TÓM TẮT:
Bài nghiên cứu đánh giá kỹ năng làm việc nhóm (KNLVN) trong học tập của sinh viên (SV) Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh thông qua khảo sát 408 sinh viên SV năm thứ 2, thứ 3, thuộc 3 ngành Tài chính - Ngân hàng (TCNH), Kế toán - Kiểm toán (KTKT) và Kinh tế quốc tế (KTQT). Kết quả nghiên cứu cho thấy, các KNLVN trong học tập của các SV, gồm: lắng nghe tích cực, trình bày mạch lạc và điều chỉnh cảm xúc mới chỉ được hình thành ở mức độ trung bình. Từ đó, bài báo đề xuất một số kiến nghị góp phần nâng cao mức độ KNLVN trong học tập của SV Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.
Từ khóa: kỹ năng, làm việc nhóm trong học tập, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
Trong giai đoạn toàn cầu hóa, bên cạnh nguồn nhân lực có phẩm chất, trình độ chuyên môn, còn đòi hỏi người lao động phải có khả năng phối hợp, cộng tác với những người khác để cùng thực hiện một công việc (Abbas A. S. et. al., 2013). SV - với tư cách đội ngũ nhân lực có trình độ cao cung cấp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc hình thành KNLVN là một yêu cầu cơ bản. Trong quá trình công tác tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu nhận thấy, SV đã áp dụng nhiều phương pháp học tập mới, trong đó có phương pháp làm việc nhóm. Tuy nhiên, hiệu quả của việc áp dụng KNLVN vẫn chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ. Vì vậy, nghiên cứu về KNLVN của SV Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh hiện nay là việc làm cần thiết, không chỉ phục vụ cho SV, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
Phương pháp chọn mẫu nghiên cứu là phương pháp phân tầng có tỷ lệ với công thức tính mẫu của Slovin (1960). Các số liệu điều tra được xử lý theo chương trình SPSS 20.0 với những thông số và phép toán thống kê được sử dụng là phân tích thống kê mô tả và phân tích thống kê suy luận. Phân tích thống kê mô tả với các chỉ số sau: tần suất, điểm trung bình cộng, độ lệch chuẩn. Phần thống kê suy luận sử dụng các phép thống kê: phép so sánh giá trị trung bình, phép kiểm định Chi-Square, Mann - Whitney, Kruskal - Wallis, phép so sánh chéo (Crosstabs); phân tích tương quan nhị biến.
KNLVN trong học tập của SV được đánh giá trên các mặt: nhận thức của SV về KNLN trong học tập (3 điểm: Rất cần thiết - Đồng ý; 2 điểm: Khó nói; 1 điểm: Không cần thiết - Không đồng ý), mức độ vận dụng thường xuyên (3 điểm: Thường xuyên; 2 điểm: Thỉnh thoảng; 1 điểm: Không bao giờ) và mức độ vận dụng thành thạo KNLVN trong học tập (3 điểm: Thành thạo; 2 điểm: Khó nói; 1 điểm: Không thành thạo). Ngoài ra, sự ảnh hưởng của các yếu tố đến KNLVN trong học tập được tính điểm như sau: Ảnh hưởng (3 điểm); Ảnh hưởng ít (2 điểm); Không ảnh hưởng (1 điểm).
Cách đánh giá từng mặt biểu hiện dựa trên điểm trung bình của các chỉ số thành phần với các mức độ như sau: Mức 1 - Thấp (Chưa tốt) (1.00 đến 1.67 điểm); Mức 2 - Trung bình (khá tốt) (1.68 đến 2.33 điểm); Mức 3 - Cao ( Tốt) (2.34 đến 3.00 điểm).
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Mức độ vận dụng thường xuyên (VDTX) và mức độ vận dụng thành thạo (VDTT) để hình thành kỹ năng lắng nghe tích cực
3.1.1. Mức độ vận dụng thường xuyên
Số liệu tính toán từ dữ liệu khảo sát cho thấy, SV tự đánh giá mức độ VDTX các tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng lắng nghe tích cực chỉ ở mức thỉnh thoảng (ĐTB = 2.36). Trong đó, chỉ có 21,8% SV ở mức độ VDTX, số SV ở mức độ thỉnh thoảng chiếm 56,1% và có tới 22,1% SV không bao giờ vận dụng.
