghĩa tư bản có điều tiết theo trường phái Keynes trong những năm 1950-1970, chủ nghĩa tự do kiểu mới và mô hình kinh tế thị trường tự do “lên ngôi” ở Hoa Kỳ[3]. Mặc dù vậy, sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế là cần thiết để hạn chế sự tập trung quyền lực và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến lợi ích thương mại mang tính cá nhân không được kiểm soát. Do đó, nhiều học giả cho rằng nền kinh tế thị trường của Hoa Kỳ nên được mô tả là một nền kinh tế “hỗn hợp”, trong đó nhà nước và doanh nghiệp thuộc khu vực tư đều đóng vai trò quan trọng[4].
Ở Hoa Kỳ, cơ chế tự do kinh doanh nhấn mạnh đến sở hữu tư nhân bởi niềm tin của người Mỹ về tự do cá nhân[5]. Ngay từ thời kỳ lập quốc, các nhà khai quốc trong quá trình soạn thảo bản hiến pháp đã luôn tìm các cách thức để hạn chế quyền lực của Nhà nước có thể dẫn đến xâm phạm tự do cá nhân, bao gồm cả sự can thiệp của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Thêm vào đó, người Mỹ nhìn chung tin rằng một nền kinh tế đặc trưng bởi sở hữu tư nhân sẽ hoạt động hiệu quả hơn so với nền kinh tế đặc trưng bởi sở hữu nhà nước[6]. Tuy nhiên, việc để thị trường và doanh nghiệp tự do cũng có những hạn chế, và ở đây cần sự can thiệp của Nhà nước. Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế Hoa Kỳ được thể hiện trên 4 lĩnh vực[7]: (i) ổn định và tăng trưởng; (ii) điều tiết và kiểm soát; (iii) trực tiếp cung cấp dịch vụ công (direct services); và (iv) hỗ trợ trực tiếp (direct Assistance).
Như vậy, đặc tính của nền kinh tế thị trường ở Hoa Kỳ là bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, giới hạn sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; mặt khác, khuyến khích vai trò của nhà nước trong thúc đẩy thịnh vượng chung. Những đặc tính này được bảo đảm bằng các quy định của Hiến pháp, cụ thể[8]:
Khoản 8 Điều 1 quy định việc thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và nghệ thuật hữu ích bằng cách đảm bảo quyền sở hữu của các tác giả và nhà phát minh đối với các tác phẩm và phát minh trong thời gian hạn định.
Khoản 9 và khoản 10 Điều 1 bảo vệ các doanh nghiệp và tự do lựa chọn thông qua quy định giới hạn quyền của các bang trong việc đánh thuế hàng hóa và dịch vụ.
Tu chính án 5 bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cá nhân.
Tu chính án 14 ngăn cấm các bang tước đoạt tài sản của cá nhân mà không tuân thủ đúng quy trình (due process).
Tu chính án 9 và Tu chính án 10 giới hạn quyền lực của Nhà nước trong việc can thiệp vào các quyền không được liệt kê trong Hiến pháp.
Trong khi đó, Lời mở đầu của Hiến pháp tuyên bố mục tiêu “nhằm thúc đẩy thịnh vượng chung” (general welfare).
Có thể thấy, nền kinh tế hiện đại ở Hoa Kỳ yêu cầu Nhà nước và doanh nghiệp - các chủ thể kinh doanh trên thị trường đều đóng vai trò quan trọng vì mục tiêu phân phối hợp lý các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quyền tự chủ, độc lập và bình đẳng của doanh nghiệp cần được tôn trọng; Nhà nước với vai trò người tạo ra luật chơi cần đảm bảo sân chơi lành mạnh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tối ưu lợi ích của mình một cách hợp pháp, tránh mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp. Nói cách khác, Nhà nước thiết lập khuôn khổ pháp luật và chế tài bảo đảm cho sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng các nguồn lực phát triển theo quy luật thị trường.
