TÓM TẮT:
Trong những năm qua, từ các chính sách và nguồn kinh phí hỗ trợ giảm nghèo, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch với những hình thức phù hợp với thực tế địa phương, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,4% năm 2015 xuống còn 5,6% năm 2018 theo tiêu chí mới. Để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là những người dân sinh sống trên địa bàn các xã có điều kiện kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn, huyện Yên Mô cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình quốc gia và của tỉnh về giảm nghèo bền vững. Bài viết phân tích về thực trạng và tìm giải pháp cho công tác giảm nghèo ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.
Từ khóa: Đói nghèo, chính sách giả nghèo, công tác giảm nghèo, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
1. Đặt vấn đề
Yên Mô là một huyện vùng trũng phía Nam của tỉnh Ninh Bình, phía Tây giáp Thành phố Tam Điệp, phía Nam giáp 2 huyện Nga Sơn và Hà Trung của tỉnh Thanh Hóa, phía Bắc giáp huyện Hoa Lư, phía Đông giáp huyện Kim Sơn, phía Đông Bắc giáp huyện Yên Khánh. Huyện Yên Mô có diện tích 144,1 km², diện tích canh tác 8.314,6 ha và dân số 117.234 nghìn người (năm 2017). Hiện nay, huyện có 17 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã được công nhận là xã miền núi, với kinh tế là một huyện thuần nông, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm nên đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo luôn là vấn đề đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
2. Thực trạng
Trong thời gian qua, công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Yên Mô quan tâm, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, chính vì vậy, số hộ nghèo năm 2015 từ 4.796 hộ giảm còn 2.130 hộ năm 2018; số hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo năm 2015 từ 1.832 hộ giảm còn 1.134 hộ năm 2018. Tuy vậy, số hộ cận nghèo lại tăng lên tính theo chuẩn nghèo mới từ 2.101 hộ năm 2015 lên 3.013 hộ năm 2018. Với diện tích đất đai chủ yếu là núi, sông, ngòi và ruộng trũng nên đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Lực lượng lao động làm nông nghiệp là chính, sản xuất trên địa bàn còn dựa nhiều vào nghề nông với các loại hình là trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản dựa vào lợi thế của vùng. Do vậy, để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từng bước giảm nghèo và giải quyết công ăn việc làm các ngành các cấp đã có những giải pháp tích cực về chính sách, cơ chế để giải quyết các khía cạnh của nghèo đói và thiếu việc làm, đặc biệt là các chính sách, giải pháp trợ giúp về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và các dịch vụ xã hội cơ bản khác. Tuy còn nhiều khó khăn thách thức, song với sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo đã đạt được một số kết quả bước đầu:
Một là, công tác xây dựng nông thôn mới và chương trình 135 (chỉ áp dụng cho 5 thôn đặc biệt của xã Yên Thái) đã góp phần thay đổi về mọi mặt đời sống xã hội. Mức thu nhập bình quân đầu người, thu nhập bình quân hộ nghèo tăng dần theo từng năm, tính đến hết năm 2018 đạt trên 27 triệu đồng/người/năm (tăng gần 1 triệu đ/người/năm so với năm 2015). 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ (đã có 17/17 xã đạt chuẩn quốc gia bộ tiêu chí mới). Tỷ lệ người dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 98,1%, trong đó có trên 64,4% số hộ dùng nước máy. Tỷ lệ xã có đường giao thông đến trung tâm xã đạt 100%. Công tác triển khai xây dựng nông thôn mới được quan tâm, đến cuối năm 2018 đã có 10/17 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư; lao động nông nghiệp còn dưới 60% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện đạt trên 40%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 91,54% năm 2015 lên 95% năm 2018 (1).
Hai là, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh cho các đối tượng từng bước được nâng lên: Công tác y tế dự phòng, các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 72,5%. Năm 2018, có 17/17 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia; hiện nay có 4 xã: Yên Thắng, Yên Từ, Yên Hòa và Yên Thái đạt chuẩn về y tế giai đoạn 2011-2020. 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Ba là, công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô trường lớp ổn định, phù hợp, nhất là công tác đào tạo nghề cho người nghèo được quan tâm. Trong thời gian qua, huyện Yên Mô thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ học nghề cho người nghèo, cơ bản đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt trên 70% với mức thu nhập bình quân từ 1,7 triệu đồng đến 4 triệu đồng, một số nghề đạt 7 triệu đồng, như nghề xây dựng, may công nghiệp...; Huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 sớm hơn 1 năm so với kế hoạch, huy động 100% trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học THCS. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước nâng lên, tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng hằng năm được tăng lên. Hiện nay, 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn 86,9%; giai đoạn 2011 - 2018 có 784 học sinh tiểu học và THCS đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và 21 học sinh đạt giải cấp quốc gia (2).
