Đánh giá hiệu quả mô hình hợp tác xã vệ sinh môi trường thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. NGUYỄN KIM CHUNG 1, LÊ THỊ NGỌC HÂN 1, NGUYỄN HOÀNG KIM PHỤNG 2 và LÊ THỊ AN 1 (1 - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh; 2 - Hợp tác xã Môi trường Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài báo trình bày kết quả đánh giá hiệu quả mô hình Hợp tác xã (HTX) vệ sinh môi trường thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Theo chủ trương thành lập HTX vệ sinh môi trường của Ủy ban nhân dân TP.HCM, HTX Môi trường Quận 3 được thành lập và đã nhận được những thành quả nhất định đến tháng 5/2021. Để đánh giá hiệu quả của mô hình, tác giả so sánh với công ty thu gom rác sinh hoạt bằng phương pháp trọng số đơn giản. Kết quả cho thấy, việc thành lập HTX Môi trường đạt hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và phù hợp với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM.

Từ khóa: môi trường, thu gom chất thải rắn, hợp tác xã, người thu gom rác dân lập, hiệu quả.

1. Đặt vấn đề

Từ tìm hiểu thực trạng phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn TP.HCM cho thấy công tác này chưa thành công như mong đợi, mà nguyên nhân chủ yếu do hoạt động tự phát của lực lượng thu gom rác dân lập. Lực lượng này thu gom đến 60% tổng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, chủ yếu tại các hộ gia đình trong hẻm và chung cư, nhưng quy mô hoạt động của lực lượng này còn nhỏ lẻ, phân tán, với các phương tiện thu gom thô sơ và nhiều đường dây rác chưa có tư cách pháp nhân, gây khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM [1].

Theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP.HCM, đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Đến tháng 12/2020, toàn Thành phố đã vận động thành lập được 42 HTX vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn Thành phố [1].

Ngoài việc đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố và tham gia vào HTX theo Luật HTX năm 2012 [2], các thành viên tham gia được hưởng nhiều lợi ích, cụ thể là: Sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên; tạo điều kiện cho người thu gom rác được hoạt động tốt; thực hiện công tác an sinh xã hội và đảm bảo an toàn lao động cho các thành viên. Những vấn đề được đề cập trên sẽ được trình bày qua trường hợp nghiên cứu điển hình tại HTX Môi trường Quận 3, TP.HCM.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Bài báo tập trung nghiên cứu tình hình hoạt động của HTX Môi trường Quận 3.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp thu thập tài liệu

Trong nghiên cứu này tác giả đã thu thập tổng hợp và phân tích các tài liệu, số liệu liên quan đến nội dung nghiên cứu của bài báo.

2.2.2. Phương pháp điều tra xã hội học với sự tham gia của các xã viên

Việc điều tra phỏng vấn các xã viên trong HTX Môi trường Quận 3 được thực hiện theo mẫu phiếu có nội dung được chuẩn bị sẵn. Tổng số phiếu điều tra: 80 phiếu.

2.2.3. Phương pháp thống kê

Xử lý, phân tích, tổng hợp số liệu, tài liệu về tình hình hoạt động của HTX Môi trường Quận 3. Sử dụng phương pháp thống kê bằng phần mềm Excel để xử lý số liệu.

2.2.4. Phương pháp trọng số đơn giản

Xây dựng bài toán lựa chọn giữa 2 mô hình chuyển đổi từ các dây rác dân lập thành HTX Môi trường và Công ty thu gom chất thải rắn sinh hoạt về các tiêu chí như quy mô hoạt động, cơ chế quản lý, lợi nhuận, phân phối lợi nhuận sử dụng phương pháp trọng số đơn giản.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kết quả hoạt động của Hợp tác xã Môi trường Quận 3

Sau 2 năm đi vào hoạt động, so với các HTX thu gom rác trên địa bàn Thành phố, mặc dù còn non nớt trong tuổi nghề nhưng HTX Môi trường Quận 3 vẫn đang phát huy các tiềm lực, như: sức trẻ của bộ phận quản lý HTX, học hỏi kinh nghiệm từ các HTX bạn. Hiện nay, HTX đang quản lý các thành viên thu gom rác dân lập của 12 phường trên địa bàn Quận 3; mạng lưới hoạt động sâu rộng, thu gom từ các tuyến đường lớn đến các ngõ hẻm nhỏ; thực hiện việc thu gom rác đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. HTX phối hợp với chính quyền các phường mà HTX thực hiện thu gom rác, đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