Biết cách thức tập trung chú ý, biểu lộ sự lắng nghe được SV sử dụng thường xuyên nhất (ĐTB = 2.54). Trong đó, 54,2% SV ở mức VDTX; 45,6% thỉnh thoảng và 0,2% không VDTX.
Tri thức về phương thức hành động thứ 2 được SV đánh giá rất cần thiết, đó là biết kiên nhẫn chờ đợi cho các thành viên khác nói và biểu lộ hết ý cần nói cũng là tri thức được SV đánh giá có sự VDTX giữ vị trí thứ 2 (ĐTB = 2.45). Trong đó, có 50,5% SV ở mức VDTX, 43,6% thỉnh thoảng vận dụng và vẫn còn 5,9% SV không vận dụng.
Biết cách thức tìm ra đúng ý trong ngôn ngữ, cử chỉ, trong cảm xúc của các thành viên khác được SV vận dụng ở mức độ thỉnh thoảng nhưng có đánh giá là vận dụng thấp nhất so với các tri thức khác (ĐTB = 2.14, xếp thứ 6), chỉ 21,8% đánh giá VDTX, 69,1% vận dụng thỉnh thoảng và 9,1% không bao giờ vận dụng.
Kiểm định bằng phương pháp Chi-Square cho kết quả p = 0.000 < 0.05, cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa giữa mức độ VDTX các tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng lắng nghe tích cực với năm học. Cụ thể, SV năm 2, có 21,3% SV ở mức độ 3, 67,1% ở mức độ 2 và 11,6% ở mức độ 1; còn SV năm 3, mức độ 3 là 22,4%, mức độ 2 là 44,8% và mức độ 1 là 32,8%. Như vậy, SV năm 3 có mức độ VDTX hơn SV năm 2.
3.1.2. Mức độ vận dụng thành thạo
Số liệu tính toán từ dữ liệu khảo sát cho thấy, sự VDTT tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng lắng nghe tích cực ở SV được đánh giá ở mức độ trung bình (ĐTB = 2.05). Cụ thể, 26,7% SV đánh giá kỹ năng lắng nghe tích cực ở mức độ 1; 46,8% đánh giá ở mức độ 2 và 26,5% ở mức độ 3.
Về đánh giá tri thức SV biết cách thức tập trung chú ý biểu lộ sự lắng nghe được VDTT nhất trong những tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng lắng nghe tích cực ở SV (ĐTB chung lần lượt là 2.22 và 2.12). Cụ thể: 37,5% SV cho rằng mình thành thạo, 38,2% khó nói và 23,4% hoàn toàn không thành thạo. Như vậy, về mặt nhận thức, mức độ VDTX và VDTT đều được SV đánh giá cao nhất. Biểu hiện tiếp theo được đánh giá SV thành thạo ở mức trung bình trong kỹ năng lắng nghe tích cực là biết cách xác nhận và nhắc lại đúng ý của thành viên khác bằng ngôn ngữ của mình (ĐTB = 2.07 ở SV).
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy SV năm 3 có mức độ VDTT các tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng lắng nghe tích cực cao hơn so với năm 2. Cụ thể, có tới 41,3% SV năm 3 đánh giá mức độ VDTT của mình ở mức 3, ở năm 2 con số này chỉ là 12,1%. Trong khi đó, có tới 44,9% SV năm 2 mức độ VDTT chỉ đạt mức 1, với SV năm 3 con số này chỉ là 8%. Ở mức độ trung bình, SV năm 2 chiếm 43% và SV năm 3 là 50,7%. Bằng phương pháp kiểm định Chi-Square cho nhóm nghiên cứu kết quả p = 0.00 < 0.05, có thể kết luận có mối liên hệ giữa mức độ VDTT với năm học.
So sánh mức độ VDTT tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng lắng nghe tích cực giữa các ngành học cho thấy: SV ngành KTQT có mức độ VDTT các tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng lắng nghe tích cực tốt hơn so với SV ngành KTKT và SV ngành TCNH với 40,7% SV đánh giá ở mức độ 3, 30,9% ở mức độ 2, 20,2% ở mức độ 1; trong khi đó, ở SV ngành TCNH lần lượt là 25%, 23% và 51,4%, SV ngành KTKT là 34,3%, 46,1% và 28,4%. Sự chênh lệch này có ý nghĩa về mặt thống kê với p = 0.00 < 0.05. Có thể khẳng định, mức độ VDTT tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng lắng nghe có sự khác biệt về ngành học.