Bốn là, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện luôn được đầu tư, nâng cấp. Toàn huyện đã triển khai xây dựng, nâng cấp được 365,5 km đường giao thông, trong đó có 40,4 km đường trục xã, liên xã, 195,2 km đường giao thông thôn, xóm và 129,9 km đường trục chính nội đồng, tỷ lệ đường giao thông đạt chuẩn 70,2 %; hệ thống thủy lợi được nâng cấp cứng hóa 12,8 km kênh mương và thường xuyên nâng cấp; đầu tư nâng cấp 12 trường mầm non; 14 trường tiểu học; 10 trường THCS, đến nay 16 xã trên địa bàn huyện đã có 39/48 trường học đạt chuẩn Quốc gia (đạt 81,3%); 16 xã trên địa bàn huyện đã có 201/215 thôn, xóm có nhà văn hóa, sân vận động thôn, xóm (đạt 93,5%); nâng cấp, cải tạo trên 100 nhà tạm, nhà dột nát, tuyên truyền vận động nhân dân, chỉnh trang, nâng cấp 3.904 nhà ở dân cư với tổng kinh phí trên 528.398 tỷ đồng, đến nay số nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 77,3%; xây mới, nâng cấp đưa vào sử dụng 4 công trình nhà máy cấp nước sạch và hệ thống đường ống dẫn nước cho 5 xã với tổng kinh phí là 71.103 triệu đồng (2).
Năm là, hoạt động hỗ trợ vay vốn hộ nghèo tiếp tục được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Thông qua việc thành lập các tổ vay vốn do các hội, đoàn thể phụ trách, người dân đặc biệt là hộ nghèo đã được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay như vay vốn sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, vay vốn học sinh, sinh viên, vay vốn đầu tư khai thác nước sạch và vệ sinh môi trường... Bằng các nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vốn của các hội, đoàn thể đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có vốn để phát triển sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, vượt qua đói nghèo, giúp các hộ nông dân có vốn để mua trâu, bò, lợn, các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp hoặc đầu tư sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Nhiều hộ nghèo sau khi được vay vốn đã thay đổi phương thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Từ giai đoạn 2011 - 2018, có tổng 2.774 lượt hộ nghèo được vay vốn với số tiền là 48,212 tỷ đồng; có tổng 2.171 hộ cận nghèo được vay vốn với số tiền là 56,081 tỷ đồng; chương trình cho vay tín dụng học sinh, sinh viên có 5.925 hộ vay với tổng số tiền là 92,338 tỷ đồng. Cho vay xuất khẩu lao động đối với hộ nghèo 72 hộ vay với số tiền là 1,43 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo làm nhà ở với tổng dư nợ là 702 triệu đồng. Cho vay với hộ sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn có 1.736 hộ vay vốn với số tiền là 31,628 tỷ đồng. Cho vay vốn đầu tư khai thác nước sạch và vệ sinh môi trường có 4.624 hộ vay vốn với số tiền là 45,029 tỷ đồng (2).
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì công tác giảm nghèo trong thời gian qua vẫn còn những vấn đề đặt ra, đó là: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ nghèo phát sinh và tái nghèo còn cao; chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ còn lớn; tình trạng người lao động chưa qua đào tạo, thiếu kiến thức làm ăn vẫn còn nhiều; tình trạng khó khăn về nhà ở trong các hộ nghèo vẫn chưa giải quyết được; một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cấp trên; Nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trong những năm qua bố trí còn thấp, ngân sách tỉnh, huyện còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực khác trên địa bàn còn hạn chế.
