Cơ hội chuyển đổi số cho Việt Nam trong giai đoạn đại dịch Covid-19

TS. TRẦN VĂN THIỆN (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) nhằm thực hiện mục tiêu kép "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19" và “phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới”. Bài viết làm rõ những lợi ích mang lại cho nền kinh tế khi thực hiện CĐS. Đồng thời, tác giả cũng đã nêu một trường hợp điển hình về CĐS của chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong và sau dịch Covid-19 để làm rõ hơn những cơ hội mà CĐS mang lại.

Từ khóa: chuyển đổi số, đại dịch Covid-19, doanh nghiệp, chính quyền, người dân, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

CĐS chính là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược cụ thể cùng sự đầu tư tương xứng mới có thể tồn tại và phát triển bền vững. Theo “Hướng dẫn chi tiêu cho chuyển đổi kỹ thuật số bán kỳ trên toàn thế giới (IDC)” dự báo rằng chi tiêu trên toàn thế giới cho các hoạt động công nghệ và dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số sẽ đạt 1,97 nghìn tỷ USD vào năm 2022.

Sự thay đổi của công nghệ và xã hội đã nhanh chóng tạo ra nhiều ngành nghề và mô hình sản xuất - kinh doanh mới. Nhà nước và doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội chuyển đổi nhằm đáp ứng xu thế thay đổi đó. Ngoài ra, với những doanh nghiệp xem cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng là một mục tiêu then chốt thì CĐS chính là một phần quan trọng trong các hoạt động của doanh nghiệp. Thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi nhanh với ngày càng nhiều yêu cầu về tiện ích sản phẩm, dịch vụ. Đối thủ cạnh tranh cũng đã thay đổi, ngày càng mạnh lên. Việc sở hữu nền tảng số hóa cho phép họ triển khai vận hành hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, chất lượng hơn. Điều này khiến mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, vì vậy việc CĐS sẽ là bắt buộc với các doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, các mô hình CĐS cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực của xã hội. CĐS làm thay đổi cơ bản mô hình kinh doanh truyền thống. CĐS và công nghệ mới cũng đang giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, chính phủ, doanh nghiệp và người dân cũng cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục phát triển và hội nhập hiệu quả. Với dân số gần 100 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ, năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc CĐS. Đây là những cơ hội để Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Những lợi ích đối với nền kinh tế khi thực hiện chuyển đổi số

2.1. Thị trường chuyển đổi số

Năm 2021, nền kinh tế internet của Việt Nam được ước tính đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng trưởng 31% so với năm trước đó. Ước tính tổng thể nền kinh tế internet của Việt Nam có thể đạt mức 57 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng kép 29% mỗi năm. Trong đó, thương mại điện tử tăng 53% đạt mức 13 tỷ USD, giao thông và giao thực phẩm tăng trưởng 35% đạt mức 2,4 tỷ USD và truyền thông số tăng 30% đạt mức 3,9 tỷ USD. Với những số liệu trên cũng cho ta thấy lợi ích mà CĐS mang lại cho nền kinh tế nước ta. Đây là thị trường vô cùng hấp dẫn cho các doanh nghiệp số cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp CĐS.

Báo cáo nền kinh tế số được phát hành bởi Goolge, Temasek và Bain & Company mới đây cho thấy, giá trị các thương vụ đầu tư vào lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam tăng vọt, đạt mức 1,368 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Con số này tăng gấp 3,75 lần cùng kỳ và vượt mức cả năm của tất cả các năm trước đó. Theo báo cáo này, Việt Nam tiếp tục được duy trì là khu vực đổi mới hấp dẫn với nhiều vườn ươm và các trung tâm đổi mới sáng tạo hơn các thị trường khác trong khu vực. Bất chấp sự không chắc chắn của thị trường, vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục đổ vào Việt Nam nhờ nền tảng cơ bản tăng trưởng mạnh mẽ cùng hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển. Việt Nam có thêm 8 triệu người dùng kỹ thuật số mới kể từ thời điểm bắt đầu diễn ra đại dịch (tính đến hết nửa đầu năm 2021), 55% trong số đó đến từ khu vực không phải các thành phố lớn. Mức độ chấp nhận cao khi 97% người dùng mới vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ, 99% nói sẽ sử dụng trong tương lai, 30% nhà bán hàng tin tưởng rằng họ sẽ không thể vượt qua đại dịch nếu không có sự hỗ trợ của các nền tảng số. Khoảng 99% nhà bán hàng hiện nay chấp nhận thanh toán trực tuyến, 72% chấp nhận các giải pháp cho vay số, và 72% tin tưởng vào sự gia tăng của các công cụ marketing số trong vòng 5 năm tới.

2.2. Cơ hội chuyển đổi số

2.2.1. Đối với Nhà nước

Việt Nam đã chủ động việc CĐS cho từng ngành, từng lĩnh vực. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy nhanh việc phát triển, làm chủ các nền tảng số. Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò quan trọng công cuộc chuyển đổi này đồng thời ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan nhà nước sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các loại thủ tục hành chính. Thiết bị 5G Việt Nam đã được triển khai thử nghiệm trên mạng lưới. Tháng 10/2020, Việt Nam đã thương mại hóa 5G bằng thiết bị trong nước sản xuất. 