Đánh giá mối tương quan giữa mức độ VDTX và VDTT để hình thành kỹ năng lắng nghe tích cực bằng phương pháp hệ số tương quan nhị biến Pearson, kết quả cho thấy, p = 0.357, độ tin cậy 99%, điều này có nghĩa mức độ VDTX và VDTT các tri thức về KNLVN ở SV có mối tương quan thuận.
3.2. Mức độ VDTX và VDTT để hình thành kỹ năng trình bày mạch lạc
3.2.1. Mức độ vận dụng thường xuyên
Kết quả khảo sát cho thấy SV có đánh giá về mức độ VDTX các tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng trình bày mạch lạc vấn đề chỉ đạt ở mức trung bình với ĐTB = 2.14. Cụ thể: có tới 8,1% SV không VDTX, chỉ 23,3% SV ở mức VDTX, còn lại phần lớn SV vận dụng ở mức độ thỉnh thoảng 68,8%.
Trước hết, kỹ năng trình bày mạch lạc vấn đề là phải biết so sánh đối chiếu quan điểm của mình với quan điểm của người khác để từ đó đưa ra được ý kiến của mình. Kết quả cho thấy, tri thức này đã được SV vận dụng thỉnh thoảng trong quá trình làm việc nhóm (ĐTB = 2.24). Cụ thể, mức độ VDTX là 34,3% và thỉnh thoảng là 55,9%, mức độ không bao giờ chỉ chiếm 10,8%. Lựa chọn ngôn ngữ rất quan trọng đối với SV khi trình bày vấn đề, muốn trình bày mạch lạc đòi hỏi SV phải biết chọn đúng từ/thuật ngữ khoa học, bên cạnh đó còn dùng các từ ngắn gọn, dễ hiểu để người nghe thấy được sự sáng rõ, gãy gọn trong cách trình bày của mình. Tuy nhiên, tri thức này chỉ được VDTX ở mức độ trung bình (ĐTB = 2.14).
Không chỉ đưa ra được ý kiến của mình sau quá trình phân tích, so sánh, tổng hợp mà SV còn phải biết sắp xếp ý một cách logic, chặt chẽ (ĐTB = 2.13). Có như vậy, SV mới có thể trình bày một cách mạch lạc vấn đề, giúp người nghe dễ hiểu và hiểu chính xác được ý tưởng mình trình bày. Tuy nhiên, tri thức này VDTX chỉ đạt ở mức độ trung bình. Phần lớn SV thỉnh thoảng mới vận dụng đến tri thức này (67,9%), số còn lại là không bao giờ vận dụng (9,6%) và VDTX chỉ chiếm 22,5% số SV. Biết sử dụng cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nét mặt biểu cảm phù hợp với nội dung đang trình bày làm tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn đối với người nghe là tri thức mà SV ít vận dụng nhất vào quá trình làm việc nhóm (ĐTB = 2.08).
Khảo sát mối liên hệ giữa mức độ VDTX tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng trình bày mạch lạc vấn đề với năm học, bằng phương pháp kiểm định phi tham số Mann - Whitney cho kết quả, p = 0.000 < 0.05, cho phép kết luận tồn tại mối quan hệ giữa mức độ VDTX tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng trình bày mạch lạc vấn đề với năm học. Nghĩa là SV năm thứ 2 (có 28% SV ở mức độ 3, 70% mức độ 2 và 1,9% mức độ 1) có mức độ VDTX cao hơn so với năm thứ 3 (18,4% ở mức độ 3, 67,2% ở mức độ 2 và 14,4% ở mức độ 1).
3.2.2. Mức độ vận dụng thành thạo
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ VDTT của SV khi vận dụng các tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng trình bày mạch lạc vấn đề chỉ ở mức độ trung bình (2.04). Cụ thể: Biết sử dụng chính xác các thuật ngữ khoa học, các từ đơn giản, dễ hiểu là tri thức được VDTT ở mức trung bình cao hơn so với các tri thức khác với ĐTB lần lượt là 2.07 - SV. Biết sắp xếp các ý khi trình bày một cách logic chặt chẽ SV lại đánh giá mình vận dụng tốt hơn so với những tri thức còn lại (ĐTB = 2.06), trong đó VDTT chiếm 38% số SV, 30,4% khó nói và 31,6% không thành thạo. Cụ thể, 42,9% SV thành thạo và 57,1% SV thành thạo ở mức trung bình - khó nói. Biết vận dụng những tri thức đã nắm vững phân tích, tổng hợp, khái quát hóa ý kiến của các thành viên khác trong nhóm để hiểu chính xác ý tưởng mà họ đã trình bày, từ đó đưa ra ý kiến của mình được SV đánh giá là có vận dụng, nhưng chỉ thành thạo ở mức độ trung bình (ĐTB = 2.03 - SV).
Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ VDTT các tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng trình bày mạch lạc vấn đề ở SV năm 3 cao hơn so với SV năm 2. Với SV năm 3 có tới 70,7% SV đánh giá VDTT tri thức này ở mức 3, 54,2% ở mức 2 và 25,9% mức 1. Còn SV năm 2 con số này là 29,3% ở mức 3, 45,8% ở mức 2, 74,1% mức 1. Với phương pháp kiểm định Mann-Whitney, ta có kết quả p = 0.00 < 0.05, như vậy sự khác biệt về mức độ VDTT các tri thức về mức độ VDTT các tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng trình bày mạch lạc vấn đề giữa SV năm 2 và SV năm 3 là có ý nghĩa về mặt thống kê.
Dưới góc độ ngành học, kết quả nghiên cứu chỉ ra, 33,7% SV tự đánh giá ở mức độ 3 ở SV ngành TCNH và KTQT, SV ngành KTKT có 32,6% tự đánh giá ở mức độ 3. Ở mức độ 2 SV ở các ngành học tự đánh giá lần lượt là: 25,3% - ở ngành KTQT, 28,9% ở SV ngành TCNH và 45,8% ở ngành KTKT. Mức độ 1 thì sự đánh giá như sau: 29,6% - ngành KTQT, 39.5% ở SV ngành TCNH và 30,5% ở ngành KTKT. Như vậy, sự VDTT các tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng trình bày mạch lạc vấn đề ở giữa các ngành học có sự chênh lệch không đáng kể. Bằng kiểm định Chi-Square cho kết quả p = 0.244 > 0.05, có thể kết luận không có mối liên hệ nào giữa ngành học và mức độ VDTT các tri thức để hình thành kỹ năng trình bày mạch lạc vấn đề.
Tìm hiểu mối liên hệ giữa mức độ VDTX và VDTT các tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng trình bày mạch lạc vấn đề của SV, bằng phương pháp kiểm định hệ số tương quan Pearson cho kết quả p = 0.046, với mức độ tin cậy bằng 95% có thể khẳng định tồn tại mối tương quan thuận giữa mức độ VDTX và VDTT.
3.3. Mức độ VDTX và VDTT để hình thành kỹ năng điều khiển, điều chỉnh hành vi và cảm xúc của mình và người khác
3.3.1. Mức độ vận dụng thường xuyên
Ở mức độ VDTX, SV tự đánh giá ở mức độ thỉnh thoảng (ĐTB = 2.23). Cụ thể như sau, 6,4% SV không VDTX, 58,3% thỉnh thoảng vận dụng và 35,3% VDTX. Biết chia sẻ và tạo ra cảm xúc vui vẻ, hào hứng, thúc giục các thành viên khác khi LVNtrong học tập được SV đánh giá là VDTX nhất (ĐTB = 2.29). SV đánh giá biết kiềm chế trước các phản ứng tiêu cực của các thành viên khác trong nhóm chỉ ở mức độ trung bình với ĐTB = 2.17, xếp hạng thấp nhất so với sự VDTX những tri thức khác. SV cho biết sự vận dụng tri thức biết làm chủ diễn biến, tâm trạng, cảm xúc của bản thân khi LVN trong học tập khá nhiều so với các tri thức khác (ĐTB = 2.25).
Có thể thấy, mặc dù cố gắng làm chủ cảm xúc và hành vi nhưng ở SV, sự vận dụng này vẫn chưa có hiệu quả hoặc có vận dụng nhưng nửa vời, chưa biết cách vận dụng trong quá trình LVN. Nguyên nhân có thể do bản thân SV chưa được hướng dẫn cách làm chủ diễn biến, tâm trạng của bản thân. Biết điều chỉnh sự thể hiện cảm xúc cho phù hợp tình huống LVN trong học tập là tri thức được SV tự đánh giá là vận dụng thỉnh thoảng ĐTB = 2.21.
