Cung và cầu lao động chất lượng cao dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do: thách thức và giải pháp đối với trường cao đẳng nghề

ThS. ĐẶNG THỊ HUYỀN TRANG - NGUYỄN ĐÌNH BẢO CHÂU (Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích một số tác động của các hiệp định thương mại tự do đối với yêu cầu nâng cao chất lượng lao động nói chung. Từ đó, phân tích khó khăn và đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả sứ mệnh đào tạo nguồn lao động chất lượng cao[1] của các trường cao đẳng nghề.

Từ khóa: lao động chất lượng cao, Hiệp định thương mại tự do, trường đào tạo nghề.

1. Đặt vấn đề

Các hiệp định thương mại tự do đã tác động rất lớn đến thị trường lao động Việt Nam bởi các cam kết về dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và đặc biệt là cam kết tự do di chuyển lao động, chính sách tiếp nhận lao động giữa thành viên các hiệp định. Điều này đã và đang đặt ra bài toán nâng cao chất lượng đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đào tạo nghề. Theo đó, chất lượng lao động không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước mà còn phải đáp ứng yêu cầu thị trường lao động khu vực và quốc tế, nhằm tăng tính cạnh tranh trong tuyển dụng cũng như khả năng làm việc trong môi trường mà ở đó chất lượng lao động được đo bằng thang chuẩn khu vực và quốc tế.

2. Tác động của các Hiệp định thương mại tự do đối với cung cầu lao động chất lượng cao

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, việc ký kết các thỏa thuận hướng tới tự do hóa thương mại giữa các nước là xu thế tất yếu. Vì vậy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã rất nỗ lực tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA). Tính đến tháng 5/2021, Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết thực hiện 14 FTA có hiệu lực và 1 FTA đã chính thức ký kết, sắp có hiệu lực, hiện đang đàm phán 02 FTA[2].

Với các cam kết cắt giảm hàng rào thuế quan, thực hiện nguyên tắc tự do bình đẳng trong thương mại, tự do lưu chuyển hàng hóa, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển vốn, tự do lưu chuyển lao động có tay nghề,… các Hiệp định tự do thương mại đã và đang mở ra cơ hội việc làm to lớn cho thị trường lao động Việt Nam. Chỉ tính riêng các Hiệp định mới ký kết, khối lượng việc làm được tạo ra là rất đáng kể. Theo ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh xã hội), việc tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ tạo thêm từ 16.500 - 27.000 việc làm/năm, tính từ năm 2020 trở đi. Và đối với việc tham gia Hiệp định EVFTA, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 - 19.0000 việc làm/năm. Bên cạnh đó, theo dự đoán, việc tham gia Hiệp định RCEP cũng có thể giúp Việt Nam tạo thêm từ 13.700 - 15.000 việc làm/năm. Như vậy, các Hiệp định này sẽ tạo ra nguồn việc làm đáng kể, tới khoảng 50.000 - 60.000 việc làm mỗi năm  mới cho Việt Nam, chưa kể các Hiệp định song phương khác[3]. 

Trong các Hiệp định tự do thương mại, cam kết tự do di chuyển lao động có tay nghề của Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC được xem là có tác động lớn nhất đến nhu cầu lao động chất lượng cao đối với thị trường lao động nước ta. Tự do di chuyển lao động có tay nghề là một trong năm yếu tố cốt lõi nhằm xây dựng một thị trường lao động thống nhất nằm trong nội dung liên kết của AEC, có nền tảng từ Hiệp định Khu vực tự do thương mại ASEAN. Khung pháp lý của cam kết tự do di chuyển lao động có tay nghề của ASEAN được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp lý như sau:

  • Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ năm 1995 (AFAS): Điều 5(1) Hiệp định xác định nguyên tắc “Mỗi quốc gia có thể công nhận trình độ giáo dục, kinh nghiệm, các yêu cầu, giấy phép và chứng nhận được cấp ở một nước khác với mục đích cấp phép và chứng nhận cho người cung cấp dịch vụ”.
  • Hiệp định khung ASEAN về hội nhập các ngành ưu tiên năm 2003: Hiệp định quy định những ngành ưu tiên được xác định là du lịch hàng không, công nghệ thông tin điện tử, y tế, du lịch và logistics. ASEAN cam kết tự do hóa đầy đủ các lĩnh vực ưu tiên vào cuối năm 2010, ngành Dịch vụ logistics vào năm 2013, tất cả các dịch vụ khác - cuối năm 2015.
  • Hiến chương ASEAN năm 2007: Hiến chương khẳng định quyết tâm “xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất với sự ổn định, thịnh vượng, khả năng cạnh tranh và liên kết kinh tế cao, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bao gồm sự chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ và dòng đầu tư; di chuyển thuận lợi của các doanh nhân, những người có chuyên môn cao, những người có tài năng và lực lượng lao động và sự di chuyển tự do hơn các dòng vốn”[4].
  • Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú Cebu năm 2007: Tuyên bố Cebu năm 2007 đã trao quyền cho các thành viên trong việc thúc đẩy việc bảo vệ lao động một cách công bằng và thích hợp, về tiền lương và sự tiếp cận hợp lý các điều kiện lao động và đời sống cho lao động di trú.
  • Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân năm 2012: Dựa trên Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC, Hiệp định năm 2012 tạo ra cơ chế hiệu quả để tiếp tục tự do hóa và tạo thuận lợi cho sự di chuyển thể nhân hướng tới tự do lưu thông của lao động có tay nghề trong ASEAN thông qua hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan không giới hạn đối với thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, xuất nhập cảnh và lao động[5]. 
  • Các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương của ASEAN về lao động kỹ năng(ASEAN Mutual Recognition Arrangements) trong một số lĩnh vực dịch vụ: Thỏa thuận ghi nhận, mỗi quốc gia có thể công nhận giáo dục, kinh nghiệm, các yêu cầu, giấy phép và chứng nhận được cấp ở một nước khác[6]. Theo mục tiêu của AEC, 8 ngành nghề chuyên môn ưu tiên tạo thuận lợi tự do di chuyển và quyền tự do làm việc tại các nước trong khu vực ASEAN gồm thực hành y tế, thực hành nha khoa, điều dưỡng, tư vấn kỹ thuật, kiến trúc, kế toán, kiểm toán, khảo sát, chuyên gia và du lịch. 

Với những thỏa thuận nhằm hướng tới sự tự do di chuyển lao động có tay nghề nội khối, sẽ có 2 luồng dịch chuyển lao động tác động đến thị trường lao động Việt Nam, đó là:

Một là, hiện tượng “chảy máu chất xám”, nghĩa là một lực lượng lao động có tay nghề của Việt Nam sẽ chuyển sang làm việc ở các nước láng giềng, nơi có mức tiền lương cao hơn, môi trường làm việc và phát triển kĩ năng tốt hơn.

Hai là, theo chiều ngược lại, một lực lượng lao động có tay nghề của các nước trong khối sẽ dịch chuyển sang Việt Nam làm việc nếu thị trường lao động Việt Nam không đáp ứng được những vị trí việc làm đòi hỏi trình độ, kĩ năng cao với mức lương hấp dẫn và các ưu đãi kèm theo.

Song song với các Hiệp định tự do thương mại là cam kết mở cửa thị trường thương mại, dịch vụ, đầu tư của Việt Nam khi gia nhập WTO, trong đó đáng chú ý là phương thức cung cấp hiện diện thương mại (phương thức 3) trong Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam với WTO. Theo đó, tùy vào ngành/phân ngành, Việt Nam cho phép nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên thiết lập các hình thức hiện diện như công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, chi nhánh v.v… trên lãnh thổ của một thành viên khác để cung cấp dịch vụ. Với cam kết mở cửa dịch vụ của Việt Nam trong WTO, hàng loạt công ty nước ngoài sẽ được hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức cấp phép thành lập mới hoặc liên doanh, chi nhánh. Từ đó, khối lượng lớn việc làm cho các công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ được tạo ra mà hầu hết là yêu cầu việc làm chất lượng cao.

Nhu cầu lớn việc làm chất lượng cao dưới tác động của các hiệp định tự do thương mại tất yếu sẽ dẫn đến nhu cầu đào tạo khối lượng lớn lực lượng lao động có tay nghề cao. Đây là cơ hội cho các trường cao đẳng nghề tại Việt Nam nếu đáp ứng chất lượng đào tạo; ngược lại, tự cơ sở đó sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

3. Thách thức và giải pháp đối với các trường cao đẳng nghề

3.1. Thách thức

Dưới tác động của các Hiệp định tự do thương mại, nhu cầu lao động chất lượng cao ngày càng lớn. Đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với các trường cao đẳng nghề.