2. Bảo đảm pháp lý cho sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ
Hoa Kỳ luôn nằm ở những vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia có năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả nhất. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2019 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Hoa Kỳ xếp thứ 8 về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh[9]. Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu năm 2018 (Global Competitiveness Report) xếp Hoa Kỳ ở vị trí thứ nhất với lợi thế về văn hóa kinh doanh, thị trường lao động và hệ thống tài chính vững mạnh[10].
Để nền kinh tế thị trường vận hành cần có hệ thống pháp luật đầy đủ và hiệu quả. Với những đặc điểm của nền kinh tế được phân tích ở trên, có thể thấy, vấn đề được đặt ra ở Hoa Kỳ không phải là bình đẳng giữa các doanh nghiệp căn cứ vào hình thức sở hữu (doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân), mà là bảo đảm các doanh nghiệp ở trạng thái giống nhau đều có cơ hội tiếp cận các nguồn lực. Do vậy, pháp luật cạnh tranh là bảo đảm pháp lý quan trọng nhất cho sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều này lại có thể trở thành bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ khi các doanh nghiệp này cũng bị hạn chế liên kết với nhau. Trong lịch sử Hoa Kỳ, doanh nghiệp nhỏ không chỉ là lực lượng xây dựng nền kinh tế, mà còn là nhân tố thúc đẩy dân chủ[11].Vì vậy, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã có cách tiếp cận khác trong bảo đảm sự bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
- Pháp luật cạnh tranh
Cạnh tranh là xương sống của chính sách kinh tế Hoa Kỳ[12], và pháp luật về chống độc quyền là một trong những công cụ chủ yếu mà Hoa Kỳ sử dụng để duy trì môi trường cạnh tranh và phát triển nền kinh tế. Ở cấp độ liên bang, ba đạo luật đóng vai trò nền tảng cho chính sách cạnh tranh và chống độc quyền ở Hoa Kỳ bao gồm: Đạo luật Chống độc quyền Sherman năm 1890 (Sherman Anti-Trust Act), Đạo luật Chống độc quyền Clayton năm 1914 (Clayton Anti-Trust Act), và Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang năm 1914 (Federal Trade Commission Act). Các đạo luật này điều chỉnh ba vấn đề quan trọng: (i) kiểm soát tập trung kinh tế, (ii) kiểm soát lạm dụng vị trí độc quyền, và (iii) kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Cụ thể:
Đạo luật Chống độc quyền Sherman cấm các hành vi hạn chế cạnh tranh bất hợp lý, bao gồm: (i) hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc (thỏa thuận giữa các chủ thể ở các cấp khác nhau trong quá trình sản xuất đến phân phối mà có ảnh hưởng nhất định đến cạnh tranh); và (ii) hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang (thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh như thỏa thuận về giá, thỏa thuận phân chia thị trường nhằm triệt tiêu cạnh tranh một cách bất hợp lý). Bên cạnh đó, Đạo luật cũng điều chỉnh hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của các doanh nghiệp có vị trí độc quyền nhằm ngăn cản cạnh tranh. Cần lưu ý, Đạo luật Sherman không cấm một doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp độc quyền, mà là cấm hành vi sử dụng các biện pháp hạn chế cạnh tranh bất lý để đạt được hoặc duy trì vị thế độc quyền.
Đạo luật Chống độc quyền Clayton có tính chất bổ sung cho Đạo luật Chống độc quyền Sherman, điều chỉnh các hành vị lạm dụng vị trí độc quyền và hạn chế cạnh tranh mà Đạo luật Sherman chưa điều chỉnh. Các hành vi này bao gồm hành vi phân biệt giá, giao dịch mua bán và sáp nhập tạo ra vị trí độc quyền hoặc làm giảm đáng kể cạnh tranh thuộc trường hợp bị cấm.
Đạo luật Ủy ban thương mại liên bang năm 1914 thiết lập Ủy ban Thương mại liên bang (Federal Trade Commission - FTC) là cơ quan ngăn chặn và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc các hành vi khác ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Đạo luật FTC điều chỉnh cạnh tranh không lành mạnh ở hai khía cạnh[13]: (i) hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các đối thủ cạnh tranh; (ii) hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm giảm khả năng lựa chọn tự do và hiệu quả của người tiêu dùng.