Đánh giá điểm trung bình về mức độ VDTX tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng điều khiển, điều chỉnh hành vi cảm xúc của mình và người khác giữa 2 SV năm 2 và SV năm 3 bằng Mann - Whitney cho kết quả, p = 0.089 > 0.05, có thể khẳng định không có sự khác biệt có ý nghĩa về điểm trung bình giữa SV năm 2 và SV năm 3.
3.3.2. Mức độ vận dụng thành thạo
Kết quả tính toán từ dữ liệu khảo sát cho thấy, mức độ VDTT tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng điều khiển và điều chỉnh cảm xúc ở SV chỉ ở mức độ trung bình (ĐTB = 2.02). Biết làm chủ diễn biến, tâm trạng, cảm xúc của bản thân khi LVN trong học tập được đánh giá là VDTT ở mức trung bình (ĐTB = 2.00). Biết chia sẻ và tạo ra cảm xúc tích cực khi tham gia LVN trong học tập được thành thạo ở mức độ trung bình (ĐTB = 2.01), trong đó, 32,1% thành thạo; 37,5% thành thạo ở mức độ trung bình và 30,4% không thành thạo. Biết điều chỉnh sự thể hiện cảm xúc cho phù hợp tình huống LVN trong học tập được đánh giá thấp nhất so với các tri thức khác trong nhóm (ĐTB = 1.99). Cụ thể ở SV, có 31,6% thành thạo, 36,3% khó nói và 32,1% không thành thạo.
Đánh giá mức độ VDTT tri thức về phương thức hành động khi LVN để hình thành kỹ năng điều khiển, điều chỉnh hành vi và cảm xúc dưới góc độ năm học bằng phương pháp kiểm định Mann-Whisney, cho kết quả p = 0.000 < 0.05, có thể kết luận, tồn tại mối quan hệ giữa mức độ VDTT tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng điều khiển, điều chỉnh hành vi cảm xúc với năm học. Cụ thể, SV năm 3 VDTT cao hơn SV năm 2 với 41,8% đánh giá ở mức độ 3, 46,8% mức độ 2 và 11,4% ở mức độ 1. Còn SV năm 2 con số này là 15,5% thành thạo, 39,6% thành thạo ở mức độ trung bình và 44,9% không thành thạo.
Xem xét mối liên hệ giữa ngành học và mức độ VDTT tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng điều khiển điều chỉnh hành vi cảm xúc, bằng phép kiểm định Chi-Square cho kết quả, p = 0.000 < 0.05, có thể kết luận có mối liên hệ giữa ngành học và mức độ VDTT ở KNLVN để hình thành kỹ năng điều khiển điều chỉnh hành vi cảm xúc. Cụ thể, ở SV ngành KTQT có tới 41,6% ở mức độ 1, 38,4% ở mức độ 2, 20% mức độ 3; khối SV ngành TCNH tỉ lệ phần trăm ở các mức độ lần lượt là 24,4%, 33,1% và 42,5%; còn ở SV ngành KTKT tỉ lệ thành thạo lại thấp hơn nữa, chỉ có 21,4% thành thạo, 55,1% thành thạo ở mức độ trung bình và 23,7% chưa thành thạo.
Đánh giá tương quan giữa mức độ VDTX và VDTT tri thức về KNLVN để hình thành kỹ năng điều khiển, điều chỉnh hành vi và cảm xúc, bằng phương pháp hệ số tương quan nhị biến Pearson, kết quả nhóm nghiên cứu nhận được p = 0.307 với mức ý nghĩa 99% có thể khẳng định 2 yếu tố này tồn tại mối tương quan thuận.
Như vậy, cả 3 kỹ năng thành phần của KNLVN trong học tập của SV đều được hình thành ở mức độ trung bình. Trong đó, kỹ năng lắng nghe tích cực được đánh giá cao nhất, kỹ năng điều khiển, điều chỉnh hành vi và cảm xúc của mình và người khác được đánh giá thấp nhất. Qua nghiên cứu cho thấy, KNLVN trong học tập của SV Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã được hình thành ở mức trung bình.
4. Kết luận và khuyến nghị chính sách
Kết quả nghiên cứu thực tiễn cho thấy: KNLVN trong học tập của SV hiện nay đạt ở mức độ trung bình; Có mối tương quan thuận giữa mức độ VDTX và VDTT tri thức về KNLVN để hình thành KNLVN trong học tập; Tồn tại mối liên hệ giữa mức độ VDTT các kỹ năng thành phần với năm học, ngành học và học lực. Cụ thể, SV năm 3 có mức độ KNLVN cao hơn năm 2. SV càng học ở lớp cao hơn, mức độ KNLVN trong học tập càng cao hơn. SV có học lực tốt thì có KNLVN tốt hơn SV có học lực kém.
