Dịch Covid – 19 đã tác động mạnh lên lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Hà Nội trong những tháng qua. Theo Sở Công Thương Hà Nội, quý I/2020 giá trị tăng thêm ngành công nghiệp Hà Nội tăng 5,09% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của quý I trong các năm gần đây (Quý I/2018 tăng 7,12%; quý I/2019 tăng 6,96%), đóng góp 0,64 điểm phần trăm vào mức tăng 3,72% tổng giá trị tăng thêm trên địa bàn.
Trong đó, một số ngành chiếm tỷ trọng khá lớn trong sản xuất công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm như: Sản xuất đồ uống giảm 22% (do tác động của Nghị định số 100/2019/NĐ – CP của Chính phủ); sản xuất thuốc lá giảm 2,6% (do Công ty TNHH 1TV Thuốc lá Thăng Long đang trong quá trình chuyển trụ sở và nhà máy sản xuất); Dệt giảm 3,7%; sản xuất trang phục giảm 1,9%; sản xuất da giảm 1,6%; các sản phẩm từ khoáng phi kim và kim loại khác 2,4%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,8%; máy móc thiết bị giảm 11% (do thiếu nguyên liệu cung ứng). Một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng cũng giảm mạnh như; Sữa và kem dạng bột (giảm 27,3%); Bia các loại (giảm31%); sản phẩm bằng plastic (giảm 21,7%); máy copi-in (giảm 29,3%).
Đặc biệt, điểm sáng ngành công nghiệp của Hà Nội trong quý I/2020 là sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành hàng sản xuất thực phẩm và các nhu yếu phẩm để đảm bảo nhu cầu trong giai đoạn dịch hiện nay như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,8%; thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 32,4%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 23,5%; giường, tủ, bàn ghế tăng 25%.
Trước tình hình đó, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động đưa ra phương án, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về thuế, nguồn vốn vay cho doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, tham mưu cho UBND Thành phố tổ chức Hội nghị với các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn Thành phố; Chỉ đạo các phòng ban chức năng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội cũng tăng cường rà soát, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; Kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài; Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn, quy cách, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.