Vai trò của luật chống độc quyền đã được khẳng định thông qua phán quyết của Tòa án tối cao trong vụ Northern Pacific R. Co. vs. United States (1958). Theo đó, Tòa án tối cao nhận định Đạo luật Chống độc quyền Sherman nhằm làm “…duy trì sự cạnh tranh tự do và không bị cản trở như một quy tắc thương mại; và sự tương tác không bị hạn chế của các lực lượng cạnh tranh sẽ mang lại sự phân bổ tốt nhất các nguồn lực kinh tế, giá cả thấp nhất, chất lượng cao nhất và tiến bộ vật chất rộng lớn nhất, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi bảo đảm cho các thể chế xã hội và chính trị dân chủ của chúng ta”[14]. Duy trì cạnh tranh thông qua pháp luật chống độc quyền, bên cạnh mục tiêu sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, còn nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng như được quy định tại Phần 5 Đạo luật Ủy ban thương mại liên bang năm 1914.
Hoa Kỳ thiết kế mô hình gồm hai cơ quan cùng đảm nhiệm vai trò thực thi pháp luật cạnh tranh ở cấp liên bang: Bộ Tư pháp (Department of Justice - DOJ) và Ủy ban Thương mại liên bang (FTC). DOJ có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm Đạo luật chống độc quyền Sherman, bao gồm cả hành vi vi phạm luật hình sự và vi phạm hành chính. Trong khi đó, FTC là một cơ quan độc lập với cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp[15], có thẩm quyền hành chính và tư pháp trong xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh thẩm quyền riêng, DOJ và FTC có một số thẩm quyền trùng lặp nhau. Ví dụ, cả hai cơ quan đều có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm Đạo luật chống độc quyền Clayton và xử phạt hành chính các hành vi này. Mặc dù vậy, tính độc lập của hai cơ quan là yếu tố quan trọng bảo đảm hiệu quả trong thực thi pháp luật cạnh tranh ở Hoa Kỳ.
Hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh đã được thể hiện qua báo cáo về điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh trong 10 năm (2010-2019) [16]. Số lượng các vụ tập trung kinh tế được khởi xướng điều tra chiếm ưu thế với tổng cộng 698 vụ; các vụ liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh chiếm trung bình 40 vụ trong một năm; trong khi đó, số lượng các vụ liên quan đến lạm dụng vị trí độc quyền/thống lĩnh không đáng kể với chỉ 18 vụ trong 10 năm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp có ý thức rất rõ về các đạo luật chống độc quyền qua thời gian dài phát triển của pháp luật cạnh tranh ở Hoa Kỳ.
- Pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
Hoa Kỳ được biết đến là một quốc gia với tinh thần doanh nhân (entrepreneurship)[17]. Trên thực tế, theo số liệu của Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (US. Small Business Administration - SBA) năm 2019, Hoa Kỳ có 30,7 triệu doanh nghiệp nhỏ, chiếm 99,9% tổng số doanh nghiệp và sử dụng 59,9 triệu lao động, chiếm 47,3% lực lượng lao động ở khu vực tư[18]. Mặc dù có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Do những bất lợi về quy mô nhỏ, dễ bị tổn thương bởi thất bại của thị trường, doanh nghiệp nhỏ cũng gặp những hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực phát triển. Vì vậy, Hoa Kỳ đã tiến hành cải cách khung pháp luật, ban hành các biện pháp hỗ trợ để tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ. Nói cách khác, ở đây, Nhà nước Hoa Kỳ đóng vai trò tạo khung khổ cho sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển của doanh nghiệp quy mô nhỏ thông qua pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
Đạo luật Doanh nghiệp nhỏ (Small Business Act) được ban hành năm 1953 đã thiết lập Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) nhằm hỗ trợ và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, quan niệm về thị trường tự do cạnh tranh hoàn toàn đã thay đổi, khi nghiên cứu của Cục Dự trữ liên bang (Federal Reserve) cho thấy doanh nghiệp nhỏ khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp lớn trong tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước[19]. Vì vậy, Đạo luật Doanh nghiệp nhỏ đã được sửa đổi vào năm 1958 để “trợ giúp, tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ, trong phạm vi có thể, lợi ích của doanh nghiệp nhỏ nhằm duy trì tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp”[20]. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ tập trung vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ gia nhập thị trường và hoạt động trên thị trường. Chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là thủ tục đăng ký kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ có thể thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử với quy trình đơn giản, thời gian thực hiện thủ tục nhanh chóng, ít tốn kém chi phí và giảm thiểu chi phí không chính thức. Đồng thời, Chính phủ nỗ lực cắt bỏ các giấy phép, điều kiện về thủ tục gia nhập thị trường[21]. Ngoài ra, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số lĩnh vực trọng điểm, và các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp nhỏ[22].