Để giúp SV có kỹ năng tốt hơn trong quá trình LVN, nhóm nghiên cứu có một số kiến nghị sau:
- Tăng cường tổ chức các hoạt động đòi hỏi SV phải phát triển KNLVN nói chung và KNLVN trong học tập nói riêng.
- Về chương trình đào tạo cần tạo ra nhiều hoạt động cho SV LVN, tăng cường giờ LVN trên lớp cho SV; Thực hiện các giờ chuyên đề hay các buổi sinh hoạt ngoại khóa một cách đồng bộ và chú trọng vào việc phát huy khả năng LVN ở SV.
- Bồi dưỡng cho GV lý luận về KNLVN của SV trong học tập để họ vận dụng vào thực tiễn giảng dạy của mình một cách có ý thức.
- Ngoài ra, nhà trường cần tổ chức nhiều câu lạc bộ cho SV tham gia sinh hoạt để SV có cơ hội nâng cao được KNLVN của mình. Hoặc nhà trường nên tổ chức thành các phong trào thi đua, có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để kịp thời động viên, quan tâm SV đúng mức, nhằm uốn nắn được KNLVN cho SV.
- Giảng viên cần sắp xếp thời gian, tạo điều kiện cho SV LVN phù hợp với nội dung môn học và nội dung câu hỏi. Đồng thời, giảng viên cần theo dõi chặt chẽ, nhắc nhở kịp thời, có đánh giá khách quan đối với từng SV và với từng nhóm.
- GV thường xuyên cung cấp kiến thức cần thiết về hoạt động nhóm, KNLVN trong học tập cho SV.
- Tự giác tham gia LVN trong học tập và làm việc nhóm trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.
- Trong quá trình LVN, bản thân SV cần tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo, không ỷ lại người khác.
- Mỗi SV tự xây dựng cho mình ý thức LVN nghiêm túc, hiểu đúng, đủ nhiệm vụ của nhóm và của từng thành viên trong nhóm.
- Để LVN có hiệu quả hơn, SV cần chuẩn bị bài ở nhà trước một cách cẩn thận trước khi tham gia LVN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Abbas Abdoli Sejzi, Baharuddin Aris, Chan Pey Yuh (2013). Important Soft Skills for University Students in 21th Century. Processing at 4th International Graduate Conference on Engineering, Science, and Humanities Universiti Teknologi Malaysia (UTM), April 16-17th, (pp. 1088-1093). Johor, Malaysia.
- Dolmans, D., Michaelsen, L., Van Merrienboer, J., & van der Vleuten, C. (2015). Should we choose between problem-based learning and team-based learning? No, combine the best of both worlds! Medical teacher, 37(4), 354-359.
- Hrynchak, P., & Batty, H. (2012). The educational theory basis of team-based learning. Medical teacher, 34(10), 796-801.
- Leisey, M., Mulcare, D., Comeford, L., & Kudrimoti, S. (2014). Exploring Team-Based Learning at a State University. Interdisciplinary Journal of Teaching and Learning, 4(3), 172-185.
- Phạm Hoàng Tài (2010). Kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên Trường Đại học Đà Lạt. Luận văn thạc sỹ Tâm lý học, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Thompson, B. M., Haidet, P., Borges, N. J., ... & Levine, R. E. (2015). Team cohesiveness, team size and team performance in team-based learning teams. Medical education, 49(4), 379-385.
EVALUATING THE TEAMWORK SKILLS
IN LEARNING ENVIRONMENT OF STUDENTS STUDYING
AT THE BANKING UNIVERSITY OF HO CHI MINH CITY
• DUONG THI THANH HAU1
• NGUYEN THI TRANG NHUNG1
1Banking University of Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This study evaluates the teamwork skills in learning environment of students studying at the Banking University of Ho Chi Minh City (BUH). In this study, 408 second year and third year students who are major in Finance and Banking, Accounting and Auditing, and International Economics were interviewed. This studys results show that the teamwork skills in learning environment of students including active listening, coherent presentation and emotional regulation skills, are quite weak. Based on the studys findings, some recommendations are made to help the BUH improve the teamwork skills of its students in school.
Keywords: skills, teamwork skills in learning environment, the Banking University of Ho Chi Minh City.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]