- Đối với Hợp tác xã Môi trường Quận 3

Thường xuyên hỏi thăm sức khỏe, tình hình công tác và chia sẻ những khó khăn với người thu gom. Mức độ hài lòng của xã viên đối với HTX Môi trường Quận 3 đạt 100% rất hài lòng với thái độ phục vụ và giải quyết công việc của các cán bộ, nhân viên trong HTX và chắc chắn giới thiệu người thân bạn bè tham gia HTX Môi trường Quận 3.

Song song với việc quản lý, đội ngũ cán bộ HTX còn nghiên cứu, thiết kế phần mềm GRAC phục vụ công tác quản lý thành viên, hợp đồng dịch vụ, lịch trình thu gom. Qua phần mềm, chủ nguồn thải và đơn vị quản lý có thể quản lý, theo sát được hành trình thu gom rác để có thể đáp ứng đúng giờ thu gom khi người thu gom đến lấy rác. Từng bước triển khai nhập dữ liệu hợp đồng của người dân vào App trên smartphone.

HTX Môi trường Quận 3 đã thực hiện tốt công tác thu gom trên địa bàn Quận, kết hợp triển khai công tác thu gom, phân loại rác thải. HTX đã dán được 82 bảng thông báo phân loại rác trên xe thu gom.

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, HTX thực hiện “thống kê danh sách chủ nguồn thải” và “vẽ bản đồ thu gom” của từng thành viên lên bản đồ địa chính theo từng phường; tập trung xác định phương tiện thu gom chất thải và trung chuyển dọc tuyến hoặc trung chuyển tại các điểm hẹn.

- Đối với các hộ gia đình, chủ nguồn thải

Các hộ gia đình, chủ nguồn thải dễ dàng phản ánh về hoạt động thu gom các người thu gom, như: bỏ rác không thu, thu gom không đúng giờ, thái độ làm việc, giá thu gom,… theo đường dây nóng hoặc trên website của HTX sẽ được giải quyết nhanh chóng.

Đối với các công ty, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Quận dễ dàng kí hết hợp đồng thu gom rác theo đúng quy định và xuất hóa đơn hàng tháng theo quy định.

Người thu gom rác làm việc thu gom đúng giờ, không còn rác tồn trên đường.

3.2. An sinh xã hội và an toàn lao động của người thu gom rác dân lập khi tham gia vào HTX Môi trường Quận 3

3.2.1. Hỗ trợ về an sinh xã hội

Tỷ lệ tham gia BHYT của các xã viên HTX Môi trường Quận 3 đạt 100%, đây là dịch vụ an sinh xã hội hóa khá được “ưu chuộng” đối với công việc này.

Các hình thức tham gia BHYT của các xã viên chủ yếu là các hình thức như: Mua theo địa bàn cư trú; HTX được Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Liên minh HTX Thành phố hỗ trợ cho các thành viên gặp hoàn cảnh khó khăn; được hỗ trợ theo diện chính sách; mua theo nghiệp đoàn. Đối với những xã viên mua BHYT tại địa bàn cư trú và cấp biên lai cho HTX thì HTX sẽ hỗ trợ trở lại cho các xã viên.

Hình 1: Hình thức mua BHYT của xã viên trong Hợp tác xã

Môi trường Quận 3

hinh-thuc-mua-bhyt-cua-xa-vien-trong-hop-tac-xa-moi-truong-quan-3  Tham gia bảo hiểm tai nạn

Hầu hết người thu gom rác dân lập hoạt động tại địa bàn TP.HCM đều có thâm niên làm công việc này và môi trường phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Hợp tác xã đã cấp cho thành viên HTX và công nhân lao động trực tiếp của các thành viên HTX 65 thẻ bảo hiểm.

Các chính sách an sinh xã hội khác

Vào dịp lễ, Tết, HTX trao tặng quà Tết cho các thành viên thu gom rác có hoạt động tích cực và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng thuế quản lý. 