Thứ hai, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ. Các chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ do SBA quản lý. Tuy nhiên, SBA không cung cấp các khoản vay trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ mà thông qua cơ chế bảo lãnh một phần các khoản vay qua các ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức phi chính phủ. Chương trình hỗ trợ tài chính bao gồm 3 hợp phần chính: (i) chương trình cho vay 7(a) (7(a) loan program); (ii) chương trình cho vay CDC/504 (CDC/504 loan program); và (iii) chương trình cho vay nhỏ (microloan program). Mức cho vay tối đa của chương trình cho vay 7(a) và chương trình cho vay CDC/504 là 5 triệu USD được sử dụng cho các nhu cầu khác nhau của doanh nghiệp nhỏ.
Thứ ba, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp nhỏ. Chính sách chú trọng đến hỗ trợ đào tào, nâng cao năng lực quản lý cho các chủ doanh nghiệp có ý định khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp và ngay khi doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Để thực hiện chính sách hỗ trợ này, SBA thành lập và quản lý mạng lưới các đối tác tại địa phương cung cấp dịch vụ tư vấn, hướng dẫn, đào tạo với chi phí thấp cho doanh nghiệp nhỏ.
Thứ tư, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo và xúc tiến xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ. Chương trình nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhỏ (Small Business Innovation Research - SBIR) và Chương trình Chuyển giao công nghệ doanh nghiệp nhỏ (Small Business Technology Transfer - STTR) khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ tham gia và chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) với triển vọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu[23]. Bên cạnh đó, Chính phủ xúc tiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ thông qua cung cấp thông tin về thị trường nước ngoài, cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp. Ủy ban Điều phối xúc tiến thương mại (Trade Promotion Coordinating Committee) là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Ủy ban đã thiết lập mạng lưới với hơn 100 chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương để trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ[24].
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Christopher Conte, Albert R. Karr (2001), An Outline of the U.S. Economy, https://usa.usembassy.de/etexts/oecon/.
[2] Phạm Thị Hồng Điệp (2010), Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường từ một số học thuyết kinh tế cận, hiện đại và vận dụng vào Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: “Các lý thuyết kinh tế chính trong bối cảnh mới của thế giới và vận dụng vào phát triển kinh tế Việt Nam”, Hội đồng Lý luận Trung ương, tr.4.
[3] Phạm Thị Hồng Điệp, tlđd., tr. 8.
[4] Christopher Conte, Albert R. Karr, tlđd.
[5] Xem chú thích trên.
[6] Xem chú thích trên.
[7] Xem chú thich trên.
[8] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2012), Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội.
[9] World Bank (2019), Doing Business 2019: United States, tr.1.
[10]Hải Anh (2018), Mỹ giành lại “vương vị” nền kinh tế cạnh tranh sau một thập kỷ, Báo Lao động, https://laodong.vn/the-gioi/my-gianh-lai-vuong-vi-nen-kinh-te-canh-tranh-nhat-the-gioi-sau-1-thap-ky-636481.ldo.
[11] Christopher Conte (2006), Small Business in U.S History, eJournal USA: Economic Pespective, Vol.11, No.1, p.6
[12] Maurice E. Stucke (2013), Is Competition always good?, Journal of Antitrust Environment, Vol.1, Iss.1, tr.162-197
[13] Federal Trade Commission (2019), A Brief Overview of the Federal Trade Commission’s Investigate, Law Enforcement, and Rulemaking Authority, https://www.ftc.gov/about-ftc/what-we-do/enforcement-authority.