Cơ hội được kể đến là việc tăng chỉ tiêu đào tạo sẽ thuận lợi hơn do nhu cầu nguồn lao động đã qua đào tạo nghề tăng. Thêm vào đó là chính sách khuyến khích, hỗ trợ, giao chỉ tiêu kèm ngân sách dành cho cơ sở giáo dục nghề có đào tạo nhóm ngành mà nhà nước đã cam kết trong các hiệp định. Ngoài ra, cơ hội khẳng định thương hiệu đối với các cơ sở giáo dục nghề sẽ được mở ra nếu cơ sở có tỉ lệ cao người học sau ra trường đáp ứng vị trí việc làm chất lượng cao với mức thu nhập cùng cơ hội phát triển nghề nghiệp hấp dẫn. Từ đó, câu chuyện tuyển sinh sẽ dễ dàng hơn.

Bên cạnh những cơ hội trên, hàng loạt thách thức cũng được đặt ra.

Một là, phải nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chất lượng lao động của Việt Nam tương đối thấp, đặc biệt là thiếu lao động trình độ có tay nghề.

Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm,...) Do vậy, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần). Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan[7].

Thực tế chất lượng và năng suất lao động Việt Nam thấp như hiện nay đã phần nào phản ánh hiệu quả đào tạo nghề của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng lao động trong tình hình mới. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chất lượng lao động của khu vực và quốc tế là việc làm đầy thử thách đối với cả hệ thống giáo dục nói chung và đặc biệt khó khăn đối với những trường cao đẳng nghề.

Thứ hai, còn nhiều khó khăn trong quá trình đào tạo nguồn lao động chất lượng cao theo hướng thực hành.

Một thực tế không thể phủ nhận hiện nay về chất lượng sinh viên mới ra trường là bằng cấp nhiều và cũng không thiếu bằng cấp đạt loại giỏi, xuất sắc nhưng không thể bắt tay vào làm việc ngay mà phải thông qua một quá trình đào tạo lại của doanh nghiệp bởi người học nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Với thực tế đó, ngay cả doanh nghiệp trong nước cũng không có nhiều lòng tin đối với chất lượng đào tạo của chính các cơ sở giáo dục nước mình. Chính vì vậy, lao động Việt Nam rất khó đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp đến từ các nước trong khu vực và quốc tế. Có nhiều nguyên nhân cho tình trạng trên, trong đó chủ yếu là thiếu cơ sở vật chất để thực hành nghề (như nhà xưởng, kho bãi, phần mềm thực hành, công ty ảo…); thiếu hệ thống tài liệu giảng dạy và học tập theo hướng thực hành, trong đó rất thiếu tài liệu được dịch thuật từ giáo trình, tài liệu thực hành của một số trường đại học, cao đẳng có uy tín trong khu vực và trên thế giới; đặc biệt là vấn đề phương pháp giảng dạy, còn phổ biến tình trạng người thầy nặng truyền giảng lý thuyết còn người học thụ động tiếp thu và học thuộc.

Thứ ba, kinh phí cho công tác đào tạo lao động chất lượng cao còn hạn hẹp.

Hầu hết các trường cao đẳng nghề hiện nay có quy mô đào tạo khá khiêm tốn. Vì vậy, kinh phí để đầu tư cho công tác đào tạo lao động chất lượng cao còn hạn chế. Do vậy, những giải pháp cần kinh phí lớn sẽ rất khó thực thi, chẳng hạn như còn thiếu kinh phí để cử đội ngũ giảng viên ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề hoặc thiếu kinh phí xây dựng viện nghiên cứu thực hành, thực nghiệm, nhà xưởng, kho bãi, máy móc, thiết bị,… đáp ứng đủ chuẩn để phục vụ cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

3.2. Giải pháp

Trước những thách thức trên, nhằm tháo gỡ những khó khăn và tìm hướng đi cho các trường cao đẳng, thiết nghĩ cần cân nhắc thực hiện một số giải pháp sau:

  • Đối với công tác thông tin, tuyên truyền.

Các trường cao đẳng cần thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền cho sinh viên về tiêu chuẩn cụ thể của lao động chất lượng cao dưới tác động của các hiệp định tự do thương mại, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cơ hội có việc làm tốt cũng như nguy cơ thua ngay trên sân nhà nếu bản thân người lao động không tự nhận thức để nâng cao tay nghề, kĩ năng chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào sân chơi chung cùng người lao động đến từ nước bạn. Bên cạnh đó, với xu thế hội nhập và cạnh tranh mang tính toàn cầu như hiện nay, sự khác biệt giữa môi trường làm việc trong công ty Việt Nam và công ty nước ngoài sẽ ngày càng giảm bởi công ty Việt Nam muốn có chỗ đứng bắt buộc phải nâng tầm đạt chuẩn khu vực và quốc tế, trong đó có chuẩn chất lượng lao động.