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam đã có nhiều phần mềm chống dịch như phần mềm khai báo y tế tại cửa khẩu, phần mềm khai báo y tế tự nguyện NCOVI, phần mềm phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, phần mềm dự báo dịch bệnh, hệ thống báo cáo phục vụ ban chỉ đạo... Tất cả các sản phẩm này đều do Việt Nam tự sản xuất. Một số phần mềm được chia sẻ quốc tế, lấy ý kiến cộng đồng mã nguồn mở. Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của phần mềm mã nguồn mở.

2.2.2. Đối với doanh nghiệp

CĐS mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ điều hành quản lý đến sản xuất - kinh doanh. Tầm quan trọng của CĐS được thể hiện ở nhiều khía cạnh, như: Cắt giảm chi phí, xác định chính xác phân khúc thị trường và khách hàng tiềm năng, tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh sự đổi mới và sáng tạo. Doanh nghiệp CĐS thành công thường nhận được rất nhiều lợi ích.

CĐS còn giúp các doanh nghiệp tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị. Thay vì phải ngồi chờ nhân viên gửi báo cáo, các nhà quản lý hoàn toàn có thể chủ động xem các loại báo cáo mà mình muốn bất cứ lúc nào. Ngoài ra, việc khảo sát thị trường, lấy nhu cầu khách hàng quen để nắm bắt nhu cầu khách hàng online là hình thức nghiên cứu thị trường hiệu quả, chi phí thấp và chính xác. Đây là những lợi ích vô cùng to lớn do CĐS mang lại. Mọi hoạt động của doanh nghiệp từ việc có khách hàng tìm hiểu sản phẩm, nhân viên kinh doanh bán hàng, kế toán ghi nhận doanh số hay biến động nhân sự ở các bộ phận như thế nào đều được thể hiện trên các công cụ số.

CĐS  tạo ra một kiểu kết nối mới: kết nối tư duy, dữ liệu, xã hội, tài nguyên và tư liệu sản xuất theo một phương thức hoàn toàn khác. Doanh nghiệp dễ dàng nâng cao khả năng cạnh tranh nhờ sở hữu nền tảng số hóa, qua đó có thể triển khai và vận hành doanh nghiệp hiệu quả, chính xác và chất lượng hơn. Các giải pháp quản trị và vận hành số hóa gia tăng hiệu quả từ 30 đến 100%. Để so sánh tác động của doanh nghiệp CĐS và doanh nghiệp truyền thống có lẽ giống như cuộc chiến của người khổng lồ và kẻ tí hon vậy. CĐS giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh còn thể hiện ở việc tương tác nhanh chóng với khách hàng, chăm sóc cá nhân hóa khách hàng, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Không phủ nhận sự nguy hiểm cũng như những thiệt hại mà đại dịch Covid-19 đã gây ra nhưng qua đại dịch Covid -19 cũng giúp chúng ta nhìn ra tầm quan trọng của CĐS. Trong giai đoạn dich bệnh diễn biến phức tap, các hình thức thương mại online phát triển một cách rất hiệu quả ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế từ thiết kế, giao nhận hàng, tiếp cận khách hàng bằng livestream giới thiệu sản phẩm, quản trị doanh nghiệp và nhiều công tác nghiệp vụ khác… dù bước đầu chúng ta có gặp phải một số trục trặc nhỏ nhưng cũng nhanh chóng vượt qua và làm quen với những tiện ích mà công nghệ số mang lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng thay đổi cách tiếp cận khách hàng trên môi trường số linh hoạt để tìm khách hàng mới trong điều kiện giãn cách, không thể tiếp cận trực tiếp được.

2.2.3. Đối với người dân

Đối với người dân, CĐS đã và đang tác động sâu sắc vào trong cuộc sống khi có thể trải nghiệm các dịch vụ công hay các dịch vụ được cung cấp từ các doanh nghiệp ngày càng thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả. Các giao dịch ở nhiều lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, ngân hàng, mua sắm, giải quyết một số thủ tục hành chính đều có thể tiến hành online… hoàn toàn có thể thực hiện qua mạng mà không cần phải đến tận nơi thực hiện. Trong thời gian cách ly do đại dịch Covid-19 vừa qua, người dân đã có cơ hội tiếp cận được những tiện ích mà CĐS mang lại. Thói quen sử dụng công nghệ số trong các hoạt động và giao dịch hàng ngày của người dân sẽ là động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh CĐS.

3. Một trường hợp điển hình về chuyển đổi số của chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong và sau dịch Covid-19

Việc thực hiện các thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng nhờ nền tảng công nghệ chính là một nội dung của quá trình CĐS. Quá trình này còn bao gồm cả thay đổi cách thức quản lý, thay vì điều hành chủ yếu là thủ công, dựa vào sức người thì nay đã được thay bằng ứng dụng khoa học công nghệ. Đây được xem là quyết sách đột phá trong năm 2021 để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Trong chương trình CĐS, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP, tất cả hồ sơ cấp quận, huyện và 95% hồ sơ cấp phường được giải quyết qua mạng.