3. Đề xuất một số giải pháp
Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới huyện Yên Mô cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác phối hợp giữa Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo. Tăng cường sự phối hợp giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững: Cần quan tâm, chú ý đến việc liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; huy động tối đa và tập trung các nguồn lực đầu tư cho xóa đói giảm nghèo, đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ hai, cần ưu tiên thực hiện đồng bộ các dự án, chính sách trên địa bàn các thôn đặc biệt khó khăn, các xã phấn đấu đạt nông thôn mới, góp phần tăng thu nhập của người lao động, của hộ nghèo tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để giảm nghèo bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tốc độ phát triển kinh tế khu vực phi nông nghiệp, tạo thêm làm việc mới; lựa chọn giống cây trồng vật nuôi phù hợp, thâm canh tăng năng suất, nâng cao giá trị thu nhập nhằm giảm bớt những khó khăn, giúp các hộ do thiếu đất sản xuất thoát nghèo. Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án trên địa bàn huyện góp phần chung cho chương trình giảm nghèo bền vững.
Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi và làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ khoa học kỹ thuật, nhận thức cho người nghèo. Gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm tạo điều kiện cho người lao động sau đào tạo tìm được việc làm trong và ngoài nước. Ưu tiên nhóm hộ gia đình thiếu đất sản xuất, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao trình độ cán bộ chuyên trách cho cơ quan thường trực chương trình giảm nghèo ở các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp xã trên địa bàn huyện Yên Mô.
Thứ tư, chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới an sinh xã hội để trợ giúp đối tượng người nghèo, như: Y tế, giáo dục, văn hóa…; tăng cường chỉ đạo và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thiên tai, nhằm tránh và giảm những thiệt hại do yếu tố khách quan mang lại. Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo từ các nguyên nhân rủi ro gây nên.
Thứ năm, đổi mới, bổ sung và sửa đổi, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của huyện Yên Mô phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Huyện để nâng cao hiệu quả của chính sách đầu tư cho chương trình. Phát huy mạnh mẽ tính dân chủ trong các hoạt động giảm nghèo, lấy ý kiến của người dân làm gốc để thực hiện các chính sách thực sự hiệu quả.
Tóm lại, để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Yên Mô cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, như: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở các xã nghèo còn nhiều khó khăn, trong đó tập trung tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng ở các xã nghèo; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo; xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực giảm nghèo; tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá các chính sách giảm nghèo tác động đến đối tượng thụ hưởng. Tạo việc làm ổn định và đa dạng hoạt động thu nhập cho lao động nghèo; tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo; bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho các hộ nghèo; kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã, thôn còn nhiều khó khăn đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề với các dự án vay vốn ưu đãi cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ, tham gia lao động và xuất khẩu lao động, tăng thu nhập, cải thiện và ổn định đời sống cho người nghèo trên địa bàn huyện.
4. Kết luận
Đói, nghèo là một hiện tượng kinh tế - xã hội, vừa là vấn đề của lịch sử để lại và cũng là vấn đề mà trong quá trình phát triển các quốc gia đều gặp phải. Đói, nghèo liên quan trực tiếp đến cuộc sống con người từ góc độ cá nhân, gia đình, cộng đồng, trong đó cơ bản và chủ yếu là điều kiện sống về mặt vật chất và tinh thần, quan hệ, đến điều kiện lao động và mức thu nhập, tiêu dùng của người dân. Chính vì vậy, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo luôn là vấn đề đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô (2018), Báo cáo về công tác giảm nghèo.
2. Ủy ban nhân dân huyện Yên Mô (2016), Tổng kết, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015, phương hướng giai đoạn 2016 - 2020.
POVERTY REDUCTION ACTIVITIES
OF YEN MO DISTRICT, NINH BINH PROVINCE:
CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS
Master. LE THI THU HIEN
Political School of Ninh Thuan Province
Master. LE MINH PHUONG
Political School of Tuyen Quang Province
Master. DINH THI MINH
Political School of Ninh Binh Province
ABSTRACT:
In recent years, Yen Mo district of Ninh Binh Province has carried out a range of poverty reduction programs and plans from policies and funding activities which are suitable to the specific provincial conditions. These activities has contributed to reduce the poverty rate of Ninh Binh Province from 13.4% in 2015 to 5.6% in 2018 according to new poverty criteria. In order to gradually improve and enhance both the material and spiritual life of people, especially residents living in communes with difficult socio-economic conditions, authorities of Yen Mo district needs to pay close attention to implement national and provincial sustainable poverty reduction programs well. This article is to analyze the situation and finds solutions for poverty reduction activities in Yen Mo district, Ninh Binh Province in the coming time.
Keywords: Poverty, poverty reduction policy, poverty reduction activities, Yen Mo district, Ninh Binh Province.