  • Đối với công tác xây dựng chương trình đào tạo.

Trong công tác xây dựng chương trình đào tạo, bên cạnh việc bám sát khung trình độ quốc gia Việt Nam[8], tiêu chuẩn kĩ năng nghề quốc gia còn cần tiếp cận khung tham chiếu trình độ ASEAN[9], các tiêu chuẩn lao động có tay nghề theo các thỏa thuận khu vực song song với việc thực hiện các nghiên cứu, thống kê khoa học về chương trình đào tạo các ngành tương ứng của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín ở các nước có nguồn lao động chất lượng cao. Từ đó, chương trình đào tạo các ngành của trường cao đẳng từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn theo cam kết, tiệm cận với chương trình đào tạo của các nước tiên tiến, qua đó chất lượng đào tạo sẽ được nâng lên.

  • Đối với công tác cải cách nội dung giảng dạy và kiểm tra, đánh giá năng lực người học.

Song song với việc cải cách công tác xây dựng chương trình đào tạo, cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách về nội dung giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá theo hướng thực hành, kiểm tra tay nghề bởi suy cho cùng chất lượng đào tạo sẽ được cân đo bằng trình độ tay nghề, kĩ năng thực hành trong môi trường làm việc của người học sau khi ra trường. Nếu kết quả của quá trình đào tạo là lực lượng lao động lành nghề thì nhất thiết phải kiểm tra, đánh giá kĩ năng thực hành của người học trong suốt quá trình đào tạo. Mặt khác, phương thức kiểm tra đánh giá sẽ góp phần quyết định nội dung, phương pháp giảng dạy. Theo đó, nếu phương thức kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo hướng thực hành thì quá trình dạy và học bắt buộc phải theo hướng thực hành.

Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy - học theo hướng tiếp cận giáo trình, tài liệu dạy và học của các trường uy tín có đào tạo ngành nghề tương ứng ở các nước có nền học thuật tiến bộ, có chất lượng và năng suất lao động cao trong khu vực và quốc tế mà trước hết là các nước trong khu vực châu Á như Singapore, Hàn Quốc,... Như đã nêu ở trên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, trong khi của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm; còn về năng suất lao động thì Việt Nam thấp hơn Singapore gần 15 lần. Vậy vấn đề đặt ra là ở Hàn Quốc và Singapore, các cơ sở giáo dục đã đào tạo theo chương trình nào, giáo trình nào, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá như thế nào để có được nguồn lao động có chất lượng và năng suất cao hơn hẳn Việt Nam?. Năng lực đào tạo của Việt Nam hiện đang thấp hơn các nước bạn, muốn nâng tầm chất lượng thì việc học hỏi là cần thiết. Muốn vậy, trước hết cần có kế hoạch, trong đó có lộ trình, phân công phân nhiệm, đầu tư kinh phí để mua sắm, dịch thuật hệ thống tài liệu cần thiết phục vụ cho quá trình đào tạo tại các trường cao đẳng.

  • Đối với công tác cán bộ.

Để đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, có tay nghề, giỏi thực hành thì trước hết đội ngũ nhà giáo cũng phải đạt các tiêu chí chất lượng tương ứng, bởi nếu người thầy không có tay nghề, không giỏi thực hành thì khó có thể đào tạo thế hệ học trò giỏi những tiêu chí ấy. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất cập liên quan đến vấn đề này cần có giải pháp cụ thể.

Trước hết, muốn nâng cao chất lượng nhà giáo, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá năng lực giảng viên trước khi có quyết định cho phép tham gia giảng dạy môn mới nhằm tránh trường hợp bản thân giảng viên cũng là sinh viên mới ra trường nhưng chưa qua đánh giá chuyên môn, chưa có quyết định phân công đã tham gia giảng dạy. Bên cạnh đó, cần nâng tỉ trọng điểm đánh giá các tiêu chí thực hành trong thang bảng điểm đánh giá năng lực giảng viên giảng dạy môn mới.

Song song đó, các trường cao đẳng cũng cần có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo như tổ chức các lớp bồi dưỡng tay nghề, đẩy mạnh hoạt động thực tập doanh nghiệp, xúc tiến các chương trình trao đổi học thuật, giao lưu học hỏi với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín ở trong và nước ngoài.