[14] Northern Pacific R. Co. vs. United States, 356 U.S 1, 4 (1958)
[15] Trần Thị Quang Hồng (2018), Cơ quan Quản lý cạnh tranh ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và những gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số (3+4) (355+356), tr.113.
[16] Department of Justice (2019), Antitrust Division Workload Statistics FY 2010 -2019, https://www.justice.gov/atr/file/788426/download
[17] Christopher Conte, Albert R. Karr (2001), tlđd.
[18] U.S. Small Business Administration (2019), 2019 Small Business Profile, https://cdn.advocacy.sba.gov/wp-content/uploads/2019/04/23142719/2019-Small-Business-Profiles-US.pdf.
[19] Findlaw (2017), Public Law 95-507, https://corporate.findlaw.com/business-operations/public-law-95-507.html.
[20] Section 2(a), Small Business Act of 1958.
[21] 10 ngành nghề kinh doanh yêu cầu giấy phép, điều kiện hoạt động đối với doanh nghiệp nhỏ. Xem U.S. Small Business Administration (2019), https://www.sba.gov/business-guide/launch-your-business/apply-licenses-permits
[22] Nguyễn Sỹ Anh (2018), Kinh nghiệm các nước về thực thi pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 14 (366), tr.59.
[23] SBIR - STTR America’s Seed Fund, The SBIR and STTR Programs, https://www.sbir.gov/about
[24] U.S. Small Business Administration (2019), https://www.sba.gov/local-assistance/find?type=U.S.%20Export%20Assistance%20Center&pageNumber=1
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Sỹ Anh (2018), Kinh nghiệm các nước về thực thi pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 14 (366).
- Nguyễn Đình Cung, Lê Thị Hồng Điệp (2018), Những đặc điểm, tiêu chí cơ bản, phổ biến của kinh tế thị trường hiện đại trong điều kiện toàn cầu hóa, http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan/nhung-dac-diem-tieu-chi-co-ban-pho-bien-cua-kinh-te-thi-truong-hien-dai-trong-dieu-kien-toan-cau-hoa.html
- Nguyễn Văn Giàu, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Đình Cung (chủ biên) (2016), Thể chế pháp luật kinh tế một số quốc gia trên thế giới, Nhà xuất bản Tài chính.
- Phạm Thị Hồng Điệp (2010), Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường từ một số học thuyết kinh tế cận, hiện đại và vận dụng vào Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: “Các lý thuyết kinh tế chính trong bối cảnh mới của thế giới và vận dụng vào phát triển kinh tế Việt Nam”, Hội đồng Lý luận Trung ương.
- Trần Thị Quang Hồng (2018), Cơ quan Quản lý cạnh tranh ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và những gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số (3+4) (355+356), tháng 2/2018.
- Christopher Conte. (2006). Small Business in U.S History. eJournal USA: Economic Pespective, 11(1).
- Christopher Conte, Albert R. Karr (2001), An Outline of the U.S. Economy, https://usa.usembassy.de/etexts/oecon/.
- Federal Trade Commission (2019), A Brief Overview of the Federal Trade Commission’s Investigate, Law Enforcement, and Rulemaking Authority, https://www.ftc.gov/about-ftc/what-we-do/enforcement-authority.
- Maurice E. Stucke. (2013). Is Competition always good? Journal of Antitrust Environment, 1(1).
- S. Small Business Administration, https://www.sba.gov/.
POLICIES AND LAWS ENSURING EQUALITY AMONG BUSINESSES
IN THE UNITED STATES
CHU THI THANH AN, LLM.
Institute of State and Law, Vietnam Academy of Social Sciences
ABSTRACT:
This article gives an overview on the role of markets and businesses in the business-government relationship in the US. This artcile also examines the legal guarantees for equality among businesses in the US with two pillars, namely the law on competition and the law on support for small businesses.
Keywords: United States, equality, businesses, policies, laws.