Hình 2: Các xã viên được nhận quà Tết từ Hợp tác xã Môi trường Quận 3

qua-tet

3.2.2. Hỗ trợ về bảo hộ lao động

Sau khi điều tra khảo sát, 100% xã viên trong HTX điều được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động. Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh cho người lao động, năm 2019, HTX đã trang bị đầy đủ dụng cụ và đồ bảo hộ lao động cho các xã viên, như: quần áo bảo hộ lao động, ủng cao su. Sang năm 2020, HTX tiếp tục rà soát và trang bị đầy đủ dụng cụ và bảo hộ lao động cho các xã viên. 

Hình 3: Các thành viên nhận đồ bảo hộ lao động

do-bao-ho

Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lĩnh vực vệ sinh môi trường là ngành nghề có nguy cơ tiếp xúc với dịch bệnh cao nhất. HTX đã được tổ chức Enda Việt Nam hỗ trợ về nước rửa tay, cồn sát khuẩn, khẩu trang vải, dung dịch rửa tay khô để phục vụ cho công việc thu gom được an toàn hơn.

3.3. Hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã Môi trường Quận 3 so với các công ty thu gom chất thải rắn trên địa bàn Quận

Thực hiện Công văn số 129/UBND-ĐT của Ủy ban Nhân dân thành phố về tổ chức, sắp xếp hoạt động thu gom rác dân lập trên địa bàn quận, huyện, các đường dây rác dân lập trên địa bàn Quận 3 đã chuyển đổi thành HTX, công ty và doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Hiện nay, trên địa bàn Quận 3 có các công ty thu gom như công ty của ông Lê Văn Tư (1 số dây rác thu gom tại Phường 2 và Phường 3), công ty của chị Ông Thị Kim Hoa (1 số dây rác thu gom tại Phường 9). Việc thực hiện tốt công tác chuyển đổi mô hình đã hoàn thành tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Quận. So sánh việc thực hiện chuyển đổi giữa công ty/doanh nghiệp thu gom chất thải rắn và HTX Môi trường Quận 3 thấy rõ việc chuyển đổi HTX là cần thiết và hiệu quả nhất. 

Bảng 1. So sánh HTX Môi trường Quận 3 với Công ty thu gom rác thải

trên địa bàn Quận 3

Các nội dung so sánh

Hợp tác xã Môi trường Quận 3

Công ty thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn Quận 3

1. Quy mô hoạt động

Cho đến tháng 4/2021, HTX có 80 dây rác hoạt động trên 14 phường của Quận 3.

Quy mô hoạt động: Các dây rác hoạt động khắp trên địa bàn Quận số lượng dây rác lớn.

Các dây rác hoạt động tại  Phường 2, Phường 3, Phường 9 trên địa bàn Quận 3.

Quy mô hoạt động: 1 số dây rác trong các phường thành lập, số lượng dây rác nhỏ lẻ.

2. Cơ chế quản lý

Thành viên HTX có quyền bình đẳng và biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của HTX.

Quản lý thực hiện trên nguyên tắc: Bình đẳng và dân chủ.

Việc quyết định vào quản lý công ty thường thuộc về cổ đông, thành viên chiếm số vốn lớn hơn hay nói cách khác quyền lực thuộc về quyền góp vốn nhiều.

Quản lý thực hiện trên nguyên tắc: Quyền lực thuộc về người góp vốn nhiều.

3. Lợi nhuận

Sau khi đóng các lệ phí, thuế hàng năm, lợi nhuận cao hơn so với các công ty thu gom trên địa bàn.

 

Lợi nhuận: Cao.

Công ty thu gom chất thải rắn sinh hoạt vì với quy mô nhỏ sau khi đóng các lệ phí, thuế hàng năm, lợi nhuận thấp hơn so với HTX.

Lợi nhuận: Thấp.

4. Phân phối lợi nhuận

Lợi nhuận căn cứ vào công sức lao động của từng xã viên.

Lợi nhuận cuối năm của HTX được chia đều cho tất cả mọi người trong HTX.

Thường căn cứ trên tỷ lệ sở hữu vốn của các cổ đông, thành viên công ty.

