Đánh giá những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội Việt Nam

ThS. PHẠM VŨ ÁNH DƯƠNG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Đến nay, sau hơn 2 năm chống dịch, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Bài viết đánh giá những tác động của đại dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội thời gian vừa qua, đồng thời đưa ra giải pháp cho giai đoạn “bình thường mới”.

Từ khóa: Covid-19, ảnh hưởng, giáo dục, du lịch, hậu quả, bình thường mới.

1. Tác động đến kinh tế - xã hội

Covid-19 đã để lại những hậu quả nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội Việt Nam với tác động nhiều chiều đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của toàn dân, doanh nghiệp, cùng hỗ trợ của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương khiến những ảnh hưởng này đã dần sụt giảm.

Ảnh hưởng đầu tiên đối với ngành Du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, Du lịch Việt Nam đã thiệt hại trong “khoảng từ 6 - 7 tỷ USD” trong 2 quý cuối năm 2021, bởi riêng du khách Trung Quốc đã giảm từ 90 - 100%. Ngoài khách du lịch Trung Quốc, theo ước tính của các cơ quan chức năng, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam cũng giảm mạnh, khoảng 50 - 60% trong giai đoạn có dịch. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã "tàn phá"’ ngành du lịch suốt hơn 2 năm qua. Cụ thể, nếu như năm 2019 (chưa xảy ra COVID-19), tổng thu từ khách du lịch 755.000 tỷ đồng, đến năm 2020 chỉ còn 312.00, giảm 58,7% so với năm trước đó, năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 180.000 tỷ đồng, giảm 42,3% so với năm 2020. Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2022, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch; trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng. Hiện nay, đã có những tín hiệu tích cực ban đầu đối với ngành du lịch. Tính chung quý 1 năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng tháng Ba vừa qua, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 41.700 lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý 1 vừa qua tăng 1,2%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch. Theo dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights, từ đầu năm đến cuối tháng Ba vừa qua, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam (đối với hàng không và cơ sở lưu trú) đang tăng rất nhanh, được xếp vào nhóm tăng cao nhất trên thế giới, đạt trên 75%. Các điểm đến của Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất có thể kể đến Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu… Đây đều là những trung tâm du lịch, điểm đến nổi tiếng của Việt Nam.

Sau Du lịch, Hàng không là ngành phải chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19. Trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, với ngành Hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019. Đợt dịch COVID-19 lần 3 bùng phát dịp Tết năm 2021 khiến doanh thu ngành Hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự báo quý I/2021 đã lỗ khoảng 4.800 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỷđồng. Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất - kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, nhưng hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này vẫn tiếp tục khó khăn trong năm 2021. Tuy nhiên, cho đến nay, khi các đường bay bắt đầu được mở lại và ổn định, các hãng hàng không đang dần từng bước vận hành lại như trước đây.

Về xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, sự sa sút về kinh tế cũng như đóng cửa biên giới tạm thời của Trung Quốc cũng tác động làm gián đoạn quan hệ giao thương của nước này với thế giới, trong đó có Việt Nam. Tình trạng XNK bị đình trệ khiến thu thuế XNK - một nguồn thu ngân sách quan trọng, cũng bị tác động rõ rệt. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết kim ngạch XNK các mặt hàng có số thu lớn (máy móc, thiết bị, sắt thép, xăng dầu,...) đều giảm. Trong đó, ô tô nguyên chiếc các loại ghi nhận lượng sụt giảm kỷ lục nhất khi tháng 2-2021 chỉ có 6.000 xe được nhập về, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2020. Mặt hàng xăng dầu nhập khẩu cũng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020, khi chỉ đạt 650.000 tấn. Ngoài ra, máy móc, thiết bị, phụ tùng có giá trị nhập khẩu 2,5 tỷ USD, giảm gần 4% so với tháng 1. Sắt thép nhập khẩu các loại cũng giảm gần 9% sản lượng, chỉ đạt 900.000 tấn. Năm 2021, số thu ngân sách được giao của Hải quan là 338.000 tỷ đồng, như vậy mỗi tháng phải thu gần 28.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, cùng nỗ lực của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, hoạt động xuất khẩu đã vượt qua thách thức để bứt phá với kết quả ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu của nước ta đã tăng dần trong năm 2021.