Chương trình CĐS của TP. Hồ Chí Minh đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030, thành phố sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, các doanh nghiệp số thể hiện sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt hơn 50%; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân và doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu nằm trong nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử. Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Đến năm 2030, sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng đã nhận thức rõ và tích cực khuyến khích, thúc đẩy việc CĐS trong và sau dịch. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nhận thức của các doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp và người dân cũng cần phải hiểu và yêu cầu được thụ hưởng lợi ích từ việc CĐS đem lại. Từ đó thúc đẩy ngược lại các cơ quan công quyền, đẩy mạnh CĐS. TP. Hồ Chí Minh cũng đồng thời phát triển hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, hạ tầng Internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu.

4. Kết luận

Khủng hoảng kinh tế từ Covid-19 mang lại nhiều tác hại và sự tàn phá to lớn, tuy nhiên nó cũng tạo ra những cơ hội mới. Cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng chính là cơ hội để CĐS. Trong đó, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân là 3 trụ cột quan trọng tạo nên sự thành công. Để việc CĐS diễn ra nhanh hơn, chính quyền phải có nền tảng pháp lý để doanh nghiệp thực hiện cùng với việc tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện. Covid-19 đã mang lại động lực và xung lực mạnh mẽ cho quá trình CĐS trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khắc phục những đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp và làm xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới. Khách quan mà nói, nó cũng đặt ra thách thức cho nhà nước và doanh nghiệp trong vấn đề huy động và sử dụng các nguồn lực, đào tạo kỹ năng, chuẩn bị hạ tầng công nghệ số để bắt kịp những thay đổi lớn sau đại dịch Covid-19.

Trong thực tế, CĐS trong doanh nghiệp sản xuất khó hơn nhiều so với các doanh nghiệp thuộc ngành thương mại dịch vụ. Vì vậy, cần có sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các viện, các trường đại học. Bên cạnh đó vai trò của cơ quan quản lý và doanh nghiệp số cũng cần được nâng cao. Khuynh hướng sản xuất lúc nào cũng tồn tại những thách thức như cần tăng năng suất, giảm chi phí, đáp ứng cạnh tranh cao. Doanh nghiệp cần linh hoạt, nhạy bén chủ động ứng dụng các thiết bị di động, công nghệ thông tin, AI, IoT vào điều hành quản lý doanh nghiệp mình. Các công nghệ này giúp doanh nghiệp có cơ sở dữ liệu đầy đủ để sản xuất, báo cáo, phân tích và xử lý nhanh chóng, kịp thời đưa ra quyết định giúp tối ưu hóa sản xuất và giảm sai sót, giúp giám sát linh hoạt thông qua thiết bị di động, đáp ứng yêu cầu khắt khe về quy trình quản lý, hiệu quả năng lượng.

 Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình CĐS nhằm thực hiện mục tiêu kép "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19" và “phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2020). Quyết định số 2392/QĐ-UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 03/7/2020 về cập nhật Kiến trức chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh.
  1. Trần Văn Thiện, Phạm Kiên (2021). Chuyển đổi số của chính quyền và doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và những lợi ích chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp. Tạp chí Công Thương,  https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chuyen-doi-so-cua-chinh-quyen-va-doanh-nghiep-o-thanh-pho-ho-chi-minh-va-nhung-loi-ich-chuyen-doi-so-mang-lai-cho-doanh-nghiep-80186.htm
  2. Trần Văn Thiện, Phạm Kiên (2020). Sự quyết định của công nghệ cao đối với việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại 3 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Cần Thơ. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/su-quyet-dinh-cua-cong-nghe-cao-doi-voi-viec-xay-dung-va-phat-trien-do-thi-thong-minh-tai-3-dia-phuong-thanh-pho-ho-chi-minh-binh-duong-va-can-tho-78464.htm
  3. Các thông tin về Chuyển đổ số ở các hội thảo và trên Internet.

 

DIGITAL TRANSFORMATION OPPORTUNITIES FOR VIET NAM

DURING AND AFTER THE COVID-19 PANDEMIC

Ph.D. TRAN VAN THIEN

Van Lang University

ABSTRACT:

The COVID-19 pandemic has severely impacted the entire economic, political and social aspects of Vietnam. However, the pandemic is also viewed as an opportunity for Vietnam to accelerate the country’s digital transformation process in order to achieve the dual goals of containing the pandemic while ensuring economic activity in the new normal. This paper clarifies the benefits brought by the digital transformation process to Vietnam’s economy. This paper also presents the digital transformation process of Ho Chi Minh City authorities during and after the COVID-19 pandemic to better clarify the opportunities that the digital transformation has brought.

Keywords: digital transformatin, the COVID-19 pandemic, enterprise, government, people, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 5, tháng 3 năm 2022]