Lợi nhuận thuộc về công ty.

Để so sánh, lựa chọn ra được mô hình hiệu quả hơn, ta sử dụng phương pháp trọng số giản đơn để lựa chọn được mô hình hiệu quả. 

Hình 4: Sơ đồ mô tả lựa chọn mô hình

so-do-mo-ta-lua-chon-mo-hinh

mo-hinh-htx-moi-truong-quan-3

Như vậy, mô hình HTX Môi trường Quận 3 được lựa chọn.

Nhận xét: Thực hiện tốt công tác chuyển đổi mô hình đã hoàn thành tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Quận. So sánh giữa 2 mô hình chuyển đổi từ các dây rác dân lập thành HTX Môi trường và Công ty có pháp nhân về các tiêu chí như quy mô hoạt động, cơ chế quản lý, lợi nhuận, phân phối lợi nhuận, ta thấy được mô hình HTX Môi trường Quận 3 thu hút được đông đảo các dây rác dân lập trên địa bàn Quận, dân chủ, bình đẳng trong đóng góp ý kiến hơn so với việc thành lập các Công ty môi trường trên địa bàn Quận. Như vậy,  việc chuyển đổi các dây rác dân lập thành mô hình HTX Môi trường là cần thiết và hiệu quả nhất. 

4. Kết luận

Trên cơ sở phân tích, đề tài đưa ra một số kết luận như sau:

- HTX Môi trường Quận 3 đi vào hoạt động là cần thiết và hiệu quả trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM.

- Các thành viên tham gia vào HTX Môi trường Quận 3, 100% được đảm bảo công tác an sinh xã hội và an toàn lao động.

- Sử dụng phương pháp trọng số đơn giản so sánh giữa 2 mô hình chuyển đổi từ dây rác dân lập cho thấy mô hình HTX Môi trường Quận 3 thu hút được đông đảo các dây rác dân lập trên địa bàn Quận, dân chủ, bình đẳng trong đóng góp ý kiến hơn so với việc thành lập các Công ty môi trường trên địa bàn Quận 3 không thu hút các dây rác trên địa bàn, chưa phát huy được tính dân chủ bình đẳng trong việc đóng góp ý kiến.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2019). Hội nghị về công tác thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - Hiện trạng và giải pháp.
  2. Quốc hội (2012). Luật số 23/2012/QH13 ngày 20/11/2012 về Luật Hợp tác xã.
  3. Hợp tác xã Môi trường Quận 3 (2020). Báo cáo về tình hình hoạt động của Hợp tác xã Môi trường Quận 3.
  4. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2018). Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 ban hành quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
  5. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2018). Công văn số 4448/UBND-ĐT ngày 2/10/2018 về triển khai kế hoạch chuẩn hóa mẫu phương tiện thu gom vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn Thành phố.

 

EVALUATING THE EFFECTIVENESS OF ENVIRONMENTAL SANITATION COOPERATIVE MODEL FOR COLLECTING DOMESTIC SOLID WASTE IN DISTRICT 3, HO CHI MINH CITY

Master. NGUYEN KIM CHUNG 1

Engineer. LE THI NGOC HAN 1

NGUYEN HOANG KIM PHUNG 2

LE THI AN 1

1 Ho Chi Minh City University of Natural Resources and Environment

2 Ho Chi Minh City, District 3 Environmental Cooperative

ABSTRACT:

This paper presents the evaluation about the effectiveness of environmental sanitation cooperative model for collecting domestic solid waste in District 3, Ho Chi Minh City. According to the policy on establishing environmental sanitation cooperatives promulgated by the People’s Committee of Ho Chi Minh City, the District 3 Environmental Sanitation Cooperative was established and this unit has gained certain results by May 2021. In order to evaluate the effectiveness of this model, the paper compares the performance of establishing environmental sanitation cooperative model to that of domestic waste collection company model by using the Factor Rating method. The results show that the establishment of environmental cooperative model brings environmental and socio-economic benefits and this model is suitable for the domestic solid waste management in Ho Chi Minh City.

Keywords: environment, solid waste collection, cooperative, waste collector, effectiveness.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 22, tháng 9 năm 2021]