Ngoài ra, bản thân mỗi nhà giáo cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình tự học, tự đào tạo thông qua việc thường xuyên tự học, tự cập nhật điểm mới, điểm tiến bộ trong lĩnh vực thuộc bộ môn phụ trách giảng dạy để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ năng thực hành nghề. Với tốc độ tiến bộ khoa học có thể tính từng ngày từng giờ như hiện nay, việc cập nhật kiến thức là cần thiết đối với đội ngũ nhà giáo bởi những kiến thức, kĩ năng mà người thầy đã được đào tạo trước đây có thể không còn phù hợp để giảng dạy cho thế hệ người lao động mới. Công việc này chỉ có thể thực hiện thông qua quá trình tự học, tự rèn luyện của chính người thầy.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Trong phạm vi bài viết này, tác giả sử dụng thuật ngữ “lao động chất lượng cao” với nghĩa: “là một bộ phận của nguồn nhân lực đang làm việc ở những vị trí lãnh đạo, chuyên môn kỹ thuật bậc cao và chuyên môn kỹ thuật bậc trung, có đặc điểm: thường được đào tạo ở trình độ cao đẳng trở lên; có kiến thức và kỹ năng để làm các công việc phức tạp; có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ và vận dụng sáng tạo những kiến thức, những kỹ năng đã được đào tạo trong quá trình lao động sản xuất” (Trích từ: Nguyễn Bá Ngọc, Đặng Đỗ Quyên, “Chất lượng lao động trình độ cao ở Việt Nam: Những hạn chế cơ bản”. Nguồn: http://ilssa.org.vn/vi/news/chat-luong-lao-dong-trinh-do-cao-o-viet-nam-nhung-han-che-co-ban-135).

[2] Các FTA đã có hiệu lực gồm: AFTA, ACFTA, AKFTA, AJCEP, VJEPA, AIFTA, AANZFTA, VCFTA, VKFTA, VN - EAEU FTA, CPTPP, AHKFTA, EVFTA, UKVFTA. FTA đang phê chuẩn, sắp có hiệu lực: RCEP. Các FTA đang đàm phán: Việt Nam  -  EFTA FTA, Việt Nam - Israel FTA. Nguồn: https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fla-cua-viet-nam-tinh'den-thang-l

[3] Các hiệp định thương mại mang đến nhiều cơ hội việc làm. Nguồn: https://htvtc.edu.vn/vi/news/Tin-tuc/cac-hiep-dinh-thuong-mai-mang-den-nhieu-co-hoi-viec-lam-186.html.

[4] Mục 5 Điều 1 Các mục tiêu, Hiến chương ASEAN năm 2007.

[5] Theo Lời nói đầu, Điều 2, 3 và 4 Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân năm 2012.

[6] Điều 5 Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ (AFAS).

[7] Minh Châu (2015). Lao động Việt Nam chỉ đạt điểm 4 trên 10. Truy cập tại: https://vnexpress.net/lao-dong-viet-nam-chi-dat-diem-4-tren-10-3203937.html.

[8] Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18 tháng 10 năm 2016.

[9] ASEAN Qualifications Reference Framework.  Retrieved from: https://asean.org/asean-economic-community/sectoral-bodies-under-the-purview-of-aem/services/asean-qualifications-reference-framework/.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. ASEAN Qualifications Reference Framework.
  2. ASEAN (2007), Hiến chương ASEAN năm 2007. https://www.asean.org/wp-content/uploads/images/archive/AC-Vietnam.pdf
  3. Trung tâm WTO và hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, (2015). Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ (AFAS). https://trungtamwto.vn/chuyen-de/7178-hiep-dinh-khung-asean-ve-dich-vu-afas
  4. Trung tâm WTO và hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, (2015). Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân và các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MNP). https://trungtamwto.vn/chuyen-de/8667-hiep-dinh-asean-ve-di-chuyen-the-nhan-va-cac-thoa-thuan-thua-nhan-lan-nhau.

 

THE SUPPLY AND DEMAND FOR HIGH-QUALITY LABOUR

UNDER THE IMPACTS OF FREE TRADE AGREEMENTS:

CHALLENGES AND SOLUTIONS FOR VOCATIONAL COLLEGES

Master. DANG THI HUYEN TRANG 1

NGUYEN DINH BAO CHAU 2

Ho Chi Minh City College of Economics

ABSTRACT:

This paper analyzes some impacts of free trade agreements on the general requirement for improving labor quality. This paper analyzes difficulties in enhancing the quality of workforce in Vietnam and propose some solutions to effectively improving training quality of vocational colleges.

Keywords: high-quality labor, free trade agreement, vocational school.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 25, tháng 11 năm 2021]