Theo số liệu ước liên Bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%. Đây là kết quả tích cực so với kịch bản được đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng trưởng xuất khẩu năm 2021 là 4-5%).

Dịch Covid-19 cũng đã tác động rất lớn đến ngành Giáo dục - Đào tạo của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ khi dịch bùng phát đến nay, tất cả các trường học và cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và tư thục đã phải dừng việc dạy và học trực tiếp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải sắp xếp lại kế hoạch các kỳ thi và đánh giá chất lượng với mọi cấp học. Theo đó, Bộ đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung về khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trong đó, lùi thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020; thi Trung học phổ thông quốc gia từ ngày 08/8 đến 11/8/2020. Hệ thống các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đã chủ động triển khai công tác giảng dạy, đào tạo online, E-learning để giảm bớt việc tập trung đông người, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Một số cơ sở đào tạo có chính sách ưu đãi, giảm 15-20% học phí cho toàn bộ học sinh, sinh viên để chia sẻ gánh nặng với người học, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên và phụ huynh. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục dưới sự tác động của dịch Covid-19 đang gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn và các ảnh hưởng tiêu cực khó lường khác.

2. Giải pháp trong giai đoạn “bình thường mới”

Đến thời điểm hiện nay, dịch bệnh Covid-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều bệnh nhân dương tính với vi-rút đã được điều trị, trở lại cuộc sống bình thường. Những tín hiệu vui mừng đó chính là “liều thuốc tinh thần” hữu hiệu giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, học tập,… Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh nhiều nước trên thế giới… lại có những biến động bất thường, với số ca nhiễm mới và tử vong có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, chúng ta vẫn luôn phải sẵn sàng với những giải pháp vừa phục hồi kinh tế vừa giữ tinh thần phòng dịch. Tác giả xin đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn “bình thường mới”.

Một là, rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt,...  điều chỉnh chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất - kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ. Đây là những giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sau thời gian gặp khó khăn bởi dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu cho doanh nghiệp đi vào sản xuất, tránh giá thành sản phẩm bị đẩy cao do chi phí đầu vào.

Hai là, đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đồng thời bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh biên giới để hoạt động thông quan hàng hóa được thuận lợi.

Ba là, về lĩnh vực du lịch, hàng không. Ngay sau khi hết dịch, cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cấp quốc gia; phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp về du lịch xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa; tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước; mở rộng diện xét và cải tiến thủ tục cấp thị thực điện tử, đề xuất việc miễn phí thị thực đối với khách du lịch đi theo Chương trình du lịch. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành Hàng không; rà soát, xử lý đúng pháp luật về giảm giá, phí, lệ phí, chi phí của ngành Hàng không.

Bốn là, về lĩnh vực tín dụng, tài chính, thuế. Các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).

Ban hành chính sách về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chi ngân sách Nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Mạnh Hùng và cộng sự (2020), Tác động của đại dịch Covid-19 đến các cơ sở sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Việt Nam và các khuyến nghị chính sách (pp. 31- 42).
  2. LIN, B. xi, & ZHANG, Y. Y. (2020). Impact of the COVID-19 pandemic on agricultural exports. Journal of Integrative Agriculture, 19, Issue 12, pp. 2937 - 2945. https://doi.org/10.1016/S2095-3119(20)63430-X
  3. Aday, S., & Aday, M. S. (2020). Impact of COVID-19 on the food supply chain. Food Quality and Safety, 4, Issue 4, pp. 167- 180. https://doi.org/10.1093/fqsafe/fyaa024).
  4. Hiếu NT, Anh TT, Đông ĐT & Tùng HS (2020), Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp: nghiên cứu thực tiễn ở miền Bắc Việt (p. 63). http://ktpt.neu.edu.vn/Uploads/Bai bao/2020/So 274/379215.pdf

Assessing the impacts of the COVID-19 pandemic on Vietnam’s socio-economy Master. Pham Vu Anh Duong

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

After more than 2 years of fighting against the COVID-19 pandemic, Vietnam had controlled the fourth COVID-19 wave and the country is turning into the new nornal. This paper assesses the impacts of the COVID-19 pandemic on Vietnam’s socio-economy and proposes some solutions for the country in the new normal.

Keywords: COVID-19, effects, education, travel, consequences, the new normal. 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]